BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73344)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đàn Chim Việt phỏng vấn Vũ Thư Hiên

24 Tháng Hai 200212:00 SA(Xem: 1061)
Đàn Chim Việt phỏng vấn Vũ Thư Hiên
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51






Đàn Chim Việt : Thay mặt cho độc giả Đàn Chim Việt, chúng tôi muốn được phỏng vấn ông, người quen của các độc giả Việt ở Ba Lan, đôi điều về một vấn đề thời sự đang gây dư luận xôn xao trên đất nước ta và trong các cộng đồng Việt ở nước ngoài … Vũ Thư Hiên : Tôi đã đoán được bạn muốn hỏi gì rồi.

Đàn Chim Việt : Ông đoán thế nào ?

Vũ Thư Hiên : Mọi câu hỏi sẽ xoay quanh chuyện biên giới phía Bắc. Tôi không nhầm chứ ?

Đàn Chim Việt : Người Việt Nam ở Ba Lan đang quan tâm tới chuyện này lắm, thưa ông. Có người đã đặt câu hỏi với ngài đại sứ, yêu cầu được giải thích, nhưng cũng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Vậy, câu hỏi thứ nhất : ông có biết rõ về nội dung của hai hiệp định về biên giới trên đất liền và lãnh hải giữa nhà cầm quyền Trung Quốc và nhà cầm quyền Việt Nam ?

Vũ Thư Hiên : Thật tình, tôi không biết gì cụ thể về chuyện này. Tôi dám chắc ông đại sứ của các bạn cũng không biết. Ông ấy, cho dù là một viên chức cấp cao, cũng vẫn nằm trong số công dân mà ban lãnh đạo đảng cộng sản không cần hỏi ý kiến. Nghĩa là trong chuyện này ông ấy cũng như chúng ta thôi. Tất cả chúng ta đều là những dân đen được huấn luyện để mà tuân lệnh. Đừng chất vấn ông ấy làm gì, tội nghiệp. Tôi nói tôi không biết rõ vì những gì tôi biết đều thiếu tính khả tín. Nhưng tôi tin rằng việc nước ta bị mất một phần đất và một phần biển là chuyện có thật. Mất cụ thể là bao nhiêu, từ chỗ nào đến chỗ nào, thì phải đợi sau này mới biết được. Tin đầu tiên đến với tôi là một bức thư của một cán bộ lão thành ở Hải Phòng gửi Trung ương Đảng được chuyển ra ngoài này bằng internet. Sau đó là những tin khác, trong hình thức thư, đơn, công khai gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, và các bài viết được luân chuyển trong nhân dân dưới dạng photocopy. Tiếc rằng ngay trong những văn bản đó những số liệu được đưa ra không giống nhau. Có người nói ta bị mất 720km2, người khác nói 780km2, lại có người nói 800km2 tròn. Có một người ở hải ngoại nêu một con số có vẻ rất chính xác, tức là có số lẻ tới hàng đơn vị, là 789km2 (ông này nói các bạn Trung Quốc cho ông biết như thế). Ông Bùi Tín gần đây nhất lại đưa ra con số lớn hơn nữa - xấp xỉ 900km2. Con số nào là chính xác đây ? Cho tới nay không một ai được biết. Con số ấy nằm trong tay một nhúm người đang nắm giữ vận mệnh đất nước là Bộ Chính trị đảng cộng sản. Cho dù là con số nào trong các con số trên là đúng thì nó cũng là con số lớn. Lớn lắm. Tính ra cách nào thì diện tích đất mất đi còn lớn hơn cả nước cộng hòa Singapore (616km2).

Đàn Chim Việt : Tại sao những nhà lãnh đạo Đảng cộng sản lại không dám công bố hai bản hiệp định mà họ ký kết ? Tại sao họ giấu giếm những việc trọng đại liên quan tới cả cộng đồng dân tộc, cả quốc gia ?

Vũ Thư Hiên : Khi người ta giấu giếm, người ta đều có những lý do để bào chữa cho sự giấu giếm ấy. Tốt khoe ra, xấu xa đậy lại mà. Chẳng ai muốn cho người khác biết những bí mật không mấy tốt đẹp của công việc mình làm. Tôi nghĩ khi đảng cộng sản không công bố những văn kiện do họ ký kết với nước ngoài thì điều rõ ràng là họ phải có điều khuất tất, mờ ám trong chuyện đó. Họ đi đêm với ngoại bang để làm một công việc có ích cho họ, mà có hại cho nước, nên họ mới phải giấu. Sống nhiều năm ở những nước theo chế độ dân chủ, chúng ta quen nhìn những người cầm đầu một nước như những viên chức cao cấp, chứ không phải là các lãnh tụ quyền sinh quyền sát. Chúng ta quen thấy mọi việc nước đều phải trình bày một cách công khai, thẳng thắn trước dân chúng. Mọi sự quanh co, úp mở đều bị công luận lên án. Việc liên quan tới lãnh thổ quốc gia là việc cực kỳ trọng đại, chính quyền nào cũng phải trưng cầu ý dân trước khi đặt bút ký, quyết không thể tự quyền muốn làm gì thì làm. Nhưng biết làm sao bây giờ ? Ở nước ta, căn cứ điều 4 Hiến pháp, đảng cộng sản là ông chủ tối cao và toàn quyền…

Đàn Chim Việt : Nhưng nước Việt Nam đâu phải của riêng đảng cộng sản ? Hay của Bộ Chính trị ?

Vũ Thư Hiên : Tất nhiên là thế rồi. Cuộc Cách mạng Tháng Tám đã quên không tạo ra cái thắng cần thiết cho cỗ xe của nó. Cho nên khi đảng cộng sản đã leo lên địa vị ông chủ độc tôn, độc quyền, thì đảng (hay Bộ Chính trị) hành xử theo thói quen của bất kỳ ông chủ nào. Lịch sử cho thấy chẳng có chủ nô nào lại dở hơi đi hỏi ý kiến đàn nô lệ của hắn. Đến cả cái Quốc hội, gọi là được toàn dân bầu ra, cũng chẳng được biết mô tê chuyện biên giới đã được ký kết như thế nào nữa là. Đảng ra lệnh thì Ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Quốc hội khỏi cần bàn, có thế thôi. Cũng giống như chuyện đấu thầu sân vận động quốc tế ở Hà Nội ấy, chắc các bạn đều đã biết. Người ta cho nhà thầu Trung Quốc thắng thầu, cho dù xây dựng theo phương án của họ vừa đắt vừa dở, thiên hạ chê bai hết nhẽ. Thế là đảng liền cho Ban Văn hóa – Tư tưởng (chứ không phải một ban kinh tế nào) giải thích rằng ta phải để cho công ty Trung Quốc thắng thầu là vì công ty ấy “thuộc Ban Tài chính của đảng bạn”. Thì ra vì tình thân ái giữa hai đảng người ta có quyền tiêu tiền của nhân dân vô tội vạ.

Đàn Chim Việt : Nghe nói trên số đất bị cắt cho Trung Quốc có dân đang ở, họ sẽ thành dân Trung Quốc. Có đúng vậy không ?

Vũ Thư Hiên : Tôi đã nói là tôi không rõ mà. Dân ở vùng biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn có nhiều là người Tày, người Nùng, xưa nay vẫn có quan hệ bà con dòng tộc với người ở bên kia biên giới là dân tộc Choang. Trên núi thì có dân tộc Mán (Mán đỏ, Mán Thanh y, Mán Quần trắng…) vẫn xưng là cháu mười sáu mười bảy đời Bàn Vương bên Tàu. Tôi không rõ họ có quyền lựa chọn thế nào ? Và họ sẽ sung sướng hay đau khổ trở thành người Trung Quốc ? Trước kia thì tôi biết, họ không thích làm dân cái nước hết tam phản, tứ phản lại thất bát phản ấy đâu. Ấy là nói chuyện hồi cách mạng văn hóa của người cầm lái vĩ đại và bà vợ ông ấy khởi xướng. Nhưng biết đâu đấy, bây giờ Trung Quốc đã khác trước, ở đó có nhiều cái tốt, còn tốt hơn ở Việt Nam nhiều. Nếu người ta chỉ nghĩ tới đời sống vật chất không thôi thì có lẽ họ sẽ chọn Trung Quốc. Nhưng con người không phải chỉ sống bằng vật chất. Họ còn sống bằng tình nghĩa nữa. Tình làng, nghĩa xóm, tình với đất với nước…, tất cả những cái đó gắn bó máu thịt với con người, không dễ gì dứt bỏ.

Đàn Chim Việt : Ông có được biết thêm về những gì đang xảy ra nơi biên giới phía Bắc thì xin cho biết ?

Vũ Thư Hiên : Tôi có gặp nhiều người ở trong nước qua, nhưng phần lớn họ chẳng biết gì hơn chúng ta. Sau những cuộc chiến tranh kéo dài, ai cũng bận làm ăn, phục hồi kinh tế cho gia đình. Vùng biên giới Việt-Trung lại là vùng những người tôi gặp không có nhiều dịp đi tới. Cái mà họ biết chắc là Ải Nam Quan, sau đổi thành Mục Nam Quan, rồi Hữu Nghị Quan, nơi tôi cũng đã đi qua nhiều lần, nay thuộc đất Trung Quốc rồi. Có người nói nó lùi vào trong đất Trung Quốc 5km, có người nói không xa đến thế, chỉ độ 3-4km thôi. Tôi tới đó lần chót vào năm 1960. Nhưng đó là họ nghe những người đã đi tới đó kể lại. Chứ Đảng cộng sản Việt Nam có cho dân biết gì đâu về chuyện này. Giá mà đảng có khoe với chúng ta rằng họ không để mất một tấc đất nào, lại còn được đảng bạn hứng lên biếu không vài huyện biên giới của đất họ nữa kia, thì ta cũng nghe vậy biết vậy mà thôi. Có mỗi một nhà thơ Bùi Minh Quốc một mình một xe gắn máy xông lên vùng đó xem hư thực ra sao, thì khi trở về bị người ta bắt luôn, tịch thu bằng hết những gì anh ấy thu thập được, sau đó thì quản chế không cho ra khỏi nhà (mà anh ấy vừa mới hết được một lệnh quản chế đấy). Bùi Minh Quốc chắc sẽ trả lời được câu hỏi về đất đai bị mất và lòng dân biên giới bây giờ ra sao. Nhưng anh đã bị bịt miệng. Những kẻ làm điều khuất tất bao giờ cũng sợ sự thật. Nếu không khuất tất thì việc gì mà sợ những tài liệu của một nhà thơ ?

Đàn Chim Việt : Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, bà Phan Thuý Thanh, vừa cải chính điều này. Bà ấy nói rằng ông Bùi Minh Quốc bị bắt vì mang theo hơn 300 tài liệu phản động.

Vũ Thư Hiên : Sao mà nhiều thế ? Chỉ cần vài tài liệu phản động, có khi chỉ một thôi, cũng đủ để đưa ra tòa xử rồi. Các bạn thử đề nghị nhà cầm quyền mang Bùi Minh Quốc ra xử coi. Xem người ta có dám xử không ? Xử công khai kìa, chứ xử kín thì không kể. Khi không thể xử công khai thì họ quản chế (tức là dùng một hình thức nhẹ hơn), và õng ẹo tuyên bố rằng họ không xử vì họ là những người nhân bản, họ thương dân như con, họ không nỡ … vân vân. Tôi còn nhớ vào thập niên 60, có vị bộ trưởng tên Trần Quốc Hoàn, khi vỗ ngực đồm độp khoe khoang lòng từ bi hỉ xả của Đảng đã nói về chính sách bắt người của ông ta như thế này : “Nếu bắt cũng được, mà không bắt cũng được, thì kiên quyết không bắt”. Cái lòng từ bi, khoan dung kiểu ấy chỉ có trong chế độ gọi là xã hội chủ nghĩa. Ở phần thế giới còn lại, nghe nói thế người ta phải bịt mũi lại. Làm sao lại có thể “bắt cũng được mà không bắt cũng được” nhỉ ? Có cái pháp luật nào lại như thế không ?

Đàn Chim Việt : Còn phần lãnh hải bị mất ?

Vũ Thư Hiên : Theo hiệp định mà chính quyền Pháp và nhà Thanh ký kết năm 1887 về lãnh hải thì Việt Nam có 62%, Trung Quốc có 38% chủ quyền đối với Biển Đông, hay còn gọi là Vịnh Bắc Bộ (golfe du Tonkin). Theo hiệp định mới mà Hà Nội ký với Bắc Kinh ngày 25-12-2000 về vịnh này và những qui định về phạm vi đánh cá của hai nước, thì nay Việt Nam chỉ còn giữ được chủ quyền trên 53,23% lãnh hải, còn Trung Quốc được 46,77%, nghĩa là nay Trung Quốc lấy thêm được của Việt Nam 11.000 km2, là vùng dự đoán có trữ lượng cao dầu hỏa và khí đốt. Tôi nhắc lại : những tài liệu này không chắc đã đáng tin. Chẳng ai, cho tới hôm nay, được đọc hai bản hiệp định đó cả. Tuy nhiên, con số về lãnh hải bị mất có vẻ chính xác hơn, chắc nó giấu không được kín bằng con số về đất liền. Những bí mật này đang bị rò rỉ. Thậm chí ở bên ngoài người ta còn biết hơn chúng ta. Một tạp chí lớn của Pháp là tờ l’Express đã đưa vụ ký kết Việt-Trung về biên giới vừa qua lên những trang báo có tựa đề : “Một vụ mua bán bỉ ổi, một vụ phản bội tột cùng”.

Đàn Chim Việt : Theo ông, hậu quả của vụ ký kết này sẽ là thế nào ?

Vũ Thư Hiên : Giá mà không có vụ ký kết đó ! Ông Nguyễn Thanh Giang cho rằng ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam bị Trung Quốc lừa. Tôi thì tôi không tin rằng có chuyện phái đoàn Việt Nam đi ký kết bị phía Trung Quốc mời ăn cháo lú, hoặc chuốc rượu say rồi nhét bút vào tay bảo ký. Vụ thảo luận về biên giới này kéo dài không phải trong một chuyến đi sứ, mà nhiều năm, từ thời ông cựu tổng bí thư Đỗ Mười kìa. Có một cái gì đó khó hiểu hơn, hoặc bí mật hơn. Bảo rằng Trung Quốc gây sức ép bắt ký cũng không phải. Trung Quốc bây giờ không phải là Thiên triều ngày xưa, một mình một cõi tung hoành. Việt Nam ngày nay cũng không phải đơn độc, bên cạnh chúng ta có cả một cộng đồng các quốc gia của thế giới hiện đại, Trung Quốc có muốn làm càn cũng không phải dễ. Huống hồ Trung Quốc đang muốn trưng ra một bộ mặt dễ mến để hòa nhập với thế giới, nơi có những khách hàng tương lai sẽ tiêu thụ hàng rẻ tiền mà Trung Quốc có thể cung ứng trong mục đích xâm chiếm thị trường toàn cầu. Nói tóm lại, tôi loại trừ khả năng Trung Quốc gây sức ép, dọa dẫm, làm cho những kẻ yếu bóng vía sợ hãi và lùi bước. Ở đây bốc mùi quyền lực. Và cả mùi tiền nữa. Vì quyền lực, hoặc vì tiền, người ta có thể bán tất cả. Hãy nhìn lại lịch sử. Giữa thế kỷ 16, Mạc Đăng Dung vì mất quyền lực đã cắt đất dâng Thiên triều để mong Thiên triều cứu vớt, tiếng xấu còn lưu đến tận bây giờ. Tôi nói tốt nhất là không có vụ ký kết đó vì nhà nước hiện tại là nhà nước Việt Nam thống nhất được cả thế giới thừa nhận. Những gì nhà nước này ký kết đều được công pháp quốc tế tôn trọng. Cho dù sau này cái nhà nước hiện nay không còn, các nhà nước kế tiếp cũng không dễ dàng gì xóa bỏ những điều ước đã được ký kết hôm nay. Tôi nói thế vì tôi không tin nhà nước này là vĩnh cửu. Nếu vùng đất vùng biển bị mất là do Trung Quốc chiếm bằng vũ lực thì sự đòi lại còn dễ hơn, bởi vì sự bất bình đẳng là rõ ràng. Còn đây là chuyện thỏa thuận, không ai ép ai (giữa hai chính quyền tự nhận thay mặt nhân dân). Mà nói dễ hơn cũng là nói trong ý nghĩa tương đối, chứ chuyện đòi đất là khó lắm, cho dù sau này hai nước đều có chính quyền dân chủ. Tôi chưa nhìn thấy cách nào để lấy lại, trừ phi một lúc nào đó nước ta mạnh hơn Trung Quốc về lực hay chí ít thì cũng về thế. Ấy là chưa kể vụ ký kết này mở ra một tiền lệ xấu cho sự tranh chấp lãnh thổ biên giới giữa các quốc gia trên bán đảo Đông Dương. Bạn hãy hình dung nước Campuchia một ngày nào đó tuyên bố không thừa nhận biên giới với Việt Nam được xác định bởi chính quyền thuộc địa trước kia. Đàng sau họ lại là ông anh lớn Trung Quốc đã từng ủng hộ Polpot đánh ông em Việt Nam môi hở răng lạnh chẳng hạn. Còn nước Lào ? Cũng vào một ngày đẹp trời nào đó nước bạn này lại đòi phân lại đường biên giới vốn yên bình ? Mọi sự đều có thể xảy ra sau một bước đi thiếu tính toán. Những gì đã được mặc nhiên thừa nhận trong quá trình lịch sử mà không gây xáo trộn thì tốt nhất là cứ để nguyên trạng. Tại sao những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam lại không nghĩ tới điều đó nhỉ ? Lại nghe nói chính Đảng cộng sản Việt Nam đang o ép hai nước láng giềng, đặt ra những biên giới mới. Nghĩa là nhường ông anh lớn, bắt nạt em út. Xấu chơi quá. Cũng chẳng hiểu thực hư ra sao, có đúng vậy không ? Có quá nhiều điều khó hiểu trong cách lãnh đạo của những đức ông vô cùng sáng suốt và duy nhất đúng đắn này.

Đàn Chim Việt : Theo ông, đảng cộng sản Việt Nam sẽ làm gì để đối phó với sự phẫn nộ của nhân dân vì hành động bội phản này.

Vũ Thư Hiên : Người ta sẽ làm như người ta thường làm : đàn áp, đàn áp, và đàn áp. Cho tới khi nào không còn có thể đàn áp được nữa.

Đàn Chim Việt : Ông loại trừ khả năng đảng cộng sản nhận ra sai lầm ?

Vũ Thư Hiên : Có lẽ nên nói “Bộ Chính trị” hoặc “Ban lãnh đạo đảng” hơn là nói “đảng”. Bạn thay giùm những từ “đảng” mà tôi vừa nói ở trên nhé ! Như thế chính xác hơn. Tôi vừa nói chuyện với ông Nguyễn Thanh Giang. Ông Giang bảo : “Hành động này không có cách gọi nào khác là bán nước”. Nhưng chúng tôi đồng ý với nhau rằng nói một đảng từng có công trạng hiển hách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thì đau lòng quá. Mà cũng không chính xác nữa. Thôi thì cứ gọi thẳng tên mấy anh tổng bí thư và Bộ Chính trị ra mà réo thì đúng hơn. Chẳng ai đau lòng thay cho mấy tên cơ hội với lòng tham không đáy đó. Còn các đảng viên cộng sản ? Nhiều người mang thẻ đảng viên đấy nhưng họ đâu có tán thành cách hành xử của Bộ Chính trị. Họ vẫn là những người yêu nước, họ đang lên án hành động bán nước của Bộ Chính trị đấy. Do những hoàn cảnh lịch sử nhiều người đã chọn con đường cứu nước mang tên cộng sản. Chứ họ đều muốn lựa chọn hình thức quản trị dân chủ cho đất nước khi đi với đảng cộng sản hứa hẹn một nền dân chủ lớn. Từ lâu rồi, họ biết đảng cộng sản không thích dân chủ, ngay trong lòng đảng cộng sản đã không có dân chủ rồi, nói gì dân chủ trong toàn xã hội. Những gì Bộ Chính trị làm được hiểu là mệnh lệnh, đảng viên chỉ có việc tuân theo, chỉ có việc chấp hành. Như những robot không được phép hỏng hóc. “Kẻ nào không đi với ta, kẻ đó chống ta”, là phương châm xử thế một thời chưa xa. Bây giờ, trong hoàn cảnh bùng nổ các phương tiện truyền thông, thế giới như một làng, người ta phải vờ vịt dân chủ một chút cho phải phép, cho hợp mốt. Nhưng trong thâm tâm người ta thù dân chủ lắm. Dân mà làm chủ thì họ còn là cái thá gì ? Đảng, xét cho cùng, chỉ là công cụ cho tầng lớp trên trong đảng xếp hàng cả khi vào Bộ Chính trị lẫn khi đi nằm trong nghĩa trang Mai Dịch. Có người sẽ nói : Bộ Chính trị là do các Đại hội đảng bầu ra đấy chứ. Nhưng nếu các đại hội chỉ là những cuộc trình diễn kết quả cuối cùng của những cuộc đấu đá và mặc cả cung đình? Không, bạn ạ, dù sao thì cũng không nên dùng từ “đảng” nói chung, vì sự kính trọng đối với những người yêu nước mang thẻ đảng viên cộng sản.

Đàn Chim Việt : Đảng (xin lỗi, vì tôi vẫn cứ phải dùng từ “đảng” trong trường hợp này, tôi chưa đồng ý với cách gọi khác) đã một lần thừa nhận sai lầm trong cải cách ruộng đất đấy thôi. Nếu lần này đảng lại thừa nhận sai lầm thì có cơ sửa chữa được sai lầm vừa rồi không ?

Vũ Thư Hiên : Ta hãy chờ xem. Cho dù người ta có thật lòng nhận sai lầm thì trở về chỗ cũ cũng khó lắm. Cái việc đã rồi này quá nặng nề, quá hư hỏng, di hại tới con cháu. Nhưng thôi, dù sao thì nhận ra sai lầm vẫn cứ hơn là không ? Nhân dân sẽ tìm ra cách sửa chữa sai lầm đó. Nhân dân sẽ làm lại lịch sử, dù đảng muốn hay không muốn. Và trong nhân dân ta sẽ chẳng bao giờ thiếu những người con anh hùng dám quát vào mặt quân bành trướng như Trần Bình Trọng “Ta thà làm quỷ nước Nam chớ không thèm làm vương đất Bắc !”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn