46 năm là gần tròn nửa thế kỷ nhưng sự kiện ngày 30 tháng Tư hàng năm vẫn là thời sự nóng. Có lạ không?
Nếu xã hội hiện tại tốt đẹp thì chẳng ai thèm nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa làm gì. Nhưng vì biển máu đã đổ ra nên phải nhắc lại để so sánh. Công sức, của cải mất thì có thể làm lại nhưng núi xương sông máu đã đổ ra mà đất nước đang băng hoại mọi mặt, đặc biệt về đạo đức, thì phải cay đắng, nếu không muốn nói là kẻ chủ xướng phải chịu trách nhiệm. Đây là đang nói về bên thắng cuộc chứ chưa phải bên thua cuộc!
Đầu tiên thuộc về lớp người trẻ phía Bắc được sinh ra vào thời điểm năm 1975. Hoặc trước đó chừng 10, 15 năm bây giờ có thể đã là ông/bà nếu lập gia đình sớm. Lớp người nầy là lớp người Xã Hội Chủ Nghĩa. Họ từng quàng khăn đỏ hát “đêm qua em mơ gặp bác Hồ…”. Và tên tuổi những Cù Chính Lan, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé…(nhiều lắm) cho đến tính sắt máu “thề phanh thây uống máu quân thù…” trong lễ chào cờ thì… không ai không biết.
Chị Nguyễn Thúy Hạnh, người của bên thắng cuộc, mới bị công an bắt giam cách đây hơn tuần, trong lớp tuổi đó.
Chị bị bắt vì 2 lý do. (1) Chị là linh hồn của Quỹ 50K dùng để giúp Tù nhân lương tâm. (2) Chị có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng nên tài khoản phúng điếu ông Lê Đình Kình, người đảng viên già bị đảng xử tử ngay tại phòng ngủ của ông trong một cuộc hành quân qui mô có đến 3000 cảnh sát cơ động tấn công ban đêm vào xã Đồng Tâm, nhanh chóng nhận được hơn nửa tỉ đồng, Hà Nội phải ra lệnh ngân hàng đóng băng tài khoản.
– Tù nhân lương tâm là những người dám đứng ra nói lên sự thật. Sự thật mà người dân bị cộng sản nhân danh “độc lập, tự do, hạnh phúc” để che giấu, lừa gạt suốt cuộc nội chiến cốt nhục tương tàn 1954 – 1975. Ví dụ trường hợp Thi sĩ Trần Đức Thạch với bài Hố Chôn Người Ám Ảnh. Số người nầy tranh đấu trong ôn hòa. Hoàn toàn không bạo động. Họ chỉ là số rất ít có đủ dũng khí trong số hàng triệu người. Thế nhưng cộng sản gán ghép họ vào tội “lật đổ chính quyền” với những bản án vô nhân đạo, không riêng gì người Việt mà cả thế giới đều ngạc nhiên.
– Còn với ông Lê Đình Kình lẽ ra chẳng ai biết, vì ông cũng như hàng trăm ngàn nông dân khác, cả đời đều gắn bó với làng mạc đồng quê. Thế nhưng cứ tưởng là đảng thực sự chống tham nhũng nên ông lãnh đạo toàn xã quyết đấu tranh giữ đất đồng Sênh và phải trả giá bằng chính mạng sống, kể cả 2 cái án tử hình của con trai và án chung thân của đứa cháu.
Giữa lúc có một số tổ chức Nhân quyền thế giới lên tiếng đòi Hà Nội phải trả tự do ngay cho chị Nguyễn Thúy Hạnh, được dư luận người Việt chia sẻ, thì ai đó trưng ra tấm ảnh chị giương cờ đỏ trong một lần xuống đường chống Tàu cộng. Cách cầm lá cờ của chị khá giống các vận động viên cầm cờ sau khi thắng trận chạy quanh cầu trường. Thế là “trận chiến” cờ vàng vs cờ đỏ lại bùng ra. Cả hai phe lao vào mạt sát nhau thậm tệ.
Cờ vàng mất cùng với VNCH cho dù trước đó đã hiện diện tại Liên hiệp quốc. Hiện tại cờ vàng chỉ còn là căn cước của người miền Nam chống cộng. Căn cước, vì đó là chân dung chính xác nhất để xác nhận một cá nhân, có giá trị về luật pháp. Nhưng căn cước Cờ Vàng mang tính thiêng liêng. Mà thiêng liêng khi bị xúc phạm thì phản ứng cũng giống như tôn giáo.
Còn cờ đỏ hiện tại là VN. Cờ đỏ đang hiện diện tại Liên hiệp quốc. Nói cách khác thì cờ đỏ là căn cước VN, có giá trị pháp lý. Thế giới hiện tại chỉ biết cờ đỏ, vì cờ vàng đã biến mất gần nửa thế kỷ không mấy ai còn nhớ.
Vậy thì giữa lúc người Việt yêu nước đang xúc động vì chị Nguyễn Thúy Hạnh, người có trái tim nhân lành, bị bắt, thì ai đó trưng tấm ảnh ra với mục đích gì? Chắc không khó để trả lời.
Nhiều người có chung nhận định là người Việt đang chống cộng. Chống cộng vì chủ nghĩa cộng sản sai lầm và hoang tưởng. Chống cộng vì hiểm họa VN bị Tàu cộng đồng hóa rất cận kề mà Hà Nội vẫn anh anh em em 4 Tốt, 16 chữ “vàng” (!) Dù thế, nhưng hiện tại chưa có bất cứ một tổ chức nào có đủ thực lực để thay đổi chế độ, ngoại trừ chính nội bộ đảng cộng sản. Cờ đỏ vs cờ đỏ!
Thử nhớ lại cờ đỏ được người dân giương cao trong biểu tình chống Formosa và bị công an đàn áp đến nỗi phải quăng cờ… rồi giẫm đạp lên bỏ chạy thì cờ đỏ đó có phải Việt cộng không? Ví dụ khác, cờ đỏ Liên Xô trong trận chiến mà Yeltsin đã thắng, loại bỏ được cộng sản ở Nga.
Do đó sự dấn thân của chị Nguyễn Thúy Hạnh với năm tháng dài đã quá đủ chứng tỏ chị là một người yêu đất nước và dân tộc. Bất chấp mọi nguy hiểm để cố gắng giúp đỡ Tù nhân lương tâm, chia sẻ nỗi đau với đồng bào Đồng Tâm, đó không phải là trái tim nhân lành truyền thống của người Việt thì là gì?
Chẳng hề nghe chị Hạnh nói chống cộng nhưng việc làm của chị là cái gai trong mắt của chế độ nên họ bắt “con phản động”. Sự thật là họ sợ hãi sẽ có nhiều người noi gương chị. Sợ hãi đưa đến hành vi phi pháp và vô đạo!
Người viết không tìm hiểu về đời tư, kể cả chị Hạnh. Nhưng đọc tâm sự của anh Huỳnh Ngọc Chênh mới ngả mũ trước việc làm của chị. Biết là chị khá giàu và đang ở một chung cư rất sang trọng.
Giàu, sang và đẹp nữa nhưng lại không chịu hưởng thụ thành quả cả đời gây dựng lại nai lưng làm chuyện bao đồng (?) Dùng chữ “nai lưng” là nói đến việc phải chấp nhận mọi hậu quả, giống như người lao động tay chân trong hoàn cảnh khốn cùng để tìm sống cho bản thân và gia đình. Còn “bao đồng” là việc chẳng hề liên quan trực tiếp gì đến mình mà chỉ thiệt thân!
Thế nhưng “nai lưng” và “bao đồng” của chị Hạnh chính là nhân cách một đời người. Một chế độ mà sợ hãi việc làm vì lương tri của công dân thì chế độ đó vong thân.
Như vậy ai dám bảo ngày 30 tháng Tư chỉ có người miền Nam thua cuộc?
(17/4/2021)
Kông Kông
Nguồn : Đàn Chim Việt