BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72826)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thấy gì từ vụ lật lọng dùng côn đồ tấn công Đồng Tâm?

21 Tháng Tư 20176:56 SA(Xem: 2337)
Thấy gì từ vụ lật lọng dùng côn đồ tấn công Đồng Tâm?
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53

(VNTB) - Hai đợt tấn công người dân Đồng Tâm của vài ba trăm tên côn đồ vào đêm 19 tháng Tư năm 2017 đã quá đủ để nhìn ra “thiện chí chính quyền” là thế nào khi xử lý vụ khủng hoảng này.

Thí chốt

Tính đến ngày 21/4, vụ khủng hoảng Đồng Tâm đã kéo dài đến 7 ngày. Dân Đồng Tâm vẫn còn giữ 21 công an và người của chính quyền để yêu cầu chính quyền phải đối thoại với dân và giải quyết thỏa đáng vụ đất của dân bị các nhóm lợi ích gần như cướp trắng. Người dân Đồng Tâm tuy đã cải chính những thông tin lan truyền trên mạng trước đó rằng không có việc họ đã tẩm xăng vào số cảnh sát cơ động bị bắt giữ, nhưng đã thể hiện quyết tâm rất cao để giữ đất, thề tập thể trước bàn thờ Hồ Chí Minh để “sẽ hy sinh đến cùng” nếu chính quyền dùng bạo lực đàn áp dân.

Vậy Bộ Công an, Công an Hà Nội và cả Bộ Chính trị đảng cầm quyền có biết bạo lực sẽ sinh ra bạo lực, kẻ nào dùng gươm giáo tất sẽ chết vì giáo gươm không?

Chắc chắn là biết, quá biết và quá hiểu, bởi đây là một chính quyền không chỉ biết dùng bạo lực trong các cuộc chiến tranh mà còn luôn lố đà trong nhiều trận chiến áp bức và đối đầu với dân chúng.

Nhưng tại sao đã biết hậu quả của bạo lực, chính quyền vẫn cho tiến hành một chiến dịch côn đồ, hoặc công an giả dạng côn đồ, tấn công vào người dân Đồng Tâm?

Khó có thể hiểu khác hơn là trong khi não trạng và thói quen sử dụng bạo lực với dân chúng vẫn chưa hề thuyên giảm, giới lãnh đạo đã bỏ mặc, hoặc gần như thế, đối với sinh mạng 21 “con tin” còn lại đang bị giữ.

Phần lớn trong số 21 “con tin” đó đã từng bị chính quyền biến thành một loại con tin theo đúng nghĩa khi bắt buộc họ phải ra tay trấn áp dân Đồng Tâm. Nhưng thói vắt chanh bỏ vỏ và thân ai người đó lo trong não trạng của giới quan chức ngày nay đã chỉ xem lính tráng là một thứ công cụ, để nếu cần thì “thí chốt”. Tham khảo gần nhất thuộc về trường hợp Võ Kim Cự bị mang ra kỷ luật liên quan vụ Formosa. 

Vì sao Nguyễn Đức Chung không dám đối thoại với dân?

Hẳn thói thân ai người đó lo cũng là một nguồn cơn chính yếu mà đã khiến toàn bộ giới quan chức cao cấp Việt Nam, từ “tứ trụ” Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân đến ngay cả những nhân vật có trách nhiệm “dân vận” là Trưởng ban Dân vận trung ương Trương Thị Mai, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân… đều “mất tích” kể từ đầu cuộc khủng hoảng Đồng Tâm đến nay.

nguyenphutrongtrandaiquangnguyenxuanphucnguyenthikimngan
“Tứ trụ” Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc,
Nguyễn Thị Kim Ngân mất dạng kể từ đầu cuộc khủng hoảng
Đồng Tâm đến nay.

Thế chỗ cho hình ảnh mất dạng trên là Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Thế nhưng cựu tướng công an Nguyễn Đức Chung cũng chỉ hé miệng được vài câu. Trong đó lại có những câu chữ hoàn toàn bất nhất về chuyện “sẽ đến” rồi lại “không đến” đối thoại với người dân Đồng Tâm.

Tại sao Nguyễn Đức Chung không dám đối thoại, cho dù ngay cả ông Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - còn dám thẳng thắn trả lời VTC: “Ai muốn chặt đầu tôi thì chặt, nhưng tôi nhất quyết không bao giờ tin những người dân ở Đồng Tâm, Mỹ Đức là thế lực thù địch, là những kẻ chống phá chính quyền!”?

Câu trả lời đầu tiên lại thuộc về tâm lý của Nguyễn Đức Chung qua nội dung nói chuyện điện thoại với một người dân ở Đồng Tâm: “Nếu tôi xuống Đồng Tâm, liệu người dân có bắt tôi không?”.

Thế rồi Nguyễn Đức Chung đã quyết định không “xuống”, cho dù trước đó nhân vật từng tự đánh bóng mình khi tiết lộ rằng thời ông ta còn là giám dốc Công an Hà Nội đã biết có đến 150/180 quán bia hơi vỉa hè có công an đứng sau, để ngay sau đó Nguyễn Đức Chung đã bị công luận ồn ào phản đối là trách nhiệm tướng công an của ông ta để đâu khi đã biết quân dưới quyền mình vi phạm mà vẫn để yên.

Có một lời bình trên mạng rất thấm thía: “Hổ báo gì chúng mày! Chúng mày chỉ cậy số đông để đàn áp dân, lấy thịt đè người mà thôi. Nhưng nếu dân đông hơn thì chúng mày lập tức biến thành những con cáo hèn hạ, run như cầy cấy…”.

Lời bình trên dành cho hình ảnh 3 cảnh sát cơ động ưỡn ngực kiêu binh trước ngày “ra quân” tiến đến Đồng Tâm, với những lời khoe khoang không thèm che giấu trên facebook của kẻ này về chuyện “đã sẵn sàng lưu đạn cay và bom khói” để “chiến đấu”, cộng thêm lời bình “bắn chết mẹ chúng nó đi!” mà đã gây phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. 

Nguyễn Đức Chung hẳn là phải sợ. Phải sợ khi ngay sau vụ người dân Hà Tĩnh chiếm trụ sở ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà, lần đầu tiên nông dân, mà lại chính là nông dân Hà Nội, dám bắt giữ cả một đơn vị cấp trung đội công an. Vụ bắt giữ này, cùng tinh thần vượt qua sợ hãi và quyết tử của người dân, đã chính thức mai táng thời kỳ vàng son công an Việt Nam đè đầu cưỡi cổ và muốn làm gì thì làm đối với dân chúng.

Nhưng khi nỗi sợ hãi bắt đầu phủ trùm lên các tướng lĩnh “công an nhân dân”, thói điêu bạc lươn lẹo lại trở nên thống lĩnh: bạn nghĩ gì khi một ủy viên trung ương đảng, chủ tịch thủ đô như Nguyễn Đức Chung lại có thể trả treo với người dân Đồng Tâm như thế này: nếu dân không thả hết số cảnh sát cơ động thì đừng có nghĩ đến chuyện được gặp ông Kình?

Cụ Kình, 83 tuổi, người đại diện của dân làng Đồng Tâm đứng ra khiếu nại với chính quyền về vụ đất đai, lại đã bị công an tổ chức bắt cóc và đánh gãy xương đùi trước đó, là nguồn cơn trực tiếp dẫn đến việc người dân Đồng Tâm bắt giữ cả một đơn vị cảnh sát cơ động cùng những quan chức cấp tá.

Đã quá xa dân, thậm chí từ lâu đã luôn tìm cách đối đầu với dân, cái đầu và trái tim trí trá của những người như Nguyễn Đức Chung làm sao có thể cảm nhận và hiểu được nỗi bần cùng của dân, tình thế phản ứng không còn cách nào khác của dân, và tinh thần thượng võ quân tử của dân…

Để khi Nguyễn Đức Chung bị “đẩy” ra trong khi toàn bộ giới quan chức cao cấp mất dạng, chỉ có thể hiểu rằng chưa bao giờ “các đồng chí” lại đồng lòng đến thế trong nhận thức và hành vi chỉ làm những gì hoặc có tiếng, hoặc có miếng, hoặc có cả hai.

Cơn khủng hoảng phân rã một sớm một chiều

Không phải bỗng dưng mà mới đây, một số báo chí và quan chức đã than giùm cho ông Nguyễn Xuân Phúc là “cái gì cũng đẩy lên thủ tướng”. Rồi một vị chuyên gia bắt đầu hé môi giải thích: “Một việc không rõ thẩm quyền thì tốt nhất là xin ý kiến Thủ tướng. Một việc đã rõ thẩm quyền, nhưng xin ý kiến Thủ tướng sẽ đỡ phần trách nhiệm thì tại sao lại không xin?! Xin ý kiến để không phải chịu trách nhiệm đang là tâm lý khá phổ biến của nhiều lãnh đạo địa phương và các ngành hiện nay”.

Thật dễ hiểu là sau quá nhiều năm “ăn của dân không chừa thứ gì”, giới quan lại Việt Nam đã tích tụ được não trạng và thói quen “có ăn mới có làm”, đi cùng với “không ăn không làm”. Tất cả những gì thuộc về “không màu”, “không ăn” đều được đẩy vọt lên cấp chính phủ để các phó thủ tướng và thủ tướng phải cùng chịu trách nhiệm.

Cuối cùng nhưng chưa phải kết thúc, quá khó để tìm ra một quan chức cao cấp nào dám đưa đầu chịu báng đối với một khúc xương quá khó gặm như vụ khủng hoảng Đồng Tâm.

Không đối thoại, không dám đối thoại, chỉ lật lọng dùng côn đồ tấn công người dân, trong khi nhiều dấu hiệu cho thấy các tướng lĩnh quân đội đã phản bác việc dùng bộ đội đặc công để giải cứu “con tin”…, tất cả đều minh xác rằng cái chính quyền công an trị này đang quá rệu rã và rơi vào cơn khủng hoảng phân rã chỉ còn một sớm một chiều.

Phạm Chí Dũng
Nguồn: Việt Nam Thời Báo (IJAVN)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn