Tôi dừng xe trên bãi đậu của Lion Plaza. Tính nhẩm trong lòng, thì ra đã hai mươi lăm năm mình mới trở lại đây.
Năm 1990, tôi làm việc cho một hãng computer của Mỹ có trụ sở chính đặt ở Milpitas, gần San Jose. Dù nhóm tôi ở miền Đông Bắc, tôi vẫn thường qua đây làm việc, để được huấn luyện các chương trình hay đề án mới. Nhiều khóa huấn luyện kéo dài hai hay ba tuần lễ.
Thời điểm đó trong nước Bác sĩ Nguyễn Đan Quế vừa công bố “Lời Kêu Gọi của Cao Trào Nhân Bản”. Bác sĩ bị CS bỏ tù từ 1978 đến 1988 nhưng sau khi công bố lời kêu gọi đó, ông bị bắt lần nữa và bị tuyên án 20 năm tù.
Những ngày cuối tuần, một nhóm bạn trẻ ở San Jose thường đặt một chiếc bàn nhỏ bên lối đi vào Lion Plaza để phân phối lời kêu gọi của Bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Khi qua San Jose, cuối tuần tôi cũng đến đó để phụ với các bạn. Có khi tôi đến một mình và đứng trước cổng chợ để phân phối lời kêu gọi của ông.
Một số người đi chợ tưởng là giấy quảng cáo hàng hạ giá nên đưa tay cầm lấy nhưng lặng lẽ ném đi khi biết đó là bản tin ngắn viết về một người trung niên đeo kính cận dày mà họ không biết là ai.
Vài đồng hương chịu khó dừng lại hỏi han. Tôi có cơ hội giải thích họ biết người trong hình là Bác sĩ Nguyễn Đan Quế đang bị tù vì gióng lên tiếng nói đòi tự do, dân chủ và nhân bản cho dân tộc Việt Nam. Họ gật đầu thông cảm nhưng rồi cũng tiếp tục đi.
Không chỉ đồng hương mà ngay cả những người trẻ chúng tôi ngày đó cũng không biết gì nhiều về bác sĩ ngoài tiểu sử vắn tắt và lời kêu gọi của ông. Nhưng chúng tôi ủng hộ, đơn giản vì ông gióng lên tiếng nói từ ngục tù CS. Chúng tôi không muốn tiếng nói của ông cất lên trong cô đơn sẽ rơi vào quên lãng.
Bạn bè tôi ngày đó rồi cũng ra đi theo chọn lựa riêng của mỗi người và tôi vẫn tiếp tục kiên nhẫn làm công việc mang từng giọt nước nhỏ vào lòng sông đang trong mùa đại hạn bởi vì tôi tin chỉ có thay đổi nhận thức mới có thể thay đổi được tương lai như họa sĩ Maurizio Nannucci đã viết trong tác phẩm của ông: “Thay đổi nơi chốn, thay đổi thời gian, thay đổi nhận thức, thay đổi tương lai”.
Hai mươi bốn năm sau, 11 tháng 5, 2014, tôi được mời đến thuyết trình về các phong trào xã hội tại Việt Nam trong ngày Nhân Quyền 11 tháng Năm được tổ chức hàng năm tại Washington DC. Trong dịp đó tôi nhắc lại sự kiện công bố Lời Kêu Gọi của Bs Nguyễn Đan Quế năm 1990 rằng nếu ngày đó CS đưa ông ra sau nhà giam Chí Hòa bắn chết, ngoại trừ một số rất ít trong gia đình và thân hữu, có lẽ không bao nhiêu người biết. Ông không phải là Nelson Mandela hay Desmond Tutu mà chỉ một thầy thuốc ở bịnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn. Nhưng từ điểm khởi hành khiêm nhượng đó, phong trào xã hội đã từng bước đi lên. Ngày nay, hàng trăm mạng lưới, hàng ngàn nhóm xã hội dân sự đang hoạt động.
Không có trường đại học nào dạy làm cách mạng. Cách mạng bắt đầu từ trái tim, từ lòng yêu nước, từ lý tưởng sắt son. Các thế hệ đi trước có chọn lựa thích hợp với nhận thức chính trị, điều kiện lịch sử và hoàn cảnh riêng của họ. Họ thành công và họ thất bại. Họ đi đúng và họ bước sai. Nhưng tôi luôn dặn lòng, không chỉ ngồi đó than trách hay đổ thừa những bậc cha chú đã đi qua mà hãy kính trọng họ và làm hết sức của mình.
Con đường đúng phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức chính trị và lịch sử của người dân Việt nói chung và tuổi trẻ nói riêng. Vận dụng các điều kiện quốc tế là việc nên làm nhưng phục hồi và phát huy nội lực dân tộc vẫn là quan trọng nhất bởi vì chính nội lực sẽ đào thải chủ nghĩa CS. Lịch sử các quốc gia Nga, Đông Âu và vùng Baltics cho thấy đó là con đường đúng và bền bỉ nhất.
Nhưng phục hồi và phát huy nội lực dân tộc cần nhiều thời gian, công sức và kiên nhẫn.
Trường hợp Việt Nam, yếu tố kiên nhẫn lại càng cần thiết hơn các nước CS Châu Âu bởi vì lý do lịch sử. Không giống sự hình thành các đảng CS Châu Âu, quá trình hình thành và phát triển của đảng Cộng sản Việt Nam là một quá trình đầy ngộ nhận lịch sử và họ tồn tại đến nay, một phần cũng nhờ vào những ngộ nhận đó.
Năm 2005, tôi có giải thích lý do này trên talawas rằng không giống như trường hợp Tiệp Khắc, Đông Đức, Ba Lan, Bulgaria, Albania, v.v.., nơi đó các đảng cộng sản thực chất chỉ là những dây chùm gởi sống nhờ vào sức mạnh của đồng Rup, xe tăng và hỏa tiễn Liên Sô, khi cây đại thụ Liên Sô thối ruột và ngã quỵ thì cả chùm cũng khô héo theo, đảng Cộng sản Việt Nam qua chiếc bánh vẽ “đánh đuổi thực dân giành độc lập” đã mê hoặc không chỉ một thế hệ Việt Nam trước đây mà nhiều người còn bị tẩy não đến bây giờ.
Những người này cho rằng chế độ CS hư thối nhưng có lý do để tồn tại. Họ thành thật tin rằng nếu diệt được hết tình trạng tham nhũng chế độ sẽ tốt hơn và xứng đáng để lãnh đạo Việt Nam. Nhưng họ quên rằng tham nhũng có tính đảng, tức là một trong những đặc tính thuộc về bản chất của chế độ CS.
Thế nào là “tính đảng”? Trong một bài viết nặng phần lý luận “Nâng cao tính Đảng của người đảng viên” đăng trên Tạp Chí Cộng Sản tháng 5, 2012, tác giả định nghĩa tính đảng là “thuộc tính căn bản, cốt lõi và bản chất” được sinh ra, lớn lên và sẽ tồn tại suốt chiều dài của đảng CS. Đảng CS là bằng mọi phương tiện, mọi biện pháp để đạt cho được mục tiêu xây dựng một chế độ độc tài, độc đảng, chuyên chính và toàn trị dựa trên chủ nghĩa CS. Một khi quyền lực tập trung tuyệt đối đặt trong tay một đảng toàn trị sẽ dẫn tới sự lạm dụng quyền lực và hậu quả đương nhiên là tham nhũng.
Nếu tham nhũng có thể ngăn chận mà không phải xóa bỏ cơ chế thì Liên Sô đã không sụp đổ.
Mikhail Gorbachev cương quyết chống tham nhũng nhưng ông không phải là lãnh tụ CS đầu tiên làm việc đó. Trước ông, chiến dịch chống tham nhũng của Yury Andropov còn quyết liệt hơn nhiều. Andropov, một hung thần CS được gọi là “đồ tể của Budapest” vì vai trò của y trong vụ đàn áp cuộc nổi dậy tại Hungary 1956 và Mùa Xuân Tiệp Khắc 1968, từng là giám đốc KGB từ 1967 đến 1982, đã ra lịnh xử bắn hàng loạt cán bộ các cấp lãnh đạo đảng.
Nhưng như lịch sử đã chứng minh bịnh cơ chế chỉ có thể được chữa trị sau khi cơ chế độc tài toàn trị bị xóa bỏ.
Ngày đó tác phẩm The Rise and Fall of Communism của Gs Archie Brown chưa ra đời. Khi tác phẩm được phát hành lần đầu năm 2009, Gs Archie Brown cũng đưa ra nhận xét tương tự, các đảng CS Trung Quốc, Việt Nam còn sống đến hôm nay vì chúng bám vào lịch sử đất nước. Tháo gỡ các ngộ nhận lịch sử, vì thế, trở thành mục tiêu hàng đầu và quan trọng nhất trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Từ những ngày ở Lion Plaza đầu thập niên 1990 tới nay là một quãng thời gian khá dài nhưng cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân bản cho cả dân tộc Việt Nam không còn cô đơn như hai mươi lăm năm trước. Phong trào xã hội chưa tập hợp thành một lực lượng cách mạng nhưng rõ ràng đang đi trên con đường đúng. Nhiều người có mặt trong những năm tháng đó nay đã qua đời, im lặng hay quy ẩn dù tuổi còn khá trẻ. Nhưng không sao. Chuyến tàu lịch sử dừng lại ở mỗi ga, có người bước xuống nhưng nhiều người khác bước lên và tiếp tục hành trình.
Một ngày nào đó những giọt nước từ tâm hồn tôi sẽ cạn theo tuổi tác và tôi sẽ ra đi nhưng con đường đúng thì sẽ có những tâm hồn Việt Nam khác tiếp tục gieo mầm xanh trên quê hương. Mùa xuân sẽ đến.
Trần Trung Đạo
Nguồn http://www.trantrungdao.com/?p=4201