BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Sống… trong đời sống cần có một tấm lòng (*)

17 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 1594)
Sống… trong đời sống cần có một tấm lòng (*)
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Hôm nay xem báo chính thống trên mạng thấy có câu này, nghe hay: “lạy trời, đừng nâng đường trước cửa nhà tôi” (**)!


Nơm úp cá trên đường Huỳnh Thúc Kháng ở Hà Nội - Nguồn: VNN


Đó là lời cầu xin của người dân Thành phố Hồ Chí Minh trước cảnh nhà cửa của họ bị triều cường ngập ngụa. Bởi nhiều con hẻm ở TP HCM trước khô ráo, nay bỗng trở thành ao. Nguyên do, ngoài kia đường nâng bao nhiêu, nhà dân ngập trong này bấy nhiêu.
 


Đường Nguyễn Thị Thập (quận 7) đang được nâng cao gần cả mét Ảnh: TNLinh

Nhưng đó cũng là nỗi lo của người dân đô thị trên khắp cả nước mình. Vì vấn nạn qui hoạch đô thị manh mún, vô tổ chức, thiếu minh bạch...như thế không chỉ phổ biến ở duy nhất một địa phương cụ thể nào. Như các khu trung cư và đô thị mới ở Hà Nội chẳng hạn. Ai cũng thấy, cứ sau mỗi trận mưa hơi to một tí là đường phố Thủ đô hóa thành sông. Nhiều nhà dân có khi chìm hàng thuớc như cảnh vỡ đê thời xa xưa vậy.

Ai sẽ trả lời câu hỏi này? Nếu không phải tôi, anh, chúng ta và đặc biệt những người quản trị đất nước trên vị trí thượng tầng.

Liên hệ từ làng quê nhỏ bé của tôi thôi. Làng vốn được lập trên một gò đất rộng hình dáng con cá giếc (cá chép) nổi lên giữa một vùng nước trũng mênh mông. Cư dân đầu tiên tới lập làng là dân tứ chiếng, tàn binh cuộc khởi nghiã của Hai Bà Trưng thất bại ở Mê Linh dạt về... (thấy trong cuốn sách do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia của Hoàng Kim Đáng ghi thế). Từ khi người Pháp xây dựng con đường quốc lộ (dân quê tôi gọi là đường cái mới) xuyên qua sát phía Bắc của làng ( QL 11A - nay là đường QL 32 nối Hà Nội với Sơn Tây thì cánh đồng làng tôi bị ngăn ra làm đôi. Khiến khu đồng trũng phía Đông Bắc của làng (Đồng Sai; Trũng khoai) luôn là một cái túi chứa nước. Hàng năm cứ tới mùa mưa, nước mưa dồn từ đồng Đăm, đồng Gối về, dù có trổ những cống tiêu úng qua đường (cống Lều; cống Đình Diệc và cống sau Chùa Do) mà cũng không thoát nước kịp, nên nhiều phen dân làng phải đi mò lúa ướt (chưa kịp thu hoạch) ở khu Đồng Sai là vậy. Thời còn ở làng, nhà ở sát đình, tôi được chầu rìa hóng chuyện không biết bao nhiêu cuộc họp của cán bộ địa phương, hợp tác xã bàn các biện pháp chống úng ngập cho 120 mẫu lúa chiêm chưa gặt hay lúa mùa đang thì con gái ở khu cánh đồng trũng này.

Trong làng dù mưa to đến đâu cũng chả bao giờ ngập được cả. Nhờ xung quanh rìa làng là một hệ thống hồ ao san sát. Các ao hồ này lại được nối với con kênh thoát nước hình cánh cung bao quang rìa làng tiêu nước ra hệ thống mương máng ngoài đồng, nên dù mưa to bao nhiêu, mọi nhà đều chả bao giờ lo ngập. Trên cánh đồng làng cũng thế, trừ cái năm vỡ đê Hoàng Mạc (năm Ất Mão-1915), chả bao giờ làng quê tôi phải bì bõm “sống ngâm da chết ngâm xương” như các vùng chiêm trũng Hà-Nam-Ninh.

Những ngày này, thấy trên mạng quảng cáo, làng quê tôi đã được lọt vào mắt xanh “qui hoạch”của nhà nước để nâng cấp từ làng lên phố... thuộc quận Thăng Long 9! Về cơ bản ai cũng mừng. Không mừng sao được, xưa kia tuy cách Hồ Gươm không xa (chỉ 15 Km) nhưng mỗi dịp mùng 2/9 ra cổng làng (cổng ngoài) để xem bắn pháo hoa, thấy sự cách biệt giữa làng và phố là một trời một vực. Dân làng tôi vẫn bảo nhau “địa chủ nhà quê không bằng ngồi lê ở tỉnh” (người buôn bán hàng rong ở Hà Thành vẫn khấm khá hơn người giàu có ở làng quê). Hôm nọ thấy ông em họ gọi điện thoại từ Đông Đức sang, bông đùa “anh bây giờ về làng phải cẩn thận!... tỷ phú nhan nhản trên đường làng, anh mà chào hỏi không lễ phép là mang tội đấy” (ý nói nhờ được qui hoạch đô thị, đất cát có giá... nhờ bán đất mà nhiều cư dân giàu, phất lên nhanh chóng). Thấy thế cũng mừng. Nhưng hỏi thăm cô em họ ở làng, thì được biết các khu đồng trũng quanh làng bây giờ người ta đang đổ cát tôn cao hàng thước để mời gọi đầu tư... xây đô thị nên làng hễ cứ mưa to là ngập ngụa, chứ không còn khô ráo như trước nữa... thì lại đượm buồn.

Mấy năm trước sang Bắc Ninh thắp hương cho ông chú (chồng bà dì họ) mới mất, thấy cái đình làng Lã (Từ Sơn-Bắc Ninh) bây giờ lọt thỏm xung quanh những ngôi nhà cao tầng, thì thương vô cùng. Sân đình xưa cao là thế mà nay cũng thấp hơn cốt nền nhà dân và đường làng. Thánh thần thời nay cũng chịu thua cái thói qui hoạch mạnh ai người ấy làm như thế.

Nhớ khi xưa, cha ông ta ít học, tư tưởng phong kiến lạc hậu cổ hủ nhưng đã xây dựng được những công trình đình chùa tuyệt mỹ. Bây giờ chắc gì con cháu học rộng hiểu nhiều đã ăn đứt được các cụ. Cách nghĩ của người xưa đơn giản nhưng rành mạch. Đã là nền nhà, sân nhà thì bao giờ cũng phải cao hơn hay ngang bằng với cao độ của đường làng. “Nước chảy chỗ trũng”; “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”... là những qui luật tự nhiên và nét đẹp trong văn hoá ứng xử của con người. Vậy nên, hễ xây nhà ở chỗ đất thấp, dù xây trước xây sau cũng không bao giờ cản trở đường nước chảy tự nhiên của đất trời làm ảnh hưởng đến những nhà xung quanh. Ngôi đình làng, thường được ngự trên khu đất cao và nằm ở trung tâm của làng. Đình là ngôi nhà chung của dân làng nên bao giờ cũng to lớn, mái đình, nóc nhà của làng với những đầu đao bề thế cong vút vươn ra bốn phía như biểu dương sức mạnh của cộng đồng. Cho nên nhà dân (đặc biệt quanh khu đình) không bao giờ được xây cao hơn mái đình. Quan điểm nhà không được cao hơn đình chùa, ngày nay không còn phù hợp nữa. Nhưng qua đó cho thấy cha ông ta dù không hiểu cốt (cao trình) của một khu dân cư là gì nhưng họ luôn coi sân đình như cốt chuẩn của làng để cả làng luôn được sống an vui theo cả nghiã bóng lẫn nghiã đen. Thiết nghĩ đó chính là Lệ làng” (luật thành văn và bất thành văn) giúp mọi cư dân có thể sống với nhau một cách chan hòa trên cơ sở tôn trọng nghiêm những quyền lợi chung.



Đình Chu Quyến (Đình Tràng) ở xứ Đoài Hà Nội - Nguồn: wikimapia.org


Bàn về chuyện này, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ ở xứ người. Cũng như cư dân theo Nho-Phật-Lão xứ mình, cư dân các nước Âu châu đa phần theo đạo Cơ đốc hay Tin lành. Một xóm nhỏ bao giờ cũng có một tháp chuông nhà thờ vươn cao ở vị trí tâm điểm của khu dân cư. Còn ở các đô thị (nhất là đô thị mới) thì không hẳn thế. Chưa chắc gác chuông nhà thờ đã cao hơn được các khu nhà ở xung quanh. Ở nhiều nơi còn xẩy ra cả sự kiện cáo giữa cư dân sống quanh nhà thờ với các hồi chuông gây huyên náo của nhà thờ vào 10 giờ sáng ngày Chủ nhật hàng tuần. Người dân đưa ra lý do đêm thứ bảy mọi người thường sinh hoạt (vui chơi, tiệc tùng khuya), có người còn phải đi làm ca đêm tới 6 giờ sáng mới về... nên chuông nhà thờ mỗi sáng Chủ nhật đã làm hỏng giấc ngủ đang ngon, khiến họ bất bình. Các vụ kiện đều được các tòa án các cấp xử lý một cách triệt để, minh bạch và công bằng. Cùng một tính chất, nhưng nhiều vụ tòa xử cư dân thua, trái lại cũng có vụ phía nhà thờ thua, phải chấm dứt kéo chuông hay chỉ được kéo chuông một năm hai lần vào dịp Giáng sinh (tháng 12) và Phục sinh (tháng 4) mà thôi. Các vụ kiện tụng như thế tòa thường căn cứ vào việc nhà thờ xây trước hay khu cư dân (có đơn kiện) xây trước? Nếu nhà thờ xuất hiện trước thì dân thua, ngược lại thì dân thắng. Chính vì sự phức tạp này mà hiện nay, hầu hết những nhà thờ xây mới (hay kể cả các chùa của người Á châu) chỉ được cấp phép xây dựng khi có sự đồng thuận của cư dân sống quanh nơi các công trình tôn giáo sẽ tọa lạc. Các bãi đậu xe ô tô; các khu công nghiệp; các khu siêu thị lớn; khu vui chơi giải trí; các đường xá mới mở hay chỉnh sửa, nắn... nếu gần các khu dân cư... đều cần có sự đồng thuận của dân bằng phiếu trưng cầu gửi tới tận tay từng hộ gia đình hoặc niêm yết công khai ở nơi công cộng và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các khu đô thị mới mở, toàn bộ đường xá, nhà cửa xây cất mới (dù to hay nhỏ) đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các qui định chung để không phá vỡ cấu trúc tự nhiên và qui hoạch tổng thể của từng vùng. Đặc biệt công trình xây sau không được ảnh hưởng tới các công trình xây trước, cốt không nâng cao hơn gây úng ngập cho các công trình xung quanh. Tất cả phải theo đúng qui hoạch rất nghiêm ngặt do nhà nước thống nhất quản lý và giám sát.

Liên tưởng tới việc qui hoạch đô thị ở xứ ta, đi sau, đúng lẽ ra phải học hỏi rút kinh nghiệm của các nước đi trước để làm tốt hơn họ hay chí ít bằng họ. Nhưng thực tế ra sao thì xin mọi người cứ khách quan mà suy xét. Kẻ viết những dòng này chả có mong muốn gì hơn, là góp một tiếng nói nhỏ nhoi, yếu ớt để cảnh tỉnh mọi người, nhất là các đấng cao xanh (bên trên) hãy biết thương lấy chính mình, thương lấy quê hương xứ sở của mình khi mọi việc chưa qúa muộn. Để muôn đời con cháu chúng ta được sống trong thái bình an lạc.

Lan man tới đây, bỗng lại nghe văng vẳng đâu đó phát ngôn, hình như nhời của một đại quan thì phải! Quan phán rằng: “qui hoạch là ý chí của quyền lực”. (Bởi chỉ có quền lực thì cái bùa “qui hoạch” mới úm ba la biến hóa thần thông biết bao thửa “bờ xôi ruộng mật” do mồ hôi nước mắt và cả máu xương của biết bao thế hệ tiền nhân hàng ngàn năm mới tạo dựng được... thành “đất công”. Sau đó lại hóa phép đất đai “sở hữu toàn dân” - “đất công” ấy trở thành sở hữu của tập đoàn lợi ích thông qua cái gọi là “Dự án” quốc kế dân sinh mỹ miều này nọ... thực chất là biến cái tài sản “toàn dân” - vô chủ kia thành tài sản riêng của những người lắm chức nhiều quyền).



Qui hoạch Khu Đô Thị Thăng Long 9 trên giấy - Nguồn: //thanglongditrach.com/


Rồi lại nghe văng vẳng thấy lời răn đe của “quyền lực” thông qua miệng của chính người thân từ quê hương nhắn sang: “đừng viết lách gì đưa lên mạng nữa... ai người ta thèm xem... được cái gì?... ăn thua gì?... mà mang họa vào thân... lại thấy đượm buồn. Thì ra, dân vẫn gian. Mà quan vẫn cứ tham. Tham vô độ! Không tham được thì ai còn muốn làm quan nữa? Không gian, sao gọi là dân đen, dân dã? Dân đen đa số chỉ biết an phận. Chỉ khoái phù thịnh mà chả bao giờ muốn phù suy?

Vậy nên, dù biết tài hèn sức mọn chẳng thể “đội đá vá trời” được, với lại cũng chả ai mướn, ai cầu mong mình làm cái việc vô công dồi nghề như thế này. Nhưng mỗi khi bất lực, chán nản hay tuyệt vọng. Lại thấy hồn thiêng sông núi, linh khí của tiên tổ âm ỉ vọng về. An ủi, khích lệ và động viên những kẻ có tâm, còn chút tha thiết với giống nòi...

Nay xin có dăm câu ba điều phải quấy hay giãi bày như vậy! Ai nghe được thì nghe. Ai không nghe thì thôi. Dù có bị người đời ghét bỏ, kẻ hèn mọn này cũng chẳng dám thù ghét hay oán thoán bất cứ ai, bất cứ điều gì. Bởi bụng vẫn luôn bảo dạ rằng: Sống... trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì ...?/ Để gió cuốn đi.... để gió cuốn đi ... để gió cuốn đi... !!!

Gò Cỏ May

14-10-2010

Theo Blog Gò Cỏ May

-------

(*) Lời bài hát "Để gió cuốn đi" của Trịnh Công Sơn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn