Phạm Toàn: Tôi thấy đáng nhẽ ra số tiền đấy để xây bệnh viện và xây trường học. Phải làm thế nào để cho trẻ con nước ta đi học không mất tiền, người lớn đi chữa bệnh không mất tiền chứ. Đấy mới là cái quan trọng, chứ 1000 năm mà dân nằm bệnh viện khổ quá, trẻ con đi học khổ quá, không có tiền nộp cho con đi học thì chả để làm gì cả.
Nhưng bây giờ khó lắm, người ta có quyền thì người ta thích làm những cái cho nó vênh vang. Cái đó vớ vẩn, tôi có tham gia gì đâu, tôi bảo kệ xác họ và tôi không đi đâu cả. Với các bạn làm việc với tôi tôi cũng khuyên họ chúng mình ngồi trong phòng làm việc chứ đừng đi ra đường.
DCVOnline: Vậy là từ lúc bắt đầu đến nay ông hoàn toàn không đi đến khu vực lễ hội?
Phạm Toàn: Trước đó tôi cũng không thèm nhìn chứ nói gì sau này. Một lần đi qua tôi nhìn cái tượng Lý Thái Tổ tôi thấy như cái ông vớ vẩn nào đấy đầu đội mũ như mũ Khuất Nguyên, nó chả ra làm sao cả. Tất cả một nền văn hóa đã bị phá nát hết rồi, còn gì nữa đâu.
Bây giờ lại còn đúc tim bằng đồng cho vào trong ngực của Thánh Gióng và ngực ngựa của Thánh Gióng nữa. Ba lăng nhăng không. Nhìn bề ngoài (của tượng) là biểu hiện được nội lực rồi, việc gì phải khoe có tim bằng đồng nữa thì ngu ơi là ngu.
Một xã hội với bọn người bẩn thỉu không đáng cho mình nghĩ nữa. Tôi khinh họ đến mức có bảo chửi họ tôi cũng chẳng muốn chửi nữa cơ.
DCVOnline: 10 ngày đại lễ mà ông không chấm được một chương trình nào, dù nhỏ, sao?
Phạm Toàn: Có cái gì nhỉ, có cái tắc đường à? Phố cổ thì bẩn ơi là bẩn. Giá bao nhiêu tiền đấy để làm lại cống ở phố cổ, làm lại nhà toilette ở phố cổ đi, vớ vẩn. Một nền văn hóa vớ vẩn, nói chỉ phí lời. Để cho họ tan đi thì thế hệ sau nó dựng lại. Họ rồi cũng tan đấy mà.
DCVOnline: Những người Hà Nội mà ông tiếp xúc họ nói sao?
Phạm Toàn: Họ cười khẩy, những người có đầu óc người ta cười khẩy, người ta có vỗ tay đâu. Những người đi chơi phố vì không có việc gì để làm, và thanh niên, mà thanh niên thì chỗ nào chả chơi. Thanh niên thì có lý tưởng gì đâu tại vì người ta làm cho thanh niên không có lý tưởng bằng những cái chơi vô bổ. Đáng nhẽ ra thì đoàn Thanh niên phải tổ chức cho thanh niên những việc làm có ích, cắm trại, nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu những địa danh, nhưng cuối cùng có làm gì đâu, ngoài cái việc là đi tổ chức thi hoa hậu. Hoa hậu cái đầu ngắn ngủn, nói những câu lăng nhăng lô nhô, khi được hỏi bikini là gì thì trả lời bikini là một món súp của Nga.
Bây giờ tôi tập trung cùng một số bạn làm sách Giáo khoa, chúng tôi vừa tổ chức chương trình chào lớp Một. Mối quan tâm của tôi hiện nay là phải chữa lại về giáo dục, chữa lại bậc tiểu học chứ không phải đại học. Đại học chỉ cần tự do và tự chủ thôi, không cần phải chữa gì cả là họ khắc có một nền đại học tốt. Chứ không thể trong vòng 20 năm là có một nền đại học tầm cỡ quốc tế bằng cách đổ tiền vào vớ vẩn, đó chỉ là nghĩ cách tiêu tiền thôi.
Chúng tôi phải cụ thể là làm thành một bộ sách mới, cách dạy mới đưa cho xã hội xem, ghanh đua với Bộ Giáo dục để buộc họ phải đổi mới. Mối quan tâm của tôi trong nhiều năm nay là thế.
DCVOnline: Những bộ sách giáo khoa mới cũng như phương pháp giáo khoa mới của nhóm ông, ai sẽ là người nghe và áp dụng, liệu nhà nước có hỗ trợ những cái mới này không?
Phạm Toàn: Cho đến nay họ không hỗ trợ mà họ còn dọa chúng tôi chứ, họ bảo là các anh làm sách ngoài luồng, mà “ngoài luồng” ở Việt Nam có thể là “phản động” mà phản động thì sẽ bị cấm. Thế nhưng tôi đã tuyên bố giữa cuộc hội thảo là sách chúng tôi không gửi cho bộ duyệt, chúng tôi gửi thẳng cho phụ huynh học sinh, cho xã hội, cho giáo viên, người ta thẩm định bằng cách người ta dạy cho trẻ em. Nói một cách cực đoan là có thể dạy ở từng gia đình và từng gia đình phải cứu con em mình trước khi xã hội cứu các cháu bằng một cuộc cải cách giáo dục xứng tầm một dân tộc văn minh và thông minh.
DCVOnline: Có một hiện tượng xã hội, ví vụ như các bloggers, nhiều bạn trẻ 8x, 9x đã nhận thức đúng thực trạng xã hội hiện nay và cũng đã có những ý kiến, bài viết phê phán trên các trang blog cá nhân. Nhưng sao trong một xã hội mà có rất nhiều người, nhất là giới trẻ nhận thức được và đã bày tỏ nhận thức của mình như thế mà xã hội cũng ko thay đổi gì?
Phạm Toàn: Chỉ có một câu trả lời thôi, đó là chế độ kìm kẹp quá mạnh, hệ thống stasi quá mạnh. Đó là régime policier [một chế độ công an trị - chú thích của Dân Luận]. Trong một régime policier thì anh rất khó làm, nó có thể theo dõi một cuộc nói chuyện của anh tận đẩu tận đâu rồi dàn dựng cho anh vào tù được. Hai nữa là thanh niên cứ phát biểu thế thôi chứ thanh niên thì không có hệ thống. Tất cả những anh 9x, 8x phải có một hệ thống thì anh mới mạnh được.
Hệ thống đó là hệ thống tư tưởng, ý tưởng, hệ thống triết học, hệ thống hành động, hệ thống tổ chức, mà anh thì không có những cái hệ thống ấy. Anh chỉ cần 5 người ngồi lại với nhau thì nó có thể cho anh vào tù rồi. Để cho vào tù thì người ta có rất nhiều cách, như tội trốn thuế chẳng hạn, rất là đại vớ vẩn như đối với anh blogger Điếu Cày.
Ai cũng biết blogger Hải phạm tội trốn thuế là vì một cái khác chứ không phải chính tội đó, nhưng mà bây giờ nó như thế, một cái régime rất cynique, trâng tráo, không biết hổ thẹn là gì cả, nó chỉ cần thắng thôi. Thế thì thanh niên chả ăn thua gì cả.
Anh muốn thắng thì anh phải có một hệ thống hơn người ta, anh phải hơn nó một cái đầu về tư tưởng, vật chất, chiến thuật, chiến lược, cái gì anh cũng phải hơn nó. Đằng này thanh niên thì không hơn, chỉ hơn mỗi cái là trẻ hơn, nhưng bọn nó là con voi già.
DCVOnline: Như vậy chả nhẽ ta thua?
Phạm Toàn: Tuy nhiên, sẽ đến một lúc mà sự bất ngờ sẽ đến với họ và lúc ấy sẽ nhục nhã. Đáng nhẽ anh phải tỉnh táo để tổ chức những cuộc thay đổi. Cũng giống như anh tổ chức một cuộc đẻ nhưng không bị đau mà vẫn có đứa con lành mạnh, khỏe khoắn. Đấy mới là một người có đầu óc.
Thế nhưng bây giờ có bao nhiêu người có đầu óc, bao nhiêu người tỉnh táo để cho quyền lợi nó không làm cho mắt lòa đi? Cứ nói đến việc một ông thủ tướng mà nói ngọng “hội nghị ô béc, hoan nghêng thủ tướng xing ga bô”, ta thử tưởng tượng thủ tướng Thái Lan mà nói như thế trước dân của họ thì dân ở đấy người ta tống cổ đi. Vì sao? Vì dân trình độ cao còn dân của mình thì không biết gì cả, phải chạy theo từng đồng xu để kiếm sống. Tôi có nói oan cho họ không? Hoàn toàn không nhé!
DCVOnline: Thế là tại “police partout, justice nulle part” ["cảnh sát ở mọi nơi, thì công lý không thể xuất hiện" - chú thích của Dân Luận] sao, hay là tại chính mình?
Phạm Toàn: Tại cả hai, tức là tại phía mình thực chất là văn hóa kém. Người nông dân bây giờ không biết pháp luật là gì cả, chỉ biết cáu thôi. Thanh niên thành thị không biết pháp luật là gì cả, tức thì chỉ biết là đi phóng xe thi cho nó đỡ tức. Thế là người ta cứ việc đàn áp. Đàn áp cộng với ngu dân thì cái xấu nó sẽ trường tồn, thế thôi.
Như cái đại lễ này, ai là người tổng chỉ huy của cái cuộc vui này? Không có! Đáng lẽ phải có một tổng đạo diễn chứ, ai? Không có. Không có một cái địa chỉ để chịu trách nhiệm. Họ đã làm cho “tout le monde a sa part” [ai cũng có phần - chú thích của Dân Luận], tất cả mọi người đều tham gia. Nó tồn tại là vì như thế.
Úi, chúng ta đã đi xa rồi đấy, cái này không khéo là nó bắt tôi đấy (cười).
DCVOnline: Ấy, nhưng ông chỉ là tiếng nói đại diện cho suy nghĩ nhiều người…
Phạm Toàn: Ừ, thì cứ cho là như thế, nhưng lúc hỏi thế người khác có nghĩ không thì họ lại bảo là không ạ, cái này thì chỉ có mỗi cái lão gàn này nó nghĩ thế thôi. Đề nghị nhà nước cho nó ăn… bikini mấy hôm
DCVOnline: Cảm ơn ông đã trò chuyện với DCVOnline.
Theo DCVOnline
Gửi ý kiến của bạn