Cuối cùng, ông Trịnh Vĩnh Bình – Bình “Hà Lan” – đã đòi được công lý. Dù có muốn “làm bạn với phần còn lại của thế giới” hay không, nhà nước Việt Nam cũng vẫn phải trả đủ cho Bình “Hà Lan” 37,5 triệu Mỹ kim, kể cả số lẻ. “Phần còn lại của thế giới” dư khả năng để buộc nhà nước Việt Nam phải thực thi phán quyết mà Tòa Trọng tài Quốc tế tại Paris vừa công bố hồi tuần rồi.
Vì không đủ thông tin nên chưa rõ 37,5 triệu Mỹ kim mà Tòa Trọng tài Quốc tế tại Paris mới buộc nhà nước Việt Nam phải bồi thường cho Bình “Hà Lan”, có cấn trừ 15 triệu Mỹ kim mà nhà nướcViệt Nam từng trả cho ông Bình hồi năm 2006 để ông rút lại đơn trong vụ kiện nhà nước Việt Nam cách nay 13 năm, tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Stockholm hay không (?). Nếu không thì Việt Nam đã vứt đi 15 triệu Mỹ kim ấy.
Vài người đem 15 triệu Mỹ kim mà nhà nước Việt Nam từng thanh toán cho ông Bình hồi 2006, cộng với 37,5 triệu Mỹ kim mà Tòa Trọng tài Quốc tế ở Paris mới buộc bồi thường và 7,9 triệu Mỹ kim là án phí mà nhà nước Việt Nam phải thanh toán do thua cuộc trong vụ kiện gần nhất, rồi xuýt xoa vì công khố mất 60 triệu Mỹ kim... Xuýt xoa như thế không đúng vì chưa… đủ!
Phải cộng thêm “công tác phí” mà nhà nước Việt Nam từng trả cho các viên chức được “phân công” giải quyết chuyện Bình “Hà Lan” kiện nhà nước Việt Nam suốt từ năm 2003 đến giờ, rồi phải cộng thêm chi phí mà nhà nước Việt Nam phải trả cho các hãng luật quốc tế để những hãng luật này bảo vệ nhà nước Việt Nam trong cả hai lần bị Bình “Hà Lan” kiện. Những chi phí ấy chắc chắn cũng ở mức nhiều… triệu Mỹ kim.
Tuy nhiên dựa vào đó mà bảo nhà nước Việt Nam thua Bình “Hà Lan” lại là hết sức… bậy bạ! Nhà nước Việt Nam chủ động chọn thua để một số cá nhân thắng.
***
Đọc kỹ tâm sự của Bình “Hà Lan”, tâm tình của một số viên chức có liên quan hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đến sự nghiệp của Bình “Hà Lan” tại Việt Nam, sau đó đối chiếu với các tài liệu đã được bạch hóa và những thông tin từng được hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam loan tải, có thể thấy rất rõ…
Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thực sự lành mạnh, thực sự vận hành theo hiến pháp, pháp luật do chính họ soạn thảo, ban hành thì sẽ không phát sinh tình trạng một vài cá nhân có thể lũng đoạn toàn bộ hệ thống, dẫn dắt cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trượt dài, tụt sâu xuống đáy của vực thẳm bất nhân, phi pháp.
Một số cá nhân vốn là lãnh đạo đảng, lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo bộ máy hành pháp (như bà Nguyễn Thị Bình, ông Võ Văn Kiệt, ông Phan Văn Khải,…) tuy biết rất rõ rằng, đối xử với Bình “Hà Lan” như đã từng xảy ra là phi luân, bại lý song họ hoàn toàn bất lực, thậm chí dù muốn hay không, họ cũng trở thành đồng phạm.
Nếu hệ thống tư pháp (công an, Viện Kiểm sát, Tòa án) hoạt động độc lập, không bị chi phối bởi “quan điểm, lập trường”, Phòng An ninh Điều tra (PA 24) của Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, không thể trở thành cơ quan có thể khuynh loát toàn bộ hệ thống từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới.
Chỉ là Trưởng phòng PA 24 của Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng “đồng chí” Ngô Chí Đan có thể ép hết doanh nhân này đến viên chức này khác phải chung chi. Thậm chí trường hợp Bình “Hà Lan” còn được sử dụng như ví dụ minh họa cho loại quyền lực vượt lên, đứng trên cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nhằm kiếm thêm tiền.
Năm 2003, sau khi Bình “Hà Lan” kiện nhà nước Việt Nam ở Trung tâm Trọng tài Thương mại Stockholm, mức độ hỗn loạn ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới đủ để hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam ghé mắt nhìn vào. Phạm Văn Phương – Tổng Giám đốc Liên doanh Vicarrent - anh vợ Ngô Chí Đan mới bị bắt.
Lần đầu tiên, tố cáo của một cá nhân vốn vừa là viên chức, vừa là doanh nhân (ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Công ty Xây dựng đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) về việc bị Phương (Phương “Vicarrent”) cưỡng ép đưa 100.000 Mỹ kim, nếu không, công an sẽ dàn dựng hồ sơ, sắp đặt nhân chứng để tống giam như đã từng làm với Bình “Hà Lan”), mới được xem xét (1).
Sau tố cáo của ông Hoàng, thư tố cáo “đồng chí” Ngô Chí Đan giống như bươm bướm đổ về các cơ quan tư pháp: PA 24 Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từng tổ chức khám xét, bắt giam trái phép, bức cung, dàn dựng hồ sơ để tống tiến nhiều người và Phương “Vicarrent” chính là trung gian hóa giải, nhận tiền. Thậm chí Phương “Vicarent” còn là trung gian sắp đặt nhân sự lãnh đạo chính quyền, chọn thầu (2).
Cuối cùng, chỉ có Phương “Vicarrent” bị phạt 27 năm tù (3). Dù có đủ nhân chứng, tài liệu nhưng những Ngô Chí Đan, Ngô Mạnh Hợp (lãnh đạo Văn phòng Chính phủ), Phan Hữu Thắng (Vụ trưởng Vụ Quản lý dự án, Bộ kế hoạch và Đầu tư),… thoát nạn. Tòa án hai cấp (sơ thẩm và phúc thẩm) chỉ triệu tập những cá nhân này cho có, rồi cho phép vắng mặt và không làm gì thêm (4)!
Ngô Chí Đan – hung thần của doanh giới, người khởi động “vụ án” Bình “Hà Lan” bằng cách sắp đặt nhân chứng, diễn giải tài liệu để hình sự hóa một tranh chấp trong gia đình ông Bình, tống ông vào tù, tịch thu tài sản – chỉ bị sa thải khỏi ngành công an (5). Bây giờ, cựu Trưởng phòng PA 24 của Công an Bà Rịa – Vũng Tàu đang là… luật sư, thành viên Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (6).
Ở khía cạnh hình sự, vụ án Bình “Hà Lan” đã được sửa sai theo kiểu… ba rọi như thế nên thỏa thuận lần đầu giữa nhà nước Việt Nam với Bình “Hà Lan” cũng… ba rọi. Sau khi bị Bình “Hà Lan” kiện tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Stockholm, nhà nước Việt Nam đề nghị Bình “Hà Lan” rút đơn kiện, đổi lại nhà nước Việt Nam hứa bồi thường cho ông 15 triệu Mỹ kim và hoàn trả toàn bộ tài sản mà nhà nước Việt Nam từng tịch thu.
Sở dĩ Bình “Hà Lan” tiếp tục nộp đơn kiện nhà nước Việt Nam tại Tòa Trọng tài Quốc tế ở Paris vào năm 2014 vì nhà nước Việt Nam chỉ mới trả tiền. Cam kết hoàn trả tài sản không được thực thi bởi toàn bộ số tài sản của ông Bình đã đổi chủ theo đúng phương thức chuyển đổi quyền sở hữu mang đầy đủ các đặc trưng… xã hội chủ nghĩa.
Tháng 4 năm 2011, hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam loan báo, công an đã tống giam ông Trần Văn Mười (Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), ông Lê Minh Huy Hoàng (Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Vũng Tàu) và ông Hoàng Anh Linh (Chuyên viên Văn phòng Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu), vì cùng phạm tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (7).
Trước đó mười năm, khi ông Mười còn là Trưởng phòng Thi hành án dân sự Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Hoàng là Phó phòng, ông Linh là Chấp hành viên, cả ba đã tự tổ chức kê biên, tự bán 12 chiếc xe hơi của Bình “Hà Lan” mà Tòa chưa bao giờ tuyên bố tịch thu sung công và tự sắp đặt để bán với giá rẻ một lô đất diện tích 2.000 mét vuông ở trung tâm thành phố Vũng Tàu của Bình “Hà Lan” cho… em ruột ông Mười (8).
Đúng ba năm sau khi bị khởi tố, tháng 4 năm 2014, ông Mười, ông Hoàng, ông Linh được Tòa án tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đem ra xử. Viện Kiểm sát tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đột nhiên rút lại cáo buộc cả ba “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gây thiệt hại cho nhà nước, cơ quan này chỉ quy kết cả ba đã gây thiệt hại cho Bình “Hà Lan” khoảng… 260 triệu đồng Việt Nam. Nhờ vậy, cả ba chỉ bị phạt mỗi người 11 tháng 16 ngày tù – bằng thời hạn cả ba bị tạm giam cho đến khi được tại ngoại chờ ra Tòa (9).
***
Trước, không có bất kỳ ai bị truy cứu trách nhiệm về việc khởi tố - tống giam – truy tố - kết án Bình “Hà Lan”, hoặc không làm tròn trách nhiệm luật định để tiến trình vô đạo, phi lý này xảy ra, khiến công khố mất 15 triệu Mỹ kim, chưa kể những chi phí liên quan khác, chắc chắn là không nhỏ chút nào. Do đó “đồng chí” Ngô Chí Đan – người khởi động tiến trình – từ thiếu tá lên trung tá, dù bị sa thải vẫn danh giá, chẳng thua ai.
Giờ, cũng sẽ không có bất kỳ ai bị truy cứu trách nhiệm do vi phạm cam kết hoàn trả tài sản, khiến công khố mất 37,5 triệu Mỹ kim nữa, chưa kể hàng loạt chi phí khác, chắc chắn ở mức nhiều triệu Mỹ kim. Cần nhớ, vì tổ chức truy tìm, thu hồi tài sản để hoàn trả cho Bình “Hà Lan” theo yêu cầu của ông, hệ thống công quyền Việt Nam mới phát giác ba viên chức Thi hành án tùy tiện kê biên, tự phát mãi tài sản của nạn nhân như đã kể.
Phải chăng 15 triệu Mỹ kim từng trả cho Bình “Hà Lan” hồi 2004 không… đáng nên mười năm sau, Viện Kiểm sát tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới thản nhiên cho rằng, chuyện ba viên chức Thi hành án của tỉnh này tùy tiện kê biên, tự phát mãi tài sản của Bình “Hà Lan” không… gây thiệt hại cho nhà nước (!), tạo tiền đề cho Tòa phạt mỗi người chưa tới một năm tù và lờ luôn, không thèm đếm xỉa đến tài sản cần thu hồi để hoàn trả?
Xét cho đến cùng, công khố có mất thêm 37,5 triệu Mỹ kim và nhiều triệu Mỹ kim nữa để trả đủ loại chi phí trong vụ Bình “Hà Lan” kiện nhà nước Việt Nam lần thứ hai thì nhà nước Việt Nam cũng không… thua. Đối tượng sẽ vừa bị cắt giảm đủ loại phúc lợi, vừa phải “thắt lưng, buộc bụng” đóng thêm các loại thuế, phí để nhà nước có thể thanh toán những khoản chi kiểu này là dân. Các viên chức hữu trách đâu có ai phải bỏ ra đồng nào!
Dẫu cho phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế tại Paris xác định Bình “Hà Lan” thắng thì nhà nước Việt Nam vẫn không thua. Chắc chắn ông Bình sẽ nhận được tiền bồi thường. Tuy chọn thua, nhà nước Việt Nam vẫn thế, vẫn có thể duy trì đặc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không cần phải bận tâm đến việc truy cứu trách nhiệm đồng chí nào cả, “đảng ta” có mất gì đâu!
Trân Văn
Nguồn VOA
Chú thích
(2) https://vnexpress.net/phap-luat/truong-pho-phong-ca-ba-ria-vung-tau-bi-to-cao-tong-tien-2022731.html
(5) https://vnexpress.net/phap-luat/sa-thai-truong-phong-an-ninh-ba-ria-vung-tau-1979159.html
(6)https://danluat.thuvienphapluat.vn/luat-su-toan-quoc/ngo-chi-dan-2302358
(7)https://tuoitre.vn/bat-giam-cuc-truong-cuc-thi-hanh-an-dan-su-tinh-ba-ria---vung-tau-432552.htm
(9)https://tuoitre.vn/3-nguyen-can-bo-thi-hanh-an-duoc-tra-tu-do-602469.htm