BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cách mạng tháng 8: Kinh nghiệm và bài học cho cách mạng dân chủ trong tương lai. (*)

27 Tháng Tám 200412:00 SA(Xem: 1495)
Cách mạng tháng 8: Kinh nghiệm và bài học cho cách mạng dân chủ trong tương lai. (*)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Cách mạng tháng tám năm 1945 , Giành lại độc lập và chủ quyền dân tộc , phế bỏ chế độ phong kiến cổ hủ ; Là thành quả của toàn dân tộc! Có thể còn tồn tại những ý kiến khác nhau về cuộc cách mạng này nhưng ý nghĩa của nó khó phủ nhận được. Bởi những lý do sau:

  1. Cách mạng đã giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam sau đêm trường bị thực dân Pháp , phát xít Nhật đô hộ , Thoả mãn ứơc mơ , nguyện vọng của nhân dân ta trước đòi hỏi của lịch sử.

  2. Cách mạng là một cơ hội cho một nước Việt Nam mới , với một chính phủ đại diện cho toàn dân trước khi quân Đồng Minh vào giải giáp phát xít Nhật.


Lý do của một số ý kiến phủ nhận cuộc cách mạng mang ý nghĩa lịch sử, thắng lợi của toàn dân tộc này là sau khi cách mạng thành công , Đảng Cộng Sản đã lợi dụng cuộc cách mạng đó để tiếm quyền lực, Mở ra một thời kỳ đên tối , tai hoạ mới cho dân tộc. Đảng Cộng Sản đã biến sự đoàn kết , nỗ lực toàn dân tộc làm chiến tích cho mình . Và thời điểm của cuộc cách mạng này là khoảng trống quyền lực trong nước , khi khoảng trống đó được lấp đầy bởi quyền lực các nước Đồng Minh, dân tộc ta sẽ được trao trả độc lập, bất chiến tự nhiên thành.

Lý luận đó thật cảm tính và vô căn cứ , thiếu sự thuyết phục. Bởi lễ, Bất chiến tự nhiên thành chỉ là sự may rủi, không chủ động. Mỗi dân tộc phải có và nghĩa vụ giành độc lập và tự do cho mình khi bị ngoại bang hay chính nội tặc tước đoạt bằng phương pháp và phương tiện phù hợp với tình hình và đòi hỏi của lịch sử chứ không thể cầu xin kẻ thù hay ỷ lại trông chờ thế lực nước ngoài. Hiển nhiên , sự đô hộ của thực dân đối với các nước thuộc địa là tội ác phi đạo lý vậy thì cầu mong các nước Đồng Minh trao trả độc lập là sự ngu xuẩn khi chính sức ta tự làm được. Không thể thuyết phục luận điểm “bắc nước chờ gạo người” lọt tai người có trách nhiệm và suy nghĩ khách quan. Khi đó , khát vọng độc lập cháy bỏng trong tâm can mỗi người dân mất nước bốc lên từ ngọn lửa căm hờn , âm ỉ , dồn nến bao đắng cay và tủi hờn , lầm than và đau khổ , căm thù và thất bại của một dân tộc bị nô lệ nhưng kiên cường , bất khuất . Cách mạng tháng 8 thoả mãn tâm nguyện của nhân dân và yêu cầu của lịch sử, vậy nên vĩ đại!. Cách mạng tháng 8 là ngọn đuốc châm ngòi cho lòng căm thù thành thắng lợi mà các cuộc khởi nghĩa trước kia không làm được, vậy nên vĩ đại! Cách mạng tháng 8 là sức mạnh của dân tộc ta chứ không phải cầu xin ngoại bang, vậy nên vĩ đại !. Đồng Minh có thực tâm trao trả độc lập cho các nước thuộc địa hay không ? Đó là việc của họ. Nhưng thực tế là Pháp núp dưới bóng Đồng Minh vào nước ta hòng mưu đồ thống trị Việt Nam một lần nữa. Thực dân Anh chỉ trao trả độc lập cho Mianma, Ấn Độ khi bị áp lực không thể làm khác từ lòng yêu nước, phản kháng , bất hợp tác của nhân dân các nước này. Vậy nên, việc chờ vào Đồng Minh để hạ thấp tầm vóc và ý nghĩa của cách mạng tháng 8 thật như cầu mong kể thù rủ lòng thương hại. Chủ nghĩa thực dân là tội ác! Điều đó không nên phủ nhận! Sở dĩ các nước thực dân như Anh, Pháp, Hà Lan trả lại độc lập cho các dân tộc thuộc địa của họ chẳng qua chỉ là “vì thời thế phải thế” chứ không đúng với dã tâm của họ.

Mặt khác, việc đảng cộng sản cầm quyền mở ra một thời kỳ tang thương mới cho dân tộc là tội ác , lỗi lầm và sự quỷ quyệt của ĐCS chứ nhất quyết không thể phủ nhận được thắng lợi vĩ đại này. Cũng như một con hổ tàn ác thống trị khu rừng nọ, con beo tích cực cùng với các loài khác giết con hổ rồi nó lại thống trị tàn bạo không kém con hổ. Như dân gian nói; khi đi đường “tránh vỏ dưa gặp vỏ chuối” thì việc tránh vỏ dưa vẫn đương nhiên là đáng làm. Việc giết con hổ kia đáng làm thì không thể viện lý do con beo cũng như con hổ mà bảo việc đó vô ích , mà hãy tìm cách giết chết con beo kia để những sinh linh hiền lành không bị ai thống trị cả.

Bởi vậy , các thế hệ người Việt trân trọng ngợi ca ngợi Cách Mạng Tháng 8 , ghi nhận sự đóng góp của tất cả các đảng phái, tổ chức , nhân sỹ yêu nước , những chiến sỹ có danh , những chiến sỹ vô danh của dân tộc hiến mình cho cuộc đấu tranh này và cũng không phủ nhận công lao ĐCS (dưới danh nghĩa Việt Minh) vào thành quả chung. Nhân dân Việt Nam cũng bóc trần sự gian trá của Đảng Cộng Sản về cuộc cách mạng tháng 8 , khi họ biến chiến công chung của dân tộc thành tiền đề cho sự chuyên chế quyền lực cộng sản sau này.

Tham khảo về nguyên nhân thắng lợi của cách mạng tháng 8 theo “lịch sử ĐCS” cũng như trong sách giáo khoa dưới nền giáo dục hiện nay ta thấy ;

  • Do giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp đúng đắn hai nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến

  • Do xây dựng được đội quân chủ lực cách mạng là nông nhân và công nhân, lấy đó làm chỗ dựa để tập hợp hết thảy các lực lượng yêu nước có thể tập hợp được

  • Do biết lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kể thù

  • Do kiên quyết dùng bạo lực cách mạng và biết sử dụng bạo lực cách mạng để đập tan bộ máy nhà nứơc cũ, lập nhà nước của nhân dân, biết kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang

  • Do nắm vững nghệ thuật khởi nghĩa và nghệ thuật chọn đúng thời cơ

  • Do đã xây dựng được một đảng Mácxit-Lênin có đường lối đúng đắn, đảm bảo thông xuất và quán triệt đường lối đó trong thực tiễn cách mạng nước ta. Đảng có chất lượng cao , gọn nhẹ , trong sạch , vững mạnh và ăn sâu bám rẽ vào quần chúng.


Dù có thể khác nhau về nhận định, nhưng diễn biến của Cách Mạng Tháng 8 , Nhiều tác phẩm , tham luận nghiên cứu lịch sử đã viết, nói chung là rất thống nhất. Ở đây, Tôi không có ý định trình bày lại . Chỉ xin nêu ra vài ý kiến nhận xét về cuộc cách mạng này khác với quan điểm của ĐCS trình bầy trong sách giáo khoa cho học sinh.

  • Thực tế, khi đó không mấy ai biết Đảng Cộng Sản, biết về lý thuyết học thuyết Mác-Lê, “Ngọn cờ Xã Hội Chủ Nghĩa “ là gì cả, (Kể cả về sau này, lý luận về Chủ Nghĩa Xã Hội về học thuyết Mác-Lê , ngay trong ĐCS ở hàng ngũ cán bộ trung, cao cấp cũng rất mơ hồ, thậm chí có người còn nghĩ Lê Nin là cháu Lê Lợi ở Thanh Hoá) . Đảng cộng sản cũng che dấu thân phận mình mà không công khai (cho đến năm 1954 (?) mới chính thức công khai cầm quyền, thậm chí có thời gian giải tán hay đổi tên đảng để mập mờ ngọn cờ dân tộc, chính phủ lâm thời) . Các đảng phái khác (Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng …), các nhân sỹ , trí thức khi đó (Ngô Đình Diệm, Bùi Bằng Đoàn, Huỳnh Thúc Kháng …) rất dị ứng hoặc nhầm tưởng với hoả mù liên hiệp của Cộng Sản , bị người Cộng Sản lợi dụng nhiệt huyết , lòng yêu nước cho mục đích chung của dân tộc cũng như cho mưu đồ riêng của họ - Đảng Cộng Sản. Mặt trận Việt Nam Đồng Minh Hội (Việt Minh) vốn là một tổ chức do nhà chí sỹ yêu nước Hồ Học Lãm , ĐCS lợi dụng để thâu tóm , lãnh đạo Việt Minh , đưa người khống chế tổ chức này. Dưới danh nghĩa là một mặt trận tập hợp tất cả các thành phần dân tộc , ĐCS đã thành công cho mưu đồ chính trị của mình, nhưng cũng thu hút được rất nhiều nhân sỹ, trí thức yêu nước. Sau này, Những người này luôn tự hào về một thời tham gia Việt Minh đấu tranh cho dân tộc, cũng đồng thời nuối tiếc vì đã bị ĐCS lừa bịp (như Phạm Huy Thông, Nguyễn Khắc Viện (?) , Đỗ Mậu , …) Họ không bao giờ ân hận vì đã tham gia đấu tranh cách mạng , mà chỉ nuối tiếc vì lòng yêu nước đó đã một phần phục vụ cho ĐCS. Họ coi Cách Mạng Tháng 8 là một mốc son của lịch sử của đất nước và tiểu sử của cuộc đời . Cuộc kháng chiến chống Pháp bảo toàn độc lập dân tộc là một cuộc chiến thần thánh (ông Ngô Đình Diệm, cũng đồng tình quan điểm này, hay như tướng Hoàng Linh Đỗ Mậu , tướng Trần Văn Đôn , Nguyễn Cao Kỳ và nhiều tướng lĩnh, nhiều vị lãnh đạo của Việt Nam Cộng Hoà cũng có cùng nhận định. Thậm chí , quốc hội của nền Đệ Nhất Cộng Hoà dự định lấy ngày 19-8 là ngày quốc khánh)

  • Thực tế , vũ trang của ĐCS khi đó rất thô sơ và quy mô nhỏ bé. Nên nhớ, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân mới thành lập do ông Võ Nguyên Giáp chỉ huy chỉ có 12 người, hay như để chuẩn bị yểm trợ vũ trang cho ngày 19-8 Việt Minh cũng chỉ có 30 người và 17 khẩu súng lục . Quân đội Nhật ở Đông Dương khi đó đến 10 vạn trang bị vũ khí, hậu cần rất đầy đủ. Quân đội Nhật thiện chiến , kỉ luật và vô cùng dũng cảm. Họ thua Đồng Minh có nhiều nguyên nhân, nhưng ở chiến trường Đông Dương họ chưa thua một trận nào. Chính quyền Nam Triều với lính khố Xanh , khố Vàng khố Đỏ và những tàn dư của ý thức hệ trung quân còn lại trong xã hội Việt Nam khi đó cũng có thể làm lệch cán cân lực lượng so với Việt Minh (Nên nhớ, Ngay cả Pháp rồi Ngô Đình Diệm sau này cũng phải trân trọng con bài Bảo Đại và lợi dụng cái danh tiếng vương triều cuối cùng này trước khi nó hoàn toàn mất hết vai trò lịch sử). Lý giải sự bất động của quân đội Nhật lúc này ; quân đội Nhật đã chiến bại trên các chiến trường khác, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng. Họ không còn mục tiêu để chiến đấu, hay phải bày trò hề trao trả độc lập cho Việt Nam , bảo vệ vương triều Nguyễn và chính phủ Trần Trọng Kim làm gì cho tốn xương máu, công sức khi đằng nào quân đội Đồng Minh cũng vào giải giáp họ. Vả lại , Việt Minh và Hồ Chí Minh là người chỉ huy khi đó không có ý định tấn công quân Nhật, mà chủ trương địch vận , bảo toàn tính mệnh và tài sản cho người Nhật.

  • Trước thời cơ lịch sử đó, dân tộc Việt Nam đồng lòng nổi dậy tạo thành bão táp cách mạng với tất cả niềm tin và hi vọng cho tương lai , với tất cả lòng căm thù tích tụ của kiếp sống nô lệ, bần cùng để tìm đường sống . Chứ không phải đi theo tiếng gọi , ngọn cờ của chủ nghĩa Mác-Lênin. Cuộc cách mạng này có thể nói không gây đổ máu, Không phải sử dụng vũ lực dù đảng cộng sản có “kiên quyết” hay không. Nó gợi cho chúng ta những suy nghĩ về phương pháp giành chính quyền cho cuộc cách mạng dân chủ tất yếu sẩy ra sau này.


Đảng Cộng Sản từ khi cầm quyền ở miền bắc từ năm 1954 và cả nước năm 1975 đủ thời gian để chứng tỏ khả năng lãnh đạo , dẫn dắt nhân dân của mình. Nhưng thực tế, CNXH là một con đường chỉ dẫn tới rơi xuống vực thẳm của nền văn minh nhân loại. Sự chuyên chế độc quyền của đảng Cộng Sản là nguyên nhân sâu xa dẫn bần cùng hoá xã hội. “Độc quyền tuyệt đối dẫn đến sự xa đoạ tuyệt đối” - Nguyễn Gia Kiểng. Tiến tới dân chủ là quy luật tất yếu của thế giới. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã tỏ ra lạc hậu, lỗi thời vì vậy : Tiếp tục độc trị chuyên chế Đảng Cộng Sản là một tội lỗi đối với dân tộc và lương tri loài người.

Cuộc cách mạng tháng 8 đã đi qua hơn nữa thế kỉ nhưng vẫn còn ý nghĩa và bài học sâu sắc đối với cách mạng dân chủ trong tương lai.

  • Các tổ chức chính trị đối lập thực tâm mong cho đất nước dân chủ thật sự, Không có cách nào hơn là phải đoàn kết, trên tinh thần Hoà Giải và Hoà Hợp với nguyên tắc Bất Bạo Động của cách mạng tháng 8. Đó là giải pháp phù hợp và khôn ngoan nhất. Trong bối cảnh hiện nay như ngọn cờ Việt Minh vẫn còn nguyên tính thời sự ;


Để có thể tập hợp lòng đồng thuận tạo nên sức mạnh vũ bão của toàn dân khi thời cơ cách mạng chín muồi .

Để có thể quy tụ các thành phần xuất thân , quá khứ chính trị trên danh chính ngôn thuận !

Để có thể chấm dứt vĩnh viễn chế độ độc tài phi lý ở trên quê hương đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta , giang sơn gấm vóc của chúng ta , non sông đất nước của chúng ta!

Để xây dựng một chế độ dân chủ_đa nguyên mà các thế hệ ngày nay có thể đồng tâm chấp nhận và các thế hệ ngày mai có thể tự hào.

Thực tế giành chính quyền có thể bằng phương pháp Bất Bạo Động khi lòng dân đã đồng thuận , chính quyền đã trở nên hủ bại và phân hoá cực độ, và thời cơ đã chín muồi như Cuộc Cách Mạng Tháng 8 . Chẳng những vậy, Bất Bạo Động còn là phương pháp đấu tranh giành chính quyền ở Ấn Độ từ tay thực dân Anh , hay ở các nước Đông Âu thập niên 90 khi giành chính quyền từ chế độ Cộng Sản. Điều đó , Không phải là hoang đường , mà là chân lý từ lý thuyết đến thực tế. Trong lịch sử nước ta , Lý Công Uẩn lên ngôi lập gia nhà Lý cũng dùng biện pháp hoà bình, trên theo ý trời , dưới hợp lòng dân không có gì là không thể khi nó có thể . Nhưng Bất Bạo Động theo tôi chỉ thành công khi hội đủ hai trong ba điều kiện sau; trong đó điều kiện thứ nhất luôn phải có;

  1. Toàn dân đồng tâm nhất trí về Một thể chế chính trị cho tương lai vì đã quá chán ghét , bất bình với chế độ chính trị hiện tại, và sẵn sàng tham gia đấu tranh.

  2. Chính quyền đã trở nên hủ bại, bạc nhược và phân hoá cực độ . Vì khi chính quyền đủ sức mạnh và kiên quyết bám quyền lợi , Dù toàn dân đồng thuận Bất Bạo Động khi đó cũng không thể thành công được. Sức mạnh vũ trang của chính quyền mạnh hơn sức phản kháng bằng phương pháp bất bạo động của toàn dân. Nếu như , Toàn dân Bất Hợp Tác thì không một chế độ nào có thể tồn tại nhưng sự Bất Hợp Tác đó là cực kỳ khó thực hiện và để lại hậu quả khôn lường về mọi mặt , kinh tế, chính trị , xã hội trong bối cảnh thế kỷ 21. Thậm chí có thể tàn phá dân tộc hơn cả sự khắc nghiệt của chế độ hiện tại. Cũng không loại trừ khả năng ĐCS sẽ thay đổi , biến thành một đảng quốc gia (chính thức hay không chính thức vứt bỏ chủ nghĩa Mác-lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh) để giữ độc quyền chính trị. Khi đó , Cách mạng dân chủ còn khó khăn hơn nữa.

  3. Áp lực của quốc tế cụ thể là Mỹ về chính trị và vũ trang mãnh liệt lên chính quyền độc tài (như ở Irac).


Như vậy, Con đường đấu tranh bất bạo động là cực kỳ khó khăn. Vì khi có điều 1, và điều 3; đất nước sẽ lâm vào cảnh hỗn loạn và lệ thuộc tai hại. Có điều 1, và điều 2; thì phải đấu tranh Bất Hợp Tác toàn diện. Như vậy , hậu quả thật khôn lường và lâu dài về kinh tế , chính trị , xã hội.

Làm thế nào để phương pháp Bất Bạo Động đi đến thắng lợi cuối cùng ? Đó là câu hỏi phải được trả lời. Phải chăng ý nghĩa của cách mạng tháng 8 còn nguyên giá trị ? Việc trang bị vũ trang là cần thiết để yểm trợ cho đấu tranh Bất Bạo Động khi thời cơ chín mùi.

  • Ý nghĩa của lực lượng thức thời, phản tỉnh trong bộ máy quyền lực khi cách mạng vô cùng quan trọng , thậm chí định đoạt sự thành bại của cách mạng . Trong cuộc cách mạng tháng 8 , Không thể lường hết hậu quả nếu quân đội Nhật, và chính phủ Nam Triều kiên quyết chống lại cách mạng.


Muốn con đường đến dân chủ thành công sớm, chúng ta càng phải chuyển bị và tích cực tuyên truyền, giác ngộ ý thức, trách nhiệm của toàn dân tộc và ngay cả trong bộ máy đảng , nhà nứơc, quân đội và công an. Phải tìm mọi cách phi chính trị hoá lực lượng vũ trang hay lợi dụng được lực lượng này cho cách mạng dân chủ.

  • Thời cơ chín muồi, tự sức mình làm cách mạng


Sự thất bại của các phong trào giành độc lập trước cách mạng tháng 8 như phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân , hay cuộc khởi nghĩa do Việt Nam quốc dân đảng lãnh đạo (khởi nghĩa Yên Bái) có lý do chính là do tương quan lực lượng ta địch quá chênh lệch , thời cơ chưa chín muồi và không tự sức mình (Đông Du, Duy Tân).

Xưa nay , chỉ có mạnh thắng yếu chứ chưa bao giờ thấy yếu thắng mạnh những lý luận “yếu thắng mạnh” chỉ là hàm hồ và phản quy luật khoa học. Trứng không thể chọi với đá, cũng như cách mạng không thể thành công khi ta yếu , địch mạnh. Có thể chúng ta từng nghe “ít địch nhiều , lấy yếu thắng mạnh” nhưng sự thật chiến thắng đó là do sức mạnh TỔNG HỢP trên MỌI PHƯƠNG DIỆN của người chiến thắng lớn hơn của kẻ chiến bại. Sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế rất quan trọng nhưng chỉ có toàn dân Việt Nam mới quyết định để cách mạng dân chủ thành công. Cách mạng tháng 8 cho những lực lượng dân chủ Việt Nam bài học về thời cơ, và sự tự lực của một dân tộc trứơc vận mệnh của mình. Tất cả điều đó , làm đối kháng lực lượng có lợi để cách mạng dân chủ thắng lợi hoàn toàn.

Cuộc cách mạng tháng 8 đã đáp ứng được yêu cầu của lịch sử trong quá khứ và cuộc cách mạng dân chủ ở Việt Nam trong tương lai tiếp tục truyền thống dân tộc sẽ chắc chắn diễn ra thành công.

Ngày 27-8-2004

Sinh viên thức tỉnh : Vũ Dương


(*): mạng Ý Kiến: theo yêu cầu của tác giả chúng tôi đã sửa bài; hy vọng không làm sai ý tác giả. Chúng tôi sẽ thêm phần góp ý sau.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn