BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73235)
(Xem: 62214)
(Xem: 39393)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một cái nhìn khác về vụ giàn khoan HD-981

10 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 1228)
Một cái nhìn khác về vụ giàn khoan HD-981
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Việc chính quyền Trung Quốc đem giàn khoan khổng lồ HD-981 đặt vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam hơn 80 hải lý là một hành động mang tính xâm lược thật sự. Dư luận Việt Nam nổi sóng trong suốt một tháng qua. Đã có rất nhiều ý kiến phân tích về sự kiện này và tất cả ý kiến đưa ra đều đúng: Trung Quốc quyết tâm chiếm trọn Biển Đông với đường ranh giới “lưỡi bò” mà họ tự nghĩ ra. Đồng thời Trung Quốc muốn chuyển các áp lực từ trong nội bộ ra bên ngoài, đó là sự suy giảm kinh tế và nạn khủng bố của sắc dân Tân Cương cũng như sự chia rẽ trong nội bộ đảng sau các vụ thanh trừng hai ủy viên Bộ chính trị là Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang…

Sự việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam cũng là một chủ đề chính trong các cuộc trao đổi của nội bộ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Ngoài các ý kiến đồng thuận với các ý kiến đã nêu trên thì có một ý kiến rất khác và rất mới về vụ việc này mà chúng tôi muốn chia sẻ cùng dư luận Việt Nam trong và ngoài nước. Có một thắc mắc rất lớn trong vụ này là: Tại sao chính quyền Trung Quốc lại tấn công xâm lược Việt Nam dù rằng chính quyền Việt Nam đã nhịn nhục Trung Quốc hết mức? Và tại sao chính quyền Việt Nam đã phản ứng khá gay gắt trong vụ này?


Có lẽ không ai hiểu chính quyền cộng sản Việt Nam bằng…Trung Quốc. Đây là lý do mà một chí hữu trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã phân tích rằng, sở dĩ Trung Quốc hành động mạnh tay và ngang ngược như vậy vì Trung Quốc biết rõ rằng chính quyền Việt Nam rất… yếu và hèn. Việt Nam yếu thì chúng ta ai cũng rõ rồi. Không những yếu mà chính quyền Việt Nam còn rất hèn, vì vậy dư luận Việt Nam mới có câu “hèn với giặc, ác với dân”. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một quan hệ còn tệ hại hơn cả quan hệ chủ-tớ, đó là một thứ quan hệ “đạo tặc”. Trung Quốc không coi Việt Nam ra gì. Trung Quốc khinh thường Việt Nam ra mặt, trong các cuộc gặp gỡ Trung Quốc luôn ra lệnh cho Việt Nam phải làm thế này, thế kia. Họ không thèm nghe Việt Nam trình bày hay phân bua này nọ, đến nỗi bà cựu phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã từng kêu lên rằng “Trung Quốc là anh hàng xóm quá khó chịu, nếu dời được nhà (Việt Nam) đi chỗ khác thì cũng dời rồi”.

Tất nhiên chính quyền Trung Quốc quá hiểu đảng cộng sản Việt Nam. Chính quyền Trung Quốc cũng biết rằng chính quyền Việt Nam không ưa gì Trung Quốc nhưng cứ phải bám vào Trung Quốc để tồn tại. Trung Quốc biết là Việt Nam sợ Trung Quốc nhưng họ còn sợ dân chủ hơn cả sợ Trung Quốc. Chơi với Trung Quốc họ mất nhiều thứ nhưng vẫn giữ được quyền lãnh đạo đất nước, nhưng nếu chơi với dân chủ thì họ sẽ mất đảng ngay lập tức. Cũng chính vì lý do này nên Trung Quốc tha hồ hành hạ và sỉ nhục chính quyền Việt Nam.

Việc đem giàn khoan HD-981 đặt sâu vào trong lãnh thổ Việt Nam cũng là một hành động cố ý với suy nghĩ như vậy. Trung Quốc biết rõ là trước sau gì chính quyền Việt Nam cũng phải xuống nước và cầu hòa với Trung Quốc để bảo vệ thể chế chính trị của mình.

Đến đây, một câu hỏi quan trọng khác được đặt ra: Vì sao chính quyền Việt Nam lại có những phản ứng gay gắt như vậy trước hành động xâm lược của Trung Quốc? Tại sao Việt Nam không im lặng, ngậm miệng ăn tiền như bao lần khác? Có lẽ chúng ta đều biết Trung Quốc là một nhà nước thực dân kiểu mới, họ rất dã man và tàn bạo, thậm chí còn hơn cả những nhà nước thực dân cũ cách đây gần trăm năm. Hai dân tộc bị sát nhập vào đế quốc Trung Hoa bằng bạo lực cách đây hơn 60 năm là Tây Tạng và Tân Cương đã phải chịu cảnh bóc lột và phân biệt thậm tệ của chính quyền Trung Quốc. Ở Tây Tạng đến nay đã có hơn 120 người tự thiêu đòi độc lập. Dân đạo Hồi ở Tân Cương đã phản ứng mạnh mẽ bằng các hành động khủng bố nhắm vào Trung Quốc. Việc chính quyền quân sự tại Mianmar (Miến Điện) quyết tâm “thoát Trung” và xích gần lại với thế giới tự do cũng là vì không chịu nổi sự khống chế và bóc lột dã man của chính quyền Bắc Kinh chứ không hoàn toàn vì áp lực của bà Aung San Sui Kyi.

Chính quyền Việt Nam đã lên tiếng trong vụ này vì họ không còn có thể chịu nổi sự ức hiếp quá đáng từ phía Trung Quốc. Họ muốn nói rằng nếu Trung Quốc quá đáng thì Việt Nam sẽ chống trả. Tuy nhiên Trung Quốc đã biết “thóp” Việt Nam từ lâu nên họ vẫn tiếp tục làm tới. Trung Quốc biết rõ Việt Nam không dám dân chủ hóa đất nước để đối đầu với Trung Quốc, trước sau gì thì Việt Nam cũng sẽ xuống nước và chấp nhận nhường nhịn lãnh thổ để đổi lấy bình yên. Việc Việt Nam cho đến giờ vẫn không dám đưa việc này ra trước các tòa án quốc tế là một bằng chứng rõ ràng và giả sử bắt buộc phải làm việc đó thì chính quyền Việt Nam cũng sẽ làm cho có lệ chứ không thực sự muốn làm đến nơi đến chốn.

Những hành động hung hăng của Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn nhằm mục đích buộc chính quyền Việt Nam phải khuất phục hoàn toàn. Trung Quốc sẽ không đem quân sang xâm lược Việt Nam một cách trắng trợn như hồi năm 1979. Trung Quốc sẽ giúp chính quyền Việt Nam đủ mạnh để đàn áp người dân Việt nhưng không đủ mạnh để thoát khỏi sự kìm kẹp của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ biến Việt Nam thành một chư hầu của họ và Trung Quốc sẽ khai thác tối đa Việt Nam mà không cần phải có một trách nhiệm nào đối với người dân Việt Nam, dự án khai thác Bô-xít Tây Nguyên là một ví dụ.

Thật ra chính quyền Việt nam cũng biết rất rõ hiểm họa của Trung Quốc nhưng vì lòng tham và sự tham quyền cố vị nên họ chấp nhận làm tay sai cho Trung Quốc. Một bộ phận trong đảng muốn xích lại gần Hoa Kỳ để đối phó với Trung Quốc. Dù Mỹ rất muốn giúp Việt Nam để kiềm chế Trung Quốc và duy trì ảnh hưởng của Mỹ tại Thái Bình Dương nhưng Mỹ không thể có một đồng minh là độc tài, nhất là độc tài cộng sản.

Hiểm họa Trung Quốc là một hiểm họa lớn và ngày càng trầm trọng. Giải pháp duy nhất cho Việt Nam là phải: Dân chủ hóa đất nước. Tuy nhiên có hai trở ngại lớn cho công cuộc dân chủ hóa Việt Nam:

1) Sự tham quyền cố vị và thái độ vô trách nhiệm của ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam đối với đất nước.

2) Sự yếu kém của trí thức Việt Nam nói chung và của các lực lượng dân chủ đối lập nói riêng.

Một số người vẫn chưa hiểu được rằng muốn Việt Nam có dân chủ thì phải có các tổ chức chính trị dân chủ xuất hiện và tham gia vào các hoạt động trên chính trường. Muốn có được các tổ chức chính trị dân chủ đó thì trí thức Việt Nam phải dấn thân, tham gia, ủng hộ và góp phần xây dựng các tổ chức chính trị đó thay vì ngồi đợi và van xin chính quyền. Không có đối lập dân chủ thì muôn đời Việt Nam sẽ không có dân chủ dù chính quyền Việt Nam có tồi tệ đến thế nào đi chăng nữa. Không có đối lập dân chủ làm đối trọng và gây sức ép thì đảng cộng sản Việt Nam có muốn thay đổi cũng không thể nào thay đổi được.

Làm thế nào để khắc phục được những nhược điểm trên?

-Trước hết, những người Việt Nam yêu nước cần phải ý thức được sự trầm trọng của hiểm họa này. Cần chia sẻ và phổ biến sự trầm trọng này đến với mọi người dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước, trong đảng cũng như ngoài đảng. Ý thức về sự trầm trọng này càng rộng rãi thì càng tạo được sự thông cảm và đoàn kết.

-Thứ hai, trước một vấn đề lớn, với hai trở ngại lớn như trên chúng ta khó có thể có những giải pháp dễ dàng và nhanh chóng. Việc cố tìm những giải pháp nhanh chóng chỉ là một việc làm phung phí thời gian và nhân lực. Một câu hỏi cần được đặt ra là tại sao sau gần 40 năm (sau năm 1975) người Việt Nam trong cũng như ngoài nước vẫn chưa xây dựng được cho mình một tổ chức đối lập dân chủ hùng mạnh và có tầm vóc? Trí thức Việt Nam và những người đang dấn thân cho một nước Việt nam dân chủ phải nhìn lại mình. Nên dành thời gian để suy nghĩ thấu đáo trước khi hành động.

-Thứ ba, nếu ý thức về sự trầm trọng của hiểm họa Trung Quốc được nhiều người (trong và ngoài đảng) chia sẻ thì đây sẽ là một áp lực lớn lên chính quyền Việt Nam. Họ sẽ ý thức được và chúng ta, qua các bài viết rõ ràng và trung thực sẽ giúp họ hiểu được rằng, trên thế giới từ trước đến nay, không có một người nào gây đại họa cho dân tộc mà không phải trả giá tương đương với hậu quả mà họ gây ra. Họ (có thể) không vì dân tộc Việt Nam mà vì chính tương lại của họ, gia đình họ, sẽ phải tìm một lối thoát: Chuyển hóa về dân chủ trong tinh thần Hòa Giải và Hòa Hợp dân tộc và Bất bạo động.

Cuộc chuyển hóa về dân chủ có thể tiến theo từng bước, bắt đầu bằng việc nới rộng về dân chủ, tôn trọng nhân quyền, chấp nhận để xã hội dân sự phát triển và chấp nhận các tổ chức chính trị dân chủ đối lập, thiết lập quan hệ tốt với Hoa Kỳ…Chúng ta cần phải nhận diện sự thành công của cuộc chuyển hóa này không chỉ tùy thuộc vào chính quyền Việt Nam mà chủ yếu là tùy thuộc vào đối lập dân chủ.

Một câu hỏi quan trọng đặt ra cho đối lập dân chủ là: Họ có đủ khả năng, có đủ cán bộ và có đủ quyết tâm để đảm bảo cho một cuộc chuyển hóa trong hòa bình hay không? Đây là cả một vấn đề lớn và quan trọng. Nếu đối lập Việt Nam không có tổ chức và một đội ngũ đủ mạnh để đảm bảo một cuộc chuyển hóa trong hòa bình thì chính quyền Việt Nam chưa chắc sẽ chấp nhận những điều kiện của Mỹ về các vấn đề như dân chủ, nhân quyền …để làm đồng minh với Mỹ.

Chỉ khi Việt Nam có dân chủ và thiết lập được quan hệ đồng minh với Mỹ thì khi đó hiểm họa Trung Quốc mới có thể giải quyết.

Việt Hoàng

Nguồn Thông Luận

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn