BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73312)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bàn về vụ "Mũ Miện"

21 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 1479)
Bàn về vụ "Mũ Miện"
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Đôi lời: Với bất cứ bộ phim nào, người xem từ bình dân cho tới giới hiểu biết, hay người có điều kiện tìm hiểu, thì đều có thể nhận ra cái hay cái dở; thậm chí khi nó quá tệ thì chỉ qua vài bức hình, một tờ quảng cáo thôi cũng đủ thấy phần nào. Phim “Lý Công Uẩn – Đường tới Thành Thăng Long” là một ví dụ điển hình. Nhưng phim này có một nét đặc thù, đó là phim lịch sử, về một thời của ông cha mà nay chúng ta được biết đến rất ít. Vậy là người xem, thậm chí báo giới, có thể dễ bị người nào đó có chút am hiểu riêng về một khía cạnh lịch sử (trong khi có thể lại quá kém về … điện ảnh) chủ tâm đánh lạc hướng bằng cả đống những thứ liên quan tới kiến thức riêng về một vấn đề nào đó thôi, trong khi những khía yếu tố khác rất quan trọng, từ nội dung kịch bản, diễn xuất, khung cảnh chung, … trong cuốn phim còn quan trọng hơn rất nhiều.

Chính vậy, BS không muốn sa vào chuyện quẩn quanh về áo mão, mà chủ blog Đông A – thực tình cũng mù mờ không khác gì tất cả chúng ta về một thời xa xăm, về sự khác biệt giữa các dân tộc quanh ta trong trang phục khi đó – đang say sưa dẫn dắt, qua bộ phim đang gây nhiều phẫn nộ mấy ngày nay. Nên việc đăng bài dưới đây chỉ để giúp độc giả cảnh giác thêm về vài xảo thuật thiếu trong sáng trong tranh luận có liên quan học thuật không góp gì cho nâng cao dân trí, mà thậm chí rất có thể sẽ thêm vào cho những tư tưởng nô dịch như đã thấy trong bộ phim ta đang nói tới.


Nhân lời phát biểu của tôi trên báo Pháp luật TP.HCM *, ông Đông A đã có ý chỉ trích ** rằng lập luận trong lời phát biểu ấy có vấn đề về logic, và cách nói của ông Đông A cũng khiến người đọc nghĩ rằng đó là loại lý luận thiếu tinh thần tự chủ. Tôi xin có mấy lời thưa với ông Đông A như sau:

1/ Về niên đại của sự kiện




Ông Đông A khi trích dẫn lời phát biểu của tôi đã bỏ mất cụm từ “rất khó có khả năng…” ở trước nội dung: “Triều đình Trung Hoa không khi nào chịu cho vua một nước đàn em mặc vương phục và đội mũ y hệt vua của họ, vì với họ, mũ mão của hoàng đế là để thể hiện uy quyền của “thiên tử”. Vua nước ta có muốn sử dụng theo cũng phải chế lại”. Cách trích dẫn này của ông đã biến giả thiết thành nhận định.

Nội dung đầy đủ lời phát biểu của tôi vốn không thể hiện quan điểm riêng, mà chỉ căn cứ vào sử liệu và chỉ giới hạn trong thời điểm lên ngôi của Lê Hoàn và Lý Công Uẩn, tức là năm 980 và năm 1010, là những thời điểm trọng đại để một vì vua thể hiện sự uy nghi nhất. Nếu nói về những vấn đề lịch sử, tôi đặc biệt lưu ý ông Đông A nên coi trọng niên đại của sự kiện. Tài liệu gắn liền với việc chế định mũ mão, phẩm phục là phần “Lễ Nghi chí” trong Lịch triều hiến chương loại chí, đối với đời Lý – Trần trở về trước, Phan Huy Chú đã bó tay, điều này bạn đọc mọi giới đều có thể kiểm chứng qua bản dịch đã lưu hành lâu nay. Kết quả khảo cổ hiện đại có thể bổ khuyết cho sự thiếu thốn của sử sách, nhưng ở ta chưa tìm thấy được hiện vật nào để có thể căn cứ. Khảo cổ Triều Tiên tìm được một chiếc mão hoàng hậu bằng vàng có niên đại khoảng tk V-VI, dựa vào kiểu thức chiếc mão này và những đồ thức [hình vẽ] hoặc lời văn mô tả có hệ thống và thứ bậc trong các loại sách nghi lễ người ta có thể biết được mũ miện của hoàng đế trong khoảng tk V-VI. Đại Việt Sử Ký toàn thư chép: “Năm 1006… Đổi lại quan chế và triều phục cho các quan văn võ và tăng đạo, theo đúng như nhà Tống.” [Bản kỷ, quyển 1, Kỷ nhà Lê]. Thông tin trong câu văn này không cho thấy có sự chế định mũ áo cho Vua. Nhưng hẳn đã có người lầm tưởng rằng câu văn này hàm ý Lê Long Đĩnh quy định mũ áo cho cả triều đình Đại Việt, trong đó có nhà vua.

Tóm lại, tài liệu trong sử Việt không cho biết vua Lê Đại Hành và vua Lý Thái Tổ lúc lên ngôi phục sức ra sao, nghi vệ như thế nào, cho nên việc phục dựng các sự kiện này phải cân nhắc rất kỹ.

2/ Về nguồn gốc của mũ áo




Nếu quan tâm vấn đề này, ông Đông A nên đọc sách Chu Lễ và sách Thượng Thư. Nghi lễ nói chung và mũ áo nói riêng trong các triều đại quân chủ Trung Hoa [trừ Nguyên và Thanh có quy chế về mũ áo riêng theo tập tục Mông, Mãn] đều lấy hai sách này làm gốc, rồi từ đó chế định các kiểu thức riêng mang dấu ấn của từng triều đại, từng đời vua lại có khi chế ra kiểu thức riêng nữa, nên mặc dù có nguyên tắc chung từ hai Kinh [Lễ, Thư] mà chi tiết thì rất nhiều điểm khác biệt. Để tìm biết sự khác biệt của từng triều hoặc từng đời lại phải đọc phần “Lễ chí” trong những bộ chính sử [như Hán Thư,… Tống Sử, Minh Sử] thêm các sách Hội Yếu từ Tây Hán Hội yếu [đến Đông Hán, Tam Quốc, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần, Tùy, Đường, Ngũ Đại] cho đến Tống Hội yếu [Minh, Thanh đổi gọi là Hội Điển]. Nếu vấn đề đang bàn luận thuộc giai đoạn nào trong lịch sử thì chỉ nên dựa vào sách vở của giai đoạn tương ứng. Như trên có dẫn câu trong Đại Việt Sử Ký toàn thư: “Năm 1006… Đổi lại quan chế và triều phục cho các quan văn võ và tăng đạo, theo đúng như nhà Tống.”, trong trường hợp này nhất thiết phải lấy Tống Sử [phần Lễ chí] và Tống Hội yếu [coi phần quy chế của đời Tống Chân Tông] làm cơ sở để xem xét áo mão của các quan văn võ sử dụng trong khoảng thời gian 4 năm, từ lúc Lê Long Đĩnh ban lệnh (1006) đến hết nhà Tiền Lê (1009).

3/ Về sự so sánh với các nước khác




Ông Đông A dẫn 2 bức tranh, một bức vẽ vua Nhật Bản, một bức vẽ vua Triều Tiên [hoặc Cao Ly], và một bức hình diễn viên Hàn Quốc đóng phim cổ trang để minh họa cho nhận định của mình. Tôi xin bỏ qua bức hình diễn viên, chỉ nói về 2 bức tranh.

Căn cứ vào điểm thứ 2 đã nêu trên, đáng lẽ cũng không cần phải bàn về 2 bức hình này, với lý do là không biết nó thuộc về thời điểm nào trong lịch sử. Đáng lẽ ông Đông A phải cho biết bức tranh được vẽ vào năm nào, vẽ vua nào trong lịch sử Nhật Bản và Triều Tiên/ Hàn Quốc, lịch sử tuy dài đằng đẵng nhưng cũng có nhiều lúc chỉ một đêm đã đổi khác, áo mão ngày hôm trước không còn dùng được vào ngày hôm sau. Viện dẫn lịch sử vì vậy cần có năm tháng rõ ràng. Ông Đông A không nên nghĩ rằng phẩm phục của triều Hậu Lê cũng có thể áp dụng cho triều Lý.

Mà giả sử như vua Nhật Bản và vua Triều Tiên được ông Đông A minh họa sống trong khoảng cuối thế kỷ thứ X đầu thế kỷ XI, thì việc so sánh với vua Lê vua Lý về nghi thức mũ áo vẫn có vài điểm phải bàn như sau:

Nhật Bản chủ động cho người sang tìm hiểu văn hóa Trung Hoa từ đời Đông Hán, sau đó tiếp nhận Nho học theo cách của người Nhật. Hai kinh Lễ, Thư được áp dụng, trong chừng mực nào đó, theo cách thức mô tả trong hai kinh, để chế mũ miện là điều bình thường. Cần nói thêm là, ngoài việc chế định kiểu thức và hình dạng 12 loại hoa văn biểu trưng, Chu Lễ Thượng Thư cũng quy định thứ bậc thông qua các hình thức, tức là ở giai tầng nào thì có thứ phục sức cho giai tầng đó [nói chung trong chế độ quân chủ thì là Đế, Vương, Công, Hầu… Sĩ, Thứ dân]. Riêng tước Vương đã có nhiều thứ bậc: Quốc Vương, Thân Vương, Quận Vương…

Điểm khác biệt cơ bản giữa Nhật Bản và Đại Việt đối với Trung Hoa trong giai đoạn đang xét là, Nhật Bản chưa từng nhận tước phong của các vua Trung Hoa. Tống Sử, “Nhật Bản truyện” chép rằng cho đến đời Tống thì Nhật Bản đã trải qua 64 đời Thiên Hoàng, lời văn cho thấy Thiên Hoàng Nhật và Hoàng Đế Tống bằng vai ngang lứa, Nhật Hoàng chế mũ miện theo quy cách dành cho bậc Đế mà đội thì không có gì lạ. (tham khảo quyển 491)
Triều Tiên trong Tống Sử chép là Cao Ly, trong mắt vua quan trí thức nhà Tống [và cả các triều đại trước đó], Cao Ly là nơi Cơ Tử [một người hiền, em vua Trụ] đến lập quốc sau khi nhà Thương bị Chu diệt [thế kỷ XI tr CN], chính cái thuyết về dòng dõi quý tộc của một triều đại chính thống cổ xưa này cho thấy các vua Trung Hoa có sự nể trọng đặc biệt đối với Cao Ly, điểm này cũng là chỗ khác biệt so với Đại Việt có nguồn gốc Viêm Đế xa xôi mô hồ. Tống Sử, “Cao Ly truyện” chép năm 976, Tống Thái Tổ phong vua Cao Ly làm Cao Ly Quốc Vương; năm 982, Tống Thái Tông lại phong cho vua kế vị làm Cao Ly Quốc Vương (quyển 487), theo quy chế trong Chu LễThượng Thư, mũ miện bậc Quốc Vương gần giống mũ miện Hoàng Đế.

Tống Sử, “Giao Chỉ truyện” và Đại Việt Sử ký toàn thư đều chép, năm 993 Tống Thái Tông phong Lê Hoàn làm Giao Chỉ Quận Vương [lưu ý rằng Quận Vương kém Quốc Vương 2 bậc]; năm 998 Tống Chân Tông phong Lê Hoàn làm Nam Bình Vương [có tăng bậc, nhưng Nam Bình là mỹ danh (một dạng hư danh), không oai bằng Vương vị xác nhận địa danh nơi cai quản và vẫn kém Quốc Vương một bậc]. Năm 1001, Tống Chân Tông phong Lê Long Đĩnh làm Giao Chỉ Quận Vương. Tháng 12 năm 1010, Tống Chân Tông phong Lý Công Uẩn làm Giao Chỉ Quận Vương, đến năm 1017 lại phong Lý Công Uẩn làm Nam Bình Vương. (Tống Sử, quyển 488. Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 1)

Như trên cho thấy, trong bối cảnh đang xét (980-1010), vị thế Đại Việt đối với Tống không thể đem so với Nhật Bản và Cao Ly, các vua nước ta mới dựng nền độc lập tự chủ, vẫn còn phải cân nhắc để tạo thế ổn định lâu dài, những tiểu tiết về nghi thức mũ mão chẳng lẽ đáng để tranh hơn thua. Thiết nghĩ, việc tôn trọng lịch sử là cần thiết, nếu sử liệu ghi nhận vào một thời điểm nào đó Đại Việt có chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa thì việc tái hiện và xem đó như một hình ảnh của quá khứ là không có gì phải bàn. Còn trong trường hợp sử liệu không cho thấy có sự ảnh hưởng thì đời sau chỉ nên phục dựng quá khứ dựa trên tinh thần, tình cảm của người hiện đại.

Tóm lại, lời phát biểu của tôi chỉ giới hạn trong khoảng thời gian 980-1010, các đời vua Lý sau này hay đến đời Hậu Lê thì chưa xét tới. Mới đây lại được đọc và xem mấy bức ảnh trong bài “Tước Biện”, thấy ông Đông A bảo rằng mũ Tước Biện của Lê Long Đĩnh mô phỏng theo mũ ở bức tượng Lê Thái Tổ, thời gian trước sau hơn 400 năm, không lẽ chẳng đáng để ông Đông A suy nghĩ sao?

Phạm Hoàng Quân

BS chú thích:

* Phim về vua Lý Công Uẩn: Kiến trúc nguy nga, trang phục lộng lẫy kiểu… Tàu (Pháp luật TPHCM, 15/9/2010)

** Blog Đông A – hiện đã có 5 bài: Mũ phốc đầu, ô sa, triều thiên, xung thiên; Tước biện; Mũ miện; Tư cách viết báo; Trang phục quan lại triều Nguyễn

Theo Blog Anh Ba Sàm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn