BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73361)
(Xem: 62246)
(Xem: 39433)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Giáo Dục và Tự Do

10 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 979)
Giáo Dục và Tự Do
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

(Suy nghĩ của một Du sinh VN)


Khi còn ở Việt Nam, từ bé đến lớn tôi luôn được giáo dục rằng mình có rất nhiều nhược điểm. Muốn trở thành “con người xã hội chủ nghĩa”- tức là có ích cho xã hội- thì phải “rèn luyện” sao cho những nhược điểm ấy biến mất. Một xã hội tốt đẹp là phải có những con người “vừa hồng, vừa chuyên”, nghĩa là phải toàn diện, thậm chí “hồng” còn quan trọng hơn “chuyên”.

Cả gia đình, nhà trường, các thày cô giáo cho đến bạn bè xung quanh tôi đều tin và làm cho tôi tin như vậy. Lúc nào họ cũng chỉ cho tôi thấy điểm yếu của mình to như con bò, và mong mỏi tôi ra sức phấn đấu để nay mai tôi có thể trở thành một con người hoàn hảo hơn. Phàm đã là người trần mắt thịt, ai chẳng có ưu, có nhược? Mấy chục năm nay, tôi luôn loay hoay với chính mình, tự hỏi sao mình kém cỏi thế, sao mình lại có nhiều yếu điểm thế, sao người khác không giống như vậy… Và tôi buộc phải thú nhận rằng dù được ăn học tử tế, nhưng tôi đã thất bại trong việc tìm mọi cách cải tạo chính mình, bởi nhược điểm của tôi cuối cùng chẳng thấy biến mất, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác như định luật bảo toàn khối lượng mà tôi được học từ hồi phổ thông vậy.

Cái tư duy của nền giáo dục Việt Nam đã làm cho tôi và rất nhiều thế hệ trở nên tự ti, không nhìn thấy điểm mạnh của mình, không biết cách phát huy nó, thậm chí còn làm cho nó chết dần chết mòn và vì thế, chẳng thể nào nuôi dưỡng được ước mơ, khát vọng.

Có lần, một cậu bạn ở Sài Gòn ra Hà Nội chơi. Hai đứa ngồi trong quán cà phê Nhân nổi tiếng ở phố Hàng Hành, nhìn ra Hồ Gươm. Cậu ta buồn buồn bảo “Mình muốn bỏ việc ở cơ quan quá”. Thấy tôi ngạc nhiên, cậu ta nói ngay “Không phải vì lương thấp, cũng không phải vì chức vụ không xứng, mà chỉ vì mình không thấy thích chút nào dù đã làm cả gần chục năm nay. Công việc đó hoàn toàn không phải là sở trường của mình”. Tôi hỏi khi nào cậu ấy định bỏ việc và sẽ chuyển sang làm việc gì thì cậu ấy kể dù chán lắm rồi nhưng chưa thể bỏ được vì không biết sẽ làm việc gì sau đó. Tôi lại ngạc nhiên và hỏi “Vậy cậu thấy mình thích làm gì? Thế mạnh của cậu là gì?”. Cậu ta lắc đầu “Mình không biết nữa, nhiều năm nay mình cũng tự hỏi vậy mà vẫn không trả lời được”. Biết rõ nhược điểm mà lại không biết ưu điểm của mình thì quả là bất hạnh! Chán thật, tôi cũng đành chịu vì biết không riêng gì cậu bạn này, có rất nhiều người ở Việt Nam bao gồm cả tôi, đều là nạn nhân của cái lối tư duy theo kiểu “vừa hồng, vừa chuyên” trong giáo dục đó.

Tôi mang suy nghĩ ấy đến nước Mỹ và vô cùng ngạc nhiên khi thấy các giáo sư luôn khen ngợi, nhắc cho tôi nhớ về ưu điểm và thế mạnh của bản thân chứ không phải nhược điểm. Lúc đầu tôi tưởng họ khen nịnh, cứ nghĩ một người bị bỏ đi như mình ở Việt Nam thì sang Mỹ sao làm được việc gì to tát? Nhưng dần dần, tôi nhận ra những người xung quanh đặt niềm tin vào tôi, giao cho tôi những việc mà trước đây không bao giờ tôi nghĩ mình có thể làm được. Vậy thì chắc chắn là họ không đùa rồi!

Giáo dục ở Mỹ đi từ điểm mạnh của con người, khai thác nó một cách triệt để, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con người phát huy điểm mạnh của mình, và đóng góp khả năng ấy cho xã hội. Nền giáo dục ở đây không quá chú trọng đến nhược điểm, họ chấp nhận nhược điểm của một người miễn là nó không ảnh hưởng đến người khác. Khi ưu điểm của con người được sử dụng tối đa, xã hội được lợi mà con người đó cũng cảm thấy thoả mãn, hạnh phúc với chính bản thân mình.

Ở đây, tôi thật sung sướng khi có quyền lựa chọn những môn học mà mình thích, phù hợp với ưu thế của mình. Khái niệm các môn học bắt buộc (required) và môn học tự chọn (elective) cùng tồn tại trong mọi chương trình giáo dục ở Mỹ hoàn toàn không có ở Việt Nam. Tất cả mọi người ở Việt Nam đều phải chấp nhận một chương trình học như nhau, bất kể sở trường sở đoản của mỗi người khác nhau.

Tôi ngộ ra, cái lý thuyết đó bắt nguồn từ quan niệm về tự do. Dân An Nam ta được giáo dục rằng tự do có được khi chúng ta thoát khỏi ách nô lệ của “bọn đế quốc sài lang”. Có thể hiểu rộng hơn là chúng ta có tự do khi không chịu sự phụ thuộc về mặt vật chất và tinh thần của ngoại bang. Thực ra, điều này ở Việt Nam hiện nay chưa hoàn toàn có được. Nợ nước ngoài còn đó, tư tưởng chính trị du nhập từ nước ngoài còn đó, ngay cả văn hoá, quan niệm xã hội cũng “sính ngoại” đến mức lố lăng kia mà.

Nhiều người ở Việt Nam vẫn cho rằng, họ được tự do đi lại, tự do nói chuyện (tuy phải hạ thấp giọng và nhìn trước nhìn sau mỗi khi nói những vấn đề “nhạy cảm”), tự do giải trí, tự do kinh doanh (mặc dù trong một môi trường cạnh tranh không bình đẳng) là đã có tự do rồi. Tôi không tin khái niệm tự do lại hạn hẹp đến thế. Ở Mỹ, tự do còn bao gồm cả quyền được lựa chọn của người dân trong mọi lĩnh vực, từ ngôn luận đến chính trị, từ kinh tế đến an sinh xã hội…Khái niệm tự do đó làm sao có được khi mà cả dân tộc Việt Nam từ bao năm nay dù muốn hay không đều phải “nuốt” một món ăn duy nhất?

Liệu đó có phải là điều khác biệt giữa một cường quốc và một xã hội phong kiến kiểu mới với nền văn minh lúa nước không nhỉ?

 Nước Mỹ, ngày…tháng…năm…

(Một du sinh giấu tên)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn