BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73352)
(Xem: 62244)
(Xem: 39430)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cần làm sáng tỏ vụ ông Nguyễn Việt Tiến

15 Tháng Tư 200812:00 SA(Xem: 973)
Cần làm sáng tỏ vụ ông Nguyễn Việt Tiến
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Sự kịên ông Nguyễn Việt Tiến, nguyên là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải bị khởi tố và tạm giam suốt 18 tháng trời vì liên quan đến vụ bê bối ở PMU 18, nay được Viện Kiểm Sát nhân dân Tối cao chính thức quyết định “đình chỉ điều tra và trả tự do” đã khiến mọi người bàng hoàng và sững sờ.

Điều gì đã xảy ra? Ông Tiến có tội hay không có tội?

Chúng ta không phải là tòa án nên không thể “tuyên án” ông Tiến, chúng ta cũng không phải là “cơ quan điều tra” nên không thể kết luận là ông Tiến có tội hay không.

Có hai trường hợp xảy ra:

1) Ông Tiến “vô tội” đúng như kết luận của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC), thì chuyện gì đã xảy ra? Rõ ràng là các cơ quan luật pháp ở Việt Nam “đã và đang nhạo báng công lý” như lời luật sư Lê Công Định (Sài gòn). Một người không phạm tội nhưng chỉ vì do “áp lực của dư luận” (như giải thích của ông Viện phó VKSNDTC Hoàng Nghĩa Mai trả lời phỏng vấn báo chí) mà đã bị các cơ quan thi hành luật pháp tống giam suốt 18 tháng trời! Công lý ở đâu? Ông Nguyễn Việt Tiến khi bị bắt và tống giam đang là đương kim Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, một viên chức cao cấp của chính phủ! Một người như ông Tiến mà bị “đối xử” như vậy thử hỏi dân đen thì sao? Các cơ quan Tư pháp ở Việt Nam muốn bắt ai, thả ai, đều được sao? Luật sư Lê Công Định đặt câu hỏi: “Giữa cơ quan điều tra trước đây và VKSNDTC hiện giờ ai đúng ai sai trong nhận định và kết luận về ba tội danh của Nguyễn Việt Tiến?”. Chẳng lẽ các cơ quan điều tra của Việt Nam lại “hồ đồ và hấp tấp như vậy sao?”

Rồi còn việc báo chí Việt Nam, như thông lệ, dù Tòa án chưa tuyên án ông Tiến nhưng báo chí đã “kết án” ông Tiến một cách “dứt khoát và không khoan nhượng”, nay sự việc đã được “rõ ràng” các nhà báo này sẽ trả lời thế nào? Và làm thế nào để trả lại danh dự và nhân phẩm cho ông Tiến?

Nếu đúng là ông Tiến “vô tội” thì ông Tiến phải khởi kiện các “cơ quan điều tra” của Bộ công an Việt Nam, đồng thời khởi kiện các nhà báo và các tờ báo đã đăng bài “vu khống và qui kết sai sự thật” cho ông. Và rồi danh dự của ông, con đường tiến thân của ông sẽ ra sao? Ai sẽ người chịu trách nhiệm? Theo tin “vỉa hè” thì sẽ có ít nhất ba nhà báo sẽ bị ông Tiến khởi kiện. Tại sao chỉ có ba? Mà không phải là tất cả những người đã “vu khống” ông? Nếu các nhà báo không đưa ra được những nguồn “thông tin” họ thu nhận được từ đâu? Tính chính xác đến đâu? Thì họ đã phạm tội vu khống và họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật! Rồi các “cơ quan điều tra” thì sao? Ông Tiến cũng phải khởi kịên họ. Công lý là gì nếu nó không mang lại sự công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi con người?

2) Trường hợp thứ hai là ông Tiến có tội nhưng được bao che. Dù muốn dù không thì dư luận (không phải lúc nào cũng đúng) vẫn tin rằng ông Tiến “có tội” nhưng vì “phe” của ông mạnh quá nên ông đã thắng. Điều này không phải không có lý. Vụ PMU 18 là vụ án tham nhũng gây chấn động dư luận trong nước, hàng ngàn bài báo đã viết về vụ án này trong đó có nhiều người trong cuộc, và người nổi tiếng nhất trong đó là “vị anh cả” của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong một bài báo của mình, ông Giáp viết “Vụ PMU 18 cho thấy “giặc nội xâm” đã tấn công vào một cơ quan quản lý khối lượng tiền bạc, của cải lớn của nhân dân... Những kẻ tham nhũng đã gây trọng tội: biển thủ một số tiền bạc, tài sản lớn của quốc gia và nguy hiểm hơn là xây dựng những công trình kém chất lượng, gây tổn thất lớn và lâu dài cho đất nước. Vụ PMU18 và những vụ án kinh tế được phát hiện vừa qua đã báo động về sự nghiêm trọng của tình hình sa đọa, thoái hóa, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ cao cấp và báo động về tình trạng quan liêu, mất dân chủ và những khuyết tật về tổ chức, cơ chế làm tê liệt vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự giám sát của nhân dân làm cho tham nhũng có đất dung thân, tồn tại kéo dài và ngày càng phát triển. Cách đây năm năm, vụ PMU18 đã bị phát hiện nhưng đã được bao che; Đảng trở thành bình phong cho kẻ tham nhũng hoạt động.” (Kiểm điểm vụ PMU 18 và báo cáo Đại hội X).

Rõ ràng một người như ông Giáp thì không thể “hồ đồ” qui kết một cách vu vơ như dư luận vỉa hè. Chắc chắn một điều là ông Giáp phải được thông báo về vụ PMU 18 một cách chính xác từ các cơ quan chức năng. Nếu vậy thì tại sao ông Tiến lại được VKSNDTC tuyên bố là “vô tội”? Liệu các cơ quan tư pháp Việt Nam (tức VKSNDTC) lúc nào cũng thực thi công lý một cách công minh “đúng người, đúng tội” không? Liệu việc “giơ cao đánh khẽ” vụ PMU 18 này có liên quan đến ông Nông Đức Mạnh không? Vì con rể và con gái của ông Mạnh đang làm việc tại PMU 18? Có chăng sự cấu kết giữa các “nhóm tài phiệt tư bản đỏ” trong nước và các nhóm tài phiệt quốc tế? Đúng như nhận định của ông Trần Đông Chấn trong một bài viết đang gây chấn động dư luận (nhất là cho những người Việt ưu tư với vận mệnh của đất nước): “Việt Nam đồng đang ở đâu và sẽ đi về đâu?”

Việc ông Tiến được tha sẽ không làm người ta ngạc nhiên bằng việc Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam trong một cuộc họp báo đã thông báo rằng “không có dấu hiệu tham nhũng trong vụ PMU 18” mở đường cho vụ xét xử ông Bùi Dũng Tiến chỉ vì tội “đánh bạc” và giờ đây là sự “vô tội” của ông Nguyễn Việt Tiến.

Câu hỏi được dư luận đặt ra là: Tại sao Nguyễn Việt Tiến được tha? Và một số nhà báo sẽ bị khởi tố? Theo một nhà báo trong nước thì việc này có hai mục đích:

-Giới truyền thông sẽ cảm thấy không an toàn và sẽ rụt cổ lại, tính chiến đấu sẽ giảm. Nhiệt tình phanh phui thông tin tiêu cực, săn tin độc quyền sẽ giảm sút. Sẽ có tâm lý nói theo những thông tin”chính thống”.

- Cả người cấp tin và người đưa tin từ nay sẽ e dè, quy chế cung cấp thông tin sẽ được kiểm soát rất chặt. Nó sẽ lệ thuộc vào ý chí của ai đó, muốn cho đăng hoặc ém nhẹm thông tin.

Có nghĩa là ngoài việc chính quyền cộng sản Việt Nam “giải cứu đồng đội” Nguyễn Việt Tiến thì còn mục đích răn đe và bịt miệng các nhà báo. Và nếu đúng như vậy thì chính quyền đã “tuyên chiến” với báo chí và dù chính quyền chiếm ưu thế nhưng giới báo chí cũng sẽ không thua dễ dàng. Đây là cơ hội để các nhà báo chứng tỏ bản lĩnh và tư cách cũng như đạo đức của những người cầm bút. Tiêu chí của một nhà báo chân chính là sự trung thực, độc lập với một sứ mệnh cao cả là phục vụ con người và phục vụ xã hội.

Kết luận: Dù “có tội” hay “vô tội” thì sự việc ông Nguyễn Việt Tiến được trả tự do cũng khiến dư luận hoài nghi vào sự đứng đắn của nền công lý Việt Nam. Chính quyền Việt Nam xưa nay vẫn luôn hành động theo “ý đảng” là chính, còn công lý chỉ là trò hề. Niềm tin của người dân vào chính quyền, nếu còn thì cũng không đáng kể. Trong một xã hội không có dân chủ và báo chí không được tự do, tòa án không được độc lập trong việc xét xử thì mọi nghi ngờ của dư luận sẽ không bao giờ chấm dứt. Và dù ông Tiến có “oan ức” thật sự thì cũng không ai có thể giải oan cho ông được, nhất là chính quyền Việt Nam hiện nay.

Một xã hội dân chủ và tự do, mọi việc đều được minh bạch và rõ ràng thì không những có lợi cho đa số nhân dân mà còn có lợi cho cả những người thuộc tầng lớp “thượng lưu”, các quan chức cộng sản nữa.

Một “sự thật” nữa đang xảy ra ở Việt Nam mà những người trong cuộc khó lòng tránh được sự nghi ngờ của dư luận. Đó là sự thành đạt của các vị “Con cha cháu ông”. Dù đó có là sự thật mười mươi đi nữa, dù các vị “con ông cháu cha” có giỏi giang và thành đạt đến mấy đi nữa thì cũng không ai tin rằng họ tự đi bằng chính đôi chân của mình. Làm sao để thuyết phục được dư luận khi cha ông họ đã và vẫn đang làm toàn những điều mờ ám?

Việt Hoàng
Nguồn: báo Tổ Quốc, số 39 (15/04/2008)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn