BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tại sao phải "nói xấu" chính quyền?

12 Tháng Ba 200812:00 SA(Xem: 947)
Tại sao phải "nói xấu" chính quyền?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
"Nói xấu chính quyền" ở đây cũng có nghĩa là "chỉ trích", là "phê phán", là "bất đồng chính kiến" với chính quyền, thậm chí đó cũng là "chửi bới" chính quyền, nói chung là những tiếng nói đối lập với chính quyền, những tiếng nói "phi chính thống".

Vậy thì "nói xấu" thế nào là "đủ", là "vừa", là "phải", là không "cực đoan" ? Và có nên "nói xấu" chính quyền không ? Tại sao ?

Chúng ta có thể dễ dàng thấy được một điều xảy ra khá "thường ngày ở huyện" trên các diễn đàn tự do là cùng một tiếng nói nhưng không những phía chính quyền xem là "phản động" là "thù địch" mà phe "chống cộng" cũng cho là "nội gián", là "thân cộng" !

Như vậy những người cầm bút luôn đứng giữa hai làn đạn.

Phải làm thế nào bây giờ ?

Tất nhiên những người cầm bút, những người dám nói lên những chính kiến của mình thì phải chấp nhận búa rìu của dư luận. Cũng giống như những nhà hoạt động chính trị, các chính khách, các ngôi sao điện ảnh (nói chung là những người của công chúng) luôn phải chấp nhận sự phê phán của dư luận, dư luận có thể đồng tình cũng có thể phản đối, và đó là điều rất bình thường. Thời gian và sự công tâm của đa số độc giả sẽ là vị trọng tài khách quan nhất.

Bản thân tôi, như đã nhiều lần bộc bạch, tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình cán bộ, bố tôi là một đảng viên cộng sản kỳ cựu, tôi là kẻ may mắn trong sự bất hạnh của nhiều đồng bào tôi. Tôi không có ân oán gì với chế độ cộng sản. Học xong đi ra nước ngoài (Liên Xô) và ở đây tôi đã chứng kiến sự sụp đổ của "thành trì" chủ nghĩa cộng sản và tiếp xúc với nguồn thông tin đa chiều, tôi tự tìm hiểu, học hỏi và rút ra cho mình những kiến thức về thế giới xung quanh cũng như về thể chế chính trị tại Việt Nam.

Công việc của tôi hiện tại là kinh doanh, thương trường có người ví như là một chiến trường, thế nhưng với tôi đó là một sân chơi lớn, nhiều khó khăn thách thức nhưng cũng rất hấp dẫn và công bằng. Để thành công đòi hỏi phải có những kiến thức tổng hợp, thứ nhất là marketing, ngôn ngữ "chợ học" là "kết hàng", trước một mặt hàng mới, chỉ cần "đa" hoặc "nhét" ("có" hoặc "không") là bạn có thể mất hoặc được hàng chục ngàn đô-la. Thứ hai là bạn phải "ngoại giao" giỏi, bởi vì bán hàng luôn là việc khó khăn, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường, hàng hoá rất nhiều, cạnh tranh rất lớn. Thứ ba là bạn phải có một sự hiểu biết nhất định về chính trị, nhất là ở Nga, một nước mà luật pháp thay đổi xoành xoạch mà không hề theo một lộ trình hay một nguyên tắc nào, nó chỉ phụ thuộc vào sự ngẫu hứng của chính quyền. Cái thứ tư nữa là bạn phải "thức thời", có nghĩa là phải thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy cho phù hợp với hiện tại.

Người Việt không có óc tiến thủ và quen với "trật tự" đã thành nếp là buôn bán cò con, không dám làm ăn lớn vì thế khi có biến động là bị đào thải và tụt hậu. Ví dụ dễ thấy nhất ở Nga và các nước Liên Xô cũ là việc đa số bà con đều buôn bán tại các chợ nhưng rất ít người dám đi "đánh hàng" ở các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc hay Việt Nam về bán mà chỉ lấy lại tại chỗ và bán tại chỗ. Khi có lệnh cấm người nước ngoài buôn bán lẻ tại các chợ trên lãnh thổ Nga hồi năm ngoái, rất nhiều người Việt đã phải "hồi hương", những người ở lại hay những người làm ăn lớn thì lại "bội thu".

Là người kinh doanh nên tôi hiểu rõ cái giá rất đắt mà người mua hàng phải trả cho những mặt hàng "độc quyền". Điều đầu tiên mà rất nhiều người hay nhầm lẫn khi tranh luận chính trị đó là chỗ đứng của mình trong xã hội ! Bạn phải hiểu mình là ai ? Bạn đang ở phía nào ? Hay đơn giản là bạn phải phân biệt được "thân phận" của mình, bạn là người "bán hàng" hay là người đang đi "mua hàng". Bởi vì quyền lợi của người mua hàng và bán hàng khác nhau hoàn toàn.

Bản thân tôi, lúc là người đi mua hàng, lúc là người đi bán hàng và vì thế cách ứng xử của tôi mỗi lúc phải khác nhau. Khi tôi đi mua hàng thì lúc nào cũng chê, lúc thì chê đắt, lúc thì chê xấu, nói chung là đủ các kiểu để mua được lô hàng vừa rẻ vừa tốt, đúng với giá trị thật của nó. Thế nhưng khi đi bán hàng thì ngược lại tôi phải khen là hàng tôi đẹp, giá phải chăng, còn chuyện chê bai, mặc cả là chuyện của người đi mua hàng. Và nếu có người nào đó đến mua hàng tôi mà luôn miệng khen là hàng đẹp và rẻ thì tôi cho là người đó không bình thường, kể cả khi người đó nói đúng.

Như vậy, về nguyên tắc thì khi đi mua hàng là phải chê. Áp dụng qua lĩnh vực chính trị cũng vậy ! Đầu tiên là bạn phải xác định dứt khoát bạn là "dân" hay bạn là "quan". Nếu bạn là quan thì bạn phải ca tụng chính quyền là đúng, bởi vì "ăn cây nào rào cây ấy", nếu bố tôi là bộ trưởng thì chưa chắc tôi đã chỉ trích chính quyền. Nhưng nếu bạn là "dân" thì bạn phải biết tìm ra cái xấu, cái sai của chính quyền để mà chỉ trích thì bạn mới có cuộc sống tốt hơn. Quyền lợi của "dân" và "quan" là tỉ lệ nghịch, dân khổ thì quan sướng và dân sướng thì quan khổ. Nếu bạn là dân và muốn sung sướng thì phải "hành" quan.

Dân Mỹ sướng hơn dân Việt Nam vì họ biết "hành" các "quan" của họ, họ đưa ra rất nhiều yêu sách cho những người muốn làm quan và họ luôn đòi hỏi các "quan" làm cho họ nhiều việc hơn nữa, cứ xem các cuộc vận động tranh cử ở Mỹ thì rõ. Phải rất khó khăn các ứng cử viên Mỹ mới lấy được những lá phiếu của cử tri Mỹ.

Để một người đang có hàng "độc quyền" như chính quyền Việt Nam tự nhiên đi san sẻ và ban phát quyền lợi cho người dân thì đó hoàn toàn là chuyện viễn vông. Mọi lời nói chỉ là bánh vẽ, thế nhưng mọi chuyẹân sẽ hoàn toàn khác khi có cạnh tranh. Khi có một đảng đối lập xuất hiện người dân sẽ được tôn trọng hơn, tiếng nói sẽ có giá trị hơn và những bức xúc hay đòi hỏi của người dân sẽ nhanh chóng được giải quyết hơn. Chỉ trong nền kinh tế thị trường, có cạnh tranh thì người dân (khách hàng) mới là "thượng đế", còn độc quyền và độc tài thì người dân chỉ là những con bò sữa nuôi béo các "quan", không hơn không kém.

Cho nên kết luận rút ra là người dân khôn là người dân luôn phải biết phê phán chính quyền.

Nói thế nào cho vừa, cho hợp lý ?

Trước khi trả lời câu hỏi này thì bạn phải biết mình đang ở đâu, trong nước hay ngoài nước. Nếu trong nước tất nhiên bạn phải dè chừng vì bộ máy đàn áp của chính quyền rất mạnh, các vị lãnh đạo "đảng ta" nghe khen, nghe nịnh thì quen nhưng nghe dân chửi thì chưa quen lắm, nên nếu có phê phán thì cũng ở mức độ vừa phải. Thế nhưng khi bạn ở ngoài nước, sống ngoài vòng cương tỏa của chính quyền thì bạn phải nói cho hết lời, hết ý. Tất nhiên là để thuyết phục được người nghe thì phải nói có tình có lý, không mang nặng sự hằn học trong đó. Phải có cái tâm trong sáng và quan trọng nhất là khi chỉ trích thì phải biết đưa ra những giải pháp thay thế, khắc phục.

Để đảng cộng sản tự thay đổi là điều không thể có được mà phải có sức ép từ phía nhân dân, từ phía khách hàng. Khi tất cả các thành phần dân chúng đồng loạt và nhất trí lên tiếng, đòi hỏi và chỉ trích mạnh mẽ thì chính quyền mới lùi bước. Khi chính quyền cũng phải cạnh tranh thì mọi người dân, mọi tầng lớp đều được hưởng lợi chứ không riêng gì một nhóm người nào. Vì vậy mọi người dân phải ủng hộ những tiếng nói dũng cảm đứng lên chỉ trích chính quyền. Ví dụ khi thuốc Tây ở Việt Nam không còn cảnh độc quyền nữa thì giá sẽ hạ trên toàn quốc và mọi người dân đều được hưởng lợi từ đó chứ không riêng gì mình cô nhà báo Lan Anh của báo Tuổi Trẻ. Và tất nhiên là chúng ta muốn mua thuốc Tây giá rẻ thì phải ủng hộ những người như cô Lan Anh.

Cách đây không lâu tôi có nghe cuộc phỏng vấn luật sư Trần Lâm. Cụ có nói là không nên chỉ trích và lôi những người cộng sản ra mà chửi vì những người cộng sản không phải là xấu, chỉ có những kẻ cầm quyền mới xấu. Ý cụ đại khái là nếu có chửi thì chửi nhà cầm quyền là đủ, đừng thêm chữ cộng sản vào đó, vì sẽ có người không hài lòng.

Câu nói của cụ Trần Lâm chỉ đúng một phần, quả thật là không phải tất cả những người cộng sản đều xấu mà chỉ có một thiểu số nhỏ cầm quyền là xấu. Thế nhưng thiểu số đó luôn lấy danh nghĩa của người cộng sản ra để biện minh cho những hành động của họ. Như vậy cộng sản và độc tài là một, khi chỉ trích độc tài thì tức là chỉ trích cộng sản. Nếu những người cộng sản "chân chính" không muốn mang tiếng xấu và không muốn nghe "chửi" thì phải từ bỏ hàng ngũ cộng sản để đứng về phía nhân dân, như trường hợp của cụ Hoàng Minh Chính.

Nếu nói tôi là người "chống cộng" cũng không sai, nhưng đúng nhất thì tôi là người chống độc tài! Hiện tại ở Việt Nam độc tài là cộng sản nên tôi chống "độc tài cộng sản", sau này không còn cộng sản nữa mà là đảng Lao Động hay đảng Dân Chủ lên cầm quyền mà cũng độc tài thì tôi sẽ tiếp tục chống "độc tài Lao Động" hay chống "độc tài Dân Chủ"... Tôi sẽ chọn con đường là đứng về phía nhân dân tôi, đồng bào tôi.

Theo tôi, chống độc tài là nhiệm vụ của tất cả mọi người dân, từ người cùng đinh đến những nhà trí thức, tư sản. Tất cả mọi hình thức đấu tranh đều cần được ủng hộ. Khi có tự do và sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đảng phái chính trị thì người dân mới có thể đòi hỏi cho mình nhiều quyền lợi nhất. Và cũng chỉ khi đó mỗi người dân mới thấy thoải mái, tự do, nhân phẩm được tôn trọng. Không cần làm "quan cộng sản" tôi cũng biết được một điều là nhiều người quyền cao chức trọng của đảng cũng đâu có sung sướng gì ! Muốn nói gì cũng phải lựa lời, hoặc nhìn trước ngó sau rồi mới dám nói, họ ra oai với người dân và cấp dưới nhưng với cấp trên họ cũng chỉ là "cỏ rác" chứ không hơn gì.

Thế nhưng một số trí thức Việt Nam chấp nhận cảnh "dưới một người, trên vạn người" chấp nhận "phò chính thống". Tâm lý đó cần thay đổi, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người được "tự do", tự do làm những việc mình muốn, theo đuổi những ước mơ và hoài bão của mình, tự do để nói những điều mình yêu hoặc ghét...

Hãy sống như một người tự do

Tôi sống ngoài vòng cương tỏa của chính quyền cộng sản và tôi không nghèo khổ, tôi có một cuộc sống khá đầy đủ, tôi không viết báo để kiếm tiền, tôi không hận thù chế độ, tôi không bị ai thao túng hay mua chuộc lôi kéo, tất cả những gì tôi đã viết đã nói đều là những suy nghĩ và nhận xét từ thâm tâm tôi, từ sự hiểu biết của tôi.

Tôi chỉ có một ước nguyện là người dân Việt Nam phải được sung sướng, hạnh phúc như người dân các nước văn minh. Tôi cũng hiểu rằng một chế độ độc tài như Việt Nam thì sẽ không bao giờ làm được điều đó cho nhân dân.

Tôi có một tham vọng rất lớn là sau này khi chế độ độc tài không còn trên quê hương Việt Nam yêu dấu, khi đó người dân sẽ cảm nhận được cái hay, cái tốt đẹp mà dân chủ và tự do mang lại cho họ, khi đó họ sẽ nhớ đến những người đã góp phần thay đổi lịch sử, và tôi hy vọng rằng khi đó họ sẽ nhớ đến tôi như một người đã đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc dân chủ hoá đất nước. Vì ước mơ và hoài bão lớn lao đó tôi sẽ tiếp tục tranh đấu cho đến khi Việt Nam hoàn toàn có tự do và dân chủ.

Tôi cũng tin và mong rằng tất cả mọi người Việt Nam yêu nước và yêu tự do dân chủ vững tin vào tương lai, chúng ta hãy sống như một người tự do và tiếp tục nói lên tiếng nói của sự thật và lẽ phải với một tấm lòng trong sáng dành cho đồng bào và tổ quốc thân yêu của chúng ta.

Tôi luôn tin rằng:
Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ...

Việt Hoàng
(Moskva)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn