BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73341)
(Xem: 62241)
(Xem: 39426)
(Xem: 31173)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lắp van chống tham nhũng?

22 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 953)
Lắp van chống tham nhũng?
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Suốt 3 năm, cứ đến ngày ông Táo về trời là căn nhà bị oanh tạc bằng phân và nước tiểu. Suốt 3 năm, không mấy đêm được yên giấc. Liên tục bị khủng bố đe dọa tính mạng qua điện thoại. Tháng 12-2008, kẻ xấu 2 lần mổ bụng chuột chết treo trước cửa để dằn mặt. Rạng sáng 28-4-2010, cửa nhà bị gài 2 quả mìn, một quả trong đó đã nổ. Con gái liên tục bị chặn đường, bị đe dọa.

Những dòng trên là nói về tình cảnh của bà Nguyễn Thị Hòa, một công dân phường Yên Phụ, sống ở ngay giữa Thủ đô, chỉ vì “tội” bà dám ký đơn gửi thư chống tiêu cực. Thậm chí ngay trước ngày là một trong 88 tấm gương được tuyên dương điển hình phòng chống tham nhũng, tiêu cực, người đàn bà này đã bị đánh đập dã man ngay giữa phố phường.

Không ai biết trong số 88 cá nhân vừa được tuyên dương kia có bao nhiêu người bị tham nhũng, tiêu cực đẩy vào thế không chống không được. Và 88 cá nhân kia liệu có được nổi 1% trong số những cá nhân bị tham nhũng tiêu cực chà đạp?

Rõ ràng, khi ngay giữa thủ đô, “tham nhũng tiêu cực” dám sử dụng bạo lực, dám khủng bố, chứ không dừng ở mức đe dọa nữa- thì ở đâu việc trả thù cũng có thể xảy ra. Rõ ràng khi một cá nhân tiêu biểu còn bị đánh đập ngay trước ngày “nhận giải 500 ngàn vnd” thì cơ chế, thì quy định bảo vệ người chống tham nhũng thực sự chỉ là những từ ngữ làm đẹp các trang báo cáo mà việc tuyên dương họ rõ chỉ là một thứ quảng bá kiểu phong trào. Rõ ràng, trong số ngàn vạn những người bị tham nhũng trà đạp, không có mấy người dũng cảm, hoặc liều lĩnh, hoặc dám đánh đổi tất cả, hoặc bị tham nhũng “gí dao vào tay và rút ván sau lưng” để không chống nó thì tự mình cũng bị tiêu diệt. Một trong những lựa chọn phổ biến của người bị tham nhũng trà đạp là viết đơn thư để những người chung quyền và lợi ích- cũng bị chà đạp- cùng ký tên và gửi đến các cơ quan chức năng. Lựa chọn thứ hai, còn phổ biến hơn, là viết đơn nặc danh để các cơ quan có thẩm quyền biết, để nuôi một hy vọng mơ hồ là cái xấu, cái ác, cái gian sẽ bị trừng phạt, còn mình, gia đình mình, vợ con mình thì…không sao cả.

Trong chưa đầy hai tuần qua, đã có 2 vấn đề liên quan đến quyền dân chủ, mà thực chất là quyền tự bảo vệ của dân chúng được đề cập tới. Thứ nhất, việc đơn thư nặc danh được bàn tới là liệu có nên xem xét. Kết quả là thôi. Là lợi bất cập hại. Là bàn chỉ để “giấy để trên bàn lời nói trong phòng kín”. Và thứ hai, hẳn hoi trong một quy định của Thanh tra Chính phủ về quy trình xử lý đơn thư: Từ ngày 11-10, tất cả các loại đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến cơ quan hành chính Nhà nước sẽ bị trả lại nếu đơn có họ tên, chữ ký của nhiều người.

Chuyện không xem xét đơn thư nặc danh đã được đề cập từ hồi dự thảo Luật khiếu nại tố cáo, và sau đó đã được chính thức quy định là không có xem xét với những đơn thư loại này. Lý do đưa ra thì nhiều, nhưng đại khái là những đơn thư này thiếu yếu tố để ràng buộc trách nhiệm, làm mất thì giờ giải quyết của cơ quan chức năng, và quan trọng hơn cả là những đơn thư loại này quá nhiều, đặc biệt là trước các thời điểm nhạy cảm như chuẩn bị bầu cử, bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự…

Hơn 44 ngàn đơn khiếu tố Thanh tra phải giải quyết chỉ trong năm 2009. Nhiều oan khuất quá. Và khi không giải quyết xuể thì phải lắp van hãm bớt đơn thư lại? Thôi thì đành chấp nhận cách giải thích đứng trên quyền và nghĩa vụ của… cơ quan giải quyết khiếu tố, và ít nhiều là vì danh dự, quyền lợi của cán bộ. Nhưng câu hỏi không thể không đặt ra là vì sao đơn thư nặc danh lại nhiều? Phải chăng tất cả chỉ là vì muốn “chơi nhau” trước các dịp bầu bán? Không, câu trả lời hoàn toàn không phải là chuyện xấu chơi. Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Văn Thuận giải thích tại phiên họp của UBTVQH: Do việc tố cáo vốn nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tố cáo - nhất là khi các quy định bảo vệ họ còn hạn chế. Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng còn cho rằng trong thực tế có khi xảy ra điều ngược lại: "Người được bảo vệ không phải người tố cáo mà là người bị tố cáo".

Nhưng sự thể giờ đây không còn dừng ở câu chuyện nặc danh hay công khai danh tính. Sau quy trình mới của Thanh tra Chính phủ- theo đó sẽ không chấp nhận đơn ký tên tập thể, người đấu tranh ngoài việc phải công khai tên tuổi, chấp nhận khả năng “làm giặc”, họ sẽ còn phải chiến đấu một mình trước tham nhũng tiêu cực- với dấu hiệu điển hình được quy định trong Bộ luật hình sự là hành vi chỉ có ở những người có chức, có quyền, tất nhiên có tiền, có khả năng “alo vỗ vai”- Hiện tượng phổ biến đến mức chính Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến cũng thừa nhận.

Có thể những lá đơn tập thể, được gửi tới nhiều cơ quan có thể sai một “quy trình” nào đó, nhưng bản thân những lá đơn không có lỗi, bản thân người tố cáo không có lỗi và bản thân việc sai một quy trình nào đó, hẳn là do nhà chức trách lập ra- không phải là lý do để ném lá đơn có trách nhiệm đó vào sọt rác. Chẳng phải là hầu hết trong số 88 cá nhân vừa được tuyên dương kia đã trông chờ vào sự ủng hộ của tập thể, thậm chí nhiều người trong họ đã phải nhờ tới những lá đơn vượt cấp vì không thể chờ, và tin, vào việc giải quyết ban đầu của chính cơ quan bị tố cáo đó sao.

Trong phiên họp của UBTVQH vừa kết thúc, chính Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cũng cho rằng: “Việc tồn tại một số lượng lớn các đơn thư giấu tên là do pháp luật chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo”. Vậy thì sao Thanh tra Chính phủ lại đề ra một quy trình để tước đoạt nốt chỗ dựa cuối cùng, sức mạnh tập thể, của người tố cáo? Không, đến giờ nhân dân, đặc biệt là những người tố cáo vẫn không hiểu được tại sao từ 11-10 họ sẽ phải “bơi tính mạng của mình ra biển” mà chỉ có một mình. Hay chân lý chỉ có thể có với một cá nhân, một chữ ký, một lá đơn?

Đào Tuấn

20-09-2010

Theo Blog Đào Tuấn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn