BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72827)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cám ơn anh ! Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa

03 Tháng Mười Một 200612:00 SA(Xem: 1376)
Cám ơn anh ! Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Lời phát biểu của Người Lính VNCH Võ Đại Tôn trong buổi Ra Mắt và Gây Quỹ Hoạt Động của Hội Thương Phế Binh QLVNCH - NSW - Úc Châu - ngày 03.11. 2006

Kính thưa toàn thể quý Vị và quý chiến hữu,

Thưa Chiến Hữu Hội Trưởng Hội Thương Phế Binh QLVNCH/NSW và Ban Tổ Chức,

 Để mở đầu cho lời phát biểu của tôi hôm nay, trong tinh thần sắt son Huynh Đệ Chi Binh, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và hoan nghênh sự thành lập Hội Thương Phế Binh QLVNCH tại tiểu bang NSW, Úc Châu, và xin cầu nguyện Hồn Thiêng Sông Núi ban ơn lành xuống cho quý Chiến Hữu trong những tháng năm còn lại của cuộc đời không một ngày tàn phế trong nghĩa Đấu Tranh.

 Có một mẫu chuyện tuy đơn sơ, cười vui chốc lát, bên lề những buổi sinh hoạt cộng đồng, nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng mênh mang một nỗi ngậm ngùi sâu lắng tâm tư. Thông thường, sau những lời phát biểu của quý vị Chủ Tịch Cộng Đồng hoặc Đoàn thể, ai cũng vui vẻ vỗ tay, duy chỉ có một người vẫn tỉnh bơ, ngồi im không cử động. Đó là chiến hữu “Độc Thủ Đại Hiệp” Nguyễn Thanh Thủy, Hội Trưởng Hội Thương Phế Binh QLVNCH/NSW hôm nay. Anh em thường hay nói đùa “Ai cũng vỗ tay, chỉ có chiến hữu Thủy là ngon lành nhất, không thèm vỗ tay hoan hô ai cả”. Chiến hữu Thủy nhẹ nhàng trả lời “Miệng thì cũng la to lên “Vỗ Tay, Vỗ Tay”, nhưng mình đâu có còn tay mà vỗ” !. Một phần thân thể của anh đã để lại trên chiến trường quê hương một thuở nào trong thời trai trẻ ...

 Nhà thơ Hoàng Cầm, trong bài Bên Kia Sông Đuống, có viết một câu, tuy không diễn tả được hết nỗi niềm, nhưng cũng cho ta thấy được một dòng máu tê buốt xương da :“Nỗi đau như ai rụng một bàn tay” !. Trong thế hệ chúng tôi, xuyên suốt những tháng năm chiến chinh khói lửa, và bây giờ trong buổi xế chiều của cuộc sống lưu vong, mỗi lần thơ thẩn bước chân qua những nẻo đường cô đơn, tận đáy lòng vẫn còn nghe vọng về lời thơ tiếng nhạc từ quá khứ bủa vây hiện tại, hình bóng hào hùng chen lẫn tang thương : “ Em hỏi anh bao giờ trở lại ? - Xin trả lời mai mốt anh về. Anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về bại tướng cụt chân...”. Từ lượng từ bi của đất trời, từ lòng hào sảng của định mệnh, các anh đã trở về từ chiến địa với thân xác không còn nguyên vẹn, qua những lần đem máu xương để vinh danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mong được một phần cứu nguy Tổ Quốc. Trên mảnh đất quê hương, tại một vùng trời nào đó, từ Đức Cơ đến Đồng Xoài, từ U Minh Bình Giả đến hàng trăm ngàn địa danh bất tử, các anh đã để lại một phần máu thịt xác thân, pha thêm màu vàng son hoành tráng trên bức tranh thần kỳ của Dân Tộc vĩnh hằng. Cho dù tôi có phải quỳ xuống cũng không ôm hết được một vòng tay thịt xương các anh đã hòa chung màu đất Mẹ, ân tình này mang nặng đến nghìn sau.  

 Người Việt chúng ta, trong đó có các anh, có chúng tôi và nhiều thế hệ tiếp nối, chúng ta đã từng khổ nạn từ hơn một nửa thế kỷ trấm luân, đọa đày dưới một chế độ bạo tàn, lấy sự tạo nên chiến tranh hận thù giòng giống để phụng sự cho chủ nghĩa ngoại bang, lấy nhà tù để tạo nên tác phẩm đỉnh cao, lấy sự suy đồi đạo lý để tập đoàn lãnh dạo chia nhau hưởng thụ. Bên cạnh thủ phạm chính yếu đã và đang hủy diệt sinh phong Dân Tộc mà ai cũng có thể nhận diện dù trong bóng đêm bưng bít hay ngụy tạo thông tin, ngay trong hàng ngũ gọi là quốc gia của chúng ta, cũng vẫn hằng hữu những con người tuy xác thân còn nguyên vẹn từ trong khói lửa và tù ngục bước ra, nhưng lương tâm đã bị tàn phế. Chưa nói đến xã hội trên mảnh đất cội nguồn bị bủa vây bằng xích xiềng bạo lực và bản chất dối gian xảo quyệt, ngay tại hải ngoại xuyên suốt cuộc hành trình hơn 30 năm qua, đã có những người bình thản bỏ lại quá khứ như một túi xách bên vệ đường để cho được nhẹ bước chân đi vào vị kỷ bản thân. Nhưng dù sao, vẫn còn có những lương tâm nguyên vẹn hiện diện nơi đây hoặc thầm lặng tại những nơi nào đó trong kiếp sống tạm dung. Xin tạ ơn Đời, xin tạ ơn Người. Đời và Người vẫn còn biết chia sẻ nỗi đau chung, vẫn còn thấy được hình ảnh đầy bóng đêm của các anh, vẫn còn nghe tiếng khóc âm thầm từ máu, vẫn còn muốn ôm chặt vào lòng những phần thân xác mất đi của anh em đồng đội. Từ trong thơ nhạc, từ những khúc phim, từ những bài báo, thỉnh thoảng đã gợn lên nỗi đau đứt ruột. Bóng dáng đen thẩm bên vệ đường, chai đá cùng nắng mưa, một nửa thân hình còn lại gượng ngồi trên chiếc xe lăn gãy gọng, hoặc di chuyễn bằng hai bàn tay bám chặt vào hai mảnh gỗ gập gềnh. Từng tấm vé số nhàu nát trên một cánh tay còn lại, cầu mong có được người mua. Một bát cơm thừa mà vành chén đang cố che dấu ánh mắt kiêu hãnh một thời, đành chấp nhận sự chia sẻ xót thương của đồng loại nhưng sẳn sàng chối bỏ những củ chỉ ngạo mạn gọi là bố thí ban ơn. Bóng dáng của người chỉ có một năm tuổi lính nhưng lại triền miên 37 năm nằm liệt vì viên đạn thù xuyên suốt cột lưng. Người mẹ già lần mò đút cho từng muổng cháo, từng cốc nước qua ngày, nhìn xác thân con mà nước mắt của tình mẹ không còn vì đã cạn khô với bàn tay run rẩy nuôi con xuyên suốt chặng đường dài khổ nạn. Bóng dáng của người ngồi vá xe đạp bên cột đèn mờ nhạt, mong đừng bao giờ gặp lại người quen đã từng biết mình một thời chỉ huy đơn vị. Còn bao nhiêu hình bóng nữa, làm quặn đau một thế hệ còn sót lại hôm nay, sau cuộc chiến hùng tráng nhưng khắc khoải vì bị bức tử trên đoạn đường chiên binh. Còn bao nhiêu hình bóng nữa, cần phải soi rọi lại cho nhiều thế hệ tương lai để lương tâm không bị nhiểm độc tàn phế. Luôn cả lương tâm nhân loại nếu nhân loại còn có lương tâm. Xác thân không còn nguyên vẹn của các anh là sử liệu viết bằng máu. Một thân hình tàn phế với đôi mắt mù lòa, hay chỉ một cánh tay còn lại của các anh cũng đủ để chỉ thẳng vào mặt thủ phạm đã đưa toàn Dân Tộc vào chặng đường ô nhục hôm nay.

 Suốt chiều dài cuộc chiến, đã có những người lính VNCH nằm xuống mà linh hồn vẫn còn quanh quẩn bên bức tượng đồng Thương Tiếc, để rồi những kẻ gọi là chiến thắng đã phá tan đi trong tiếng cười đầy hận thù ngạo nghễ. Đã có những người lính tuẩn tiết anh hùng, lẫm liệt đi vào quân sử VNCH và còn mãi sống cùng Tổ Quốc. Đã có những người trở về từ trận địa mà một phần thân xác không còn nguyên vẹn, thêm vào hồ sơ quân bạ những danh từ lạnh lùng nghiệt ngã, gọi là Thương Phế Binh. Nhưng, sau cuộc chiến, từ trong những trại tù lưu đày, vẫn có những người lính VNCH trở thành phế nhân. (Bao nhiêu lần tôi đã thưa với quý vị và các bạn, đừng bao giờ lặp lại danh từ “cải tạo” đầy ngạo mạn mà người Cộng Sản gắn cho chúng ta, vì bởi không ai có quyền cải tạo tư tưởng yêu nước của người lính VNCH anh hùng). Sau lần tiếp thu đất nước , những kẻ cầm quyền nhờ vào một giai đoạn oan khiên của Dân Tộc, đã mang trong người của họ những quả tim không phải tim Người. Họ đã lạnh lùng đuổi xua các anh ra khỏi quân y viện trong khi vết thương còn đang tươm máu và các anh đã phải sống lê lết bên cạnh vệ đường xã hội, trong bóng tối cuộc đời, trong bóng tối núi sông.

 Thương tích từ trận chiến hay từ trại tù không mang huy hiệu phân biệt đơn vị hay binh chủng. Tất cả đều có chung một màu sắc, đó là màu máu với nỗi đau trọn đời. Trong muôn ngàn nổi đau, tôi xin kể lại một vài mẫu chuyện dường như mới xảy ra hôm qua.

 - Trong một cuộc biểu tình chống Cộng tại miền Nam Cali, có người lính biệt kích đứng cạnh tôi. Hai cánh tay của người chiến hữu này đã bị cụt đến ngang vai. Y khoa tân tiến đã thay vào đấy bằng hai kẹp sắt và người lính đã đưa cao kẹp sắt ngang với tầm quả tim để chào kính quốc kỳ. Sau đó, anh đã thầm nói với tôi trong tình nghĩa anh em đồng đội : “Em đã cận kề cái chết cho nên không còn sợ gì cả. Bây giờ thì chỉ còn ngài ngại mùa Đông thôi, vì mỗi lần mùa Đông đến thì đau nhức lắm, không biết còn chịu đựng được bao nhiêu mùa Đông nữa” !. Tôi ngậm ngùi, nghe như cũng có mùa Đông đang đến trong lòng tôi. Lại có một lần tôi đến thăm một người nũ quân nhân, đã từng biệt phái qua ngành cảnh sát Thiên Nga. Nàng nằm liệt trong căn phòng quạnh hiu gia cư chính phủ. Ngước mắt, dồn hơi kể lại. Sau năm 75, nàng bị bắt và bị tra tấn tàn nhẫn, biệt giam gần 10 năm. Sau này, được đi định cư nước ngoài theo diện H.O. Bây giờ, ngay đêm hôm nay, đứng trên diễn đàn này, tôi vẫn còn nghe tiếng nói thì thầm của người nữ quân nhân QLVNCH : - “Cho dù em còn sống cũng không mong gì lập được gia đình vì em bị bọn nó tra tấn khủng khiếp lắm, phá hoại đời phụ nữ bằng dùi sắt ngay nơi chỗ kín, nát cả tử cung ...”. Những giòng nước mắt còn sót lại của người nữ quân nhân đã chảy xuống thấm ướt khăn tay.

 Từ những vết thương tâm hồn thầm kín, từ những thân xác phế nhân, từ những nội tạng hằn sâu thương tích, chúng ta và anh em đồng đội đang cố dìu nhau đứng dậy, tiếp trao nhau từng hơi thở cho vẹn Nghĩa Tình trong cuộc hành trình còn lại. Cuộc Hành Trình mang trọn nghĩa Yêu Thương trong lòng Dân Tộc. Cuộc Hành Trình để trao lại cho các thế hệ tương lai những quả tim không bằng thép mà bằng máu Con Người.

 Cho dù phải chịu nghĩa danh xưng là Thương Phế Binh, nhưng tôi tin tưởng rằng các anh chỉ mang nặng nỗi đau của những nét tàn phai chứ không bao giờ chấp nhận trở thành phế thải. Trong xã hội hôm nay, có những con người còn nguyên vẹn xác thân nhưng lương tâm đã bị tàn phế. Chúng tôi, những người mà lương tâm chưa một lần cúi mặt, đang cận kề các anh để cùng dìu nhau tiếp bước cho trọn nghĩa ân tình chung thủy. Nếu chưa được vinh dự chia máu cùng các anh thì chúng tôi cũng xin gánh chia một phần khổ nạn, để rồi mai đây chúng ta sẽ cùng chia cho nhau những nụ cười vinh quang cùng Tổ Quốc trong Tự Do Dân Chủ, nồng ấm Tình Người.

 Xin gửi đến quý anh lòng kính trọng của tôi và xin kính chào Quý Vị cùng quý Chiến Hữu và các Bạn Trẻ thân mến. 

 Võ Đại Tôn

Người lính QLVNCH

Úc Châu.

3/11/2006.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn