Tuy vậy, Đặng Tiểu Bình khác hẳn Nguyễn Phú Trọng. Tuy cả hai đều là chủ tịch Quân Ủy Trung Ương đảng, nhưng họ Đặng nắm quyền sinh sát cho đến khi chết; còn Nguyễn Phú Trọng thì không có thực quyền suốt từ lúc lên chức tổng bí thư; tới bây giờ thì chỉ ngồi làm hư vị, chờ về hưu.
Cho nên chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng phải gọi là “Chuyến đi dối già.” Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (1998) giải nghĩa: “Dối già” là Trối già, thí dụ, “đi chơi trối già một chuyến.” Tự điển Anh Việt của Nguyễn Đình Hòa (1966) dịch: “Dối già - to do as a joy in one’s old age,” hưởng thú vui lúc về già. Tân Đại Tự Điển Việt-Anh của Nguyễn Văn Tạo (1986) cũng cho thí dụ: “Dối già - đi chơi dối già, to make a trip before one dies,” đi chơi một chuyến trước khi chết. Ông Nguyễn Phú Trọng đang đi một chuyến dối già; mặc dù mới 71 tuổi, ông có thể sẽ còn sống vài ba chục năm nữa. Khác với Nông Đức Mạnh đã an phận đóng vai bù nhìn, ông Nguyễn Phú Trọng có cố gắng giành quyền hành về cho guồng máy Đảng, không để Nguyễn Tấn Dũng thao túng hết. Ông lập ra một Ủy Ban Chống Tham Nhũng trong Trung Ương Đảng, tổng bí thư làm trưởng ban. Nhưng ông là một tướng không có quân, một nhà buôn không có vốn; cái ủy ban của ông chẳng thấy đụng được tới lông chân thằng tham nhũng nào cả. Cuối cùng, giành được quyền rồi lại chỉ chứng tỏ mình vô tài hoặc bất lực, hoặc cả hai.
Nguyễn Phú Trọng cố gắng tấn công Nguyễn Tấn Dũng mấy lần, dùng guồng máy Trung Ương Đảng mà trên nguyên tắc ông ta đứng trùm. Trọng ra quân lần thứ nhất năm 2013, trong hội nghị Trung Ương 6 nhân cơ hội Dũng làm kinh tế thất bại nặng nề với các vụ tham ô làm nhục quốc thể như Vinashin, Vinalines, vân vân. Nhưng Hội Nghị 6 lại kết luận: “Trung ương tiếp tục khẳng định... những kết quả quan trọng đã đạt được của doanh nghiệp nhà nước (tức là những Vinashin, Vinalines)!” Bản thông cáo chính thức viết, “Bộ Chính Trị đã thống nhất 100% đề nghị... một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí ủy viên Bộ Chính Trị.” Nói đến “kỷ luật một đồng chí” mà không dám khai họ tên là gì cả. Thông cáo lại viết tiếp: “Ban Chấp Hành Trung Ương đã... đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính Trị và một đồng chí trong Bộ Chính Trị!” Cũng lại “một đồng chí” mà không dám nói tên; Trương Tấn Sang sau vẫn sợ, chỉ dám gọi là “đồng chí X.”
Trận tranh quyền giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng diễn màn kế tiếp trong Hội Nghị Trung Ương 7. Trọng và Dũng mỗi người đề nghị hai ứng viên vào Bộ Chính Trị, hai con gà của Dũng (Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Thị Kim Ngân) đá bại gà của Trọng (Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ - ông Thanh sau đó đã qua đời). Trận đấu gần đây nhất là Hội Nghị Trung Ương 10 vào Tháng Giêng năm 2015, quyết định phe nào sẽ thắng trong Đại Hội Đảng lần thứ 12 năm tới. Họ bầy trò 197 Ủy viên và dự khuyết bỏ phiếu tín nhiệm 20 người trong Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư. Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu, được 152 phiếu “tín nhiệm cao.” Nguyễn Phú Trọng đứng hàng thứ 8 với 135 phiếu; thua Trương Tấn Sang 149 phiếu, Nguyễn Thị Kim Ngân 145 và Phùng Quang Thanh 144. Đồng minh của Nguyễn Phú Trọng là Tô Huy Rứa đứng hàng thứ 17, Phạm Quang Nghị hàng 19, và Hà Thị Khiết đứng chót. Hội Nghị 10 coi như chấm dứt cuộc đời chính trị của Nguyễn Phú Trọng. Mặc dù Trọng là trưởng Tiểu Ban Nhân Sự đại hội sang năm nhưng sẽ đành để cho Dũng làm đạo diễn.
Tại sao nhiều ủy viên Trung Ương Đảng nghiêng về ông thủ tướng như vậy? Bởi vì Dũng đã thu nắm hết quyền quyết định kinh tế; trong 10 năm qua họ đều được chia quyền, chia lợi. “Trong tay đã có đồng tiền,” Dũng có thể đem phân phát, còn Trọng thì tay trắng. Từ khi Đảng Cộng Sản bắt chước làm kinh tế tư bản, các “luật lệ cuộc chơi” đã thay đổi. Danh phận và địa vị trong guồng máy đảng không có giá trị nào nữa. Đồng tiền, nhất là đồng đô la, mới đóng vai quyết định. Sau cùng, ba phần tư các ủy viên Trung Ương Đảng chạy theo Dũng vì cần bảo vệ cái hệ thống chia chác cho họ được hưởng phần xôi thịt béo bở!
Nhưng tại sao Nguyễn Phú Trọng vẫn muốn đi Mỹ và được đi Mỹ dối già? Đối với phe cánh Dũng thì việc vận động cho Trọng đi Mỹ, xin bằng được cho vào ngồi trong phòng Bầu Dục, là một cách nhục mạ công khai. Cả cuộc đời chính trị của Trọng đã bị gán cho nhãn hiệu “thờ thiên triều!” Nay phải quay 180 độ để sang Mỹ, tức là đã chịu thua - không những thua trong nội bộ đảng mà còn thua cả trong chính sách ngoại giao.
Nhưng Nguyễn Phú Trọng vui vẻ chịu nhục, vì chuyến đi này lại là một cách rửa mặt trước khi về vườn. Một người Việt biết mình sắp chấm dứt cuộc đời chính trị, không ai muốn để lại trong lịch sử cái tiếng “tay sai Tàu!” Trọng cần phải rửa sạch cái nhãn hiệu đó, trong khi còn giữ chức tổng bí thư. Nhìn thấy làn sóng phẫn nộ của 90 triệu người dân Việt Nam, Trọng biết rằng sớm muộn ngọn triều dâng sẽ thay đổi hết. Đảng Cộng Sản Việt Nam sớm muộn sẽ phải quay sang nhờ vả Mỹ; chỉ mong quên mối nhục đem con voi Tàu về dày mả tổ tiên rồi bám theo ăn bã mía hơn nửa thế kỷ vừa qua. Trọng cần đi Mỹ một chuyến, chuyến đi dối già không phải để hưởng thú vui nào mà chỉ để rửa cái mặt đầy những vết chàm Trung Cộng.
Cho nên trước khi đi Trọng đã tuyên bố hoan nghênh vai trò của Mỹ trong vùng Biển Đông Nam Á, và báo trước sẽ thảo luận việc hợp tác quân sự với Mỹ. Hoan nghênh Mỹ là đi ngược với đường lối thiên triều, vì Trung Cộng vừa mới nhắc lại lời phản đối Mỹ, một xứ ở tuốt bờ xa mà cứ xía vô chuyện biển, đảo bên trong Cửu Đoạn Tuyến!
Như vậy có phải Nguyễn Phú Trọng đã bỏ chủ trương theo Tàu để theo Mỹ hay không? Thực ra các lãnh tụ Cộng Sản chỉ lo đến quyền hành và lợi lộc của chính họ, chẳng có anh nào theo nước lớn nào cả. Hồ Chí Minh đã từng xin ôm chân Mỹ nhưng bị gạt ra ngoài vì tình báo cả thế giới biết tay này là gián điệp của Stalin từ hơn 20 năm. Thế là Hồ phải bám chân Mao Chủ Tịch. Lê Duẩn đã ôm chân Mao để thanh toán các đối thủ “xét lại chống đảng;” nhưng sau lại bỏ Tàu để ôm chân Liên Xô; nhẫn tâm phản phúc đến mức ghi cả vào Hiến Pháp rằng nước Tàu là kẻ thù truyền kiếp.
Trong cuộc tranh chấp quyền hành giữa các thủ lãnh Cộng Sản Việt Nam, họ đóng trò thân nước này hay nước khác chỉ vì nhu cầu giai đoạn. Tất cả chỉ là bôi mặt vẽ hề trên sân khấu, khi tấn tuồng đổi màn thì các diễn viên cũng rửa mặt, bôi lại lớp son phấn mới, vẽ râu ria đội mũ màng mới. Vì vậy, ngày 30 Tháng Tư vừa qua, khi đã nắm chắc phần thắng trong Đại Hội 12 sang năm, Nguyễn Tấn Dũng đã biểu diễn một bài diễn văn chống Mỹ. Bởi vì Dũng biết rằng mình chỉ đóng tuồng, nói cho các đảng viên ngớ ngẩn đứng nghe, chẳng có báo, đài nào ở nước Mỹ nó nhắc tới cả! Trước khi Dũng nắm toàn quyền và Đảng Cộng Sản quay đầu xin nương tựa vào nước Mỹ, Dũng cần phải chứng tỏ mình không phải là tay sai Mỹ!
Chuyến đi dối già của ông Nguyễn Phú Trọng là một cảnh phụ trong tấn tuồng chính trị nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam, được đưa qua diễn ở nước Mỹ, nhưng nhắm cho người Việt Nam ở trong nước coi. Ông Trọng chính thức mời ông bà Obama sang thăm Việt Nam, không phải Sang, không phải Dũng. Ông còn dám khoe rằng mình đã chia sẻ quan điểm với tổng thống Mỹ về “những khai triển gần đây ở Biển Đông và mối lo ngại về các hoạt động gần đây không theo đúng luật lệ quốc tế khiến tình hình thêm phức tạp.” Nghe câu này, nhiều người ở Hà Nội, Sài Gòn sẽ trầm trồ: Đấy nhé, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đâu phải là tay sai của Tàu! Đó là điều ông Nguyễn Phú Trọng mong ước trước khi về vườn!
Rồi tới đầu năm 2016, Nguyễn Tấn Dũng lên ngồi ghế tổng bí thư, có thể kiêm luôn chức chủ tịch nước. Dưới áp lực của nhân dân cả nước đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ phải dần dần quay lưng với các “đồng chí anh em” Trung Quốc, cách này hay cách khác. Chẳng phải vì họ yêu nước hay chán cái chủ nghĩa cộng sản; nhưng đó là cách duy nhất để chính họ vẫn nắm quyền nắm lợi trong tay trong một thời gian nữa. Cũng giống năm 1986 các lãnh tụ Cộng Sản thấy “không đổi mới thì chết;” bây giờ họ cũng thấy nếu không lánh xa Tàu thì dân sẽ giết! Mục đích chính vẫn là phải bám lấy quyền hành! Đó là ý nghĩa thật tình đằng sau lời bình luận trên mấy tờ báo đảng về chuyến đi dối già của Nguyễn Phú Trọng: “Chuyến thăm sẽ... khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam.”
Ngô Nhân Dụng
Nguồn Người Việt
Gửi ý kiến của bạn