BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73326)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tăng quyền thủ tướng: Chướng ngại và vinh quang

02 Tháng Hai 201512:00 SA(Xem: 834)
Tăng quyền thủ tướng: Chướng ngại và vinh quang
52Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.73
Một tuần sau khi Hội Nghị Trung Ương 10 kết thúc với kết quả bỏ phiếu tín nhiệm có vẻ rất thuận lợi cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông lại vấp phải một thách thức không nhỏ trên cung đường cần “thanh toán” nốt những gì còn ngáng trở trước khi Đại Hội 12 của đảng diễn ra vào đầu năm 2016.

“Cần cân nhắc”

Phiên họp đầu tiên của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội trong Tháng Giêng đã tiếp biến kết quả “Đề nghị cân nhắc 4 quyền hạn của thủ tướng chính phủ” - theo cách rút tít nhẹ nhàng nhất mà một số tờ báo trong nước đưa tin, hoặc có báo mô tả bộc trực hơn “không thêm quyền cho thủ tướng.”

Người chủ trì đề nghị “cân nhắc” trên lại là ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật Quốc Hội, một nhân vật được cho là “cánh tay phải” của Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng và đã có ít nhất mối “duyên nợ” với Thủ Tướng Dũng từ phiên họp Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội lần trước.

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật Tổ Chức Chính Phủ (sửa đổi), ông Lý cho biết Ủy Ban Pháp Luật tán thành nhiều nội dung, nhưng “cần cân nhắc 4 quyền hạn của thủ tướng cho phù hợp quy định của Hiến Pháp”:

“Một là, trong thời gian Quốc Hội không họp, trình chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tại khoản 3 Điều 24.

Hai là, giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc Hội phê chuẩn và chủ tịch nước bổ nhiệm tại khoản 5 Điều 24.

Ba là, tạm thời giao quyền chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Khoản 6 Điều 24.

Bốn là, quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân tại Khoản 6 Điều 24. Bởi vì, trường hợp các biện pháp này hạn chế quyền con người, quyền công dân thì phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 14 Hiến Pháp mà không thể quy định chung thẩm quyền này cho thủ tướng chính phủ như quy định của dự thảo luật.”

Nhân sự bộ trưởng và quân đội

Ngay lập tức, báo chí Việt Nam ồn ào theo nhiều cách. Tờ Giáo Dục Việt Nam, khá khởi sắc kể từ vụ “người nông dân nổi dậy” Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng và một số bình luận ẩn ý gần đây, đã làm một bản so sánh thú vị giữa yêu cầu “Cân nhắc không quy định một số thẩm quyền của thủ tướng” của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, với những đề xuất của Bộ Nội Vụ trong “dự luật tăng quyền cho thủ tướng” tại phiên họp Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội vào Tháng Mười Một, 2014.

Từ đó, độc giả chỉ còn phải làm phép toán loại suy.

Chi tiết có thể đáng lưu tâm là vào thời điểm diễn ra phiên họp “cân nhắc” trên, toàn bộ chính giới và một phần không nhỏ xã hội Việt Nam như bị hút vào vòng ma mị ghê gớm của trang Blog Chân Dung Quyền Lực. Không chỉ dự đoán tuyệt đối chính xác hành trình trở về sân bay Đà Nẵng của bệnh nhân kiêm Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương Nguyễn Bá Thanh, Chân Dung Quyền Lực còn chiếm luôn ngôi vị quán quân trong giới blog mượn danh mạng xã hội với bản công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm tại Hội Nghị Trung Ương 10, cụ thể đến từng lá phiếu - một điềm chỉ mang tính thách thức chưa từng có trong lịch sử thăng trầm của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Vì cho tới nay vẫn chưa có bất cứ thông tin nào từ Ban Chấp Hành Trung Ương về kết quả bỏ phiếu tín nhiệm trong đảng - hiện tượng chẳng mấy tương hợp với cam kết của chính Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng về việc “sẽ công khai kết quả,” xã hội Việt Nam chỉ còn biết nhìn vào và dõi theo những gì mà Chân Dung Quyền Lực “báo cáo.” Theo đó và nếu tin tức của trang blog là này là đúng, thứ bậc tín nhiệm của Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ xếp rất khiêm tốn so với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Còn ở phần đối diện, nếu đề nghị “cân nhắc” trong báo cáo thẩm tra dự án luật của ông Phan Trung Lý được Quốc Hội, hoặc chính xác hơn là Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, tán thành, vai trò của thủ tướng dù đang được nâng cao về hình ảnh nhưng vẫn sẽ không được cải thiện bao nhiêu về quyền năng “dàn xếp nhân sự,” đặc biệt là nhân sự dàn bộ trưởng và các phó thủ tướng. Những gì mà thủ tướng có thể “quyết” vẫn chỉ là dàn cấp phó các bộ và cơ quan ngang bộ. Mà như vậy thì thật chẳng mấy có ý nghĩa nếu muốn làm những việc to tát hơn.

Mặt khác, thủ tướng cũng không được quyền “nắm” hoặc chỉ đạo trực tiếp Bộ Quốc Phòng liên quan đến những nhiệm vụ đặc biệt của quốc gia, đặc biệt là “tình trạng khẩn cấp.”

Cần nhắc lại, trong phiên họp Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội vào Tháng Mười Một năm ngoái, cũng là thời điểm mà số phận Thủ Tướng Dũng còn chưa rõ ra sao trước cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai tại Quốc Hội, Chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng An Ninh Quốc Hội - ông Nguyễn Kim Khoa - là người đầu tiên dẫn ra Điều 17 trong dự thảo Luật Tổ Chức Chính Phủ (sửa đổi) quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của chính phủ trong quản lý về quốc phòng và cho rằng phải thận trọng với quy định này, vì Hiến Pháp không nói chính phủ xây dựng quân đội nhân dân.

“Cơ chế quản lý lực lượng vũ trang xác định rất rõ đảng lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt, chính phủ chỉ thống nhất quản lý nhà nước về mặt này thôi, cụ thể là gì thì sẽ nói trong quy định, chứ nếu chính phủ làm tất cả thì không đúng với tinh thần của Hiến Pháp” - chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng An Ninh Quốc Hội tỏ ra rất “kiên định” trước dự thảo “tăng quyền cho thủ tướng.”

Nội dung “tranh tụng” trên là rất đáng lưu tâm. Theo Hiến Pháp, “thống lĩnh quân đội” vẫn là quyền của chủ tịch nước - tức ông Trương Tấn Sang. “Gia đình” sẽ ra sao nếu cả ông Sang và thủ tướng đương nhiệm cùng có quyền hành chỉ đạo quân đội? Khi đó, quyền lực sẽ theo thế “song kiếm hợp bích” hay thực chất rơi vào tay ai?

Vinh quang cuối cùng

Có một mẩu chuyện đáng nhớ chứ không đáng quên: Tại phiên họp Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội đầu năm 2015, khi Bộ Trưởng Nội Vụ Nguyễn Thái Bình đề nghị cân nhắc giữ các thẩm quyền được đề xuất của thủ tướng chính phủ vì trong thực tế một số địa phương làm quy trình thủ tục chậm, rất ảnh hưởng đến công việc điều hành, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn nhá: “Cái gì Hiến Pháp giao thì thể hiện rõ để thi hành, cái gì Hiến Pháp không giao thì không ghi. Cấp trưởng có chuyện thì cử một cấp phó tạm quyền. Ví dụ bộ trưởng đi thì điều động thứ trưởng thay bộ trưởng, thủ tướng đi vắng có một phó thủ tướng thay quyền giải quyết công việc. Giờ thêm thủ tướng chính phủ ‘giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng’ thì ai đề nghị?”

Lại nhớ tại phiên họp gần nhất của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, Phó Chủ Tịch Quốc Hội Tòng Thị Phóng đã trở thành nhân vật đầu tiên khai phóng cho cả nền chính trị tranh tối tranh sáng ở Việt Nam với câu hỏi đặc sắc chưa từng có: “Thủ tướng độc lập với ai?”

Bà Phóng còn truy vấn: “Tờ trình nêu rằng xây dựng thiết chế thủ tướng độc lập. Vậy thủ tướng độc lập với ai? Độc lập với chính phủ hay độc lập tương đối trong mối quan hệ với chức trách của thủ tướng?”

Ngay trước ý kiến bà Phóng, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng nói trỏng như một hàm ý nửa kín nửa hở: “Có thẩm quyền thì bao giờ cũng đi với nó là trách nhiệm, quyền thì nói nhưng trách nhiệm thì không hỏi.”

Tuy vậy, mọi chuyện vẫn chưa đến mức vượt quá tâm lý kềm chế. Cho dù sự hiện hình của trang Chân Dung Quyền Lực đã tạo ra bước ngoặt tranh đấu nội bộ từ kín đáo sang bán công khai, chính trường vẫn chưa thoát khỏi thể nhũ tương. “Ai nắm nhân sự sẽ quyết định tất cả” - mọi chính khách Việt có máu mặt đều nằm lòng định đề này.

Chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên nếu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng không thể quá suôn sẻ trên con đường giành lấy vinh quang cuối cùng trong sự nghiệp chính trị của ông, cho dù trước đó ông đã hai lần thoát hiểm trong thế cờ chủ động.

Chưa thể biết Thủ Tướng Dũng sẽ muốn làm gì và làm thế nào để vượt qua những rào cản cuối cùng, trong đó có chướng ngại đủ lớn về quyền quản lý và điều động nhân sự chủ chốt.

Vào cuối Tháng Giêng, Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Tô Huy Rứa - người được tiếng “thân” với Tổng Bí Thư Trọng - bất ngờ thông báo đã quyết định danh sách 290 ủy viên trung ương cho Đại Hội 12 vào năm 2016, tức tăng đến 90 ủy viên so với con số 200 hiện thời. Dấu hiệu này tiết lộ tình cảnh “xếp thêm ghế” trong bối cảnh thế trận vẫn tiếp tục giằng co và các bên đều muốn “nhân điển hình tiên tiến” phe mình.

Tất cả còn chờ ở phía trước. Chỉ là thời gian đang thật gấp gáp...

Phạm Chí Dũng

Nguồn Người Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn