BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73317)
(Xem: 62232)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chúng ta là tù nhân của thế giới này (4) : Một trường hợp loạn chuẩn

24 Tháng Ba 20227:30 SA(Xem: 1352)
Chúng ta là tù nhân của thế giới này (4) : Một trường hợp loạn chuẩn
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Lậy chúa, có thể tin được không, rằng ngay Solzhenitsyn, tác giả Nobel Văn chương năm 1970, người đã kịch liệt lên án sự phi nhân của chế độ cộng sản trong “Tầng đầu địa ngục”, “Quần đảo ngục tù”, “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich”, những tác phẩm rất quen thuộc với sinh viên miền Nam trước 1975 mà hồi nhỏ chỉ nghe nhắc tựa là tôi luôn suýt soa kính nể, chính Solzhenitsyn đó dù cuối cùng đã thoát khỏi hang nhưng rồi cũng đã lại quay về chính cái hang đó, quay về và “loạn chuẩn”!

Solzhenitsyn (1918 – 2008) quá nổi tiếng, hầu như không ai không biết, nên ở đây ta hãy bỏ qua phần tiểu sử mà đi ngay vào các điểm chính sẽ bàn tới trong bài: Khi Đệ Nhị Thế Chiến nổ ra, như bao nhiêu thanh niên yêu chế độ Xô viết khác thời bấy giờ, ông đã gia nhập Hồng quân, làm đến chức đại úy trong một đơn vị pháo binh có nhiệm vụ xác định toạ độ của hoả lực quân Đức để pháo binh Liên Xô tập trung tiêu diệt.

Theo lời ông kể trong “Quần đảo ngục tù”, khoảng tháng 2 năm 1945 và chỉ “mười hôm trước tôi vừa lập chiến công cho Lữ đoàn. Đơn vị kẹt trong một trận địa pháo, ... mà trọn pháo đội nhẹ của tôi rút ra an toàn”, vậy mà ông đã bị Cơ quan Mật vụ Liên Xô lột lon ngay trên trận địa, bị kết tội “phản động, kẻ thù của chế độ, của nhân dân, phản quốc” và bị bắt tù khổ sai 11 năm.

Lý do? Càng về cuối cuộc chiến, Solzhenitsyn càng mất ảo tưởng về huyền thoại hào hùng lãng mạn của Hồng Quân Liên Xô khi chứng kiến cảnh binh lính của Đệ nhị Binh đoàn Bielorussia, trong khi tiến đánh thọc sườn vào phía đông nước Đức, đã hãm hiếp và sau đó bắn bỏ các phụ nữ là người Đức trong những vùng họ đi qua như một cách trả thù.

Tội ác này được ông kể lại trong một trường thi có tên Прусские ночи (“Đêm Phổ quốc), ghê tởm nhất có lẽ là đoạn tả một người nông dân vô sản Đức vui mừng đem bánh mì và muối đến chào mừng đoàn quân “giải phóng” nhưng ông đã bị bắt vì bị cho là gián điệp, số phận của vợ và đứa con gái nhỏ của ông thì càng thê thảm:

Дом не жжен, но трепан, граблен.
Чей-то стон стеной ослаблен :
Мать – не на смерть. На матрасе,
Рота, взвод ли побывал –
Дочь-девчонка наповал.
Сведено к словам простым:
НЕ ЗАБУДЕМ ! НЕ ПРОСТИМ!
КРОВЬ ЗА КРОВЬ и зуб за зуб!

Dịch ý:

Nhà chẳng đốt, chúng chỉ cướp
Sau bức vách vọng lại tiếng rên:
Người mẹ bị bắn đang thoi thóp
Em gái nhỏ phơi mình trên đệm
Em đã chết. Bao đứa đã đè lên?
Một trung đội, hay toàn đại đội?
Chúng biến em thành đàn bà
Rồi biến đàn bà thành xác chết
Chúng giải thích rất giản đơn:
“Nhớ đừng quên, chớ tha thứ
Máu trả máu, răng trả răng”

Sự bất mãn của Solzhenitsyn còn được thấy rõ qua một lá thư ông viết riêng cho một bạn đồng ngũ trong đó ông phê bình cung cách Stalin đang tiến hành chiến tranh cũng như qua các bàn bạc kín của ông với anh này về sự cần thiết phải có một tổ chức thay thế cho chế độ Xô viết. Hai lý do vừa kể là nguyên nhân chính khiến ông bị bắt như đã nói ở trên.

Được trả tự do năm 1956 dưới thời Khrushchev, nhưng khi Khrushchev bị truất phế vào năm 1964, Solzhenitsyn lại rơi vào vòng ngắm của Mật vụ Liên Xô. Sau khi một số bản thảo bị chính quyền tịch thu, ông phải sáng tác trong bí mật, mỗi lần viết xong là đưa bạn bè cất giấu. Mật vụ thậm chí còn tính ám sát ông bằng thuốc độc khiến ông ngã bệnh kịch liệt nhưng may không mất mạng.

Năm 1974, Solzhenitsyn bị chính quyền Liên Xô tống khứ qua Tây Đức. Ở đây ông sống tạm trong nhà của Heinrich Böll, tác giả tiểu thuyết “Người ở đâu về” đã được dịch ra Việt ngữ ở Sài Gòn trước 1975, nổi tiếng chắc chỉ sau Erich Maria Remarque. Sau đó ông sang sống ở Thụy Sĩ trước khi qua định cư hẳn ở tiểu bang Vermont, Hoa Kỳ trong suốt 20 năm. Dù đã ở ngoại quốc, Solzhenitsyn vẫn tiếp tục bị chính quyền Xô viết khủng bố thông qua các lãnh sự quán Liên Xô ở các nước sở tại.

Một người đã bị tước tự do, bị tù đày khổ sai suốt một thời tuổi trẻ như Solzhenitsyn hẳn sẽ phải yêu quý tự do rất mực, cũng như sẽ chống lại mọi hình thức của độc tài. Tuy nhiên, Svetlana Alexievich đã chỉ ra: “tự do... là thứ đã phát triển hàng trăm năm... Tự do đòi hỏi phải có con người tự do, mà chúng ta thì không phải. Chúng ta rời khỏi trại Xô viết, nơi chúng ta đã ngồi suốt 75 năm. Song một người nô lệ thì không thể ngay lập tức trở nên tự do chỉ bằng cách vượt ra ngoài cổng trại...”

Không biết những gì Svetlana Alexievich phát biểu có ứng với trường hợp của Solzhenitsyn hay không, nhưng theo dõi các ứng xử của ông trong suốt những năm ông sống ở phương Tây cũng như sau này khi trở về Nga, ta thấy một điều rất rõ ràng là sau khi đã thoát ra khỏi chế độ gông cùm và được thoải mái tiếp xúc với thế giới tự do, ông đã bị “shock văn hoá” khiến trong rất nhiều trường hợp ông như bị “loạn chuẩn”, một sự loạn chuẩn kéo dài cho đến ngày ông qua đời.

Chẳng hạn, trong 20 năm ở Mỹ, dù luôn được chào đón và được sống giữa một xã hội mở, Solzhenitsyn luôn tự khép kín. Trong các dịp được mời phỏng vấn hoặc diễn thuyết, ông một mặt đã bộc lộ sự thù ghét thói ngồi xổm lên luật pháp ở những nước cộng sản nhưng mặt khác ông lại phê phán tinh thần triệt để hành xử theo pháp luật ở phương Tây. Tương tự, ông công khai ghét cay ghét đắng độc tài cộng sản nhưng lại ngấm ngầm bài Do Thái và cho rằng chế độ phát xít của Franco ở Tây Ban Nha là không đến nỗi nào!

Về tinh thần tự do dân chủ, Solzhenitsyn cũng tỏ ra rất loạn chuẩn: Ông yêu cung cách thực thi dân chủ từ dưới lên trên như kiểu “town hall meeting” ở Mỹ (mọi vấn đề đều được bàn bạc tranh cãi ở cấp địa phương trước khi thành luật, ngay cả vấn đề chọn ứng viên tổng thống) nhưng lại ủng hộ một chính quyền trung ương mạnh tay từ trên chỉ đạo xuống. Ông tin vào sự lành mạnh và sức mạnh của tinh thần tự do, chẳng hạn như tự do ngôn luận, nhưng lại khiếp hãi những biến tướng hoàn toàn có thể đoán trước được của nó.

Đặc biệt lạ là ông không hiểu tại sao lại phải đặt nặng vấn đề nhân quyền. Đối với ông, vấn đề trách nhiệm con người quan trọng hơn nhiều. Nói cách khác, Solzhenitsyn không đồng ý với việc cho phép con người “được là nó” mà muốn rèn cặp để nó trở thành “cái nên là”! Chính vì thấy con người phương Tây, bao gồm cả ở Mỹ, chỉ được khuyến khích “được là nó” chứ không phải là “cái nên là”, nên ông cho rằng con người tự do của Phương Tây rất yếu về mặt tinh thần và sẽ không dám đứng lên khi cần bảo vệ cái đúng!

Solzhenitsyn-putin
Về tương lai của nước Nga, ông kêu gọi nước này hãy buông bỏ những ám ảnh bị xâm lược nhưng lại đề cao tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan, khuyên Moscow trả lại độc lập cho các nước chư hầu cũ ở vùng ngoại biên của Liên Bang Xô Viết nhưng lại từ chối để Belarus và Ukraina được hưởng quyền tự quyết. Thậm chí ông còn bỏ qua quá khứ sĩ quan mật vụ cộng sản của Putin và ca ngợi sự đắc cử tổng thống của ông này như một chỉ dấu nước Nga đang tìm lại được chính mình!

Kể từ ngày Putin xua quân đánh Ukraina, toàn thể thế giới tự do đã đồng loạt lên án hành động xâm lược của Putin, bao gồm cả những nước có truyền thống trung lập lâu đời. Nếu đây là cách để “nước Nga đang tìm lại được chính mình” như Solzhenitsyn đã tiên đoán thì ông đã sai! Ông cũng đã rất sai khi nhận định con người tự do của Phương Tây rất yếu về mặt tinh thần. Không biết nếu còn sống, ông có nhận ra những sai lầm của mình không? Chắc là không bởi trong bản chất ông chưa phải là một con người tự do đúng nghĩa.

Tự do, để nó có thể trở thành một sức mạnh tinh thần, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và lòng can đảm. Trách nhiệm đối với bản thân mình và trách nhiệm đối với những người khác, can đảm để dám đứng lên bảo vệ điều mình tin là đúng và can đảm để dám nhận mình sai. Cả hai điều này không thể học được trong một sớm một chiều mà đòi hỏi một sự tự rèn luyện đôi khi kéo dài cả trăm năm như nhận xét của Svetlana Alexievich. Tiếc rằng chế độ hang động đã tước đoạt của Solzhenitsyn cái trăm năm đó...

Khuông Tạ
Nguồn : Facebook
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn