BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73327)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ông tướng nửa tỉnh, nửa mê

03 Tháng Tư 20176:47 SA(Xem: 2449)
Ông tướng nửa tỉnh, nửa mê
51Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
42

Dư luận trong và ngòai nước mấy tuần nay chú ý, bàn luận khá nhiều đến bài nói chuyện nội bộ của thiếu tướng Công an Trương Giang Long, với chức vụ là Phó tổng cục trưởng Tổng cục chính trị, kiêm Giám đốc Học viện chính trị của Công an Nhân dân.

Đoạn phim buổi nói chuyện cho biết đối tượng buổi nói chuyện - bồi dưỡng là các Hảng bộ nguồn của ngành Công an, làm tăng thêm tò mò của người được xem, mong được biết sự thật trong ngành này, để biết họ đã dạy bảo bồi dưỡng nhau ra sao.

Trước hết về thật hay giả, nhiều nhà chuyên môn về âm thanh, hình ảnh cho rằng đây là buổi nói chuyện có thật, hình ảnh khá rõ cả diễn giả và người nghe, âm thanh ổn định.

truonggianglongphotongcutruongtongcucchinhtricongannhandan

Còn động cơ tiết lộ ra ngòai là gì ? Từ đâu? Phải chăng từ chính một số người trong ngành công an muốn phổ biến rộng rãi những thông tin mà có người cho là "khác lạ, động trời", không bình thường, của một phe phái nào đó trong ngành công an đang đi trệch khỏi lề chính thống, với những mưu đồ thầm kín gì chăng ?

Trước hết có không ít ý kiến cho rằng nội dung nói chuyện nửa giờ của ông tướng họ Trương chẳng có gì mới. Vẫn là ba hoa chích chòe, lên gân chỗ này chỗ kia cho có vẻ kịch tích, nhưng về cơ bản vẫn là sợ Tàu, ghét Mỹ, chống dân chủ, khinh nhân dân lại vừa xoa dịu mị dân, vừa tự ti ươn hèn lại vừa tự cao tự đại vô lối. Nghĩa là câu này chửi câu kia, ý trước chống ý sau, tự mâu thuẫn, không nhất quán, không lô gích, rất tùy tiện, đầy sơ hở.

Trước hết, cần chỉ ra một lỗ hổng trong nhận thức khá là phổ biến trong xã hội cần giải quyết một cách rốt ráo. Đó là nhận thức phải trái, đúng sai về 2 cuộc chiến tranh : cuộc chiến giành độc lập 1946-1955 và cuộc chiến tranh gọi là chống Mỹ cứu nước 1960-1975.

Trong 2 cuộc chiến tranh đó bên nào là phải, là chính nghĩa, bên nào là trái, phi nghĩa, phản dân tộc phản nhân dân? Không thể cứ tù mù lầm lẫn mãi được. Phải rất sáng suốt, rất công bằng, thấu đáo mới nhìn ra, nhận ra được. Nhiều khi phải có dũng khí và lòng lương thiện qua chính mình. Ông tướng Long vẫn mê muội ở điểm này.

Theo tôi trong cuộc chiến tranh chống Pháp, từ khi bắt tay với Trung Hoa Cộng sản năm 1949, làm nên trận Điện Biên Phủ là Việt Nam từ bỏ nền độc lập dân tộc, đi theo học thuyết Mác-Lê-Mao và chủ nghĩa xã hội là 2 sai lầm, 2 cạm bẫy chết người đến nay vẫn không thoát. Đó là thân phận chịu làm con tốt đen cộng sản trên bàn cờ quốc tế trong cái phe xã hội chủ nghĩa bị cả thế giới dân chủ coi là nguy cơ diệt chủng của loài người. Hàng triệu thanh niên Việt Nam tuấn tú chết oan nghiệt vì sai lầm này. Chính quyền nước Pháp phạm sai lầm khi nghĩ rằng khôi phục thuộc địa ở Việt Nam, ở Algeria là khôi phục danh dự của nước Pháp. Nếu Việt Nam không chọn sai con đường Cộng sản thì vẫn sẽ có độc lập mà không qua chiến tranh, như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Myanmar vậy.

Trong cuộc chiến 1960-1975 cũng vậy, nếu Việt Nam không dại dột làm một tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa, theo học thuyết Mác Lê và Mao, thì không thể là đối tượng của chiến lược be bờ đẩy lùi nguy cơ Cộng sản chống nhân loại của tòan thế giới dân chủ. Cần nhận rõ là Việt Nam Cộng hòa đã có nền cai trị tiến bộ hơn hẳn miền Bắc, có tranh cử dân chủ, có tự do báo chí, có 3 quyền phân lập kiềm chế nhau, có nền tư pháp độc lập, và không thể gọi Hoa Kỳ là giặc vì không có ý đồ xâm lược nước ta. Có thể nói hơn 60.000 quân nhân Hoa Kỳ bỏ mình trên chiến trường Việt Nam đã hy sinh vì động cơ trong sáng, bảo vệ độc lập tự do cho nhân dân Việt Nam. Trong thâm tâm tôi nghĩ và nay dám nói thẳng nói thật rằng nếu như thống nhất theo mô hình Việt Nam Cộng hòa thì Việt Nam đã phát triển nhanh hơn, bền vững hơn nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Với thời gian, các điều sự thật, chân lý trên đây đã được nhiều người chấp nhận nhưng vẫn còn ít ỏi. Mong sẽ được bàn luận rộng rãi, sôi nổi, sâu sắc hơn nữa. Đây là điểm then chốt mà ông tướng Công an đã không dám, không thể đả động đến, vì ông vẫn còn bị cầm tù trong những nhận thức giáo điều ăn quá sâu trong tiềm thức.

Cho nên khi mới thoạt nghe bài nói của ông tướng Công an họ Trương tôi đã thấp thỏm mừng. Ông ta lên án bọn bành trướng rắp tâm nuốt chửng nước ta, chúng nó thâm độc lắm, không bao giờ từ bỏ dã tâm bành trướng. Chúng đe dọa, chia rẽ, lôi cuốn, mua chuộc, thâm nhập khắp nơi, còn ta thì mất cảnh giác, tốt với bạn bè quá. Chúng nó vào sâu, rất sâu, lôi kéo hàng trăm, mấy trăm kẻ làm tay sai, còn lôi kéo cả quốc hội, cả nhà nước, cả chính phủ làm tay trong cho chúng. Theo ông, may mà Đại hội XII bừng tỉnh, ghi trong Nghị quyết phải coi trọng lợi ích dân tộc, bảo vệ nền độc lập. Người đọc có lòng với đất nước càng thêm phấn chấn khi ông tướng bốc đồng cho biết Công an đã "theo dõi rất chắc, rất chặt những kẻ cơ hội chính trị rắp tâm tiếp tay cho bọn bành trướng, câu kết với bên ngòai để lật đổ, chống phá ta".

Vậy là ông tướng Công an này đã tỉnh ngộ chăng? Được như thế thì quá tốt .

Nhưng không, không phải vậy. Sau khi ông tướng Công an có một lúc như tỉnh, thì sau đó ông ấp úng, lâm vào một cơn mê hỏang dài.

Ông bắt đầu cơn mê khi nói rằng "Trung Quốc họ xấu như thế, mà dù cho có xấu hơn nữa ta vẫn cứ phải tìm cách sống chung với họ". Một thuyết định mệnh mang tính đầu hàng.

Đối với Hoa Kỳ ông tướng này càng tỏ ra huênh hoang cao ngạo, khoe khoang về chuyện tổng thống Obama phải mời đích danh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôn trọng thể chế chính trị, bỏ qua những đòi hỏi về dân chủ, nhân quyền, về Việt Nam vào ủy ban thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, "ngồi cùng bàn chung mâm với họ". Ông tướng này còn khoe chuyện tướng Tô Lâm cảnh báo đại sứ Mỹ chớ có theo vết chân người đi trước, o ép Việt Nam. Ông còn cao hứng dùng Hoa Kỳ để dọa Tàu rằng chỉ cần một phát tên lửa là các căn cứ quân sự dày công xây dựng trên 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông sẽ thành cát bụi. Ông tự đề cao Việt Nam, rằng "Trung Quốc vô cùng lo ngại rằng Việt Nam ngả về phía Hoa Kỳ", "Mỹ cố tìm cách lôi kéo Việt Nam vào đội hình chống Trung Quốc", và "chỉ có Việt Nam mới chống lại được với Trung Quốc".

Tưởng rằng ông tướng này đã tỉnh ngộ khi nói ra những điều ấy, để rút ra những kết luận khôn ngoan sáng suốt, nhưng thật tội nghiệp cho ông ta, ông ta lại tự vả vào mặt mình khi kết luận ngay rằng "Việt Nam không thể chuyển sang thân Hoa Kỳ", vì như vậy "là từ hang hùm chui sang hang cọp!". Thế là hết chuyện. Bắc Kinh chỉ mong có điều này.

Dù cho có lúc Hoa Kỳ do tình thế đặc biệt sui ép đã bỏ rơi Việt Nam.

Cho nên bài nói chuyện của ông tướng Công An hóa ra vô duyên, cố làm chuyện giật gân, rúng động, nhưng cuối cùng hóa ra nhạt nhẽo vô duyên, nửa tỉnh nửa mê, cuối cùng mê nhiều hơn tỉnh. Tôi tôn trọng ý kiến giải tín hiệu phán đoán của anh Bùi Quang Vom, nhưng tôi hoài nghi rằng bài nói này không có tác dụng mấy với Linh mục Nguyễn Văn Lý cùng tổ chức và bè bạn thân cận của ông, cũng chẳng có tác dụng gì đến chính sách của tân Tổng thống Trump đã xác định đối với Trung Cộng, cũng không tác dụng gì đến chính sách bành trướng dai dẳng của Trung Cộng.

Cái tỉnh ngộ quan trọng có tính quyết định là nhận thức của số đông nhân dân ta về ta, về bạn, về thù.

Chỉ cần đông đảo nhân dân ta tỉnh ngộ, chung sức chung lòng, chung hành động theo nhận định chuẩn xác ta, thù, bạn, là vấn đề chủ quyền, hòa bình, phát triển, hạnh phúc của nhân dân ta sẽ giải quyết nhanh gọn triệt để, mở ra kỷ nguyên Dân chủ, bù lại sự mất mát vô kể về sinh mạng, tài nguyên, thời gian trong gần một trăm năm qua.

Bùi Tín
Nguồn Blog Bùi Tín

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn