BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73341)
(Xem: 62241)
(Xem: 39426)
(Xem: 31173)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Quốc Hận 30 Tháng Tư, Tại Sao ?

03 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 1223)
Quốc Hận 30 Tháng Tư, Tại Sao ?
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Đối với đa số người Việt miền Nam quốc gia dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), ngày 30.04.1975 là một biến cố đau thương nhất, mất mát nhất của đời người, cũng là ngày bi thương nhất của đất nước Việt Nam. Điều này người dân sinh sống dưới chế độ cộng sản miền Bắc lập thời chưa chấp nhận, hoặc bày tỏ quan điểm ngược lại, bởi họ là kẻ chiến thắng với quá nhiều ưu thế sống sau biến cố 1975.

Tuy nhiên kể từ khoảng 10 năm trở lại đây, ít nhất cũng từ 2007 đến nay (2015), trong nước bùng phát ngày càng nhiều phong trào phản kháng, ban đầu chỉ là phản kháng sự nhu nhược đớn hèn của Hà Nội khi Trung cộng ngang ngược xâm lấn lãnh hải Việt Nam, bành trướng trắng trợn thế lực ở biển Đông..., về sau biến thành sự phản kháng một cách dữ dội có ý thức hẳn hòi của giới trí thức tiên phong (dù xuất thân là đã và đang phục vụ cho chế độ cộng sản Hà Nội). Lớp trí thức tiên phong này phản đối chính quyền cộng sản và đặt lại vấn đề về cách thế cai trị điều hành đất nước của đảng cộng sản, điều chưa từng có này thách thức độc quyền cai trị của đảng này và đã làm cho Hà Nội hoảng sợ, lúng túng chỉ biết ra tay đàn áp thô bạo, chẳng những không làm tình hình phản kháng giảm nhẹ đi, ngược lại càng giúp dân chúng Việt Nam 2 miền Nam Bắc nhận chân bộ mặt gớm ghiếc phi nhân của chế độ độc tài cộng sản trong suốt quá trình dài 7, 8 chục năm qua...Từ đó ngày 30.04.1975 dần đã không còn là ngày "quốc hận" của riêng người dân miền Nam nữa.

Những thất bại tiếp nhau như lao dốc của chế độ Hà Nội trong việc điều hành đất nước khiến thực trạng Việt Nam trở nên điêu tàn thương đau trên toàn cõi khi cả nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng mọi bình diện từ kinh tế, an sinh, đến giáo dục, đạo đức, luân lý ...không lối thoát; bất công ngày càng lớn, người dân Việt 2 miền bị trị bằng bạo lực phi nhân, Tự do, Nhân quyền tối thiểu của mọi tầng lớp công dân đang bị xâm hại man rợ nhất trong sử Việt; nguy cơ xứ sở bị Tàu cộng thôn tính ngày càng lộ rõ.

Quần chúng VN kể cả số đông đảo đảng viên cộng sản đã dần dà nhận ra rằng, Dân Chủ, Nhân Quyền, Công Bằng và Tự Do là những khát vọng chân chính mà chính quyền miền Nam đã theo đuổi trong cuộc chiến chống cộng sản độc tài tàn bạo trước kia, cũng là những giá trị cấp thiết hiện nay nếu muốn tập hợp sức mạnh dân tộc để bảo vệ đất nước trước dã tâm xâm thực của Bắc Kinh, và tái thiết quốc gia thành hùng mạnh, nhân bản, phú cường.
Thực tại tàn nhẫn được nhận ra muộn màng đó đã khiến ngày 30.04.1975 giờ đây thực sự đã là ngày "quốc hận" của cả nước Việt Nam từ Nam chí Bắc.

"Quốc Hận", đúng hay không?

Tháng 3 năm nay (2015) nhân RFA phỏng vấn nhà văn Dương Thu Hương (DTH), lần đầu tiên người ta được nghe một nữ sĩ miền Bắc, một nhà văn phản kháng nổi tiếng sớm nhất (đầu thập niên 90) đề cập đến 2 chữ "Quốc Hận" với một ý không như thông thường. Theo nhà văn Dương Thu Hương thì phải "xét lại ngôn từ" 2 chữ "Quốc Hận" (1)


Nguyên văn như sau:
Tường An: Tại sao bà cho là phải xét lại chữ «Quốc hận" của những người miền Nam, những người đã thua trong cuộc chiến này, thưa bà ?

Dương Thu Hương: Về mặt những người miền Nam mà gọi là « Quốc hận » thì họ cũng phải nhìn lại. Tại sao ? Tại sao lại là « Quốc hận » Trước khi hận những người khác họ phải hận chính họ . Tại sao cùng một thời điểm, người Mỹ tạo ra những điều kiện để tạo ra chính sách dân chủ của 2 nơi : miền nam Việt Nam và miền Nam Hàn Quốc. Tại sao Hàn Quốc chiến thắng mà Việt Nam chiến bại ? Tại sao cùng một cơ hội lịch sử như thế, người Nam Triều Tiên họ đã chớp lấy cơ hội để biến đất nước của họ thành một xứ sở văn minh phồn thịnh, còn miền Nam thì không ? Cái đó phải xét lại.

Ta hãy xét câu trả lời của DTH tuần tự như sau:

Ý thứ nhất: có vẻ nhà văn đã hiểu nhầm hoặc cố ý nhầm chữ hận trong 2 chữ "Quốc Hận". Nhà văn nói: "Trước khi hận những người khác, họ phải hận chính họ". Với "hận những người khác" thì đó đúng là Căm Hận. Hận chính mình tức là "ân hận", nói cách khác, chữ hận trong 2 chữ "Quốc Hận" biểu tỏ ý "tiếc là đã để xảy ra một việc không mong muốn" chứ không phải hận trong nghĩa hận thù. Ví dụ: đã từ rất lâu, người miền Nam gọi ngày chia đôi đất nước bởi hiệp định Geneve 20 tháng 7 - 1954 là ngày Quốc Hận. Trong tinh thần đó, người miền Nam thua trận gọi ngày 30 tháng Tư là ngày Quốc Hận càng biểu tỏ tinh thần ái quốc, tinh thần tự nhận trách nhiệm đã để mất nước và cách nói đó nhuốm một vẻ đầy nhân bản cao đẹp, hiếu hòa, không thù oán, không căm hận ai cả.

Quả là người quốc gia dù là quan, tướng hay dân đen đều sẵn sàng không căm hận gì ở người cộng sản nếu sau chiến tranh, miền Bắc đừng ra tay một cách thấp hèn "trả thù", hãm hại, tù đày cựu viên chức, quân nhân miền Nam một cách vô lối, vô lý và vô nghĩa không cần thiết, tôi xin ví dụ việc tàu Việt Nam Thương Tín (2) với hơn 600 người đã ra đi trốn thoát cộng sản thành công vào tháng 5 - 1975 lại tự nguyện quay trở về tháng 10 cùng năm với hơn 1600 người để rồi cả tàu chịu khổ sai trong địa ngục lao tù hàng chục năm...là một dẫn chứng không thể chối cãi.

Ý thứ hai: Để diễn ý về chữ "Hận", DTH so sánh miền Nam Việt Nam với Nam Hàn, nguyên văn như sau:
"Tại sao cùng một thời điểm, người Mỹ tạo ra những điều kiện để tạo ra chính sách dân chủ của 2 nơi : miền nam Việt Nam và miền Nam Hàn Quốc. Tại sao Hàn Quốc chiến thắng mà Việt Nam chiến bại ? Tại sao cùng một cơ hội lịch sử như thế, người Nam Triều Tiên họ đã chớp lấy cơ hội để biến đất nước của họ thành một xứ sở văn minh phồn thịnh, còn miền Nam thì không ? Cái đó phải xét lại."

Ở đây, một lần nữa, nhà văn đã nhầm, nhưng ta có thể hiểu được cái nhầm lẫn của một nhà văn khi bàn đến địa hạt chính trị. Bà đã không thấy rằng người Mỹ không hề tạo ra "chính sách dân chủ" cho cả bên Nam Hàn lẫn Nam Việt Nam.

Để tránh phải biện luận, dẫn chứng dông dài về những ràng buộc trong tương quan lực lượng tư bản - cộng sản toàn cầu vào bối cảnh lúc ấy...không phù hợp với bài này, ở đây tôi chỉ nhắc lại vắn tắt rằng, sau khi Đại Hàn bị chia đôi bởi tạm ước Bàn Môn Điếm năm 1953 ở vỹ tuyến 38 và Việt Nam bị chia đôi năm 1954 ở vỹ tuyến 17, người Mỹ đã kết tình đồng minh với 2 quốc gia này (Nam Việt Nam và Nam Hàn) lẫn các nước châu Á khác: thành lập SEATO còn gọi là Liên phòng Đông Nam Á vào tháng 9/ 1954 để dựng một tường ngăn làn sóng đỏ ở châu Á. Chính sách gùn ghè để gìn giữ tương quan lực lượng tư bản - cộng sản của Mỹ là xuyên suốt ở châu Á cho tới khi cộng sản Đông Âu hoàn toàn sụp đổ 1990-1991.

Trong bối cảnh chiến tranh lạnh với khối cộng sản thế giới (trước 1991), nội việc bao biện kinh tế và quân sự cho những nơi mà quân đội Hoa Kỳ đồn trú (như ở Nam VN và Nam Hàn chẳng hạn) đã là một thách thức lớn cho Hành Pháp Mỹ trước sự kiểm soát chi li chặt chẽ ngân sách do Quốc Hội Mỹ duyệt chi...còn đâu chỗ cho việc tạo ra "chính sách dân chủ" như nhà văn DTH nói.

Việc tạo dựng một chế độ chính trị dân chủ, công bằng...là phải do người chính quốc tự ý thực gầy dựng và thực hiện lấy, hồi đó (bối cảnh 20 năm chiến tranh VN 1954 - 1975) cũng như bây giờ và mãi tới mai sau này nữa...cũng mãi mãi là vậy chứ không thể khác, không thể VN có thể chế dân chủ do ai khác bên ngoài tạo cho, hay ta cứ thụ động trông chờ từ nơi ai ai ở đâu đâu đến đây mà ban phát cho ta cả!!!

Vì thế, nếu DTH hiểu 2 chữ "Quốc Hận" theo nghĩa "họ phải hận chính họ" thì không có gì là phải xét lại ở đây cả và tôi hoàn toàn đồng tình với nhà văn rằng, chúng tôi, những người quốc gia ở miền Nam rất tự trách mình đã để mất nước vào tay 1 bọn người man rợ (3)

Niềm Quốc Hận kéo dài

Tháng Tư đen năm 2015 này, nhân phát ngôn của nữ sĩ DTH, làm tôi nhớ tới một "công trình" (đã phổ biến hồi 2010) có tựa: "Bí Ẩn 30.4.1975?" do Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy & Linh Mục Cao văn Luận ra công khảo cứu (4). Đại ý công trình ấy "khám phá" ra mưu sâu của thế lực Do Thái trong chính trường Mỹ đã tác động để lèo lái chính sách của Mỹ khiến Mỹ bỏ rơi đồng minh VNCH và do đó đã xảy ra thảm họa 30.4.1975 cho Việt Nam.

Về "công trình" này, cho dù nội dung có diễn bày đúng sự thực 100% đi nữa, chúng ta có chấp nhận rằng vì sự thể ấy đã khiến xảy ra thảm họa 30.4.1975 hay không?
Trong tinh thần "Quốc Hận" - Tự Trách đã trình bày ở trên, xin nói ngay rằng KHÔNG.

Dù tôi là người rất đề cao chính phủ quốc gia ở miền Nam về mọi mặt, nhưng cũng không thể không thừa nhận rằng, đệ nhị cộng hòa với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ít vị quốc, nhiều vị kỷ trong những giờ phút gay cấn của lịch sử ảnh hưởng trực diện tới sinh mệnh quốc gia, là lúc cần phải vứt bỏ cái riêng tư nhất (chính trị tiểu thể) để lo cho đại cục đang lâm nguy (chính trị đại thể).

Lý do gì dẫn đến việc Tổng Thống Thiệu tự ý quyết định (không bàn bạc chu đáo với các tướng lãnh và Quốc Hội) triệt thoái khỏi Pleiku-Kontum từ giữa tháng 3/ 1975 (5) một cách vô lý để từ đó mở đầu một sự rã ngũ dây chuyền? Cách lý giải duy nhất cho hành vi phi chính trị, lẫn phi quân sự đó chỉ có thể là sự ích kỷ, nhỏ nhen một cách mù quáng và là một sai lầm tày trời của TT Thiệu và hành pháp đệ nhị cộng hòa.

TT Thiệu xuất thân từ quân nhân, leo vào cương vị Tổng Thống từ một bối cảnh tranh giành quyền lực sau đảo chánh 1/11/1963, ông không sao thoát ra khỏi bầu khí chính trị nhỏ nhen u ám đó trong suốt thời gian đứng đầu chính phủ quốc gia đối đầu với cộng sản. Vẫn chấp nhận bầu cử Tổng Thống ĐỘC DIỄN 1971. Lập đảng Dân Chủ (vào 1973), ép các thành phần quân cán chính dưới quyền phải gia nhập đảng Dân Chủ của mình để củng cố quyền bính với tham vọng tiếp tục độc tài quyền chính khi hết nhiệm kỳ Tổng Thống vào 1975, trong khi VNCH là một quốc gia tự do dân chủ với Tam Quyền phân lập rành mạch do hiến định (Hiến Pháp 117 điều năm 1967) rằng Tổng Thống Chế của VNCH chỉ chấp nhận 1 Tổng Thống được tại vị tối đa 2 nhiệm kỳ! Não trạng bám cứng không chịu "nhả" quyền hành như thế (tương tự ở Nam Hàn cùng thời gian) đã tác động rất lớn đến tâm trí TT Thiệu trong biến cố tháng 4/1975. Ông đã hành động vì sinh mệnh chính trị của chính ông hơn là nhận ra nguy cơ thảm họa kinh hoàng cho quân và dân miền Nam nếu rơi vào tay cộng sản.

* * *

Lịch sử đã trôi đi những 4 chục năm dài, đủ cho chúng ta nhìn nhận chín chắn vấn đề, và nhờ lợi thế đó, tôi có cách nhìn khác về ngày Quốc Hận 30 tháng Tư, nghĩa là, nó không quá quan yếu như chúng ta đã từng cảm nhận bi thương về nó đến thế. Hôm nay nhìn lại nhà Việt Nam chìm đắm trong vô vọng tơi bời, tôi cũng vẫn không hoàn toàn đổ lỗi cho ông Thiệu hay 1 thiểu số nhân sự nắm trọng trách trong chính phủ VNCH. Bởi việc nước là việc của toàn dân.

Sau 1975, việc của toàn dân Việt Nam -không bắc hay nam nữa- là nhận ra mặt thật của tập đoàn Duẩn Thọ, nói rộng hơn là của cả tập đoàn chóp bu cộng sản ba đình. Biến cố 1975 là thảm họa nhưng đồng thời cũng là cơ hội, cơ hội phân định Chân - Ngụy, Chính - Tà. Mọi thứ đã lộ ra hết, chả có mặt trận giải phóng gì cả - MTGPMN bị vắt chanh bỏ vỏ và bị giải tán, rồi phải bỏ chạy hết, sau 1975. Chả có giải phóng giải phéo gì cả, chả có tư bản độc ác nào giẫy chết cả, chả có thiên đường cộng sản nào mà đua theo cả, chả có chủ nghĩa nào mà tung hô cả, chả có tổ quốc, giang sơn gì sất dưới mồm mép cộng sản cả…tất cả chỉ là rặt 1 điều quá rõ không còn gì rõ hơn: Cộng Sản Là Trá Bịp và Phi Nghĩa. Thế nhưng toàn dân Việt 2 miền gần như im lặng chấp nhận.

Nói "gần như" là vì sau 1975 chỉ ở miền Nam, tuy có nhiều tổ chức, hội đoàn cũng như cá nhân dẫu khác danh xưng, khác hình thức tổ chức nhưng hoặc trước hoặc sau đã cùng đồng lòng phản kháng ách độc tài cộng sản với hình thức "kháng chiến phục quốc" và rồi hầu hết bị bắt, xử tử hoặc cầm tù trên dưới 20 năm (6)

Đáng chú ý ở hải ngoại có nhóm ông Trần Văn Bá, Lê Quốc Tuý… lập Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam (1975-1976) sau chuyến về nước bị bắt rồi bị xử tử (1984) / ông Hoàng cơ Minh (7) với Mặt Trận (MT) Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (1983-1984) nhưng chỉ tự thổi phồng tổ chức của mình lên nhằm quyên tiền của đồng bào rồi lập công ty ...bán phở bò, sau khi ông Hoàng cơ Minh tử nạn trong rừng U Bon Thái Lan 1987, MT không tan rã mà dần thoát xác thành đảng Việt Tân và cũng chỉ là 1 tổ chức nhìn bề ngoài là chính trị nhưng bên trong biến tướng rối rắm như một thứ công ty kinh doanh thậm chí thỏa hiệp với cộng sản để về nước hợp tác kinh doanh mưu lợi (8)

Trong khi quê hương khổ nạn vẫn ngày một hao mòn xác xơ dưới trò chơi dại dột man rợ của một tập thể nhỏ vô nhân, độc ác, vô học nắm quyền.

Như vậy bộ mặt thực của lòng dân Việt có phải chăng là đã quá đớn hèn cam chịu ách thống trị của cộng sản?

Và mặt thật đó kéo dài đến 16 năm -là đến mốc cộng sản thế giới bị sụp đổ 1991. Rồi kéo thêm 1 quãng thời gian phần tư thế kỷ nữa, tức là tính đến nay cả thảy là 40 năm ròng rã sau 1975 Việt tộc không tìm ra phương cách tiêu diệt chế độ máu cộng sản Ba đình. Quá dài các bạn ạ!!!

Trong chừng ấy năm, dân ta đã làm gì? không thể kể ra cho đủ trong phạm vi 1 bài viết ở đây được, nhưng tôi tin ai cũng biết -trừ người đui, điếc hay mất trí-, đó là, lỗi của người Việt hôm nay vẫn chẳng khác nào lỗi của ông Thiệu trong quá khứ: vẫn manh mún, riêng tư, nhỏ nhen, lại tự hiềm khích nói xấu nhau…

Mà lại sợ sệt Việt cộng, buồn hơn là có lắm người đua theo, chạy theo nịnh hót bọn Việt cộng để kiếm 1 miếng ăn, 1 cuộc sống yên thân. Đó mới là yếu tố chính dẫn đến thảm họa cho dân Việt, chứ không thể là do Do Thái, hay do Việt cộng Ba đình, hay không chỉ do chính phủ của Tổng Thống Thiệu ích kỷ vô trách nhiệm để mất nước vào tay Việt cộng.

Để củng cố cho nhận định của tôi, xin mời bạn làm một so sánh: dân Đông Âu, cũng bị rên siết dưới gót sắt máu bolchevik của Staline đấy, nhưng thử hỏi, họ chịu sự nô lệ cho ách cộng sản quốc tế ấy trong bao năm? chỉ 20 năm hoặc hơn. Từ khi (1988) Lech Walesa khai hỏa cho sự sụp đổ của cộng sản Ba Lan vào 1989, cho tới khi Nga cộng và chư hầu cộng sản đông Âu hoàn toàn bị khai tử, chỉ vẻn vẹn 2 năm. Trong 2 năm quyết liệt đó, cả thế giới cộng sản mấy chục năm dày công dựng nên trên họng súng bạo tàn đã sụp đổ tan tành.

Công trạng chính thuộc về quần chúng chứ không phải 1 ai cả, dĩ nhiên ở đây có vai trò của một vài cá nhân khởi động, nhưng cách mạng thành công là do mạch ngầm của ý thức quần chúng: họ không thể chịu thêm sự nô lệ và cai trị bạo tàn được nữa. Nếu không có ý thức quần chúng này, các cá nhân khởi màn tiên phong của những xứ đông Âu kia có lẽ cũng sẽ chỉ là những Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, anh Trần Huỳnh Duy Thức, Ls Lê Công Định, Ls Lê Quốc Quân, chị Tạ Phong Tần, anh Điếu Cày Nguyễn văn Hải v.v… của VN mà thôi, nghĩa là họ sẽ bị bọn tà quyền cai trị hãm hại, bắt bớ, tù đày.

Tóm lại, thảm họa hiện nay của 90 triệu dân Việt bị trị tàn khốc bởi 1 nhúm có mười mấy tay vô học ở Ba đình, trách nhiệm thuộc về toàn dân Việt. Người Việt trong và ngoài nước nếu còn tự trọng, còn nặng trách nhiệm với xứ sở là nơi đã sinh mình ra, nuôi mình khôn lớn, hãy đừng quên tự hỏi lại mình, trước khi vội tìm 1 chỗ hợp lí để đổ lỗi, rồi quên đi hoặc phủi bỏ tội lỗi của chính mình!

Sài Gòn 40 ngày trước ngày Quốc Hận 2015
Lê Tùng Châu




1: Nhà văn Dương Thu Hương: 40 năm, nhìn lại về ngôn từ - by Tường An, thông tín viên RFA 2015-03-11

2: Chuyện tàu Việt Nam Thương Tín

3: Câu nói nổi tiếng của nữ sĩ Dương Thu Hương: "30 tháng Tư 1975, nền văn minh đã thua chế độ man rợ"

4: Bí Ẩn 30.4.1975?

5: Ai ra lệnh rút quân khỏi Pleiku-Kontum 1975? by Đào Văn

6: xin tham khảo thêm ở bài "Ý thức chiến đấu của đoàn người tiền phong" by Phạm Văn Thành

7: xin tham khảo thêm ở bài NIÊN BIỂU MẶT TRẬN QUỐC GIA THỐNG NHẤT GIẢI PHÓNG VIỆT NAM - VIỆT NAM CANH TÂN CÁCH MẠNG ĐẢNG by Đỗ Thông Minh

8: VIỆT TÂN Chiếc Bóng Dài 30 Năm by Phạm Văn Thành
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn