BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73243)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thử thách lòng yêu nước

01 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 967)
Thử thách lòng yêu nước
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Những diễn biến phức tạp tại Á Châu gần đây một lần nữa lại thổi lên ngọn lửa hy vọng trong lòng người Việt về những thay đổi chính trị tích cực sắp xảy ra trên đất nước.

Những lời tuyên bố và hành động tái xác nhận vai trò làm chủ của mình trên Biển Đông của Hoa Kỳ đã làm cho một số người hồ hởi và có thêm hy vọng rằng Hoa Kỳ rồi sẽ giúp VN chống Tàu; và muốn được thế thì VNCS phải nhượng bộ mà thay đổi chính sách cai trị dân. Phải nói rằng từ 35 năm qua, biến cố lần này có làm thay đổi một phần về địa lý chính trị ở Á Châu sau một thời gian dài im ắng.

Có không ít một số người hy vọng là những thay đổi chính trị thực sự rồi sẽ xảy ra ở VN trong tương lai gần. Nhưng đó chỉ là những hy vọng hão, vì chuyện thay đổi, nếu có, là do áp lực từ bên trong lẫn bên ngoài áp đặt chứ không phải từ ý thức yêu nước và thực tâm của phe cầm quyền. Nếu thụ động ngồi chờ thế sự xảy ra như mong muốn của mình, người Việt quốc gia (không cộng sản, không cộng hoà) chúng ta nên xét đến những yếu tố khách quan sau đây để không đặt quá nhiều kỳ vọng vào nhưng việc mà không do chúng ta chủ động:

1. Người Mỹ có thật sự muốn áp lực VN thay đổi chính trị để nhận sự giúp đỡ chống lại Tàu và giữ yên bờ cõi không? Tôi không nghĩ vậy. Lý do là từ khi chiến tranh lạnh chấm dứt đến giờ, Mỹ đã không chủ trương thanh toán nốt những thành trì CS cuối cùng ở Á Châu, mà ngược lại họ đã gián tiếp chống đỡ cho nó không sụp đổ.

Trong hơn 30 năm qua Mỹ đã trực tiếp giúp cho Tàu lớn mạnh về kinh tế, quân sự và lơ là đối với biển Đông để cho Tàu trám vào chỗ trống quyền lực. Tàu đã phô trương sức mạnh kinh tế và quân sự của mình và đây là động lực cho các nước Á Châu phải cầu vào liên minh với Mỹ để tồn tại. Chủ trương bài Mỹ ở Á Châu, ngay cả từ các nước lớn như Ấn Độ và Inđônêsia trong quá khứ, nay cũng đã thay đổi. Sự hiện diện của Mỹ ở Á Châu hôm nay được mời gọi chứ không mua chuộc hay áp đặt như trước nữa. Hơn nữa, sau thất bại về việc đạo diễn những chính quyền theo ý mình ở các nước Trung Đông, Mỹ đã học bài học là ai muốn sống sao cũng được miễn là không chống lại họ. Những bài diễn văn nhậm chức của các tổng thống Mỹ từ trước đến giờ đều nhắc đến nhân quyền, dân chủ, tự do... nhưng thật ra kinh nghiệm cho ta thấy họ đã không thật lòng giúp các dân tộc trên thế giới được hưởng cái nhu cầu cần thiết này.

Động cơ chính của giới tư bản Mỹ là lợi và quyền. Tất cả việc họ làm là chỉ để bảo vệ cái quyền lợi này, chứ không có chính nghĩa tự do hay dân chủ, nhân quyền nào cả. Mỹ đổ quân vào VN năm 1966 để bảo vệ tự do và tiền đồn chống cộng ở đó ư? Năm 1973 họ rút quân ra khỏi VN, như nay họ đang rút ra khỏi Iraq, và mai kia ra khỏi A Phú Hãn, đã chứng minh những lời hứa đó không có thật. Nết thật sự muốn ngăn chận sự bành trướng của Cộng Sản ở Á Châu thì năm 1974 khi Tàu chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, Mỹ đã có thừa khả năng giúp VN ngăn chặn cuộc xâm lăng này nhưng họ đã không làm. Sau gần 10 năm tốn tiêu và bị phân hoá trầm trọng trong chính sách be bờ cộng sản ở Á Châu, Mỹ đã thay đổi chính sách và sống chung hoà bình với người bạn mới. Sau bao nhiêu năm nuôi giúp Tàu trở thành cường quốc ở Á Châu, Mỹ đã thành công trong việc tạo được một đối trọng tầm cỡ để dùng đó hoạch định những chính sách ngoại giao và kinh tế cho tương lai theo ý mình ở phần đất này. Mỹ đã thành công khi hướng mũi dùi chống đối về phiá mình qua hướng Tàu Cộng. Người Mỹ nay là kẻ đi bảo vệ, giúp người yếu chứ không phải là kẻ mạnh ỷ thế, áp đặt chính sách thân Mỹ như họ đã từng bị lên án trong thời chiến tranh lạnh.

Trong thời buổi kinh tế khó khăn chồng chất, nợ nần ngập đầu, chính sách be bờ Trung Cộng mà nhiều người nghĩ là Mỹ sẽ đem ra áp dụng lần nữa sẽ rất tốn kém và khó thực hiện. Mối tương quan giữa Tàu và Mỹ từ 30 năm nay là cộng tác và cùng hưởng lợi. Tàu chỉ mới ngoi lên là nền kinh tế lớn của thế gìới chứ chưa phải là đối thủ quân sự với Mỹ lúc này. Bất cứ biến cố nào xảy ra làm nguy hại đến những tính toán và bất lơi về kinh tế sẽ được hai bên giải quyết êm thấm. Chuyện Mỹ phô trương và tái xác nhận quyền của mình ở Biển Đông gần đây cũng chỉ là những quả bóng thăm dò phản ứng của Tàu và các nước trong vùng ảnh hưởng.

2. Hà Nội có thật tâm muốn đi với Mỹ để chống Tàu không? Vấn đề này không đơn giản như nhiều người mong đợi. Hà Nội đã học được bài học của Sài Gòn là cầu viện một thế lực ở phương xa để chống lại áp lực một nước lớn có cùng biên giới là việc làm nhất thời chứ không lâu dài được. Suy nghĩ của giới lãnh đạo VN không khác Trung Quốc, họ rập khuôn nhau là đàng khác. Điều mà Hà Nội đang làm bây giờ giống như Bắc Kinh đã làm trong thập niên 80 là nhờ Hoa Kỳ hiện đại hoá sức mạnh quân sự để chùn bước hung hãn của Liên Xô. Trung Quốc rồi cũng không dại gì mà đẩy VN vào đường cùng để cho Mỹ có lý do đưa hỏa tiễn vào Việt Bắc, và dùng VN làm hàng rào để cô lập mình phiá Nam như Mỹ đã làm với Nga ở Ba Lan. Giữ hoà khí và khấu đầu với Tàu, Hà Nội còn giữ được quyền và lợi của mình về lâu về dài. Đi với Mỹ trong lúc này cũng chỉ làm xoa dịu làn sóng tủi nhục và căm phẫn đang dâng lên trong và ngoài nước và cũng để bắn tiếng cho Bắc kinh rằng đừng có căng quá mà đứt dây. Bài học của quá khứ theo Liên Xô chống Trung Quốc vẫn còn sờ sờ ra đó. Đa số tập thể lãnh đạo ĐCSVN bây giờ là những người trưởng thành trong thời chiến tranh chống Mỹ. Với họ, chính sách của Mỹ vẫn còn ám ảnh trong âm vang của tiếng bom B52 trải thảm, nên nói đến việc thân Mỹ, chống Tàu trong lúc này là ngoài trí tưởng tượng của họ. Những năm đầu thập niên 1990, sau khi bị bơ vơ trên chính trường quốc tế do Liên Xô sụp đổ và áp lực nặng nề từ hàng rào cấm vận của Mỹ, Hà Nội đã sụp lạy thấp hơn bao giờ hết trước đàn anh Trung Quốc để tìm chỗ dựa cho sự tồn tại của mình. Cũng nhờ biết khấu đầu mà VN đã có được 2 thập niên phát triển tương đối ổn định và bền vững do nhờ ăn theo sự phát triển kinh tế Trung Quốc. Sau khi được chấp nhận cho vào WTO, kinh tế VN lại thêm khởi sắc trên một số lãnh vực do được xuất khẩu vào những thị trường tự do lớn nhất thế giới.

Khi càng ngày càng muốn xích lại gần với các nước tư bản phương Tây để bớt lệ thuộc vào đàn anh, ĐCSVN vẫn bị Trung Cộng dòm chừng và răn đe bằng mọi áp lực kinh tế và quân sự. Nhận thấy sự bất mãn gần đây của dân chúng lên tột đỉnh trước những hành động ngang ngược, xấc láo của Trung Cộng, Hà Nội muốn vuốt ve tự ái của người dân bằng những thái độ dè dặt, phản ứng giới hạn chứ không muốn làm to chuyện với người đàn anh đã cưu mang và giúp đỡ mình tồn tại. Trước cái thế lưỡng đầu thọ địch: một bên là áp lực của đàn anh từ bên ngoài, một bên là sự phẫn nộ từ lòng dân bên trong, Hà Nội đang trổ hết tài làm trò xiết đi dây. Những hành động và tuyên bố của Mỹ gần đây giúp cho diễn viên xiếc thêm hứng khởi để diễn tốt và khán giả thêm thích thú vỗ tay.

3. Trung cộng có thật sự muốn chiến tranh với Mỹ không? Nước Tàu bây giờ đang trong giai đọan phát triển gần giống như Nhật những năm 40, lúc mà Nhật đang bành trướng thế lực ở Á Châu và cuối cùng phải tuyên chiến với Hoa Kỳ để mong làm bá chủ thế giới . Liệu lịch sử có lặp lại việc làm dại dột và liều lĩnh đó không? Tôi không tin như vậy. Thời đó kinh tế Nhật không lệ thuộc vào nước nào và vì cả tin là Mỹ đã bận ở mặt trận Đại Tây Dương nên đánh úp là nắm chắc phần thắng. Đó là cái bẫy Mỹ đã gài sẵn và Nhật đã bị sập, nhưng lần này Tàu không ngu như vậy. Kinh tế Tàu còn quá lệ thuộc vào xuất khẩu, nếu quốc tế không mua hàng thì chỉ trong vòng nửa năm là có nội loạn vì nhân công thất nghiệp.

Hơn nữa, nay nước Tàu đang bị bao vây giữa các nước thân Mỹ, hay chí ít cũng sẽ cho Mỹ dùng làm bàn đạp tấn công Tàu khi cần. Trong tình hình như thế liệu Tàu có dám gây chiến với Mỹ không. Dù cho Trung Nam Hải có đang khơi dậy tự ái dân tộc từ những năm tháng ô nhục bị lục cường xâu xé để dấy lên sức mạnh dân tộc Đại Hán, cái tự ái đó có thể được vuốt ve bằng cách đưa người lên mặt trăng, hơn là khai chiến với Mỹ lúc này vì làm như thế là tự sát. Trung Quốc đang muốn biến mình thành con kình ngư vùng vẫy Biển Đông, vì điều kiện kinh tế và sức mạnh quân sự cho phép họ làm việc đó. Khi đã thành một cường quốc, người Tàu muốn phô trương sức mạnh cho thỏa nỗi ấm ức bao năm bị coi thường trên trường quốc tế. Dù họ không muốn trở thành kẻ thù của Mỹ, việc mà người Tàu đang làm là đòi một chỗ đứng xứng đáng với vị thế của mình ngay trên vùng ảnh hưởng trực tiếp của họ.

Đối với Việt Nam và Triều Tiên, hai vùng đất đã có lịch sử gắn bó từ ngàn năm trước, người Tàu sẽ không bao giờ đứng yên nếu hai nước này trực tiếp đối nghịch với họ. Nhưng họ vẫn biết nếu bị dồn vào chân tường, chế độ do họ lập nên ở Hà Nội sẽ không còn chỗ đứng để thi hành “16 chữ vàng”.

4. Còn lại vấn đề của người Việt yêu nước chúng ta là gì? Nếu tất cả những giả thuyết nêu trên không xảy ra mà trái lại Tàu cộng đem quân xâm lăng Việt Nam, đó là lúc lòng yêu nước, nếu có, của người Việt các phe cộng sản, và cộng hoà sẽ bị thử thách. Bài học lịch sử cho ta thấy gần cuối thế kỷ 18, Quang Trung đã đuổi được quân xâm lăng phương Bắc ra khỏi bờ cõi đâu có phải nhờ cậy ai hay giàu có gì nhiều. Hơn nữa thời đó đất nước vừa tạm thống nhất, đàng Trong vừa thắng đàng Ngoài, sĩ phu Bắc Hà chưa khâm phục, lòng dân chưa thuận. Cái chúng ta có lúc đó mà kẻ thù không có đó là lòng quyết tâm của toàn dân giữ vững bờ cõi. Nhà Thanh thời đó đang ở vào thời cực thịnh và coi thường dân Việt với suy đoán là sau hơn 300 năm nội chiến chắc đã cạn sức đề kháng nên họ đã lầm. Quang Trung tuy thắng trận, nhưng sau đó đã vội sang chịu tội, triều cống để cho dân Việt được sống bình yên . Một việc làm mà bao triều đại trước đã làm và cũng như Lê Duẩn và đảng CSVN đã làm sau trận chiến 7 ngày năm 79. Bởi vậy, ngàn đời cái thế để giữ vững bờ cõi là nội lực, chứ không phải ở ngoại viện. Trong quá khứ, để giành độc lập từ tay người Pháp các phe phái người Việt đã chẳng qua Tàu cầu viện là gì. Phe cộng hoà thì tìm sự giúp đỡ của Tưởng Giới Thạch, phe cộng sản thì tìm đến Mao Trạch Đông. Mao thắng Tưởng, cộng sản Việt thắng theo, phe cộng hoà Việt thất thế. Từ những ơn nghĩa đó, liệu phe cộng sản lãnh đạo ở Hà Nội bây giờ có dám bội phản không? Bài học theo Liên Xô chống Tàu năm 79 và những cột mốc biên giới mới, như cột trụ đồng Mã Viện, cắm sâu vào lãnh thổ Việt là lối cảnh cáo không cần lời.

Nước ta tuy nhỏ yếu nhưng chưa hề bị khuất phục trước một ngoại bang nào. Dựa vào một cường quốc để chống lại một cường quốc khác không thể là chiến lược và chính sách khôn ngoan cho bất cứ một quốc gia nào. Chỉ vì tham quyền lãnh đạo mà lịch sử đã cho thấy nhiều lãnh tụ VN đã đẩy đưa đất nuớc vào chỗ bị lợi dụng và tàn phá bởi tranh giành quyền lực của thế giới. Đất nước nhỏ bé của chúng ta chỉ có thể giữ vững được sự toàn vẹn lãnh thổ khi toàn dân cùng đoàn kết giữ nước.

Nhưng làm sao đoàn kết nhất trí toàn dân để chống ngoại xâm trong lúc này khi lòng yêu nước đang bị phe cộng sản quản lý độc quyền? Hận thù và chia rẽ giữa những người Việt với nhau từ thời Pháp thuộc đến nay vẫn chưa nguôi ngoai, nó không những đã làm suy yếu tiềm lực dân tộc mà còn tạo cơ hội cho ngoại bang lợi dụng. Ngày nào mà phe cầm quyền không đặt nhiệm vụ giữ yên bờ cõi lên hàng đầu, trên cả những quyền lợi phe nhóm, thì không mong gì đoàn kết được đại khối dân tộc để giữ vững được đất nước trước nạn ngoại xâm.

Đâu đó vẫn còn một thiểu số người Việt muốn đóng lại vai của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống hay Hoàng Văn Hoan để cầu cạnh ngoại bang ban ấn cho mình làm vua nước Nam. Cái vấn đề chính là ở kế sách đoàn kết toàn dân của phe cầm quyền chứ không phải là lòng yêu nước của người dân có đặt đúng chỗ. Người cộng sản phải hiểu là khi bình yên thì độc quyền lãnh đạo và chia chác quyền lợi phe nhóm rồi khi hữu sự kêu gọi mọi người dân hy sinh là điều không thể xảy ra. Hồ Quí Ly đã thử thời vận đó nhưng không ngăn được vó ngựa xâm lăng của quân nhà Minh. Cường Để đã dựa vào quân phiệt Nhật chống Pháp để cho Nhật có lý do vào Đông Dương dễ hơn chứ không hề giúp dân ta khôi phục lại lãnh thổ.

Cái thế của một quốc gia yếu là phải biết dựa vào đồng minh để chống đỡ khi cần. Nhưng nhờ đỡ và lệ thuộc là hai hành động dẫn đến hai hậu quả khác nhau. Lịch sử đã chứng minh nhiều lần là một dân tộc mạnh hay yếu, có khả năng chống đỡ hay chịu bó tay trước ngoại xâm, cái chính là do lòng dân có thuận hy sinh để giữ nước chứ không phải cần bao nhiêu ngoại viện từ bên ngoài. Có thể đây là lần đầu tiên từ khi giành quyền làm chủ đất nước, phe cộng sản Hà Nội đến lúc đã phải chọn lựa một bên là sự toàn vẹn lãnh thổ và ý nguyện của toàn dân, một bên là quyền lợi độc tôn của đảng mình. Những năm tháng sắp tới Hà Nội có kêu gọi được toàn dân khắc lên tay hai chữ “sát thát” hay không hoàn toàn là do lời kêu gọi đó có được hưởng ứng đồng loạt. Mất quyền độc tôn lãnh đạo của một phe nhóm hay mất nước không còn là một lựa chọn nữa, mà đây là vấn đề sinh tử của một dân tộc.

Nguyễn Trường Kỳ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn