I.- Từ ý thức hệ quốc gia chủ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp.
Vào giữa thế kỷ 18, Châu Âu kỹ nghệ hóa cần nhiều nguyên liệu, thị trường tiêu thụ hàng hóa phục vụ cho nhu cầu phát triển chính quốc, các đế quốc đã thi nhau tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược mở rộng thuộc địa. Đế quốc Anh sau khi củng cố quyền thống trị tại Ấn Độ, đã thôn tính Úc Châu, Tân Tây Lan, chuẩn bị thực hiện ý đồ xâm lược Trung Quốc qua cuộc Chiến Tranh Nha Phiến. Trong khi đó, thực dân Pháp đã chiếm Algerie và đang đi tìm căn cứ trên bờ biển Trung Quốc, làm bàn đạp thôn tính các nước trong khu vực.
Ngày 31-8-1858, chiến hạm Pháp đã bắn phá cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, để sau đó từng bước thiết lập chế độ thuộc địa tại Việt Nam, bành trướng qua Lào và Kampuchia. Tất nhiên, không phải là dễ dàng khi thực hiện quá trình xâm lược này (1858-1884). Trên thực tế, thực dân Pháp đã phải đương đầu với các cuộc kháng chiến liên tục và đều khắp đất nước của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam.
Trong những ngày đầu, lịch sử Việt Nam ghi nhận có các cuộc nổi dậy của nhân dân Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân và nhiều sĩ phu yêu nước Miền Nam. Tiếp đến là các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp giành độp dưới ngọn cờ “Cần Vương, Văn Thân”, nối tiếp nhau trong nhiều thập niên cuối thế kỷ XIX. Hầu hết các nhà lãnh đạo các phong trào này đều xuất thân trong hàng ngũ quan lại của chế độ quân chủ Việt Nam như Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Cao Thắng, Nguyễn Thiện Thuật…Vì thế ý thức hệ quốc gia chủ đạo kháng chiến giai đọan này là ý thức hệ thần quyền Thiên mệnh của Khổng giáo. Theo đó từ người lãnh đạo đến quần chúng tham gia kháng chiến có chung lý tưởng hy sinh đánh đuổi thực dân Pháp giành lại ngai vàng cho Vua, cho hoàng tộc để tái lập quyền cai trị độc lập tự chủ của người Việt Nam. Bởi vì hệ tư tưởng quân chủ chuyên chế Khổng Mạnh, du nhập từ Trung Quốc, dựa trên thuyết thần quyền Thiên mệnh: Vua là Thiên tử,được Trời trao ban quyền cai trị muôn dân, là chủ đất nước, là biểu tượng quốc gia. Đạo quân thần đã đưa đến hệ quả là lòng “Trung quân, ái quốc”, là trung thành, hy sinh sống chết bảo vệ ngai vàng cho Vua tức là yêu nước vậy…
Bước qua đầu thế kỷ XX, trào lưu tư tưởng dân chủ Tây phương đã thẩm nhập vào Việt Nam và trở thành ý thức hệ thứ hai chủ đạo kháng chiến chống Pháp giành độc lập dân tộc. Những tác phẩm nổi tiếng như “L’Esprit Des Lois”, “Contrat Social” của Montesquieu và J.J Rousseau cũng như những tư tưởng tự do, công bình, bác ái, nhân quyền, và các quyền dân chủ, dân sinh khởi đi từ cuộc Cách Mạng Pháp 1789 đã ảnh hưởng đến chiều hướng đấu tranh của các nhà ái quốc Việt Nam. Thêm vào đó là trào lưu tư tưởng của các nhà dân chủ Trung Hoa như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, cùng với một nước Nhật canh tân tiến đến tự cường và trở thành một cường quốc Á Châu cũng đã là những tấm gương sáng có sức thu hút mạnh mẽ giới sĩ phu yêu nước Việt Nam.
Từ đầu thế kỷ XX, lịch sử Việt Nam bắt đầu ghi nhận tư tưởng chủ đạo kháng chiến chống Pháp đi từ trung dung “Nửa quân chủ, nửa dân chủ” đến “dân chủ hoàn toàn”.
Phong trào Đông Du (1906-1908) của Phan Bội Châu, Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) của Phan Chu Trinh và Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu… là những phong trào kháng chiến theo chiều hướng trung dung. Theo chiều hướng này, cuộc kháng chiến giành độc lập diễn ra dưới nhiều hình thức, đặt nặng vấn đề giáo dục quần chúng, nâng cao dân trí, cổ vũ lòng yêu nước, chuẩn bị về lâu về dài cho các cuộc khởi nghĩa vũ trang sau này khi đủ thế lực và thời cơ thuận lợi.
Chủ trương của trào lưu kháng chiến này là, sau khi đánh đuổi được thực dân Pháp, sẽ thiết lập một chế độ quân chủ lập hiến kiểu Nhật Bản và một số quốc gia khác trong vùng như Thái Lan, Mã Lai… Ước mơ của các nhà lãnh đạo kháng chiến lúc bấy giờ là giành được độc lập rồi, vẫn giữ lại ngai vàng cho Vua để trọn đạo “quân thần”, đồng thời cũng muốn bảo vệ quyền dân chủ cho nhân dân bằng một bản hiến pháp thành văn. Đây là một chủ trương nhằm dung hòa quyền lợi giữa giai cấp thống trị và nhân dân bị trị, giúp cho các nhà lãnh đạo xuất thân từ “cửa Khổng, sân Trình” cảm thấy an tâm trọn đạo thánh hiền. Nhưng rồi ước mơ này cũng đã không thực hiện được. Các phong trào đấu tranh theo hệ tư tưởng trung dung cũng đã lần lượt bị thất bại, nhường chỗ cho một khuynh hướng tích cực hơn xuất hiện trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo theo Tây học.
Điển hình cho khuynh hướng này có Nguyễn Thái Học và các đồng chí của Ông, đã hình thành một chính đảng kiểu Tây phương đầu tiên: Việt Nam Quốc Dân Đảng (1923-1924).Do chịu ảnh hưởng trực tiếp về tư tưởng và tổ chức của Quốc Dân Đảng Trung Hoa. Việt Nam Quốc Dân Đảng chủ trương đấu tranh bằng bạo lực quân sự kết hợp với sức mạnh nổi dậy của quần chúng để giành độc lập dân tộc. Sau đó thiết lập chế độ dân chủ theo mô hình “Tam dân chủ nghĩa” của Tôn Văn và vận dụng nguyên tắc phân quyền của hệ dân chủ Tây phương, để dân chủ, dân quyền được tôn trọng, dân sinh được ấm no, hạnh phúc.
Với lòng yêu nước nồng nàn, bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, năm 1930 lãnh tụ Nguyễn Thái học và Việt Nam Quốc Dân Đảng đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa võ trang cướp chính quyền ở Yên Bái. Cuộc khởi nghĩa này đã không thành công, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của Ông đã hiên ngang bước lên đoạn đầu đài nhận lãnh cái chết anh hùng cho “Tổ quốc quyết sinh”. Mục tiêu và ước mơ tối hậu của các nhà ái quốcViệt Nam tuy chưa thành công, nhưng “đã thành nhân” như lời khẳng định trước đó của lãnh tụ Nguyễn Thái Học.
II.- Đến ý thức hệ cộng sản chủ đạo kháng chiến chống Pháp
Sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc Dân Đảng thất bại, thực dân Pháp đã thực hiện các cuộc ruồng bắt và đàn áp dã man các nhà ái quốc việt Nam. Từ đây khuynh hướng đấu tranh giành độc lập theo hệ tư tưởng quân chủ Đông phương và hệ tư tưởng dân chủ Tây phương như tạm thời lắng dịu. Một khuynh hướng đấu tranh chống thực dân Pháp theo hệ tư tưởng Marxism-Leninnism, tức ý thức hệ cộng sản xuất hiện. Khuynh hướng này có mục tiêu tối hậu khác với mục tiêu tối hậu của khuynh hướng chống thực dân Pháp trước đó, gọi chung là ý thức hệ quốc gia. (Quân chủ và dân chủ).
Nghĩa là, nếu khuynh hướng theo ý thức hệ quốc gia có mục tiêu tối hậu của cuộc kháng chiến chống pháp là giành độc lập dân tộc, để sau đó thiết lập một chế độ quân chủ hay quân chủ lập hiến hoặc một chế độc dân chủ đại nghị, thì khuynh hướng theo ý thức hệ cộng sản chỉ coi “giành độc lập” là mục tiêu giai đoạn. Mục tiêu tối hậu của khuynh hướng ý thức hệ cộng sản là đưa đất nước và dân tộc Việt Nam vào hệ thống cộng sản quốc tế để thực hiện chủ nghĩa cộng sản, tiến tới một “Thế giới đại đồng”, không còn biên giới quốc gia, vì sự nghiệp của cộng sản quốc tế (cộng sản hóa toàn cầu).
Lãnh tụ của cuộc kháng chiến chống Pháp theo hệ tư tưởng cộng sản là Nguyễn Tất Thành, tức Nguyễn Ái Quốc hay Hồ Chí Minh.
Theo tài liệu tuyên truyền của Việt cộng, thì Hồ Chí Minh khởi đầu là người theo chủ nghĩa yêu nước mang ý thức hệ quốc gia trước khi trở thành môn đồ của chủ nghĩa cộng sản. Xuất thân từ một nền giáo dục nửa Nho học, nửa Tây học, biết đọc biết viết, không học vị. Năm 1911 Hồ Chí Minh đã ra khỏi nước, bôn ba nhiều năm ở hải ngoại, nơi các nước đế quốc tư bản cũng như thuộc địa để tìm đường cứu nước… Sau cùng Hồ Chí Minh đã “tìm ra được con đường cứu nước”; rằng “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường Cách mạng vô sản”. Hồ Chí Minhđã vui mừng đến phát khóc và hét to một mình như thế trong nhà trọ ở Paris Pháp quốc, sau khi đọc được tác phẩm kinh điển nổi tiếng của Vladimir Lenin Luận Cương Chính Trị Tháng Tư. Nội dung tác phẩm này viết về vấn đề thuộc địa và các dân tộc bị áp bức. Ông Hồ như được giác ngộ bởi lý tưởng cộng sản và đã gia nhập đảng Cộng Sản Pháp (1920), qua Liên Xô, được giáo dục, đào tạo để trở thành môn đồ trung thành và cuồng tín của chủ nghĩa c ộng sản.Từ đó ông liên lạc, tuyên truyền, huấn luyện, tuyển chọn, móc nối được một số đồng chí, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hongkong (3-2-1930).
Theo chính cương và sách lược đấu tranh của Cộng đảng Việt Nam được thông qua trong đại hội thành lập đảng thì có hai mục tiêu đấu tranh trường kỳ: Đánh đuổi thực dân Pháp để giải quyết mâu thuẫn dân tộc (với thực dân Pháp) và cộng sản hóa Việt Nam để giải quyết mâu thuẫn giai cấp ( giữa giai cấp công nhân với tư bản, nông dân với địa chủ, giai cấp thống trị với bị trị…).Để đánh đuổi thực dân Pháp, đảng CS Việt Nam sẽ tiến hành cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ Nhân dân. Để cộng sản hóa Việt Nam, đảng CS Việt Nam sẽ tiến hành “cách mạng Xã hội chủ nghĩa”. Lực lượng chủ yếu để tiến hành các cuộc cách mạng trước sau này, theo lý luận là giai cấp công nhân liên minh với giai cấp nông dân và nhân dân lao động nghèo, dưới sự lãnh đạo độc tôn của Cộng đảng Việt Nam. Phương thức đấu tranh chủ yếu là “bạo lực cách mạng” (bao gồm bạo lực quân sự kết hợp với bạo lực chính trị), được thực hiện dưới nhiều hình thức: bí mật, công khai, hợp pháp, bán hợp pháp và bất hợp pháp, bằng mọi thủ đoạn cần thiết, dù tàn bạo, để thành đạt mục tiêu theo phương châm “Cứu cánh biện minh cho hành động”.
Trên thực tế, từ ngày thành lập đảg CS Việt Nam, dù có lúc thay tên đổi họ (Đảng Cộng Sản Đông Dương, Đảng Lao Động Việt Nam), thậm chí có lúc do tình hình thực tế đòi hỏi phải tuyên bố tự giải tán, nhưng qua cuộc kháng chiến chống Pháp (1930-1954),cuộc chiến tranh Quốc-Cộng (1954-1975) và qua 40 năm thống trị trên cả nước, Việt cộng đã thực hiện khá sát chính cương và sách lược trên đây của họ. Thực hiện như thế nào, thành công hay thất bại, thì chính thực tế đã có câu trả lời chân xác cho mọi người, Việt quốc cũng như Việt cộng.
Thiện Ý
Nguồn VOA
Gửi ý kiến của bạn