BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72828)
(Xem: 62104)
(Xem: 39204)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Gabriel García Márquez (1927-2014): nhà văn vĩ đại hay “con điếm hạng sang”?

28 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 1245)
Gabriel García Márquez (1927-2014): nhà văn vĩ đại hay “con điếm hạng sang”?
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tối Chủ Nhật 27.4.2014 [Sydney], trong câu chuyện “Gabriel García Márquez - hào quang và bóng tối”, tôi đã có phát biểu một số ý kiến về giá trị văn chương của Gabriel García Márquez cũng như về những điều sai lầm của ông trong thái độ chính trị. Tuy nhiên, vì thời lượng phát thanh có giới hạn nên còn một số điều tôi chưa nói hết ý. Tôi hy vọng có thể diễn tả ý kiến của mình đầy đủ hơn trong bài viết này.



Trong suốt hơn một tuần qua, báo chí khắp nơi trên thế giới rầm rộ đưa tin về sự qua đời của Gabriel García Márquez, nhà văn gốc Colombia, người đã đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1982 và được xem như là một trong những nhà văn lớn nhất trên thế giới trong thế kỷ 20. Song song với vô số bài báo tuyên dương thành quả vĩ đại của ông trong văn chương, cũng có rất nhiều bài báo phê phán thái độ chính trị của ông trong việc ông ủng hộ chế độ Cộng Sản độc tài của Fidel Castro ở Cuba.

Thành quả vĩ đại của Gabriel García Márquez trong văn chương là điều không thể chối cãi. Trong bài “Nghĩ thoáng khi nghe Gabriel García Márquez qua đời”, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc có nhận xét rằng:

“... Ảnh hưởng của Márquez lớn và cụ thể đến độ người ta có thể thấy được, cân đo đong đếm được. Ông đã biến Colombia, quê hương của ông, thành một xứ sở văn học thay vì chỉ là nơi nổi tiếng về việc trồng và buôn bán thuốc phiện. Ông đã thần thoại hóa nguyên cả một lục địa (Nam Mỹ) và qua đó, làm cho cả vùng đất ấy bỗng dưng có một linh hồn để từ các lục địa khác, các nền văn hóa khác, người ta có thể hình dung được con người châu Mỹ La Tinh thực sự như thế nào. Ông đã làm cho tiếng Tây Ban Nha trở thành một thứ ngôn ngữ văn học ở phạm vi toàn thế giới, một vai trò mà, theo nhiều nhà phê bình, chỉ có Miguel de Cervantes (1547-1616), với tác phẩm Don Quixote là có thể so sánh được.

Márquez không phải là người phát minh ra phương pháp sáng tác hiện thực thần kỳ (magical realism). Công lao ấy thuộc về nhà văn Argentina Jorge Luis Borges, nhà văn Cuba Alejo Carpentier và nhà văn Mễ Tây Cơ Juan Rulfo, nhưng không ai có thể phủ nhận được, chính Márquez, với cuốn Trăm năm cô đơn, câu chuyện viết về bốn thế hệ nhà Buendia, chứ không phải bất cứ ai khác, đã biến chủ nghĩa hiện thực thần kỳ trở thành một phương pháp sáng tác đặc sắc, một dấu ngoặc trong lịch sử văn học thế giới và một nguồn cảm hứng cho vô số các cây bút thuộc nhiều văn hóa và nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó, có lẽ có cả Việt Nam. Riêng tại Úc, nhân ngày ông qua đời, nhiều nhà phê bình và học giả đồng thanh nhấn mạnh: Nếu không có Márquez, có lẽ diện mạo văn học Úc trong suốt mấy chục năm vừa qua sẽ khác hẳn. Nhiều nhà văn tài hoa của Úc thừa nhận: Cách viết của họ thay đổi hẳn sau khi đọc Márquez.

Nhưng ảnh hưởng của Márquez còn lớn hơn tất cả những điểm vừa nêu. Ông không những thay đổi cách viết của nhiều người; ông còn thay đổi cả cách đọc của quần chúng, hơn nữa, qua đó, thay đổi cách nhìn về hiện thực của mọi người: Người ta bỗng phát hiện đằng sau những sự kiện ngỡ như rất hợp lý, được nối kết với nhau bằng một thứ quan hệ nhân quả bỗng xuất hiện vô số những làn sương mù mịt với những hình ảnh thấp thoáng: Cái gọi là hiện thực bỗng trở thành huyền ảo hẳn và ngược lại, những cái vốn được xem là huyền ảo lại trở thành như thực.”

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc nhận xét thật chí lý. Văn chương của García Márquez hiển nhiên có ảnh hưởng rất lớn đến bút pháp của rất nhiều nhà văn trên thế giới, từ châu Mỹ La-tinh đến Bắc Mỹ, đến châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Úc. Khi nói đến ảnh hưởng của García Márquez, người ta lập tức nghĩ đến những tên tuổi lớn đã chịu ảnh hưởng của García Márquez như Isabel Allende của Chile, Salman Rushdie của Ấn-độ, Toni Morrison của Hoa-kỳ, Ben Okri của Nigeria (Châu Phi), v.v... Ảnh hưởng của García Márquez lại càng lớn đối với văn chương của châu Úc đương đại. Peter Carey, một trong những nhà văn đương đại lớn nhất của Úc, đã thú nhận rằng chính cuốn tiểu thuyết Cien años de soledad (Trăm Năm Cô Đơn) của García Márquez đã làm thay đổi bút pháp của ông. Ông nói nhờ may mắn được đọc cuốn tiểu thuyết đó hồi đầu những năm 70, mà ông đã tìm ra một con đường mới để thoát khỏi cái chủ nghĩa hiện thực màu nâu xám xịt (the dun-coloured realism) như Patrick White đã mô tả văn chương Úc thuở ấy.

Một nhà văn nổi tiếng khác của Úc là Richard Flanagan ở Tasmania còn nhấn mạnh rằng “Nếu không có ảnh hưởng từ những cuốn sách của García Márquez, thì thật khó mà hình dung văn chương Úc có được diện mạo như hôm nay. Bạn không thể có những tác phẩm lớn của Peter Carey, bạn không thể có cuốn Cloudstreet của Tim Wilton, bạn không thể có rất nhiều nhà văn khác. Thật khó mà tưởng tượng bất cứ cuốn sách nào trong số đó có thể thành hình mà không nhờ cuộc cách mạng văn chương do García Márquez dấy lên trong tiểu thuyết.”

Riêng về kinh nghiệm của cá nhân tôi thì lần đầu tiên tôi đọc cuốn tiểu thuyết Trăm Năm Cô Đơn của García Márquez, cách đây đã mấy mươi năm, ấn tượng mạnh mẽ khiến tôi bị ám ảnh là sự trộn lẫn và xoá nhoà giữa những sự kiện hiện thực và những sự kiện phản hiện thực. Trong cuộc sống hiện thực của ngôi làng Macondo (một ngôi làng hư cấu trong cuốn tiểu thuyết) có những hình ảnh hoàn toàn phản hiện thực nhưng được dân chúng xem như hoàn toàn hiện thực, chẳng hạn: Mauricio Babilonia đi đâu, từng bầy bướm bay theo đến đó; Aureliano có một cái đuôi heo; nàng Xinh Đẹp Remedios bay lên trời; một vết máu chạy trên đường phố rồi chui vào nhà dòng họ Buendía; và còn nhiều nữa... Những hình ảnh phản hiện thực này được mô tả một cách rành mạch và thản nhiên đến độ chúng trở nên ‘thực’ hơn mọi hình ảnh có thực. Chúng ta không thể quên chúng, vì qua đó, chúng ta thoáng thấy những bí mật kỳ dị nằm ngay trong bản chất của cuộc sống - những bí mật không thể tìm thấy trong văn chương hiện thực.

Ngược lại, ở ngôi làng Macondo đó, có rất nhiều điều hoàn toàn hiện thực nhưng dân chúng lại xem chúng như những điều thần kỳ, phản hiện thực, chẳng hạn: nước đá. Ngay khi vừa đọc câu văn đầu tiên của cuốn tiểu thuyết (“Nhiều năm sau, khi đang đối diện với đội hành quyết, Đại Tá Aureliano Buendía nhớ lại buổi chiều xa xôi ấy khi cha của ông dắt ông đi xem nước đá”), người đọc có thể đã thấy ngay chi tiết thú vị này: khi đang phải đối diện với cái chết thì Aureliano Buendía vẫn thấy bình thường, nhưng chính trong giây phút đó ông lại hồi tưởng về một kinh nghiệm mà ông cảm thấy như một điều thần kỳ: nước đá. Ngoài nước đá, thì nam châm, xe lửa, điện ảnh, điện thoại... cũng được xem như những điều thần kỳ. Dân ở Macondo không thể hiểu nổi vì sao một nhân vật đã chết và được đem chôn trong một cuốn phim khiến họ đã khóc hết nước mắt, mà sau đó chính nhân vật ấy lại có thể xuất hiện trong một phim khác trong hình hài của một người Ả-rập!

Sự xoá nhoà và bất khả phân biệt giữa những sự kiện hiện thực và phản hiện thực không chỉ ở trong cái nhìn của người dân Macondo, mà còn nằm ngay trong chính cái hiện thực chính trị ở đó. Chẳng hạn, Gabriel García Márquez mô tả cuộc đình công ở một đồn điền trồng chuối, nhưng ông luật sư của đồn điền tuyên bố trước công luận rằng ở đồn điền ấy không hề có cuộc đình công nào cả, vì đồn điền không hề có một tập thể công nhân nào cả, đồn điền chỉ mướn những người làm ngắn hạn và trả lương hàng ngày. Thế rồi, khi tất cả những công nhân của đồn điền ấy đồng loạt biểu tình đình công, thì họ bị giết hết, và xác của họ bị chất lên xe lửa và bị chở trong đêm tối một cách bí mật đến một nơi khác để phi tang. Có một nhân chứng, một công nhân sống sót, đã thấy tất cả sự thật này, nhưng nhân chứng ấy chỉ có một mình, nên không thể thuyết phục ai tin vào sự thật khủng khiếp ấy. Mọi người đều cho rằng không hề có cuộc đình công nào cả, và những thế hệ sau của trẻ em sẽ được học trong sử ký rằng chẳng hề có cuộc đình công nào, chẳng hề có cuộc thảm sát nào, và thậm chí cũng chẳng hề có cái đồn điền trồng chuối nào ở đó cả. Nói tóm lại, những người dân ở đó có thể xem những điều phi hiện thực là hiện thực, nhưng chính họ lại xem những điều có thật trong hiện thực là những điều không hề có, bởi họ bị đánh lừa bởi một hệ thống chính trị gian manh.

Chi tiết ấy đã làm tôi sởn tóc gáy và mang một ấn tượng mạnh trong tâm trí. Nó làm tôi nghĩ đến sự đánh tráo lịch sử, biến không thành có, biến có thành không, của những chế độ độc tài, gian manh và phi nhân, như chế độ hiện hành ở Việt Nam chẳng hạn, với cái gọi là lịch sử của họ chỉ toàn là những điều dối trá được đánh tráo vào để thay cho những sự thật bi thảm, những sai lầm và những tội ác khủng khiếp của họ.

Nói tóm lại, về tài năng văn chương của Gabriel García Márquez thì tôi vô cùng khâm phục. Tuy nhiên, tôi không bao giờ tán thành cái thái độ chính trị đạo đức giả của Gabriel García Márquez vì ông ấy đã không ngừng ủng hộ và bào chữa cho những tội ác của nhà độc tài Cộng Sản Fidel Castro.

Nhà thơ kiêm nhà vận động nhân quyền Armando Valladares, người đã bị chế độ Fidel Castro cầm tù từ năm 1960 đến năm 1982, đã có vạch ra những hành vi của García Márquez mà ông cho là tội ác. Ông cho rằng nếu García Márquez kết thân với Fidel Castro và bào chữa cho những tội ác của Fidel Castro, thì García Márquez cũng là kẻ tòng phạm, nhúng tay vào những tội ác đó.

Armando Valladares thuật lại rằng chính ông và ông thị trưởng của Miami là ông Xavier Suarez, đã bảo lãnh một phụ nữ Cuba (thư ký riêng của García Márquez) từ Colombia sang Mỹ, sau khi bà ấy từ Cuba sang Colombia làm việc và trốn lại ở đó để đào thoát. Theo Armando Valladares thì bà thư ký riêng của García Márquez đã kể lại rằng mỗi lần García Márquez đến Cuba thì được Fidel Castro tiếp đón rất vương giả. García Márquez có nhà riêng ở Cuba, nơi đó García Márquez sống với một tình nhân rất trẻ tên là Blanquita, tuổi chỉ bằng cháu nội của García Márquez. Fidel Castro còn tặng cho García Márquez một chiếc xe hơi Mercedes-Benz màu trắng, và thỉnh thoảng Fidel Castro ghé thăm và uống rượu García Márquez ngay cả vào những lúc rất khuya, quá nửa đêm.

Chính vì được hưởng những đặc quyền đặc lợi do Fidel Castro ban phát, nên García Márquez đã thoả hiệp với Fidel Castro. Ông không bao giờ chịu ký tên vào những bản tuyên bố chung của các nhà văn quốc tế lên án Fidel Castro và đòi hỏi Fidel Castro trả tự do cho những nhà văn và nhà báo bị chế độ của Fidel Castro giam cầm.

Armando Valladares còn kể lại một câu chuyện ghê gớm rằng Ricardo Bofill, một nhà bất đồng chính kiến và vận động nhân quyền ở Cuba, một lần nọ đã nhờ ông Colin McSeveny (phóng viên của Reuter) lén dắt vào khách sạn để gặp riêng với García Márquez, khi García Márquez vừa vào đó để uống rượu. Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó, Ricardo Bofill vì tin tưởng vào nhân cách của một danh nhân như García Márquez, nên đã trao cho García Márquez một bộ hồ sơ về thực trạng đàn áp trí thức ở Cuba. Vài tuần sau đó, công an Cuba đã ập đến nhà bắt nhốt Ricardo Bofill. Khi Ricardo Bofill bị đem ra hỏi cung, thì trên bàn của công an đã có sẵn bộ hồ sơ mà chính Ricardo Bofill đã trao cho García Márquez. Nghĩa là chính García Márquez đã đem bộ hồ sơ ấy giao cho công an để công an đến bắt Ricardo Bofill.

García Márquez còn ngoảnh mặt làm ngơ cả khi chế độ Cộng Sản Cuba xử tử hình những người vô tội. Tháng 3 năm 2003, nhà nước Fidel Castro bắt giam 78 người bất đồng chính kiến và tuyên án họ từ 12 đến 25 năm tù, trong đó có một người bị bắt chỉ vì đã sở hữu một máy thu băng Sony. Ngay sau đó, nhà nước Fidel Castro còn ra lệnh tử hình 3 cậu bé vì tội âm mưu dùng bè để vượt biển trốn khỏi Cuba.

Trong lúc những bản án và lệnh tử hình này đang gây chấn động trong dư luận khắp thế giới, thì ở Columbia có Hội Chợ sách Bogotá. Tất cả những nhà văn ở Hội Chợ đó đều ký tên vào kháng thư, nhưng tất nhiên García Márquez đã không chịu ký và José Saramago (Nobel Văn Chương 1998) cũng không chịu ký. Nhà văn Hoa-kỳ Susan Sontag giận dữ tuyên bố: “Giờ đây tôi đã thấy một người tự xưng là Cộng Sản như José Saramago cũng bao che cho những tội ác man rợ ở Cuba.” Và bà nói thêm: “Còn García Márquez sẽ nói gì? Ông ta sẽ không nói gì cả. Tôi không thể bào chữa giùm cho thái độ đó của ông ta. Giá trị tiếng nói của ông ta có thể giúp cho rất nhiều người đang tranh đấu. Ông ta là nhà văn lớn nhất của đất nước này và tôi rất ngưỡng mộ ông ta, nhưng thái độ câm nín của ông ta đối với những bản án của nhà nước Cuba thì không thể nào tha thứ được.” García Márquez đã đáp lại một cách gỡ gạc rằng: “Tình bạn của tôi với Fidel Castro sẽ cho phép tôi giúp những người đó được trục xuất khỏi Cuba”. Nhưng Susan Sontag cho rằng lối trả lời của García Márquez là “yếu đuối và khôi hài.”

Mà có lẽ sự thật là García Márquez cũng đã chẳng hề “giúp” cho những người bất đồng chính kiến ở Cuba “được trục xuất”. Một trong những vụ nổi tiếng là vụ nhà thơ Heberto Padilla bị nhà nước Cộng Sản Cuba bắt giam vào tháng Ba năm 1971 và bị tra tấn suốt cả tháng trời. Nhà văn Peru, ông Mario Vargas Llosa (Nobel Văn Chương năm 2010), lúc ấy có tung ra một kháng thư, với chữ ký của hàng chục nhà văn nổi danh trên thế giới, trong số đó có Julio Cortázar, Susan Sontag, Jean-Paul Sartre, v.v., để phản đối hành động ô nhục của nhà nước Cộng Sản Cuba, nhưng García Márquez đã không chịu ký tên chung vào kháng thư ấy. Cuối cùng, vì áp lực của dư luận trí thức quốc tế, chế độ Cộng Sản Cuba đành thả Heberto Padilla ra khỏi tù, nhưng tiếp tục quản chế. Sống không nổi dưới sự quản chế, Heberto Padilla đã viết đơn xin rời khỏi Cuba để sang Mỹ định cư, nhưng nhà nước Cộng Sản Cuba vẫn không cho ông ra đi. Heberto Padilla có nhờ García Márquez giúp đỡ, nhưng García Márquez từ chối. Chưa đủ, García Márquez còn khuyên Heberto Padilla rằng đừng đi ra khỏi Cuba “vì những thế lực thù địch sẽ lợi dụng sự ra đi của Heberto Padilla để tuyên truyền chống Fidel Castro.”

Cuối cùng, năm 1980, dưới sức ép của dư luận trí thức quốc tế, nhà nước Cộng Sản Cuba cũng chấp nhận để cho Heberto Padilla ra đi. Năm 1989, Heberto Padilla đã kể lại tất cả những chi tiết này trong cuốn hồi ký La mala memoria (bản dịch tiếng Anh có nhan đề là Self Portrait of the Other) của ông.

Để mô tả thái độ chính trị của Gabriel García Márquez, Mario Vargas Llosa đã dùng nhóm chữ “con điếm hạng sang của Fidel Castro” (“a courtesan of Fidel Castro”). Thật chí lý.

Tuy nhiên, bây giờ, khi Gabriel García Márquez đã qua đời, chúng ta nên đánh giá ông như thế nào?

Tôi thiết nghĩ rằng chúng ta nên đánh giá chuyện gì ra chuyện đó. Chúng ta nên phân biệt rành mạch giá trị văn chương và thái độ chính trị. Nhà báo Charles Lane đã mô tả Gabriel García Márquez rất chính xác như là “một kết hợp kỳ dị của sự sáng chói về văn chương và sự thối nát về chính trị” (the weird blend of literary brilliance and political rottenness).

Năm 1990, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Paris Review, khi được hỏi về Gabriel García Márquez, Mario Vargas Llosa nói:

“Chúng tôi từng là bạn; chúng tôi là hàng xóm với nhau suốt hai năm ở Barcelona, sống trên cùng một con đường. Sau đó, chúng tôi xa rời nhau vừa vì lý do cá nhân vừa vì lý do chính trị. Nhưng nguyên nhân ban đầu của sự xa cách là một vấn đề cá nhân không hề liên quan gì đến những niềm tin ý thức hệ của ông ấy — một thứ ý thức hệ mà tôi cũng không tán thành. Tôi cho rằng văn chương của ông ấy và quan điểm chính trị của ông ấy không có cùng một giá trị. Hãy chỉ nói rằng tôi hết sức khâm phục tác phẩm của ông ấy như một nhà văn. Như tôi đã nói, tôi từng viết một cuốn sách dày 600 trang về tác phẩm của ông ấy. Nhưng tôi không tôn trọng ông ấy lắm, về tính cách cũng như về những niềm tin chính trị của ông ấy mà tôi thấy có vẻ như không nghiêm túc. Tôi nghĩ những thái độ chính trị của ông ấy mang tính cơ hội chủ nghĩa và cầu danh.”

Mario Vargas Llosa đã gọi Gabriel García Márquez là “con điếm hạng sang của Fidel Castro”, nhưng sau đó ông vẫn xuất bản cuốn tiểu luận García Márquez: Historia de un decidio, trong đó ông ca ngợi giá trị văn chương của những tác phẩm của Gabriel García Márquez. Khi nghe tin Gabriel García Márquez mất, Mario Vargas Llosa đã phát biểu trên báo El País ở Madrid: “Một nhà văn vĩ đại đã qua đời. Tác phẩm của ông đã giúp cho văn chương tiếng Tây-ban-nha được quảng bá và sáng giá. Những cuốn tiểu thuyết của ông sẽ làm ông sống mãi và sẽ tiếp tục được độc giả khắp nơi ái mộ.” [“Ha muerto un gran escritor cuyas obras dieron gran difusión y prestigio a la literatura en lengua española en todos los países del mundo. Sus novelas sobrevivirán e irán ganando lectores por doquier.”]

Gabriel García Márquez đã qua đời, những cuốn sách của ông để lại cho thế giới sẽ mãi mãi là những tác phẩm văn chương bất hủ. Những hành vi chính trị sai lầm tệ hại của ông cũng sẽ còn lại trong sử sách để hậu thế suy ngẫm.

 Hoàng Ngọc Tuấn

==========

Tham khảo:

Armando Valladares, “García Márquez: Castro Stooge”, National Review Online, 21.4.2014.

Charles Lane, “Gabriel García Márquez was a gifted writer but no hero”, The Washington Post, 24.4.2014

Elizabeth Llorente, “Amid Praise For Gabriel Garcia Marquez, Criticism Over His Bond With Fidel Castro”, Foxnews Latino, 18.4.2014.

Enrique Krauze, “In the Shadow of the Patriarch”, New Republic, 23.10.2009

Mario Vargas Llosa, “Nghệ thuật văn chương hư cấu [II]”, Tiền Vệ, 11.10.2010.

Nguyễn Hưng Quốc, “Nghĩ thoáng khi nghe Gabriel García Márquez qua đời”, Tiền Vệ, 21.4.2014

Valerie Miles, “Nobel laureate, magical realist author Gabriel García Márquez dies”, Aljazeera America, 17.4.2014

Winston Manrique Sabogal, “Muere Gabriel García Márquez: genio de la literatura universal”, El País, 17.4.2014

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn