BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73340)
(Xem: 62241)
(Xem: 39426)
(Xem: 31173)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chúng ta là tù nhân của thế giới này (3) : Sự loạn chuẩn

24 Tháng Ba 20227:22 SA(Xem: 748)
Chúng ta là tù nhân của thế giới này (3) : Sự loạn chuẩn
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Kể từ “Ghi” của Trần Dần đến nay đã hơn 60 năm. Trong khoảng thời gian dài này, chính quyền Việt Nam đã phần nào “nới xiềng” để chứng tỏ mình cũng tôn trọng những giá trị phổ quát về tự do dân chủ của nhân loại tiến bộ. Trong khi một số người vẫn chọn ở lại “hang động” vì sợ thay đổi sẽ làm xáo trộn cái trật tự cũ tuy biết đã rệu rã nhưng họ cũng đã quen rồi, nhất là cũng đã đạt được một thế đứng tương đối an toàn và thoải mái, thì một số khác đã nhân cơ hội này muốn “giã biệt bóng tối” (tựa của một tác phẩm của Tạ Duy Anh). Nhóm một “bảo hoàng hơn vua” thì chẳng còn gì thêm để nói, nhưng với nhóm hai, câu hỏi đặt ra là liệu việc giã biệt bóng tối có dễ dàng không? Trong một cuộc phỏng vấn, Svetlana Alexievich, tác giả người Belarus, sáng tác bằng tiếng Nga, giải Nobel Văn chương năm 2015, đã phát biểu rất đáng cho ta phải suy nghĩ, như sau:

“Tôi còn nhớ những năm 1990, chúng tôi tập trung ở quảng trường các nước hậu Xô viết với những khẩu hiệu “tự do.” Tự do sẽ giống như các cửa sổ trưng bày đẹp đẽ ở phương Tây. Mọi người có tủ lạnh, lò vi sóng, xe hơi, v.v. – những dấu hiệu của đời sống tư bản mới. Không ai biết tự do thực sự là gì. Không ai biết tự do không chỉ là một chiếc tủ lạnh đầy ắp – mà nó là thứ đã phát triển hàng trăm năm qua ở chẳng hạn như Đức hoặc Pháp. Tự do đòi hỏi phải có con người tự do, mà chúng ta thì không phải. Chúng ta rời khỏi trại Xô viết, nơi chúng ta đã ngồi suốt 75 năm. Song một người nô lệ thì không thể ngay lập tức trở nên tự do chỉ bằng cách vượt ra ngoài cổng trại, bởi anh ta vẫn mang một tâm lý nô lệ.” (Trích “Nina L. Khrushcheva phỏng vấn Svetlana Alexievich”, bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng).

Theo quan sát của cá nhân tôi, vấn nạn lớn nhất của Việt Nam hiện nay chính là nằm ở điều mà Svetlana Alexievich đã chỉ ra, đó là sự chao đảo, bập bênh giữa ý hướng thử nghiệm dân chủ của chính quyền, khao khát tự do của người dân và sư trượt về những cung cách ứng xử và suy nghĩ của một thời “hang động” cũ, ở nhóm này thì do quyền lợi, ở nhóm kia thì do tình cảm cá nhân, còn ở nhóm khác thì như một quán tính. Kết quả là trong khá nhiều những gì họ làm, nghĩ, nói, hoặc viết ra, nếu quan sát một cách hệ thống, thường “loạn chuẩn”, hiểu theo nghĩa thiếu hẳn sự dẫn dắt của một nhân sinh quan và vũ trụ quan nhất quán: Thay vì dùng một hệ quy chiếu duy nhất, thống nhất và xuyên suốt, họ có khuynh hướng sống, nói năng, hành động cũng như nhìn nhận, đánh giá những sự việc khác nhau theo những hệ giá trị khác nhau, đôi khi hoàn toàn trái nghịch.

Sự “loạn chuẩn” không phải hiếm thấy ở nhiều nơi trên thế giới sau mỗi biến động mạnh về kinh tế-chính trị-xã hội, nhưng trong khi ở các nơi đó sự loạn chuẩn thường biến mất sau một thời gian ngắn do tính tự điều chỉnh của cơ chế tự do dân chủ lành mạnh và có truyền thống lâu đời, thì ở Việt Nam nó lại tồn tại khá lâu và không biết đến bao giờ mới chấm dứt, lý do chính có lẽ là vì họ vẫn buộc phải tiếp tục sống trong một cơ chế nơi mà sự áp chế tuy có được nới lỏng đôi chút nhưng vẫn chưa và không biết đến bao giờ thì mới hoàn toàn bị phá bỏ. Các biểu hiện của sự loạn chẩn này rất đa dạng và có thể được quan sát thấy ở mọi tầng bậc từ cao nhất đến thấp nhất trong đời sống xã hội Việt Nam đương đại, bao gồm không những chỉ năm giới “có quyền, có tiền, có tiếng, có bằng, và có chữ” như Giản Tư Trung đã điểm danh mà còn cả ở giới “đại chúng” luôn chịu sự dẫn dắt của tất cả các giới trên nữa.

taoracduongchukhongphairacmuoin
Biểu hiện loạn chuẩn ở giới có quyền có tần suất đặc biệt cao, từ đàn áp bắt bớ những người phản biện xã hội, cưỡng đoạt đất của dân không trên cơ sở đồng thuận về đền bù giải toả nhưng miệng thì ra rả đất nước “có bao giờ được thế này không”, đến việc phòng chống dịch bằng các biện pháp phớt lờ nhân quyền trầm trọng như “yêu nước là ở đâu ở yên đấy” nhằm từ chối cái quyền chính đáng của công dân Việt Nam đang sinh sống làm ăn ở các nước khác được quay trở về quê hương lánh dịch, đến việc xua quân đi săn lùng và cưỡng bức cách ly những người bị nghi nhiễm, ép buộc người dân phải làm xét nghiệm bằng test kit giả, lock-down vô tội vạ mà không có kế hoạch an sinh xã hội kịp thời khiến dân lao động nhập cư phải bỏ chạy tháo thân khỏi các thành phố lớn để tránh cảnh “chưa chết vì dịch thì đã chết vì đói”.

Loạn chuẩn mới đây nhất ở giới cầm quyền là bỏ phiếu trắng khi Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết phản đối cuộc chiến tranh xâm lược phi nhân của Putin chống lại Ukraina. Không những thế, giới cầm quyền lại còn dung dưỡng một đạo quân dư luận viên nhằm hướng dẫn dư luận ngả theo ý mình, thậm chí còn chỉ thị cho ngành giáo dục của chắc không chỉ riêng Hải Phòng phải “định hướng, tuyên truyền, theo dõi, nắm bắt dư luận xã hội về tình hình Nga – Ukraina... nhằm đối phó với việc tin tức về cuộc chiến tranh đang được truyền tải theo hướng thân Phương Tây, và kéo theo đó là những phát ngôn, bình luận chống phá Đảng trên mạng xã hội” và “yêu cầu các cơ sở giáo dục báo cáo nếu phát hiện các trường hợp vi phạm”. Sự loạn chuẩn này thực sự khiến người ta khó hiểu trong bối cảnh Việt Nam vẫn liên tục phải đối phó với nguy cơ xâm lăng từ Trung Cộng.

Biểu hiện loạn chuẩn ở các giới còn lại cũng nhiều không kém và không kể hết, chỉ xin điểm danh vài trường hợp, ưu tiên những ca hài hước: Về giới “có tiền”, nổi nhất là vụ chụp hình lưu niệm với thánh tổ vô sản xong thì kéo nhau đi xơi bò dát vàng. Tiếp sau là việc bà chủ tịch và CEO của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air tặng hơn 150 triệu bảng Anh cho Đại học Oxford, một món tiền tặng lớn nhất cho đại học này trong 500 năm qua. Giới “có tiếng”, để sự khu biệt được rõ, chỉ xin khoanh vùng trong các vị chức sắc nay đã nghỉ hưu và “phản tỉnh” bằng cách tuyên bố ra khỏi Đảng và tích cực tham gia các hoạt động phản biện xã hội. Về khía cạnh này, họ đáng được trân trọng. Tuy nhiên ở họ đôi khi vẫn có thể thấy các dấu hiệu “loạn chuẩn” khi một mặt họ tuyên bố bỏ Đảng vì thấy nó có hại cho tiền đồ dân tộc nhưng mặt khác lại lúc lúc bỏ nhỏ một câu “khen” Đảng và chính quyền ngay cả lúc chẳng có lý do chính đáng nào để khen ngợi cả.

Chẳng hạn việc tuần qua ông Phạm Minh Chính đến Nha Trang dâng hương tại Đài tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tức tưởi vì lệnh cấm bắn trả quân xâm lược Trung cộng trên đảo Gạc Ma, GS. Mạc Văn Trang lập tức có bài viết với tựa chữ in “HOAN HÔ THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH!” và câu mở đầu “Tôi thật sự xúc động thấy...” Thật không hiểu nổi. Việc tưởng niệm này lẽ ra nhà nước phải làm từ rất lâu rồi như một sám hối với tổ quốc, còn vì lý do gì đó mà đến nay mới làm thì lẽ ra phải phê phán chứ sao lại hoan hô? Rồi cách đây hai ngày, khi lư hương Đức Thánh Trần được trả về chỗ cũ sau rất nhiều sự rủa sả của người dân, GS. Trang cũng “hồ hởi” thông báo bằng câu chữ in “Thêm MỘT LẦN ĐẢNG BIẾT NGHE DÂN, SỬA LỖI LẦM!” Chắc vị tiến sĩ tâm lý học nghĩ ông Thủ tướng và Đảng CS cũng tựa như đám trẻ nít và cách “giáo dục” tốt và hiệu quả nhất “theo đúng lý thuyết” là thông qua những lời động viên khen ngợi?

Giới có bằng, mỗi khi nghe ai nhắc tới, là khiến tôi nghĩ ngay đến GS sử học Phạm Hồng Tung, Chủ biên chương trình lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông. Ông GS này một mặt khẳng định “cần tránh che giấu sự thật trong giảng dạy về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Cộng” nhưng mặt khác lại cho rằng “đây là vấn đề nhạy cảm nên cần phải cẩn thận” và đề nghị “giới sử học của hai nước nên ngồi lại, thảo luận những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề liên quan đến lịch sử hai nước”! Ông còn nhấn mạnh khi viết sử chúng ta “cần tuyệt đối tránh... các ngôn từ biểu cảm, miệt thị, như “chúng”, “quân địch”, “giặc”, “dã man”, “tàn bạo”, “khát máu” … không hề giúp cho các lập luận, phân tích, đánh giá gia tăng tính thuyết phục, trái lại, làm bộc lộ rõ thái độ định kiến, áp đặt, phiến diện, thiếu khách quan..."

Không biết ông GS sử học này muốn “thuyết phục” ai? Người Việt Nam thì chẳng ai cần ông thuyết phục họ về cái “dã man”, “tàn bạo” của “giặc” Tầu cả. Hay ông muốn “thuyết phục” mấy ông bạn vàng để họ vui? Ông là người Việt mà lại đi lo lắng cho cái sự an vui của bọn lúc nào cũng lăm le cướp nước ông thì quả thật không còn sự loạn chuẩn nào hơn! Dĩ nhiên, cái loạn chuẩn của những người như GS Tung có thể được dễ dàng quan sát thấy bởi họ hay phát biểu công khai trên đài, trên báo. Còn rất nhiều vị “có bằng” khác thì khôn ngoan hơn: Họ luôn im lặng. Tôi đã chờ để nghe dù chỉ một câu ngắn hoặc để thấy dù chỉ một động tác nhỏ từ phía họ để chắc chắn rằng họ chưa quên cái nhiệm vụ tối quan trọng của một trí thức là phản biện xã hội. Nhưng tôi đã chờ vô ích: Thay vì là trí “thức” thì họ nhất định “ngủ”. Không biết đến bao giờ thì những vị “có bằng” này mới hiểu rằng sự im lặng của họ là một sự loạn chuẩn đáng xấu hổ?

Khuông Tạ
Nguồn : Facebook
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn