Vấn đề trạm thu phí BOT Cai Lậy/Tiền Giang đang làm sôi nổi dư luận. Quốc hội phải bàn. Hội đồng chính phủ phải bàn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải quan tâm làm việc với Bộ Giao thông và tỉnh Tiền Giang để sẽ đi đến giải quyết.
Trung tâm điểm cuộc khủng hoảng là ở trạm thu phí BOT Cai Lậy, cuộc đấu tranh giữa chủ đầu tư thuộc Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Bắc Ái và giới tài xế lái xe qua lại. Giới lái xe cùng nhân dân địa phương coi việc đặt trạm thu phí trên đường số 1A là không ổn, là sai vị trí, vì lẽ ra phải đặt trên đường tránh bên cạnh đó do công ty nói trên xây dựng mới là đúng đắn, hợp lý, hợp pháp. Đường số 1A là con đường lớn nhất, xuyên Việt, xây dựng vững chắc từ lâu, từ cổng Hữu Nghị quan xuống tận Cà Mau. Các phương tiện giao thông đã trả phí từ khi trả thuế mua xe, thuế hàng năm, nên mặc nhiên có quyền xử dụng hệ thống đường lớn này. Thêm nữa, việc xây dựng các BOT là rất tùy tiện, phần lớn không qua đấu thầu (70/88 trạm BOT trong cả nước), mà qua chỉ định, do đó có móc ngoặc giữa các nhóm lợi ích với các quan chức địa phương, làm mồi cho tham nhũng những số tiền rất lớn. Chi phí cho BOT Cai Lậy lên đến 1.381 tỷ đồng. Số tiền chi cho 88 BOT lên đến 84.000 tỷ, tất cả vay từ Ngân hàng Nhà nước với lãi thấp.
Còn người dân phải trả phí mỗi lần qua trạm, mang tính áp đặt, móc túi dân. Một người dân địa phương đưa đón con đến trường 2 lần và 2 lần đi chợ, mua đồ phải trả số tiền lớn cho một ngày, trên con đường quốc lộ.
BOT Cai Lậy bắt đầu hoạt động từ ngày 1/8/2017, nhân dân địa phương cùng giới lái xe phản ứng mạnh mẽ, đấu tranh giằng co rất căng thẳng, gây nên ùn tắc giao thông thường xuyên. Sáng kiến đấu tranh dân sự của giới lái xe là rủ nhau trả tiền phí cao hơn quy định là 15.100 đồng thay vì 15.000 đồng, buộc trạm phải thối lại 100 đồng lẻ, là loại tiền mệnh giáo thấp, rất thiếu. Điều này dẫn đến chờ đợi giằng co hàng giờ, buộc trạm phải « xả trạm » liên tiếp. Chính quyền huy động hàng trăm công an cảnh sát cùng một số du côn hung bạo đến gây sự với giới lái xe, hành hung dữ tợn, nhân dân càng kéo ra đông đảo phản đối bạo quyền, với cái lý đây là mối quan hệ dân sự, không có tính hình sự. Một số nhà báo lề phải như VietnamNet, Tuổi Trẻ, Lao Động và một số luật sư tiến bộ đến chứng kiến bênh vực nhân dân và lẽ phải làm chấn động công luận. Một số đại biểu quốc hội lên tiếng, như ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên bí thư tỉnh ủy An Giang, ông Trần Quốc Thuận, nguyên chánh văn phòng Quốc hội, cũng lên tiếng.
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải đứng ra giải quyết, tỏ ra bất đồng với cách chống chế của bộ và thứ trưởng Giao Thông Vận Tải, quyết định tạm đóng cửa BOT Cai Lậy 1 tháng từ 5/12 để giải quyết xong xuôi vấn đề này, với nhận định rõ ràng là chuyện dựng BOT không thăm dò ý dân về vị trí và về mức thu phí cũng như không tổ chức đấu thầu, là những thiếu sót nghiêm trọng, mở đường cho sự tham nhũng móc ngoặc của các nhóm lợi ích. Nhà nước kiến tạo phải làm điều ích nước lợi dân, không thể làm điều tai hại thiệt thòi cho dân.
Cuộc đấu tranh về BOT Cai Lậy vẫn còn dang dở trong khi chờ quyết định cuối cùng của chính phủ với lời hứa tuân theo luật pháp và có tham vấn ý dân. Sự đoàn kết kết hợp nhân dân địa phương với giới lái xe, cùng giới báo chí, giới luật sư tiến bộ cùng một số viên chức chính quyền ngay thẳng đã đem lại thắng lợi rõ ràng ban đầu và một số kinh nghiệm quý trong cuộc đấu tranh bền bỉ, sáng tạo không bạo lực. Một số lái xe và nhân dân địa phương đã tìm đến gia đình các côn đồ hung hãn bị các công ty mua chuộc làm chuyện sai trái và thuyết phục họ cải tà quy chính có kết quả.
Nhiều luật sư cho rằng phải đưa chuyện này ra ngành tư pháp với phiên tòa công khai quang minh, bị cáo là các Công ty nhận dựng BOT và các quan chức bị mua chuộc. Nhà luật học Trần Quốc Thuận (cộng sản) mạnh dạn ngay thẳng cho rằng vấn đề các BOT có thể trở thành « đại án », khi xâm phạm cuộc sống của nhân dân đông đảo, chi phí lên đến 84.000 tỷ đồng, rất cần truy tố theo luật.
Bà Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng một số đại biểu quốc hội yêu cầu các đại biểu các tỉnh có các trạm BOT cần nghiên cứu kỹ các BOT ở địa phương mình tìm hiểu ý dân để góp phần giải quyết đúng đắn.
Cũng theo hướng đó, Tổng kiểm toán Nhà nước, Hồ Đức Phớc cho biết trong năm 2018 sẽ tiến hành tổng kiểm toán các trạm BOT ở Đồng Nai, Lâm Đồng, Uông Bí, Việt Trì, Đèo Cả… để báo cáo chính phủ, giải quyết sau BOT Cai Lậy.
Trong khi đó, ngành công an Tiền Giang vẫn lên tiếng dọa điều tra truy tố một số lái xe về tội gây mất trật tự, cản trở giao thông, nhưng anh em không nao núng vì sai lầm khởi đầu là do các Công ty BOT gây nên.
Một kinh nghiệm đặc sắc là sau 5 ngày đêm đầu tháng 12 đấu tranh quyết liệt, đông đảo dân địa phương đổ ra đường – đông gấp đôi lực lượng công an và bọn du côn - từng nhóm, từng nhóm công an cảm thấy đuối lý bỏ đi, rút lui, để rồi chỉ còn vài chục anh lọt thỏm trơ trọi giữa quần chúng đầy khí thế, theo tường thuật của báo Tuổi trẻ.
Câu chuyện BOT còn dai dẳng với ý định 1 tháng nữa sẽ giải quyết xong vụ BOT Cai Lậy, nhưng còn 87 BOT khác trải dài trong cả nước thì sẽ ra sao? Cuộc đấu tranh đang mở rộng.
Nếu kể từ phía Bắc, có BOT Lào Cai, BOT Hải Phòng, BOT Pháp Văn, Cầu Giẽ ở Hà Nội, BOT Tào Xuyên/Thanh Hóa, BOT Hoàng Mai, Bến Thủy/Nghệ An, các BOT Hải Vân, Đèo Ngang, các BOT Tư Nghĩa, Quy Nhơn, các BOT Liên Khương, Đèo Prenn ở Đà Lạt, các BOT Cổ Chiên, Bạc Liêu… đều có vấn đề phải giải quyết, nhân dân các nơi nói trên cũng lên tiếng phàn nàn về vấn nạn BOT. Người dân cho rằng các trạm BOT ngày nay không khác gì bọn thảo khấu hung hãn xa xưa chặn đường cái quan để đòi tiền mãi lộ!
Thắng lợi BOT Cai Lậy mở ra một cuộc đấu tranh rất rộng lớn, hoành tráng, chống lại thái độ khinh dân, coi dân là bèo BỌT!
Bùi Tín
Nguồn Blog Bùi Tín