BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76391)
(Xem: 63044)
(Xem: 40430)
(Xem: 32026)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

"Tôi Là Charlie - Je Suis Charlie" (Bài thứ hai)

08 Tháng Hai 201512:00 SA(Xem: 1420)
"Tôi Là Charlie - Je Suis Charlie" (Bài thứ hai)
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Lời tác giả: Một số sự kiện tôi đã đề cập nhiều lần trước đây, nay lặp lại là để độc giả dễ dàng theo dõi. Bài viết này có mục đích đánh động lương tâm CON NGƯỜI. Vô cảm là có tội.

Xem TV thấy hơn 40 nhà lãnh đạo thế giới khoác tay nhau đi diễn hành để bày tỏ sự đồng tình chống bọn khủng bố dùng bạo lực để giết chết tiếng nói của Charlie Hebdo, tôi chạnh nhớ đến những cái chết của ký giả Đạm Phong, Lê Triết, vì viết bài đả kích sự lừa đảo của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, rồi bị quân khủng bố “vô danh?” sát hại mà không một cơ quan ngôn luận nào bày tỏ tiếc thương. Tôi bèn viết bài “Tôi Là Charlie” để thay người đã khuất đặt câu hỏi: “Tại sao mọi người dửng dưng trước cái chết của chúng tôi (Đạm Phong, Lê Triết) vì chúng tôi tố giác sự lừa đảo của một tổ chức nhân danh kháng chiến giải phóng Việt Nam? Phải chăng mọi người đồng lõa với tội ác?”

Charlie Hebdo không những châm biếm Giáo chủ Mohammed của Hồi Giáo, mà còn châm biếm cả chúa Jesus nữa. Thế mà những nhà lãnh đạo đi biểu tình đó hoặc có tin ngưỡng Hồi Giáo, hoặc có tín ngưỡng Ky tô giáo vẫn ủng hộ Charlie Hebdo. Tôi không thích Charlie Hebdo châm biếm tín ngưỡng của người khác, nhưng tôi thán phục tinh thần bất khuất của Charlie không sợ khủng bố. Đời người trước sau gì cũng một lần chết, thì phải sống sao cho xứng đáng với phẩm giá con người.

Ký giả Đạm Phong, Lê Triết chết trong quạnh quẽ, cô đơn. Một lời phân ưu trên báo chí cũng không có. Những người làm truyền thông im lặng trước cái chết oan ức, tôi cho là bất xứng, vì thứ nhất là không có tình đồng nghiệp và thứ hai là đồng lõa với tội ác. Đó là vì sao tôi chống Cộng sản.



Tôi đăng bài “Vàng Rơi Không Tiếc” của nhà văn KQ Đào Vũ Anh Hùng trên Giai phẩm Lý Tưởng của Không Quân để đặt vấn đề với KQ Nguyễn Kim Huờn, bí danh Nguyễn Kim – một người trong thành phần lãnh đạo Mặt Trận – nhằm yêu cầu ông trả lời những hoài nghi về Mặt Trận. Bài viết rất tâm tình, không có lời nào mạt sát, nhục mạ, châm biếm Chủ tịch Hoàng Cơ Minh cả. Ngoài ra, tôi còn viết lời tòa soạn để giải thích tại sao tôi quyết định đăng bài viết ấy và sẽ dành cho KQ Nguyễn Kim Huờn được quyền trả lời trên số báo tới. Cách hành xử của tôi có đáng chê trách không?

Thế nhưng, Mặt Trận qua Không Quân Phạm Hữu T. áp lực tôi phải thu hồi tờ báo. Còn Thành bộ trưởng Houston là Đặng Quốc Việt (tên thật hay bí danh?) gửi văn thư cho Hội trưởng KQ Trần văn Nghiêm, lên án Hội Không Quân cho đăng bài viết của KQ Đào Vũ Anh Hùng là gây chia rẽ hàng ngũ Chống Cộng (?). Tôi chống lại áp lực của Mặt Trận. Thế là có những cú điện thoại vô danh gọi đến đe dọa, khủng bố tinh thần KQ Trần văn Nghiêm và tôi. Thiết nghĩ mình là một chiến sĩ từng xông pha nơi trận mạc, mà nay lại có kẻ tỵ nạn như mình lại nhân danh Kháng Chiến Giải Phóng Dân Tộc dám uy hiếp mình thì không thể nào chấp nhận được. Trước năm 1975, tôi tin chắc rằng những kẻ đó không đời nào dám đứng trước mặt tôi mà hăm dọa. Để phản ứng lại, tôi tự xuất tiền túi, phát hành tờ báo lấy tên Thần Phong để lên án hành vi khủng bố của Mặt Trận. Tôi gửi tờ báo đến những trại tỵ nạn vùng Đông Nam Á để cho những thuyền nhân biết sự thật về Mặt Trận, vì Mặt Trận thường cho cán bộ đến các đảo để tuyển mộ đoàn viên. Nếu tôi bị giết chết, e rằng cũng sẽ không một người nào, một cơ quan ngôn luận nào dám công khai lên tiếng bênh vực một người cương quyết theo đuổi lý tưởng?

Vợ con tôi lo sợ cho tính mạng của tôi, bởi vì những cú điện thoại vô danh liên tục gọi tới đe dọa. Tôi vẫn không sờn lòng. Vì tôi nghĩ: “Thà Chết Đứng hơn Sống Quỳ”. Có những kẻ xấu miệng rỉ tai vì tôi làm tờ báo Lý Tưởng mà KQ Phạm Đăng Cường bị chết. Tôi cho đó là luận điệu của kẻ ươn hèn, mồm oang oang Chống Cộng, hô hào kiên định lập trường, nhưng trước sự khủng bố thì quay lưng đi! Tôi coi hạng người như thế là Chống Cộng bằng mồm. Mới đây có người lên mạng viết “Tôi Không Là Charlie”, tôi cũng chấp nhận, vì dân chủ, vì đa nguyên mà! Ai có quyền cấm mình hèn?

Trong bài “Tôi Là Charlie” trước, tôi có thưa với độc giả rằng tôi sẽ giải thích vì sao tôi ủng hộ Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ. Nhưng nay tôi xin khất lại kỳ tới, bởi vì có một vài vụ việc cần làm sáng tỏ.

Vụ việc thứ nhất:

Một người tự xưng “hậu duệ” viết email cho giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, mắng ông là người “vô danh tiểu tốt”. Anh Bích trả lời khá nhã nhặn, nhưng cách giải thích không có khí độ của bậc tiền bối giúp kẻ hậu bối mở rộng tầm hiểu biết về hoàn cảnh nước nhà. Anh Bích bảo người “hậu duệ” hãy lên Google đánh máy tên anh để thử tìm, thì sẽ thấy tên anh hiện ra tới 146 ngàn đề mục. Nghĩa là anh nổi tiếng ghê lắm, chứ không phải vô danh!

Nếu tôi bị “hậu duệ” nào mắng “vô danh tiểu tốt” thì tôi sẽ giảng giải cho “hậu duệ” hiểu:

“Cháu ạ, cụ Nguyễn công Trứ từng dạy: “Làm trai đứng ở trong trời đất, Phải có danh gì với núi sông”. Nghĩa là hãy đóng góp tài năng của mình cho sông núi (Tổ Quốc hay Dân Tộc) để rạng danh nòi giống là sự nghiệp của bậc tài trai. Khốn thay! Bây giờ chúng ta lâm vào cảnh nước mất nhà tan, ăn nhờ ở đậu nước người, thì còn gì danh giá nữa mà vọng tưởng? Nghĩa vụ của mỗi người Việt tha phương là đoàn kết nhau lại để có sức mạnh nhằm hậu thuẫn cho cuộc tranh đấu ở quê nhà; chứ không phải mưu cầu tên tuổi của mình được nhiều người biết tới.

Còn tiểu tốt thì không phải riêng bác là tiểu tốt đâu! Cả dân tộc Việt Nam này đều là tiểu tốt cả. Cháu có hiểu vì sao không? Năm 1954, nước ta bị chia đôi không phải là ý muốn của dân ta, mà do quyết định của các đại cường. Miền Bắc được Nga Tàu phong cho làm người lính Tiền Phong, tức là con TỐT ĐỎ. Người Mỹ cần ngăn chặn làn sóng Đỏ, thì phát súng ống, đạn dược cho Miền Nam để làm người lính Tiền Đồn, tức là con TỐT TRẮNG. Nếu Hồ Chí Minh không cam tâm làm đầy tớ Nga Tàu thì đời nào bị mang thân phận con TỐT ĐỎ? Và Miền Nam đâu đến nỗi cam phận làm con TỐT TRẮNG để chống quân xâm lăng? Nếu Con TỐT ĐỎ và con TỐT TRẮNG thấm thía thân phận mình thì chẳng con tốt nào ham chém giết nhau, chẳng còn con tốt nào chụp mũ con tốt nào”.

Không ai có thể phủ nhận sự hoạt động chăm chỉ của anh Bích trong cộng đồng người Việt tị nạn. Nhưng xuyên qua cái email anh Bích yêu cầu “hậu duệ” vào “google” để kiếm tên anh, người đọc đều nhận ra rằng lâu nay anh Bích tất bật làm việc nọ, việc kia là chỉ để được “google” tăng thêm điểm số nổi tiếng cho anh mà thôi. Sợ anh Bích biến thành con rối trong mắt “hậu duệ”, tôi viết cho anh Bích một email để nhắc anh đừng “ôm đồm” quá, rồi mang chứng bội thực, vì tuần chay nào anh cũng có nước mắt; mâm cỗ nào anh cũng thò đũa vào.

Cái việc anh cặm cụi ngồi dịch tài liệu cho Mặt Trận của Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh ra Anh Ngữ, trong khi ai ai cũng biết qua tờ báo Kháng Chiến, Mặt Trận đăng tin láo đánh lừa đồng bào để quyên tiền một cách bất chính, anh Bích có nhận thấy mình đang tiếp tay cho sự lừa đảo? Làm sao anh tránh khỏi dư luận chê trách anh dịch tài liệu để được lãnh tiền thù lao?

Ký giả Lê Triết trước kia viết báo Văn Nghệ Tiền Phong ủng hộ Mặt Trận rất tích cực; nhưng sau khi khám phá Mặt Trận lừa đảo thì trở thành người tố cáo Mặt Trận cũng rất tích cực. Lời lẽ đôi khi hết sức cay độc. Một đêm tối trời hai vợ chồng Lê Triết lái xe về nhà thì bị quân khủng bố xả súng bắn chết. Anh Bích được tờ Washington Post ở Hoa Thịnh Đốn phỏng vấn. Thay vì lên án hành động kẻ sát nhân, anh Bích lại tỏ ra hả hê, sung sướng vì “kẻ lạ” đã diệt được người từng viết báo châm biếm anh dịch chữ “Biển dâu” là “Mulberry Sea”. Anh Bích bảo Lê Triết là một loại nhà báo nhặng xị, ưa công kích người nọ người kia, như thể anh ngầm nói Lê Triết bị bắn chết là đáng đời. Qua câu trả lời của anh Bích, bắt buộc người ta nghĩ rằng anh Bích không có tính người, nhưng có tính thù vặt. Đặc biệt, anh Bích không có tình đồng nghiệp đối với nhà báo bị giết bởi quân khủng bố.

Nguyễn Ngọc Bích


Anh Bích là người đọc nhiều sách vở, nhưng quên lời nói của Voltaire: “Tôi hoàn toàn không đồng ý điều bạn nói; nhưng tôi sẽ bảo vệ quyền được nói của bạn cho đến chết”. (I do not agree with what you have to say, but I'll defend to the death your right to say it). Anh Bích đã đánh mất lương tâm của người cầm bút dám nói lên SỰ THẬT. Điều đáng tiếc là Mặt Trận cũng im lặng trước cái chết của nhà báo công kích mình! Và những lãnh đạo Kháng Chiến cũng im lặng, không lên án kẻ sát nhân giết chết người cầm bút. Thế thì còn gì là danh nghĩa của một tổ chức kháng chiến Chống Cộng nữa?

Nên nhớ, tôi không có một tí ti ác ý hay đố kỵ nào với anh Bích khi tôi viết cho anh Nguyễn Ngọc Bích cái email vừa rồi. Bằng cớ là khi tôi đến thăm Tiến sĩ Trần Huy Bích, thì anh Huy Bích cho tôi xem một tài liệu rất quý, chứng minh hai đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam. Tôi liền nói với anh Huy Bích hãy chuyển tài liệu này cho anh Ngọc Bích, vì theo thông tin mà tôi biết thì anh Ngọc Bích sẻ sang Phi Luật Tân dự hội nghị với Trịnh Hội cũng nêu vấn đề Biển Đông. Anh Ngọc Bích muốn kiểm chứng lời tôi nói thì hãy gọi điện thoại cho anh Huy Bích. Điều tôi đề nghị anh Huy Bích chứng tỏ với anh Ngọc Bích rằng anh làm việc gì hữu ích cho Đất Nước, tôi đều ủng hộ.

Anh Nguyễn Ngọc Bích đã làm lơ không thèm trả lời cái email của tôi, dù tôi đã từng là sáng lập viên Ủy Ban Tranh Đấu Nhân Quyền cho Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn với anh Bích năm xưa.

Tôi thường tâm niệm câu nói bất hủ của Mục Sư Martin Luther King: “Kẻ nào chấp nhận cái ác mà không phản đối chắc chắn là tiếp tay cho cái ác lộng hành” (He who accepts evil without protesting against it, is really cooperating with it) và “Cuộc đời của chúng ta bắt đầu chấm dứt khi chúng ta lặng thinh trước những vấn đề sống còn” (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter) để nhắc nhở bản thân. Đó là lý do tôi thuyết phục Ban Biên tập Giai Phẩm Lý Tưởng của Không Quân VNCH tại Houston phải đăng bài “Vàng Rơi Không Tiếc” của nhà văn Đào Vũ Anh Hùng để chứng minh với mọi người rằng chúng tôi chưa chết”.

Vụ việc thứ hai:

Thuật lại mẩu chuyện vào đầu Tháng Bảy năm 2013, tôi gặp Trung tá Nguyễn Kim Huờn (bí danh Nguyễn Kim) tại nhà của một người anh em Không Quân là sự thật. Ông Huờn tiết lộ cho tôi biết ông không còn ở trong Đảng Việt Tân nữa. Ông Huờn cầm lấy tay tôi và yêu cầu tôi hãy nhìn thẳng vào mắt ông để thấy rõ điều ông nói là sự thật. Tôi đáp: “Anh hãy mở cuộc họp báo để nói với đồng bào tại sao anh tham gia Mặt Trận; tại sao anh ly khai Việt Tân để chứng tỏ anh là người lương thiện, có trách nhiệm. Như anh đã họp báo khai trừ bác sĩ Trần Xuân Ninh ra khỏi tổ chức của anh trước kia. Anh hãy nhìn thẳng vào mắt đồng bào mà nói! Tôi không việc gì phải nhìn vào mắt anh.”

Có một người, chẳng biết đàn ông hay đàn bà, ký tên Minh Tâm, gửi trực tiếp cho tôi một cái email bằng lời lẽ rất hỗn xược, bảo rằng tôi “bốc phét” phịa ra cái chuyện tôi gặp gỡ ông Nguyễn Kim. Tôi nghi kẻ ẩn danh Minh Tâm (Colleen Ha@yahoo.com) kia là người của Việt Tân. Tại sao ư? Bởi vì khi tôi đăng bài “Vàng Rơi Không Tiếc” thì Mặt Trận cho tay chân bộ hạ đến đòi tịch thu báo và gọi điện thoại khủng bố tinh thần tôi. Nay tôi không có báo để tịch thu, thì Việt Tân sai người viết email mạ lỵ tôi. Tôi đã viết email trả lời với lời lẽ hết sức nhã nhặn, vừa để chứng tỏ mình có văn hóa vừa để dạy cho cán bộ Việt Tân (?) đừng giở trò hèn hạ giấu mặt, nếu muốn bàn chuyện lớn.

Chuyện lớn mà tôi sắp đề cập ở đây là tôi nghiêm chỉnh đặt vấn đề liên quan tới tương lai xứ sở trước hiện tình đất nước với những nhà hoạt động đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam.

Thưa quý vị cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, hiện dịch hay trừ bị, quốc nội hay quốc ngoại,

Xin xác minh: Tôi không phải là nhà văn, bởi vì tự biết mình không có văn tài. Tôi không phải là nhà báo chuyên nghiệp, bởi vì chưa từng đào luyện để trở thành. Tôi chỉ đơn thuần là Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, được rèn luyện theo tiêu hướng: “TỔ QUỐC – DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM”. Cho nên tôi quyết tâm sống với điều mình được dạy bảo. Và tôi tin chắc quý vị cựu quân nhân VNCH vẫn còn theo đuổi tiêu hướng “TỔ QUỐC – DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM”.

Câu nói trong bài diễn văn của Mục sư Martin Luther King mà tôi nêu ở trên là câu nói không phải chỉ dành cho riêng ai, mà cho bất cứ người nào muốn được đánh giá là con người thì phải noi theo. Chúng ta đã chấp nhận làm người chiến sĩ vô danh. Bản thân tôi đã thề “ra đi không (mong) ai tìm xác rơi”. Khi còn trẻ, có khí giới trong tay, tôi ra chiến trường đánh quân cộng sản Miền Bắc xâm lược. Khi thua trận, tôi dùng ngòi bút làm khí giới để chống sự dã man, tàn ác, dối trá, lừa đảo bất cứ từ đâu tới. Tôi vẫn là người lính chưa giải ngũ, nhiệm vụ chưa hoàn thành, như các anh chị thường nói với nhau. Nói rõ hơn, tôi chỉ là người vô danh tiểu tốt; chứ không mượn danh nghĩa Chống Cộng để nổi danh. Nhưng tôi có khả năng thảo luận, bàn bạc hoặc tranh luận với bất cứ ai để làm sáng tỏ Chính Nghĩa của Việt Nam Cộng Hòa. Hơn nữa, tôi sẵn sàng học hỏi, lắng nghe lời chỉ giáo của người có nhân cách.

Đặng Văn Âu


Tuy không có bằng cử nhân, tiến sĩ, nhưng tôi hiểu được ý nghĩa tại sao Miền Nam phải chống lại Miền Bắc. Cho nên trong buổi thuyết trình (briefing) về cuộc hành quân cầu Không Vận tiếp tế cho Ban Mê Thuột bị thiên tai, tôi đã đứng lên phát biểu: “Tôi không đồng ý Trung tá đặt tên chiến dịch là Kỳ Duyên Mai (tên của Tướng Kỳ, con gái và vợ ghép lại), tại sao không lấy tên một vị anh hùng trong lịch sử để đặt tên chiến dịch? Vị Tư lệnh Không Đoàn lớn tiếng bảo tôi ngồi xuống, vì ý kiến của tôi đưa ra quá trễ, không đổi được. Lẽ ra tôi phải ngồi xuống, vì Quân Đội dạy tôi phải vâng lệnh cấp trên. Thế nhưng, tôi vẫn “ngoan cố” gân cổ cãi: “Theo tôi, cuộc chiến mà ta theo đuổi là cuộc đấu tranh toàn diện giữa ý thức hệ cộng sản ở Miền Bắc và nền tự do dân chủ của Miền Nam; chứ không chỉ là cuộc chém giết bằng súng đạn. Nếu chúng ta đặt tên chiến dịch là “Kỳ Duyên Mai” thì địch sẽ có cớ để miệt thị ta là lính của gia đình Tướng Nguyễn Cao Kỳ, chứ không phải là lính Quốc Gia”.

Những anh em tham dự cuộc hành quân đó đặt trên cho tôi là Đặng văn Ẩu, vì dám chống cấp trên. Có lẽ quý vị thắc mắc vì sao một chàng Trung úy trẻ măng mà ý thức được ý nghĩa cuộc chiến này?

Xin thưa, khi còn nhỏ, chứng kiến mấy tên du kích cộng sản chặt đầu một ông phu xe kéo vì tội kéo xe cho Thực dân Pháp; rồi lại thấy mấy tên du kích đó đập vỡ sọ một thiếu niên trạc tuổi mình vì bị tình nghi làm tình báo cho Pháp, tôi đã kinh tởm sự man rợ của cộng sản. Nhưng sau khi đọc cuốn “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” của tác giả Hoàng văn Chí xuất bản năm 1959, tôi hiểu bản chất cộng sản hơn. Nó là một chế độ có chủ trương biến con người thành con vật: có óc không được suy nghĩ; có mồm không được nói. Nếu cộng sản là một chế độ ưu việt, tại sao chúng phải dùng bạo lực để trấn áp, bỏ tù, thủ tiêu người không theo mình? Thạc sĩ Hoàng Xuân Nhị, nhà nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lê từ Pháp về, không tranh luận nổi với chàng sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Văn, Bùi Quang Đoài, thế là bộ máy cai trị dùng biện pháp trấn áp. Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường đọc một bài tham luận sau khi Cải Cách Ruộng Đất thất bại, chỉ nêu lên vấn đề cai trị đất nước phải có luật lệ thì bị cô lập, bị tước mất sổ hộ khẩu và không cho phép cơ quan nào được nhận ông vào làm việc. Bài thơ Lời Mẹ Dặn của Phùng Quán có tính Gia Huấn Ca để khuyên con người phải sống chân thật, thế mà tác giả cũng bị đày đọa. Rất nhiều sự kiện trong sách để cho người đọc hiểu cộng sản là một chế độ tồi bại. Tiêu diệt khí phách của Phan Khôi là dấu hiệu mất nước vào tay ngoại bang. Tiếc rằng Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH không đưa cuốn sách của cụ Hoàng văn Chí vào chương trình giáo dục để học sinh, sinh viên Miền Nam hiểu bản chất cộng sản thì họ sẽ không chống chế độ dân chủ còn non trẻ của VNCH.

Danh Tướng Do Thái, Moshe Dayan, sau khi thị sát tình hình Việt Nam, đã tuyên bố: “Miền Nam muốn chiến thắng cuộc xâm lăng của cộng sản Miền Bắc thì trước hết phải thua chúng đi đã, rồi Miền Nam sẽ thắng”. Lúc bấy giờ dư luận cho rằng Tướng Dayan có ý đồ muốn Hoa Kỳ rút ra khỏi Việt Nam, để dồn nỗ lực giúp Do Thái. Tôi đến gặp người anh thúc bá, bác sĩ Đặng văn Sung, đương là Chủ nhiệm nhật báo Chính Luận để bày tỏ suy nghĩ của mình: “Lời tuyên bố của Tướng Moshe Dayan không có ác ý như báo chí phê phán, mà đó là một nhận định phản ảnh sự thực. Lãnh đạo các tôn giáo phải hiểu hơn ai hết hiểm họa cộng sản, vì nó là một chủ nghĩa vô thần, coi tôn giáo là thuốc phiện, lại thiên Cộng. Lãnh tụ các đảng phái đã bị cộng sản thủ tiêu trong kháng chiến chống Pháp, nhưng đảng viên không nuôi chí phục thù, lại chia năm xẻ bảy. Tướng lãnh đa số bất tài, lại thèm khát địa vị chính trị, nên đảo chánh, chỉnh lý liên miên. Một triệu người dân Bắc phải rời bỏ tất cả, lên đường vào Nam tìm tự do không đủ làm cho bọn trí thức sáng mắt. Với tình trạng đó, Miền Nam phải thua để cho cộng sản cai trị thì mới tỉnh ngộ. Đó là lời cảnh báo đúng đắn của Tướng Moshe Dayan. Anh đang sở hữu một tờ báo trong tay, anh đang là một trong những lãnh tụ đảng, anh đang là Nghị sĩ Quốc hội, xin anh phải đưa cái nhận định của em lên báo để cho mọi người suy nghĩ”.

Miền Nam chiến đấu chống quân xâm lược cộng sản là có chính nghĩa. Nhưng những phần tử lãnh đạo tôn giáo thiên Cộng; những lãnh đạo chính trị xôi thịt, chia rẽ; những lãnh đạo quân sự tồi, những trí thức phản phúc “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” đã khiến cho công cuộc chiến đấu của chúng ta mất chính nghĩa trước dư luận thế giới. Chúng ta quá nhiều kẻ nội thù, ắt chúng ta phải thua trận.

Sau khi mất Miền Nam, đáng lý ra, mỗi một người Việt lưu vong – nhất là những nhà hoạt động chính trị – phải ý thức rằng Miền Nam thua cộng sản là lỗi tại chính mình ít nhiều gì cũng chịu trách nhiệm vì đã không giữ được nước. Chúng ta, những người Việt Tị Nam Cộng Sản, đều phải có nghĩa vụ cùng nhau xây dựng một CỘNG ĐỒNG lành mạnh, có văn hóa, văn minh, để chứng tỏ với nhân dân thế giới mình là một dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến. Chúng ta phải chứng tỏ với nhân dân thế giới chúng ta không phải là lũ người tha phương cầu thực, giá áo túi cơm, quay lưng lại trước nỗi thống khổ của đồng bào mình còn kẹt lại ở quê nhà dưới chế động cộng sản.

Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh


Năm 1977, dù đời sống vật chất còn eo hẹp và sự liên lạc giữa người đồng hương còn khó khăn, nhưng tôi đã dùng phương pháp chuyền miệng để mời một số nhân vật còn quan tâm đến Đất Nước tới nơi chung cư tôi ở để bàn tính nhau thành lập một Ủy ban Tranh Đấu Nhân Quyền cho Việt Nam. Phía tôn giáo có Thượng tọa Giác Đức, Linh mục Trần Duy Nhất. Phía chính trị có ông Hà Thúc Ký, Chủ tịch đảng Đại việt Cách mạng, Nghị sĩ Đoàn văn Cầu, Tổng trưởng Tài chánh Châu Kim Nhân, Dân biểu Nguyễn văn Kim, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Luật sư Lê Chí Thảo, Luật sư Đỗ Đức Hậu, Sinh viên quốc gia tranh đấu có Ngô Vương Toại. Phía nhân sĩ có Cụ bà Đức Thụ, cụ Chử Ngọc Liễn, bà Lê thị Anh (Phật giáo Hòa Hảo). Phía quân sự có Trung tướng Nguyễn Bảo Trị, Trung tướng Phạm Quốc Thuần, Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh, Đại tá Nguyễn Hợp Đoàn (Tỉnh trưởng Tuyên Đức), Trung tá Thủy quân Lục chiến Nguyễn văn Phán và Không quân Đặng văn Âu.

Tôi trình bày lý do buổi họp. Mọi người đóng góp ý kiến một cách nhiệt tình, hăng say. Chỉ có Cụ Ký vì cao niên và hai vị lãnh đạo tôn giáo ngồi Sofa; còn lại hầu hết là đứng hoặc ngồi xuống sàn nhà. Thế nhưng tất cả đều hân hoan, thoải mái. Tôi đề nghị Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích làm Chủ tịch Ủy ban vì anh thông thạo Anh ngữ và có nhiều liên hệ với báo giới Hoa Kỳ. Và tôi xin làm nhiệm vụ liên lạc viên, kẽ biểu ngữ; chứ không đảm nhiệm một chức vụ nào cả, để không ai hoài nghi thiện chí mời họp của mình. Sau buổi họp, Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh ghé tai tôi, nói nhỏ: “Tôi tưởng anh chỉ biết lái tàu bay, không ngờ anh điều hành buổi họp đâu ra đó, trình bày đầy đủ chi tiết, mà không cần cầm giấy trên tay, chứng tỏ anh khá nắm vững vấn đề”. Tôi cám ơn.

Ủy ban Nhân Quyền đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trước Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn, trước Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước. Thời bấy giờ bọn phản chiến Mỹ rất ghét chúng tôi. Báo chí, truyền hình Mỹ không thèm đến viết phóng sự, dù anh Bích nỗ lực vận động họ. Dần dần, qua sinh hoạt, tình thân giữa Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh và tôi trở nên gắn bó. Ông không cho tôi gọi cấp bậc của ông, mà phải gọi bằng anh. Còn ông coi tôi như chú em, gọi tôi bằng cậu. Rất tình chiến hữu.

Trước đó, tôi đã nhờ bà con bên Pháp mua giúp tôi những cuốn sách cộng sản để nghiên cứu, như cuốn Thời Dựng Đảng, Những Chặng Đường Lịch Sử của Võ Nguyên Giáp. Anh Minh từng là Sĩ quan Chiến tranh Chính trị bên Hải Quân, khen tôi có sự hiểu biết về cộng sản khá rõ.

Một hôm tôi nêu ý kiến: “Anh Minh à, có lẽ công cuộc đấu tranh nhân quyền chỉ tố cáo với thế giới, cộng sản là chủ nghĩa man rợ, chứ chẳng làm thể nào làm lung lay chế độ chúng được. Mình phải xây dựng một tổ chức đấu tranh bạo lực để lật đổ chúng”. Hai anh em đồng ý, chỉ khác nhau ở chỗ phương thức tổ chức. Cách của tôi là tìm đối tượng còn có lòng yêu nước để thuyết phục tham gia. Nguyên tắc đấu tranh bạo lực là phải tuyệt đối bí mật để tránh địch xâm nhập. Đoàn viên tự nguyện đóng góp tài chánh, lập cơ sở kinh tài để có tiền nuôi cán bộ, đưa người về nước, xây dựng hạ tầng cơ sở, chờ thời cơ thuận tiện mới phát động quần chúng tổng khởi nghĩa. Nhưng anh Minh không đồng ý, vì như thế lâu dài quá. Anh đề nghị tôi rủ một số anh em cựu quân nhân kéo nhau ra Hawaii, vì ở đó có rừng nhiệt đới giống Việt Nam, để quay phim kháng chiến quân. Đem phim về lục địa chiếu cho đồng bào xem để vận động tài chánh. Tôi liền chống ngay: “Làm cách mạng là quý hồ tinh, bất quý hồ đa. Một người có lý tưởng, được huấn luyện thuần thục thì hữu hiệu, đắc lực hơn nhiều người háo danh ô hợp”.

Chẳng hiểu câu nói của tôi xúc phạm anh hay sao đó. Anh Minh hơi có ý giận và nói: “Cậu chỉ giỏi tài biện bạch lý thuyết; chứ không dám hành động”. Lúc bấy giờ, có lẽ tại vì tôi hãy còn trẻ, nên phản ứng lại: “Nếu anh quyết chí làm như cái kiểu của anh thì chắc chắn một ngày nào đó anh sẽ trở thành thảo khấu”. Anh vùng đứng dậy với vẻ giận dữ, bỏ ra về không thèm nói một lời chia tay.

Tôi đến bên cửa sổ, nhìn bóng dáng anh đi dưới cơn tuyết đổ, bóng đèn vàng hiu hắt, bỗng dưng nước mắt tôi lưng tròng. Tôi bùi ngùi xót thương người chiến hữu có lòng với quê hương, nhưng nóng vội. Giá như tôi bình tĩnh, nhỏ nhẹ giải thích cho anh: “Quân chúng dễ bị kích động, họ không ý thức đấu tranh cách mạng trường kỳ, nên họ dễ nản lòng, thối chí khi mình chưa mang lại thành quả. Họ giống lửa rơm bừng bừng cháy, nhưng cũng rất dễ tắt ngúm, nếu mình không có rơm để tiếp. Mà một khi rơm bị tắt ngúm thì không thể nhen lên được nữa”. Biết đâu anh Minh nghe lời giải thích của tôi, anh sẽ không đi vào chỗ chết để cứu vãn thanh danh? Tôi thấy mình có lỗi với vong hồn anh Minh.

Nhân cơ hội người cố vấn cũ trước năm 1975 của anh Minh là Richard Armitage được Tổng thống Reagan bổ nhiệm làm Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách Á Châu Sự Vụ, có trách nhiệm tìm kiếm lính Mỹ mất tích ở Đông Dương, anh Minh được gợi ý để thi hành công tác. Anh Minh lập một đoàn công tác gồm các cựu quân nhân, một nhiếp ảnh viên để quay phim và một nhà báo để viết phóng sự. Thời bấy giờ chưa ai có quốc tịch Mỹ, nên chỉ sử dụng giấy tờ “travel document” mà thôi, ngoại trừ Đại tá Nguyễn Hữu Duệ, cựu Tỉnh trưởng Thừa Thiên là có Passport. Cuốn phim đem về Mỹ được chiếu trên hệ thống truyền hình CBS. Bài phóng sự về căn cứ kháng chiến ở Thái Lan được đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong – một tờ báo có đông độc giả nhất thời bấy giờ – do ký giả Hoàng Xuyên tường thuật. Đại tá Nguyễn Hữu Duệ cho tôi biết Chiến Khu đều là kịch để tuyên truyền. Nhưng khí thế của Mặt Trận lúc bấy giờ lên như diều. Các Đại hội Chính Nghĩa tưng bừng tổ chức ở California, ở Virginia. Người người nức lòng hăm hở Thấy xe chở Tướng Hoàng Cơ Minh được xe cảnh sát hú còi chạy trước chạy sau làm cho mọi người tưởng rằng Hoa Kỳ đang giúp dân tỵ nạn giành lại Việt Nam đến nơi. Một người cực kỳ đa nghi là Chủ nhiệm Văn Nghệ Tiền Phong Nguyễn Thanh Hoàng cũng tin như thế. Báo Văn Nghệ Tiền Phong đắt như tôm tươi. Ông Hoàng thu về khá bộn bạc.

Một hôm tôi nói với ông Nguyễn Thanh Hoàng: “Anh hãy cẩn thận, đừng đi quá đà, rồi có ngày anh sẽ mang tội lừa dối đồng bào đó!” Anh Thanh Hoàng cười với giọng chế nhạo: “Các anh Đại Việt có cái tật là thấy ai làm được việc thì đố kỵ, ganh ghét. Thảo nào các anh chả hợp tác được với ai cả”. Tôi chỉ cười và trả lời vỏn vẹn bằng ba chữ tiếng Anh: “Wait anh See”.

Anh Đặng văn Đệ, người anh thúc bá của tôi, đưa tôi gặp Đại tá Phạm văn Liễu, bạn cùng học với anh Đệ ở trường Lục Quân Yên Bái do Trương Tử Anh sáng lập. Tôi ngồi im lặng nghe anh Liễu “thuyết trình” rất hấp dẫn. Anh Liễu hất hàm hỏi tôi: “Sao? Chú thấy thế nào? Chú có muốn tham gia vào tổ chức thì anh giới thiệu?”. Tôi thận trọng đáp: “Thưa anh, nếu anh không giận, xin phép anh cho em được nói sự thật”. Tôi liếc mắt nhìn anh Đệ để thăm dò phản ứng của ông anh mình như thế nào, rồi mới bắt đầu: “Trên đường đi gặp anh Liễu, em đã nói với anh Đệ rằng anh là người có lòng, có khả năng thu hút quần chúng. Anh đã giúp Mặt Trận thu được nhiều tiền bạc, mang về nộp cho ông Hoàng Cơ Định. Anh rất thanh liêm, trong sạch, nhưng anh là người hữu dũng vô mưu. Anh nên nhớ rằng ở Mỹ người nào nắm tiền là người đó nắm quyền. Một ngày nào đó anh sẽ bị đá ra ngoài, khi những món hàng anh rao bán bị khám phá là hàng giả, không ai thèm mua nữa”.

Anh Liễu tỏ ra rất giận dữ. Anh Đệ cũng buồn vì có thằng em dám đem chuyện giữa hai anh em nói với nhau trên xe ra nói thẳng với anh Liễu. Tôi nhẹ nhàng bào chữa: “Em đã thảo luận với anh Minh rất nhiều ngày về vấn đề kháng chiến. Qua anh Nguyễn Hữu Duệ, em biết nhiều về Mặt Trận hơn anh tưởng. Mặt Trận tổ chức Đại hội Chính Nghĩa, nhưng thật sự là Kháng Chiến làm mất Chính Nghĩa. Về sau nếu có đoàn thể nào làm thật, đồng bào sẽ không tin nữa.”

Anh Minh về Hoa Thịnh Đốn tổ chức Đại hội Chính Nghĩa, sai người đến bảo tôi tới gặp anh. Tôi không tới, tội gì mình vác xác tới để mừng người đang chiến thắng vẻ vang mà mình biết đấy là ảo? Rất nhiều người có lòng yêu nước như cụ Phạm Ngọc Lũy, ông Nguyễn Bích Mạc, Luật sư Nguyễn văn Chức, nhà báo Cao Thế Dung (bút hiệu sau này là Hà Nhân Văn), Đại tá KQ Vũ Thượng Văn cũng rất hăng hái tham gia. Tôi tự hỏi tại sao những người có hiểu biết như họ mà tham gia một đoàn thể hoàn toàn phản lại nguyên tắc bí mật của một tổ chức đấu tranh bạo lực?! Nhiều sĩ quan Không Quân tham gia Mặt Trận vì thấy có Đại tá KQ Vũ Thượng Văn, xuất thân trường Salon ở Pháp, trong Mặt Trận. Thật ra anh em đều có lòng yêu nước, muốn làm một cái gì cho quê hương dân tộc, nhưng không suy nghĩ chính chắn nên dễ bị lừa. Ông sếp cũ của mình còn tham gia, thì tại sao mình lại đứng ngoài? Nhiều anh em được tôi cảnh giác đều giận tôi vì họ cho rằng tôi chống Mặt Trận.

Tương tự những trí thức tên tuổi như Trần Đức Thảo, Tạ Thu Thâu, Hồ Đắc Di, Hồ Đắc Điềm, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Ngọc Thạch, Dương Quỳnh Hoa … chạy theo Hồ Chí Minh, đã thu hút nhiều lớp hậu sinh nhắm mắt theo mà không ý thức cộng sản sẽ gây tai họa cho Đất Nước.

Khi không thể che đậy SỰ THẬT, Mặt Trận bị vỡ ra làm hai. Nếu Chủ tịch Hoàng Cơ Minh thẳng thắn xin lỗi đồng bào, vì nóng lòng cần có tài chánh để hoạt động, nên đã nói dối đồng bào, thì ông sẽ không bị chết thảm trên đất Thái Lào. Tôi tin chắc đồng bào sẽ thông cảm, tha thứ. Nhưng để gỡ thể diện, anh Minh đã liều mình dẫn một đoàn “kháng chiến quân” lên đường Đông Tiến. Trung tá Nhảy Dù Lê Hồng đến chào chia tay tôi trước khi lên đường. Tôi nói: “Anh là người đầy kinh nghiệm chiến trường, không ai xuất phát cuộc hành quân mà làm ầm ỉ lên như thế. Trong tình thế này, anh Minh về khu chiến (!) không phải để xâm nhập Việt Nam, mà để rửa nhục.” Anh Hồng vẫn lên đường vì trót thề sống chết với anh Minh. Quý báu thay những người chiến binh trọng DANH DỰ! Nhưng tôi không đồng ý với cách tự sát vì danh dự của anh Minh mà kéo theo mạng sống của nhiều người khác.

Nếu Mặt Trận đăng tin Chủ tịch Hoàng Cơ Minh và đoàn kháng chiến quân đã bị “hy sinh” tại chiến trường Thái Lào, làm lễ truy điệu thì Mặt Trận không bị tai tiếng. Ngược lại, tờ báo Kháng Chiến của Mặt Trận vẫn đăng thư chiến hữu Chủ tịch từ quốc nội gửi ra thăm đồng bào hải ngoại trong các dịp lễ Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu. Và mỗi số báo đều đăng tin kháng chiến quân tiêu diệt đồn Công An cộng sản. Cho đến khi Việt Cộng mở cửa, người Việt tỵ nạn (!) về nước nhiều, Mặt Trận không thể phịa chuyện đánh đồn Cộng Sản nữa, thì tờ Kháng Chiến mới ngưng đăng tin giật gân!

Sau khi Phó Đề đốc đã hy sinh năm 1989, Mặt Trận vẫn dùng lá CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ, một biểu tượng linh thiêng mà người dân miền Nam đã đổ xương máu để giữ gìn, dán lên những thùng, những lon để xin tiền yểm trợ Kháng Chiến của đồng bào đặt lây lất tại nơi chợ búa, nhà hàng ăn.

Tại sao không có người nào lên tiếng phản đối việc làm của Mặt Trận dùng “Linh Vật Quốc Gia” (Cờ Vàng) của mình để nằm lây lất ở nơi chốn không xứng đáng?

Tại sao các ông bà Chủ Báo không có một lời khuyến cáo nào gửi đến ông Lê Thiệp, bà Trùng Dương Vũ thị Thái, những người đã lần lượt làm Chủ bút tờ Kháng Chiến đi lừa đảo, lợi dụng lòng tin của đồng bào?

Nay nhân danh là một người lính Việt Nam Cộng Hòa, tuy vô danh tiểu tốt, nhưng có số quân, cấp bậc, danh tánh đàng hoàng, nghiêm chỉnh đặt câu hỏi với các ông trong Bộ Tham Mưu Mặt Trận, sau này là Việt Tân, gồm kỹ sư Hoàng Cơ Định, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, bác sĩ Trần Xuân Ninh, Trung tá Nguyễn Kim Huờn những câu hỏi sau đây:

Tại sao những nhà báo như Đạm Phong, Lê Triết, Duyên Anh viết bài tố cáo sự lừa dối, bịp bợm của Mặt Trận đều bị thảm sát? Tôi có quyền nghi ngờ Mặt Trận có nhúng tay vào, vì tôi đăng bài “Vàng Rơi Không Tiếc” của nhà văn Đào Vũ Anh Hùng thì bản thân tôi bị đoàn viên của Mặt Trận làm áp lực thu hồi báo và hăm dọa tôi và vợ con tôi. Nếu Mặt Trận không liên quan, tại sao Mặt Trận không công khai lên án bọn sát nhân, không yêu cầu FBI truy tìm kẻ sát nhân để bảo vệ thanh danh của Mặt Trận? Sự im lặng của các ông trước CÁI ÁC, các ông có xứng đáng là người nhân danh CHỐNG CỘNG để chống lại CÁI ÁC của Việt Cộng không?

Các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Xuân Ninh, Nguyễn Kim Huờn làm việc toàn thời gian cho Mặt Trận có được Mặt Trận trả lương không? Nếu có, ai là người phát lương? Nếu không, các ông sống bằng tiền trợ cấp xã hội?

Ai là người trong các ông thay mặt Chủ tịch Hoàng Cơ Minh đã chết, vẫn viết thư từ quốc nội gửi ra thăm đồng bào ở hải ngoại? Ai là người phịa ra những thông tin kháng chiến quân liên tục tiêu diệt các đồn Công An cộng sản?

Với các chủ báo đồng thời với tờ Kháng Chiến của Mặt Trận, tôi xin hỏi:

Tại sao quý vị im lặng trước những tin tức dối trá của Mặt Trận đăng trên tờ Kháng Chiến, như Chiến hữu Chủ tịch Hoàng Cơ Minh đã chết mà vẫn có thư của ông Minh gửi về thăm đồng bào trong các dịp Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu? Quý vị sợ vì trông gương ký giả Đạm Phong, Lê Triết, nhà văn Duyên Anh nên im lặng? Quý vị đồng lõa với dối trá thì có xứng đáng với chức năng của người làm báo vô tư, lương thiện? Thử nghĩ xem quý vị có hơn gì nhà báo “Lề Phải” của cộng sản không?

Tôi nguyên là đảng viên Đảng Đại Việt, nguyện theo đuổi lý tưởng Dân Tộc Sinh Tồn của nhà sáng lập Trương Tử Anh. Nhưng tôi đã ra khỏi đảng vì sự chia rẽ của đảng mà tôi cho là bất xứng.

Tôi không thành lập đảng khác, nên không có lý do cạnh tranh với Đảng Việt Tân.

Tôi không sống bằng nghề viết báo, chưa hề lãnh tiền nhuận bút của báo nào. Tôi đặt câu hỏi với các chủ báo im lặng trước sự dối trá, trước những cái chết của đồng nghiệp họ là vấn đề lương tâm. Cho nên những câu hỏi tôi đặt ra không phải là tranh thương bất chính với báo chí để câu độc giả. Tôi mong quý vị chủ báo phải công khai trả lời. Nếu quý vị im lặng, độc giả của quý vị sẽ khinh.

Tiền đồng bào đóng góp cho Kháng Chiến là tiền mồ hôi nước mắt. Quý vị hô hào Kháng Chiến để lừa gạt đồng bào Chống Cộng, mà không công khai đứng ra trả lời những câu hỏi của tôi, tức là quý vị đang chà đạp chính nghĩa đấu tranh tự do dân chủ của đồng bào ta.

Bọn cầm quyền cộng sản gây tai họa cho đất nước mà nay không một lời xin lỗi, sám hối vì chúng nó vô thần, không tin luật nhân quả. Quý ông Hoàng Cơ Định, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Xuân Ninh, Nguyễn Kim Huờn đều là người hữu thần, có tín ngưỡng, mà không ân hận, sám hối vì cái tội đánh lừa đồng bào, liệu có sợ luật nhân quả không?

Dòng họ Hoàng Cơ là dòng họ danh tiếng. Anh Hoàng Cơ Minh vì nóng vội đã không nghe lời khuyên của tôi mà mang tiếng làm kháng chiến bịp. Anh đã lấy cái chết để rửa nhục. Nhưng ông Hoàng Cơ Định vẫn dùng tờ Kháng Chiến lừa bịp đồng bào. Nên thanh danh của anh Hoàng Cơ Minh vẫn bị hoen ố. Tội nghiệp cho các con của anh Minh cũng bị mang tiếng lây vì có người cha lừa đảo. Tôi đề nghị ông Hoàng Cơ Định hãy tìm cách thanh tẩy sự tai tiếng của anh Minh, kẻo tội nghiệp cháu mình.

Tôi xin nói thẳng với những người bạn trẻ đầy nhiệt huyết yêu nước đang tham gia trong Đảng Việt Tân như Tiến sĩ Toán Lê Quốc Quân rằng đừng phung phí trí tuệ, công lao của mình cho một cái đảng xuất thân từ dối trá, bịp bợm. Rất nhiều nhà trí thức tiền bối, vì yêu nước và nhẹ dạ, tham gia vào cái đảng cộng sản ác ôn đã làm cho đất nước điêu linh. Khi ân hận như Trần Đức Thảo và như nhiều trí thức khác thì mọi sự đã trễ, không thể cứu vãn tình hình.

Với bài học lịch sử và kinh nghiệm bản thân, từ thế hệ tiền bối của tôi cũng như thế hệ của tôi đều hỏng cả rồi. Họ chẳng thể nào là người dẫn đường cho các bạn đâu. Các bạn may mắn được hấp thụ nền giáo dục dân chủ khai phóng ở quốc gia văn minh tiến bộ, các bạn hãy tự mình đến với nhau, hãy tìm con đường cứu nguy đất nước bằng trí tuệ, bằng lương tâm trong sáng. Và đặc biệt phải có KHÍ PHÁCH để khước từ làm điều man trá vì lợi ích bản thân và phải có DŨNG KHÍ để đứng về phía sự thật.

Các anh em trẻ trong Hội Chuyên Gia, trong đoàn thanh niên Phan Bội Châu đừng cam tâm làm ngoại vi cho Đảng Việt Tân, khi mà các lãnh đạo Đảng không dám nhìn nhận họ đã có thời lừa dối đồng bào. Nên nhớ, không ai tài giỏi bịp bợm, dối trá bằng cộng sản mà cũng có ngày rơi mặt nạ. Các bạn là thành phần Élite của Bà Mẹ Việt Nam phải biết dùng trí tuệ để phân biệt chính tà. Đừng lấy câu “Cứu canh biện minh phương tiện” để bào chữa cho những việc làm phi chính nghĩ, phi đạo lý.

Xin các bạn trẻ hãy giúp cho sự nghiệp CHỐNG CỘNG có CHÍNH NGHĨA bằng sự quang minh, thật sự yêu thương tầng lớp nghèo khổ của nòi giống Việt đã bị bọn cơ hội, bọn đầu cơ chính trị lạm dụng từ gần một thế kỷ nay.

Tôi đề nghị các bạn trẻ hay lấy câu nói của Mục sư Luther King làm châm ngôn hành động ngỏ hầu xứng đáng với phẩm giá con người.

Tôi đề nghị các vị làm công tác truyền thông hãy lấy bài thơ “Lời Mẹ Dặn” của thi sĩ Phùng Quán làm kim chỉ nam để xứng đáng là nhà báo tranh đấu cho sự thật. Nếu không, quý vị bị đánh giá “nhà báo nói láo, ăn tiền”.

Nếu độc giả nào nhận thấy bài viết của tôi có chỗ nào không đúng, xin minh danh lên tiếng để chỉ giáo cho tôi nhằm mang lại công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ có CHÍNH NGHĨA.

Nếu Đảng Việt Tân bất bình về những lời nói thật của tôi mà dùng những biện pháp như cho đàn em bôi nhọ tôi, hay tệ hơn như bạo hành thì cũng không thế nào làm cho uy tín của Đảng Việt Tân nâng cao lên được. Trên thương trường hay trong chính trị, UY TÍN là điều cần thiết để tạo NIỀM TIN, để có sức mạnh tổng hợp.

Các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế ở trong nước đã mạnh dạn tố cáo đảng cộng sản đã phạm nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Các ngài kêu gọi: SÁM HỐI! SÁM HỐI!

Tôi cũng thành tâm kêu gọi Đảng Việt Tân SÁM HỐI! SÁM HỐI! để cho công cuộc đấu tranh của chúng ta rạng ngời CHÍNH NGHĨA. Tôi cầu nguyện cho quý vị hồi tâm thì cuộc đấu tranh mới đem lại kết quả. Nếu Việt Tân không làm được điều đó, tất cả những thủ đoạn của quý vị sẽ chỉ là đồ bỏ, những bài lý luận chính trị của quý vị chỉ là rác, vì không ai tin.

May mắn cho chúng ta được sống vào thời đại “Internet”, nên bài viết “Tôi Là Charlie” vừa rồi của tôi được đăng trên các trang mạng để đến độc giả. Tôi đã gửi bài viết ấy đến hai tờ báo giấy nổi tiếng tại Orange County, nhưng cả hai đều im lặng, không một lời giải thích. Họ có khá gì hơn báo “Lề Phải” của cộng sản? Cuộc đấu tranh dân chủ của chúng ta ở hải ngoại còn nhiều cam go lắm! Nhà báo Điếu Cầy đừng hy vọng nhiều vào truyền thông có thể lật đổ bạo quyền cộng sản!

“Sự Thật giải phóng con người” là sức mạnh để lật đổ bạo quyền cộng sản

BẰNG PHONG ĐẶNG VĂN ÂU
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn