Có lẽ vì thế mà tác giả Trần Văn Kha dùng hầu hết những trang sách trong tác phẩm để mô tả về cuộc đời ông, để giải thích lý do tại sao ông thoát được ra khỏi mưu mô lừa bịp và tàn nhẫn của Việt Minh để lựa chọn con đường chiến đấu riêng cho mình, để nhớ lại những chi tiết các trận đánh, tình hình chính trị Bắc Nam thời chiến tranh, chiến lược thất bại của Hoa Kỳ... để đưa ra những ý kiến mới về công cuộc chống cộng mà ông gọi là “chống cộng bằng lời.” Tác giả Trần Văn Kha đã dùng từ trang 56 đến trang 162 để viết một bản cáo trạng rất nặng nề dành cho chế độ Cộng Sản. Nhưng bản cáo trạng của ông không phải là những tố cáo vu vơ mà ngược lại nó có căn cơ và có những chứng cớ để chứng minh rằng Việt Minh chiếm được chính quyền nhờ đã lừa được cả một khối đông đảo quần chúng yêu nước. Lừa bịp, giả dối, che giấu, giáo dục nhồi sọ và “tiêu máu của dân như tiêu bạc giả” đã trở thành những điểm căn bản giúp người Cộng Sản Việt Nam chiến thắng và nhốt được trên 80 triệu dân Việt Nam trong cái nhà tù vĩ đại hiện nay.
Tác giả Trần Văn Kha cho rằng, nếu chúng ta chịu khó suy tư một chút sẽ thấy rằng người Cộng Sản Việt Nam tàn bạo, cương quyết tắm máu để trấn áp bất cứ một manh động nào có thể ảnh hưởng đến quyền lực của họ hơn là người ta vẫn tưởng. Ông đưa ra điển hình là vụ đàn áp cuộc nổi loạn của dân Quỳnh Lưu thuộc tỉnh Nghệ An để chống lại cải cách ruộng đất năm 1956 được thi hành một cách hết sức man rợ. Tác giả “Tại sao chúng ta thua?” đã trích dẫn một bản tin của Võ Trường Sơn thường được nhiều tác giả dùng trong những bài viết liên quan đến “Cải Cách Ruộng Đất” ở miền Bắc:
“Cuộc nổi dậy của dân Quỳnh Lưu gây ra một chấn động lớn vì nó xảy ra ngay tại tỉnh Nghệ An, quê quán của Hồ Chí Minh... Hồ Chí Minh rất căm giận hành động nổi dậy nên đã dùng các sư đoàn Nam Bộ Tập Kết để đàn áp, giết và đày ải hơn 6,000 dân, đồng thời cố tình bít kín mọi tin tức liên quan đến cuộc nổi dậy này không lọt ra thế giới bên ngoài.”
Bản tin này đi ngược lại những thông tin từ trong cuốn “Viet Nam At War” của Mark Philip Bradley. Tác giả Trần Văn Kha đã trích dẫn trang 256 cho thấy sư đoàn được đưa vào cuộc đàn áp ở Quỳnh Lưu không phải là sư đoàn Nam Bộ mà chính là Sư Đoàn 325 đóng ở Vinh với đa số binh lính quê quán ở Nghệ An:
“Cuộc nổi loạn mau chóng lan ra toàn tỉnh. Lính địa phương phần lớn là du kích không ngăn chặn được, Hồ Chí Minh ra lệnh cho Võ Nguyên Giáp bằng mọi giá phải đàn áp ngay tức khắc. Giáp điều động Sư Đoàn 325 đóng ở Vinh, cách xa Quỳnh Lưu có 70 cây số. Võ Nguyên Giáp do dự khi ra lệnh cho đơn vị này. Lý do là lính của Sư Đoàn 325 phần nhiều quê quán tại Nghệ An và những tỉnh lân cận và đa số cũng là dân quê. Có thể Sư Đoàn 325 ngả theo phe nổi loạn. Nhưng đó là hoàn cảnh trong chiến tranh Đông Dương, tầm quan trọng của tiếp viện vượt lên trên chiến lược, chiến thuật và những yếu tố tâm lý. Sư Đoàn 325 có thể đi bộ tới nơi nổi loạn nhanh chóng. Những sư đoàn khác đồn trú ở xa và nhiều ngày mới tới nơi. Phải dẹp ngay tức khắc cuộc nổi loạn trước khi nó lan rộng. Thế là Sư Đoàn 325 lại nghe thấy tiếng kèn thúc quân, tuy rằng có một vài nốt than phiền. Không đếm xỉa gì tới những ý nghĩ thầm kín hay tình cảm, Sư Đoàn 325 mau chóng dập tắt ngọn lửa nổi loạn trong máu. Không có con số chính thức được nêu ra. Nhưng một vài giới chức tuyên bố 1,000 dân quê đã bị giết, 6,000 người bị đưa đi đày (cải tạo). Tài liệu của Ngũ Giác Đài cho rằng hàng ngàn người đã chết.”
Ở trang 72 trong bài viết về cái chất “máu lạnh” của tướng Giáp, tác giả có đề cập đến một câu chuyện cho thấy rằng những thủ lãnh quân sự của Việt Cộng đã áp dụng một phương thức quỷ quái để vừa đánh lừa được quần chúng, vừa gây tai hại cho quân Pháp về phương diện tâm lý:
“Từ khi chiến tranh khởi sự ngày 19 tháng 12 năm 1946 cho đến 1949, quân đội của Giáp luôn luôn ở thế bị động. Chỉ lo bảo toàn lực lượng. Khi quân Pháp tới thì họ rút. Khi Pháp rút thì họ lại trở về. Một người bạn của chúng tôi làm chính trị viên tiểu đoàn vào năm 1947 có tâm sự: đóng quân ở trong làng, (bộ đội) được dân làng giúp đỡ nơi ăn chốn ở tử tế. Khi quân Pháp kéo về, tiểu đoàn rút êm để mặc cho quân Pháp đốt nhà, hiếp dâm đàn bà, con gái. Khi quân Pháp rút, tiểu đoàn lại được lệnh trở về. Ăn nói làm sao với dân làng!!! Lấy cái mo mà úp vào mặt.”
Tác giả Trần Văn Kha nhấn mạnh: “Võ Nguyên Giáp chỉ huy một quân đội thắng trận được người ta đề cao, nên phần đông không biết rằng thứ chiến lược của ông ta là chiến lược dò dẫm, lấy mạng sống con người ra làm vật thử nghiệm. Thật là độc ác! Thua trận này ông ta bày ra trận khác. Đơn vị nào chết nhiều, gần như xóa sổ ông vẫn giữ tên cũ, rồi lấy lính khác cho vào thay thế. Làm như là đơn vị không bị thiệt hại gì.”
Tác giả đưa thêm một thí dụ điển hình khác là trận tấn công vào Lộc Ninh ngày 29 tháng 10, 1967 của Trung Đoàn 273 thuộc Công Trường 9. Đây là một trong những trung đoàn thiện chiến nhất của công trường này với rất nhiều đơn bị đặc công. Khi lính Việt Cộng hò hét xông lên, pháo thủ Mỹ dùng đạn chống biển người có tên là Beehive. Viên đạn Beehive khi bắn thì nổ tung ra hàng ngàn mảnh vụn bén như dao cạo. Những viên đạn chống biển người này đã làm cho Trung Đoàn 273 phải để lại chiến trường đến 850 xác đếm được tại chỗ. Sai lầm này của tướng Giáp đã được ém nhẹm và một trung đoàn khác được thành lập cũng lấy tên là 273. Nhưng trong trang 420 của của “Viet Nam At War,” tác giả Mark Philip Bradley đánh giá là Trung Đoàn 273 mới thành lập kém xa Trung Đoàn 273 cũ.
Hiển nhiên, trên sử sách, việc miền Nam Việt Nam thua trận không thể nào chối cãi hay biện minh được bằng bất cứ lý do gì. Nhưng trong cuộc chiến “bằng lời” thì người ta không thể xa rời được nhân bản khi tất cả mọi người đều muốn thuyết phục để chống lại một lý thuyết, một chủ thuyết. Thắng cuộc chiến bằng lời có khi là nguyên nhân thúc đẩy quần chúng đứng lại đòi lại quyền sống và sống tự do của mình. Tác giả có vẻ như bị thôi thúc bởi những suy tư và niềm khắc khoải khi ông viết ở trang 78 trong cuốn “Tại sao chúng ta thua?”:
“Ông Hồ và ông Giáp không quan tâm tới sự thiệt hại về nhân mạng, bao nhiêu người bị giết vì cải cách ruộng đất hay bị chết vì chiến tranh đối với họ không quan trọng. Chỉ cần Cộng Sản chiếm được chính quyền và bảo vệ được chính quyền. Để làm gì? Để trở thành... Tư Bản Đỏ như ngày nay. Với cái giá phải trả là hàng triệu người mất mạng!”
Dĩ nhiên, theo tác giả “Tại sao chúng ta thua?”, cách nhìn vấn đề của ông có thể vẫn còn nhiều chủ quan và ông cũng không phủ nhận rằng suy tư của những người khác có thể không giống ông. Nhưng ít ra thì trong công cuộc chống cộng bằng lời, sự suy tư đó cũng có giá trị nhất định khi chúng ta muốn vận động một phong trào có tính thúc đẩy quần chúng Việt Nam vùng lên.
(Còn tiếp)
Vũ Ánh
31-08-2010
Theo Việt Herald
Gửi ý kiến của bạn