BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73312)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31162)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Văn hóa "quen biết, chạy chọt, luồn lách" và sự cần thiết của dân chủ !

12 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 968)
Văn hóa "quen biết, chạy chọt, luồn lách" và sự cần thiết của dân chủ !
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
1. Một di sản độc hại từ quá khứ !

Có lẽ cái gọi là "văn hóa thân quen, nhờ vả, chạy chọt, luồn lách" đã trở thành bản sắc văn hóa rất ư là "đậm đà bản sắc dân tộc" của Việt Nam ! Thứ văn hóa này đã trở thành "thân thuộc" và ngấm vào máu mỗi người dân Việt Nam, từ người dân cùng đinh đến những quan chức cao cấp nhất của chính quyền.

Điểm nguy hại nhất là thứ văn hóa này đã trở thành bản chất, tạo nên phong cách ứng xử trong đời sống xã hội của hầu hết người Việt Nam, ai ai cũng chấp nhận dễ dàng mà không hề thấy sự bất ổn trong đó. Một điều rất dễ nhận ra thứ văn hóa này là khi có bất cứ chuyện gì xảy ra trong đời sống mỗi người từ ốm đau, bệnh tật, đến việc tìm kiếm công ăn việc làm, hay đơn giản là tìm trường cho con học, thậm chí là khi vi phạm pháp luật... thì việc đầu tiên mỗi người đều làm là tìm ngay trong danh bạ điện thoại tất cả những người quen để "cầu cứu" giúp đỡ giải quyết công việc. Nếu không tìm được người cần thiết thì lại tiếp tục "nhờ vả" bạn bè, người quen tiếp tục tìm kiếm để tìm bằng được những người có chức quyền để nhờ cậy, xin xỏ giải quyết công việc. Và cứ như thế, cuối cùng thế nào cũng tìm ra được "người quen", và rồi mọi chuyện sẽ được giải quyết nhanh gọn, êm đẹp !

Sự nguy hại của văn hóa này là kỷ cương phép nước bị coi thường. Sự nghiêm minh và công bằng của pháp luật trở nên trò hề, mờ nhạt và bất công. Công lý chỉ là sự nhạo báng khi tất cả mọi chuyện đều đã được giải quyết "bằng tình" (và tất nhiên là cả tiền).

Các cách giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội của chính quyền vì vậy trở nên "méo mó" vì phụ thuộc vào "văn hóa" độc hại này.

Văn hóa nhờ vả, quen biết, chạy chọt... "nhất thân, nhì thế, ba tiền" (nhất là có người thân làm quan, thứ hai là có thế lực, ba là có nhiều tiền) bắt nguồn từ lịch sử và được "thăng hoa" dưới chế độ cộng sản.

Dưới thời phong kiến xa xưa, do sự thiếu vắng của các phương tiện truyền thông hiện đại như báo chí, truyền hình (các kỳ thi cử cũng rất hạn chế)... cho nên có trường hợp là người giỏi nhưng không thể (vì nhiều khi không biết bằng cách nào) chứng minh được tài năng và kiến thức của mình nhằm mang ra thi thố và tiến thân, và rồi chỉ có một con đường là nhờ những người đã nổi tiếng hoặc đang làm quan "tiến cử". Vua và triều đình vì không thể nào biết hết (nắm hết) các kẻ sĩ trong thiên hạ nên cũng đành bổ nhiệm theo sự "tiến cử" của thuộc cấp, căn cứ vào tài năng và uy tín của người "tiến cử". Khi người tiến cử là một người tốt thì những kẻ được tiến cử cũng sẽ là người tốt nhưng khi người tiến cử là kẻ xấu và nếu thời buổi hôn quân trị vì thì việc "tiến cử" trở thành công cụ kiếm tiền hữu hiện và lợi hại. Vì thế dân gian có câu "một người làm quan cả họ được nhờ".

Trải qua lịch sử hàng ngàn năm phong kiến mà thói quen nhờ vả, chạy chọt này đã trở thành tính cách của người Việt. Và rồi kẻ nào biết luồn cúi, nịnh bợ thì nhiều lúc tài năng kém cỏi nhưng lại được ngồi những vị trí cao hơn những kẻ có tài nhưng bộc trực, thẳng thắn. Thế rồi từ đấy lại sinh ra một tính cách cực kỳ nguy hại khác là chủ nghĩa "cá nhân và luồn lách", chủ nghĩa này đã được những kẻ bất tài nhưng lắm tham vọng đẩy lên thành một thứ nghệ thuật.

2. "Chủ nghĩa cá nhân" nguy hại được thăng hoa dưới thời cộng sản

Rõ ràng văn hóa luồn lách, chạy chọt và chủ nghĩa cá nhân (chỉ lo và biết đến thân mình còn người khác mặc kệ) là sản phẩm từ quá khứ. Thế nhưng sau chiến tranh thế giới thứ 2, với việc ra đời Bản Tuyên Ngôn về Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc được tất cả các nước thành viên long trọng ký kết, thì sự thực thi dân chủ, tôn trọng các quyền tự do căn bản của con người, tôn trọng và xây dựng nhà nước pháp quyền đã được các chính phủ cam kết rõ ràng...

Các nước dân chủ (trong đó có cả nhưng nước Châu Á mang nặng văn hóa Khổng giáo như Nhật Bản, hay Hàn Quốc...) đã nhanh chóng xây dựng nhà nước pháp quyền, trong đó mọi người dân đều phải tôn trọng luật pháp, tất cả mọi mâu thuẫn trong đời sống xã hội đều được giải quyết bằng "lý", thông qua hệ thống toà án và các bộ luật được tạo nên bởi những nghị sĩ đại diện cho ý chí của toàn dân. Cùng với việc thực thi dân chủ, công khai và minh bạch các nước dân chủ đã làm cho thứ văn hóa nhờ vả chạy chọt, tàn dư của chế độ phong kiến mất dần đất sống.

Trong khi đó thì tại Việt Nam, chủ nghĩa Mác -Lênin đã được du nhập và hình thành nên nhà nước Việt Nam cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản, (chỉ) với chủ trương "chuyên chính vô sản" và "tập trung dân chủ" cũng đã trở nên lạc hậu và phản động còn hơn cả các chế độ phong kiến tồi dở nhất trong lịch sử nhân loại. Chính vì không có dân chủ, quyền hành nằm hết trong tay các đảng viên có chức có quyền, những quan chức cộng sản là những kẻ nằm trên và nằm ngoài pháp luật vì đảng tự cho phép đảng là to nhất (Điều 4 Hiến pháp qui định rằng đảng là người "cầm quyền duy nhất và tuyệt đối"). Không ai được quyền kiểm soát và chất vấn các đảng viên cao cấp cũng như sự lãnh đạo của đảng.

Chính vì sự đặc quyền đặc lợi này mà đảng cộng sản và những quan chức có chức có quyền (dù lớn hay bé) đều có những quyền lực vô cùng lớn, chính vì thế họ sẵn sàng "ban phát" bổng lộc cho người thân, bà con, họ hàng và những kẻ biết a dua xu nịnh. Các viên chức chính phủ đều được bổ nhiệm theo kiểu giới thiệu, nhờ vả hoặc chạy chọt. Rất ít các cuộc thi tuyển công chức diễn ra một cách công khai minh bạch.

Mới đây chính quyền Đà Nẵng chỉ tổ chức một cuộc thi tuyển chức danh Hiệu phó một trường trung học phổ thông mà đã gây xôn xao dư luận. Mọi người đều lấy làm ngạc nhiên vì "chuyện lạ" này. Xưa này ở Việt Nam thì dù chỉ để trở thành một viên công chức quèn ở xã thôi cũng phải "chạy chọt". Cánh cửa vào công chức nhà nước rất hẹp vì các chỗ đã được giữ cho con em cán bộ trong ngành.

Cũng chính vì đảng cộng sản độc quyền và tuyệt đối lãnh đạo đất nước mà không hề chịu sự kiểm soát của báo chí và các đảng đối lập nên các quan chức của đảng tha hồ thao túng xã hội. Họ dùng các mối quan hệ chằng chịt của mình để tác động đến toà án, cũng như các cơ quan nhà nước để trục lợi bằng nhiều con đường, ví dụ nhờ những người có chức quyền gọi điện thoại, thư tay, bảo lãnh, giới thiệu... Và cứ như thế mọi việc sẽ diễn ra theo ý muốn của một số cá nhân hoặc các nhóm lợi ích mà không hề tuân thủ pháp luật, không hề có sự công bằng và gây ra nhiều bất công trong xã hội.

3. Dân chủ là "đơn thuốc" duy nhất để chữa trị căn bệnh độc hại này !

Rõ ràng khi mọi mâu thuẫn trong xã hội được giải quyết theo con đường "chạy chọt, nhờ vả, quen biết" theo kiểu "mười cái lý không bằng một tý cái tình" thì pháp luật sẽ trở thành vô nghĩa. Những kẻ có quyền thế sẽ trở nên ngông nghênh, bệnh hoạn vì coi thường pháp luật. Các quan hệ xã hội sẽ trở nên căng thẳng và dồn nén. Kẻ "thấp cổ bé họng" sẽ luôn bị chèn ép và thống trị, họ không còn biết tin vào đâu nữa, chất liệu nhân xã và tự tình dân tộc sẽ mất đi. Tổ quốc, quê hương, nhà nước hay pháp luật không còn là những giá trị thiêng liêng nữa. Đổ vỡ và khủng hoảng là điều đương nhiên.

Còn đối với giới trí thức và các doanh nghiệp thì khi họ chỉ biết đến "chủ nghĩa cá nhân" luồn lách để đạt được mục đích thì cuối cùng cái đích quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người là sự cống hiến và sự thanh thản hưởng thụ những thành quả của mình cũng chẳng bao giờ có được. không phải tự nhiên mà người dân vẫn còn tâm lý "ghét" những người có tiền và giàu có hay quan chức.

Một đất nước bao gồm những tập thể như vậy thì đất nước đó không bao giờ có tương lai. Đất nước đó không mất nước thì cũng làm nô lệ cho nước khác.

Chính vì nhận thức được sự nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, muốn đạt được mọi việc bằng con đường luồn lách, bằng các giải pháp cá nhân mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, đặc biệt là ông Nguyễn Gia Kiểng, đã lên án rất gắt gao lối làm chính trị kiểu nhân sĩ cũng như văn hóa luồn lách, chạy chọt của những người Việt Nam.

Phải có dân chủ, phải có sự công khai minh bạch thì mới chữa được "văn hóa chạy chọt", bất cứ một quan chức của bất cứ một đảng phái hay tổ chức nào cũng phải được phê phán, chỉ trích nếu họ làm sai và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Tất cả các qui định về thi tuyển công chức, hay bổ nhiệm bất cứ một chức danh nào cũng phải được công khai, rõ ràng thì mới chọn được những người có đức có tài.

Tóm lại là bất cứ ai, bất cứ đảng phái hay tổ chức chính trị nào cũng phải "thi cử" một cách công khai và minh bạch. Giám khảo chính là lá phiếu của người dân. Quyền lực không bị giám sát thì sẽ dẫn đến lạm quyền. Tự do báo chí là công cụ cần thiết để giám sát các hoạt động của chính phủ.

Khi pháp luật minh bạch và được áp dụng nghiêm minh cho tất cả mọi người hay khi các rào cản gây nhũng nhiễu người dân được dỡ bỏ thì người dân sẽ "quên" dần văn hóa chạy chọt, nhờ vả. "Được việc" cho mình một cách nhanh nhất là ước mong chính đáng của mỗi người dân, vì vậy nếu được việc mà không cần chạy chọt thì không ai chạy chọt, luồn lách làm gì. Khi phải hạ mình xin xỏ, nhờ vả ai đó điều này điều khác thì cũng là việc "bất đắc dĩ". Nhà nước phải tạo ra khung pháp lý rõ ràng để người dân tìm đến các luật sư, các công quan công quyền mỗi khi "có chuyện" chứ không phải tìm đến các quan chức để "cầu cạnh".

Một nhà nước hiện đại là một nhà nước pháp quyền. Công bằng và lẽ phải luôn là khát khao của mọi người sống trên trái đất. Nhà nước Việt Nam cũng không thể khất lần khất hồi việc thực thi dân chủ được mãi. Khi các mẫu thuẫn bị dồn nén lâu ngày thì sẽ dẫn đến việc "tức nước vỡ bờ", các cuộc bạo động và thậm chí "cách mạng đường phố" sẽ diễn ra.

Dù rằng bản thân người viết và rất nhiều người khác không hề mong muốn một cuộc "cách mạng đường phố" xảy ra chút nào, bởi vì đó sẽ là sự hỗn loạn, là sự đập phá, là sự đổ vỡ..., nhưng "cách mạng" xảy ra hay không là hoàn toàn do lỗi của chính quyền. Nếu không biết "đổi mới", "cải cách" và "hoàn thiện" chính mình thì nhà nước nào rồi cũng bị đào thải. Dối trá và bạo lực chỉ làm đổ thêm dầu vào lửa chứ không giải quyết được các mẫu thuẫn xã hội.

Các cuộc "thay đổi từ trên xuống" bao giờ cũng ít đổ vỡ và xáo trộn hơn là "thay đổi từ dưới lên". Chính quyền cộng sản Việt Nam nên "chủ động" chuyển sang thể chế dân chủ đa đảng, bằng cách lựa chọn những tổ chức chính trị đứng đắn và có trách nhiệm để cũng chia sẻ gánh nặng trong việc xây dựng đất nước hơn là để đến lúc không còn cơ hội để lựa chọn bất cứ một điều gì !

Điều kiện rất cần thiết và không thể bỏ qua là đảng cộng sản (bây giờ) và các đảng phái cầm quyền (trong tương lai) phải hợp tác với những tổ chức chính trị thật sự và các cá nhân có tham gia các tổ chức chính trị thật sự, hay nói như ông Nguyễn Gia Kiểng là những "người có căn cước chính trị" thật sự. Kiên quyết từ chối và bất hợp tác với các cá nhân làm chính trị theo kiểu nhân sĩ, những người thiếu "văn hóa tổ chức" (người có "văn hóa tổ chức" là người có mong muốn và ý thức tham gia vào các tổ chức chính trị, muốn tạo ra sự thay đổi xã hội bằng các giải pháp chung thông qua một tập thể. Người có văn hóa tổ chức dễ dàng chấp nhận các điều lệ tôn chỉ của tổ chức, tôn trọng sự khác biệt chính kiến ngay trong nội bộ tổ chức, chấp nhận các quyết định của tổ chức, sẵn sàng thực thi những nhiệm vụ của tổ chức đề ra, quí trọng và luôn giúp đỡ mọi người trong tổ chức, không gây bè cánh và luôn vì lợi ích của tổ chức...). Phong trào dân chủ và các chính đảng cần rút bài học xương máu từ chính quyền của cụ Trần Trọng Kim và sự thất bại của chế độ Việt Nam Cộng Hoà trước đây.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên kêu gọi giới trí thức và các thành phần tinh hoa dân tộc mạnh mẽ dấn thân cho tổ quốc, chấp nhận và chia sẻ với nhau những giá trị chung xây dựng trên sự đồng thuận. Hãy cùng nhau chia sẻ tương lai dân tộc Việt Nam trên những "giải pháp chung", hãy đoạn tuyệt với kiểu làm chính trị nhân sĩ, anh hùng cá nhân, "mạnh ai nấy chạy". Nếu không có sự đồng thuận với những giải pháp chung cho cả dân tộc thì mãi mãi những ước mong tốt đẹp của mỗi người trong chúng ta cũng chỉ là những giấc mơ buồn.

Việt Hoàng
(Moskva)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn