BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73355)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bảo vệ 'con người thật' của nhà triết học Trần Đức Thảo

07 Tháng Năm 20186:31 SA(Xem: 1594)
Bảo vệ 'con người thật' của nhà triết học Trần Đức Thảo
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Ngày 28 tháng 4 vừa qua, BBC Tiếng Việt đăng bài 'Trần Đức Thảo nghĩ gì về đế quốc và 30/04?', dẫn nhập: "Cuốn hồi ký 'Trần Đức Thảo - Những lời trăn trối' do nhà báo Tri Vũ - Phan Ngọc Khuê biên soạn ghi lại các tâm sự của ông Trần Đức Thảo sau khi ông trở lại Pháp đầu thập niên 1990".

Tôi thực sự bị sốc sau khi đọc bài viết này.

Trước hết, bất cứ độc giả thông thường dễ dàng nhận thấy cuốn sách 'Trần Đức Thảo - Những lời trăn trối' không phải là hồi ký của Trần Đức Thảo. Đơn giản là đã gọi là 'hồi ký' thì phải có bản thảo của chính Trần Đức Thảo. Thế nhưng đã không có bất cứ bản thảo hồi ký nào của ông. Bản thân BBC Tiếng Việt cũng thừa nhận cuốn sách này chỉ là "ghi lại lời ông Trần Đức Thảo".

Tiếp đó, với tư cách là một người có quan hệ gần gũi với Trần Đức Thảo, tôi thấy cuốn sách 'Trần Đức Thảo - Những lời trăn trối' là một sự xuyên tạc có chủ ý triết gia duy nhất này của Việt Nam (tính đến thời điểm hiện tại), hơn thế nữa, được giới triết học quốc tế ngưỡng mộ.

Trần Đức Thảo (trái), Cù Huy Cận (phải) và con trai Cù Huy Hà Vũ (giữa) tại Nhà khách sứ quán Việt Nam, 2 Le Verrier, Pa
Trần Đức Thảo (trái), Cù Huy Cận (phải) và con trai Cù Huy Hà Vũ (giữa) tại Nhà khách sứ quán Việt Nam, 2 Le Verrier, Paris, đầu năm 1993

Thời gian sống cùng Trần Đức Thảo

Thực vậy, tôi và vợ tôi, Nguyễn Thị Dương Hà, đã có thời gian sống cùng Trần Đức Thảo tại Nhà khách Sứ quán Việt Nam ở Paris, số 2 Le Verrier, cho đến khi ông mất vào cuối tháng 4 năm 1993. Năm 1992, với tư cách cán bộ Bộ ngoại giao Việt Nam, tôi trở lại Paris để học tại Học viện quốc tế quản lý hành chính công (IIAP), trực thuộc Thủ tướng Pháp, nay là Trường quốc gia hành chính (ENA). Việc vợ chồng tôi thuê một phòng tại Nhà khách này không chỉ vì đó là nơi tôi đã ở trong lần du học trước đó mà còn vì cách trường có hai trăm mét, tại số 2 đại lộ l'Observatoire.

Ngay ngày đầu tiên tôi đã gặp Trần Đức Thảo. Số là tôi từ ngoài đường vào thì thấy một cụ già gầy gò, hai tai nút đầy bông, đang hổn hển kéo lên thang gác một xe đẩy nhỏ buộc một bịch nước đóng chai. Ngạc nhiên vì không thấy ai giúp ông, tôi liền nói: "Bác để cháu mang lên cho" và đưa bịch nước đó lên phòng của ông ở tầng 2.

Đó là một căn phòng bề bộn sách và bản thảo, đặc biệt là rất bẩn và hôi, bông dính mủ rải rác khắp nơi. Mọi chỉ dấu cho thấy chỉ có mình ông ở đây. Vẻ cảm động, ông hỏi tôi: "Cháu tên gì?".

Tôi trả lời: "Cháu tên Vũ" rồi hỏi lại: "Bác tên gì?". "Tôi là Trần Đức Thảo", ông rành mạch. Tôi sững người: "Trần Đức Thảo! Cháu đã nghe tiếng bác từ lâu. Bác là nhà triết học. Cháu còn biết bác là nạn nhân của vụ án 'Nhân văn Giai phẩm'. Bố cháu là Huy Cận, bác cháu là Xuân Diệu. Các ông ấy nói nhiều về bác lắm".

Trần Đức Thảo nói ngay: "Ai chứ Huy Cận, Xuân Diệu thì tôi thân lắm" rồi hỏi thăm về bố tôi (Xuân Diệu đã mất từ năm 1985). Sau này tôi mới biết là vào đầu năm 1991, ngay trước khi Trần Đức Thảo đi Pháp, bố tôi cùng chú ruột tôi là Cù Huy Chử, Tiến sĩ triết học, Trưởng khoa của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh) và con chú tôi là Luật sư Cù Huy Song Hà, đã đến thăm ông tại nhà ở 200 Đề Thám, TP Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, bố tôi đã tặng ông bài thơ 'Gửi thế kỷ 20' với đề tặng "Kính tặng Anh Trần Đức Thảo, nhà triết học suy tư cùng thế kỷ".

Thế là tôi trở thành chỗ tin cậy của triết gia họ Trần không chỉ trong chuyện "hậu cần" mà còn cả trong những việc ông đang làm ở Paris. Ông cho tôi biết vì sao và bằng cách nào ông sang được Pháp.

Ông cũng chia sẻ với tôi những gì ông đã và đang làm và dự định của ông cho thời gian tới. Còn hiện tại, ông nhờ tôi bán những bản tóm tắt những đề tài triết học mà ông sẽ thuyết trình tại Nhà Việt Nam hay Đại học Paris 7 với giá 20 francs (hồi đó khoảng hơn 3 USD) một tập để có tiền sống qua ngày...

Trần Đức Thảo đã ký tặng tôi một bản như vậy. Chính qua những cuộc trò chuyện tay đôi với ông cả ở nhà lẫn trên đường phố mà tôi hiểu được khá cặn kẽ con người cũng như suy tư của ông. Khi nghe tôi kể về tình cảnh đến thảm thương cũng như dự định nghiên cứu của Trần Đức Thảo, Jean Dupèbe, Giáo sư của tôi tại Đại học Paris 7, cựu sinh viên Trường Sư phạm nơi Trần Đức Thảo đã từng học, kêu lên: "Trần Đức Thảo là thầy của tất cả chúng tôi, tại nước Pháp này! Tôi sẽ phải làm cái gì đó để giúp Giáo sư Thảo". Ngay sau đó, Jean Dupèbe đã vận động Hội cựu sinh viên Trường sư phạm lập ra một khoản trợ cấp cho ông.

Tóm lại, Trần Đức Thảo coi tôi như "thủ túc" của ông. Chị Hiền và bà Bích Hồng, cùng ở Nhà khách, là những người có măt khi ông hấp hối tại chính căn buồng của ông, thuật lại với vợ tôi: "Khi hấp hối, bác Thảo kêu: "Vũ ơi? Vũ ơi?" thì mọi người thưa rằng: "Vũ đang đi thực tập ngoại giao tại Sénégal. Vũ sắp về rồi". Bác Thảo không nói gì nữa, rồi mất".

Trở lại cuốn sách 'Trần Đức Thảo - Những lời trăn trối', sách mô tả Trần Đức Thảo gọi người quản lý Nhà khách là "đồng chí Hào". Thế nhưng tên của người quản lý này là "Hảo". Chỉ riêng chi tiết này thôi cũng đã cho thấy cuốn sách là bất khả tín. Ngoài ra, cả tôi lẫn vợ tôi chưa từng nghe Trần Đức Thảo gọi ông Hảo hay bất cứ ai khác là "đồng chí" trên đất Paris này.

Về học thuật, Trần Đức Thảo là một nhà Marxist. Để khỏi chứng minh dài dòng, tôi lấy Trần Đức Thảo để định nghĩa Trần Đức Thảo.

Trong 'Tiểu sử Trần Đức Thảo' tự biên, ông viết: "Tháng 8 năm 1951 tôi công bố cuốn "Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng" do Nhà xuất bản Minh Tân phát hành. Cuốn sách này đánh dấu sự chuyển biến của tôi từ Hiện tượng học đến chủ nghĩa duy vật biện chứng. Trên thực tế tôi mới chỉ đạt tới ngưỡng cửa của Chủ nghĩa Mác. Tôi đã đi đến nhận biết được chân lý của những cơ sở lý luận của học thuyết duy vật biện chứng, nhưng chưa nắm được đầy đủ những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là về chủ nghĩa duy vật lịch sử. Trong hành trình của tôi, tôi đã được đưa đến Chủ nghĩa Mác qua 2 con đường: Thứ nhất, đó là cuộc đấu tranh đòi tự do cho dân tộc dẫn đến chủ nghĩa xã hội; Thứ hai, việc nghiên cứu triết học và lịch sử triết học đã cho tôi thấy rằng chỉ có duy nhất Chủ nghĩa Mác-Lênin mới vạch ra con đường đúng đắn để giải quyết những vấn đề cơ bản về phần lý luận khoa học".

Trần Đức Thảo tán thành "chủ nghĩa xã hội"

Tóm lại, Trần Đức Thảo tán thành "chủ nghĩa xã hội" theo học thuyết Mác-Lênin và khẳng định cuộc đấu tranh đòi tự do cho dân tộc Việt Nam dẫn đến chủ nghĩa xã hội.

Còn sau đây là một số "quan điểm" của Trần Đức Thảo mà bài 'Trần Đức Thảo nghĩ gì về đế quốc và 30/04?' trích ra từ 'Trần Đức Thảo - Những lời trăn trối'.

-Ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, do Lênin tuỳ tiện khai triển tư tưởng Marx là phương cách giam hãm các dân tộc chư hầu của thời Sa hoàng vào trong một gông cùm kiểu mới, với cái tên đẹp hơn: "khối các nước xã hội chủ nghĩa anh em… Bắc Kinh cũng đối xử với Tây Tạng, với Triều Tiên, với cả ta, theo tâm thức bành trưởng đế quốc như thế, cũng dưới chiêu bài "khối các nước xã hội chủ nghĩa anh em", giữa hai "láng giềng hữu hảo, môi hở răng lạnh"!...

Hẳn để thuyết phục người đọc về tính xác thực của những "quan điểm" nêu trên, những quan điểm phủ nhận hoặc hoàn toàn lạ lẫm với sự theo đuổi chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa xã hội và cuộc đấu tranh đòi tự do cho dân tộc Việt Nam của Trần Đức Thảo được thể hiện qua các văn bản do chính ông công bố, Phan Ngọc Khuê vẫn trong cuốn sách này đã hơn một lần dẫn ra cái gọi là "tâm sự" của triết gia theo đó ông đang chú tâm hoàn tất một cuốn sách có tính "phản tỉnh".

-Ai cũng cần đọc sách này để thấy, để hiểu thảm hoạ đã đến với mỗi con người chúng ta như thế nào. Sách như thế thì làm sao có thể viết được ở quê nhà. Chúng nó thì đánh cho vỡ đầu ấy chứ! Ha! Ha! Ha…! Chừng nào cuốn sách của tôi được in ra thì tất cả những thắc mắc mà các bạn ở Paris này nêu ra từ trước tới nay sẽ được giải đáp cho bằng hết. Và tôi đang gấp rút biên soạn nó…

Trần Đức Thảo
Trần Đức Thảo

 

Vậy thì, nếu quả những "tâm sự" trên của Trần Đức Thảo mà Phan Ngọc Khuê "ghi lại" là có thật, thì trong di cảo của ông, nếu không có một bản thảo theo đúng nghĩa cho một cuốn sách "phản tỉnh" như vậy thì chí ít phải có bản thảo thể hiện không ít thì nhiều sự "phản tỉnh" ấy của ông. Thế nhưng thực tế cho thấy đã không có bất cứ bản thảo nào như vậy.

Thứ nhất, Trần Đức Thảo cho tôi, Cù Huy Hà Vũ, biết ông gửi lưu trữ một số bài viết của ông cho một cơ quan lưu trữ tại Paris (có trả phí bảo quản). Sau khi Trần Đức Thảo mất, cơ quan lưu trữ này gửi thư thông báo ông Thảo còn nợ một số tiền bảo quản tài liệu. Chính tôi đã thanh toán số tiền này và cơ quan lưu trữ đã gửi những bài viết của ông cho tôi. Những bài viết này của Trần Đức Thảo có một bản tiểu sử do ông tự biên soạn và vài bản thảo khác thuần túy triết học, không liên quan đến thời sự, càng không chứa đựng những quan điểm "phản tỉnh" như Phan Ngọc Khuê mô tả.

Thứ hai, bố tôi, Bộ trưởng Cù Huy Cận, trong một chuyến công tác tại Pháp vào đầu năm 1993, có thăm Trần Đức Thảo ngay tại Nhà khách Sứ quán. Tại buổi gặp và trò chuyện này giữa hai ông, tôi đã có mặt và đã có chụp ảnh kỷ niệm (đăng kèm bài này). Ông Thảo đã không bày tỏ với bố tôi bất cứ quan điểm nào có tính "xét lại" chứ đừng nói gì đến "phản tỉnh" mặc dù hai ông rất thân tình với nhau. Sau khi Trần Đức Thảo mất, chính bố tôi là người đã đề xuất Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Độc lập cho ông và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện điều này trước khi tang lễ của ông được tổ chức.

Thứ ba, sau khi Trần Đức Thảo mất, sứ quán Việt Nam đã gửi toàn bộ tài liệu trong đó có các bản thảo của Trần Đức Thảo có trong buồng ông tại Nhà khách Sứ quán về Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Chú ruột tôi, Cù Huy Chử, Tiến sĩ triết học Trưởng khoa của Học viện này (chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh) như trên đã nói, là người gần gũi với Trần Đức Thảo từ năm 1960, được giao toàn bộ tài liệu này để nghiên cứu. Ông Chử đã cho tôi xem tất cả khối tài liệu này (mà một phần đáng kể là bằng tiếng Pháp) hiện lưu giữ tại nhà ông. Ông Chử cũng nhiều lần trao đổi với tôi về Trần Đức Thảo với mong muốn tôi hợp tác viết sách về nhà triết học Marxist này. Đã không một bản thảo nào trong số tài liệu đó thể hiện cách nhìn phủ nhận những gì Trần Đức Thảo đã viết và công bố.

Cho dù tôi không phải là người tán thành mọi quan điểm của Trần Đức Thảo nhưng tôi sẽ bảo vệ đến cùng con người vốn dĩ của ông.

Cù Huy Hà Vũ
Nguồn BBC

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn