Có lẽ tình-hình Việt-nam trong những ngày gần đây đang đi đến một nút kết nào đó, buộc chính-sách ở quê nhà phải chuyển hướng nếu không muốn đi vào ngõ cụt, vào chỗ chết. Không chỉ nguy ngập mà lần này chết có thể là chết cả nút chứ không phải chỉ là chuyện ảnh-hưởng đến một nhóm người mà thôi, tóm lại không phải là chuyện giỡn.
Có lẽ cũng vì thế mà ta thấy như nở rộ một số sách mà tác-giả gom lại từ các bài viết, các tiểu-luận mình viết đó đây, nhằm đáp ứng những nhu-cầu bình-luận thời-sự nóng bỏng, phản ảnh một tấm lòng thiết tha, sôi nổi với quê hương, đất nước và dân-tộc. Chẳng thế mà Trần Trung Đạo vừa tung ra tập Chính Luận của anh thì nhà xuất bản Tiếng Quê Hương của anh Uyên Thao cũng gần như cùng lúc tung ra thị-trường cuốn Chính Luận 2013 của Phạm Chí Dũng ở quê nhà. Mà đến cuốn này cũng ra liền ngay sau cuốn Những sự thật cần biết của Đặng Chí Hùng, người vừa được thoát sang Canada từ những nanh vuốt của công-an VNCS thò tay sang đến tận cả Thái-lan để nhờ Interpol giữ anh lại và trục-xuất anh về VN. Tất cả đều là những tập tiểu-luận để giúp chúng ta nhìn lại, điều chỉnh hướng đi trước khi phóng tới… trong một tương-lai còn nhiều bất trắc.
Một quyển sách với nhiều cách nhìn mới
Thường đọc một tập tiểu-luận, độc-giả có quyền nhảy từ chương này sang chương khác, không nhất thiết đọc một mạch từ đầu đến cuối. Vậy mà chính tôi đã làm việc ngược đời là đọc tập tiểu-luận của Trần Trung Đạo từ trang đầu đến trang cuối, không bỏ sót một trang nào. Đủ tỏ là cuốn sách được sắp xếp khá khéo, thành một cái gì lô-gích nó dẫn ta từ vấn-đề lớn này sang đề-mục lớn kia, mở mang trí-thức cho ta bằng nhiều điều mới lạ, và ngay cả khi đề-tài là một đề-tài quen thuộc như về VN (Mậu Thân ở Huế, Cải cách ruộng đất hay kinh-nghiệm đi tù Cộng-sản), tác-giả cũng đưa ra được những lập-luận hay nhận-định thật mới mẻ làm cho ta giật mình hay thống khoái. Đúng như Jean Cocteau kể chuyện khi anh còn trẻ, có lần nhà biên-đạo vũ người Nga, Diaghilev, đã nói với anh: “Etonne-moi!” (“Anh hãy làm cho tôi ngỡ ngàng đi!”)
Cuốn sách của Trần Trung Đạo, cũng như cuốn Đèn Cù của Trần Đĩnh mới ra gần đây, đúng là có cái hỉệu-ứng đó! Gần như trang nào ở trong hai cuốn sách của Trần Trung Đạo và Trần Đĩnh, dù tuổi tác hai người khá xa nhau, nhưng đều làm cho ta ngạc-nhiên, thích thú, không ít lần ta tự thấy gật gù với tác-giả, để công-nhận sự sâu sắc ở trong anh.
Đọc Trần Trung Đạo làm tôi nhớ đến ngày tôi mới ra trường với bằng Cử-nhân Chính-trị-học ở Princeton, một trường nổi tiếng về ngành này. Là một người trẻ mới hơn 20, tôi tự nhủ khi sang Đại-học-viện ở Columbia: Là một người Việt-nam ở phương Đông, tôi biết khá nhiều về nước Pháp, văn-học Pháp, rồi văn-minh văn-hóa của Mỹ và Anh, thậm chí đến cả thơ tiếng Đức tôi cũng thuộc một số. Nhưng rồi tôi tự hỏi tôi có mất gốc không khi tôi biết nhiều về Âu-châu hơn những nước láng giềng của VN như Trung-quốc cận-hiện-đại hay Nhật-bản, Cao-ly, nói gì đến những nước nhỏ hơn dù rất gần ta như Miên, Lào, Thái… Do đó mà sang trường đại-học Columbia, tôi đã phải đi tìm về nguồn bằng cách học tiếng rồi lịch-sử, văn-học Trung-hoa để dần dần lan sang văn-học Nhật, tiếng Cao-ly v.v.
Khác hẳn tôi, trẻ hơn tôi, Trần Trung Đạo đã nhìn được ra ngay là một sự hiểu biết về Trung-quốc là then chốt đối với một người VN hôm nay mà muốn quan-tâm đến vận-mệnh đất nước. Do vậy mà gần một nửa cuốn sách là viết về Trung-Cộng, so sánh nó với chế-độ Phát-xít của Hitler, tương-phản nó với nước Mỹ, đào sâu những âm-mưu của Bắc-kinh với những nơi xa xôi như Phi-châu, Congo, thậm chí cả cái nguy-cơ của chủ-nghĩa sô-vanh Đại-Hán móc nối với dân-tộc chủ-nghĩa cuồng tín của Sam Rainsy ở Campuchia để bao vây hay cầm chân VN. Và mỗi trang, anh không khỏi làm ta giật mình vì cái hiểu biết rộng lớn của anh, nhất là cái nhìn thật xa, thật sâu, nhìn phía sau hiện-tượng như quan-niệm “sức mạnh mềm” (“soft power”) do cả Hồ Cẩm Đào lẫn Obama đem ra áp-dụng trong một khung-cảnh quốc-tế mới.
Tôi không rõ anh Trần Trung Đạo học chính-trị-học hay quan-hệ quốc-tế hồi nào nhưng phải công-nhận là anh có một đầu óc phân-tích rất chi ly và anh biết dùng những nguồn đáng tin cậy để rút tỉa ra được những nhận xét và kết-luận có giá trị. Người Mỹ có câu để khen tặng người giỏi mà không làm cho ta khó chịu, đó là câu: “He carries his scholarship lightly,” có nghĩa là “anh ta uyên bác nhưng lại bình dị.” Và tôi cho câu này áp-dụng vào Trần Trung Đạo có lẽ không sai!
Tôi là người được cho là đã đi nhiều, ấy vậy mà so với anh, có lẽ tôi chỉ là người mới bén gót được một phần anh thôi. Tỷ như tôi vẫn mê đi Ấn-độ nên đọc khá nhiều sách về đủ mọi phương-diện của xứ huyền diệu này song cho tới nay, tôi vẫn chưa đặt chân được đến xứ này. Song anh, vì công việc, đã có dịp đi nhiều nơi ở Ấn-độ, đặc-biệt là Bangalore, nơi được coi như một Silicon Valley của xứ này.
Thành thử đọc Trần Trung Đạo là ta đi từ khám phá này sang khám phá khác. Và vì tính-cách lương-thiện của anh, tính-cách mà Võ Phiến ở Bình-định nói là “thàng,” tính-cách không lên gân của anh nên ta dễ đem lòng tin anh. Bởi ta thấy anh không có lý-do gì lừa lọc ta, trái lại anh lúc nào cũng muốn như chia xẻ với ta những điều hay điều lạ anh học được, không chỉ ở những nước lớn mà còn ở cả một nước nhỏ như Sierra Leone, nhỏ nhưng mà lại tiến-bộ, lại dân-chủ hơn nước đã từng tự-hào là “đỉnh cao trí tuệ loài người.”
Rồi thử đọc hai chương anh viết về ông Nelson Mandela của Nam-Phi. Thật là một gương tranh đấu phi thường, ông Mandela không chỉ thắng được lên trên sự khác biệt màu da, thắng được lên tất cả những tội ác mà người da trắng đã dành cho cá-nhân ông và đồng-loại da đen của ông, ông thắng vượt được cả ông để đổi cách đấu tranh từ đấu tranh vũ-lực sang đấu tranh bất bạo động, bắt tay cả với kẻ thù để không còn đổ máu nữa và đem lại sự hòa hợp hòa giải đích-thực cho nước ông, cho dân-tộc ông. Tóm lại, biết bao nhiêu điều để cho chúng ta có thể học hỏi. Thử hỏi, có bao nhiêu người Việt chân-thành nghĩ rằng ta có thể học hỏi được gì từ một người da đen Phi-châu, dù như tổ tiên của loài người, tức là của cả chúng ta, gần như chắc chắn là đã xuất phát từ Đông Phi.
Một niềm tin sắt đá vào tuổi trẻ và tương-lai dân-tộc
Cái làm cho Trần Trung Đạo đáng yêu là không bao giờ anh mất niềm tin đối với tuổi trẻ VN và tương-lai dân-tộc, tiền-đồ VN. Hơi giống anh Ngô Nhân Dụng trong sách Đứng vững ngàn năm, đối với cả hai anh thì dù như hiện-tại xem ra đen tối cả hai anh đều vững một niềm tin vào tuổi trẻ và vào truyền-thống dân-tộc, như dòng nước chảy trong máu của ta.
Đọc Trần Trung Đạo là ta thấy niềm tin đặt vào tuổi trẻ, một sự vững lòng là không có khó khăn nào mà không thể vượt qua, không trở ngại nào mà ta không thể đạp đổ. Tại sao? Tại vì chính anh là một gương mặt trẻ, chắc bẩm là tương-lai thuộc về lớp các anh, nói như người Pháp, dù rằng “tuổi già có khôn ngoan, có biết” thật đó song vẫn không bằng tuổi trẻ còn dư sức lực, với những kỹ-năng cập nhật, chuyên-hóa, với những bộ óc còn tươi mát, với những mạng xã-hội đan kết lại thành một khối không thể đập tan được. Với những người hướng dẫn sáng suốt như Trần Trung Đạo thì ta có thể nói: “Tuổi trẻ VN, hãy bình tâm tiến bước!”
Nguyễn Ngọc Bích
Viết xong tại Đồng Xuân, Bang Trinh Nữ, Hoa Kỳ Quốc
Đêm Trung-thu 16 Giáp Ngọ
(Ngày trùng cửu trong Tây-lịch 2014)
Gửi ý kiến của bạn