BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nghĩ gì khi đọc “Tại Sao Chúng Ta Thua?” của Trần Văn Kha (Kỳ 1)

31 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1185)
Nghĩ gì khi đọc “Tại Sao Chúng Ta Thua?” của Trần Văn Kha (Kỳ 1)
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
Những người nào muốn tránh để không phạm húy, tất không đọc tác phẩm này, có thể là họ quan niệm cứ nhắc đến tên tác giả Trần Văn Kha là họ “kỵ” rồi. Không có gì lạ, cũng là quyền tự do thôi. Có người mới cầm cuốn sách đã hỏi: “Tại sao sắp hết năm 2010, mà nay mới đặt vấn đề này?”. Thắc mắc cũng không sai và khó trả lời. Vì từ lâu, hễ cứ đến gần ngày 30 tháng 4 là vấn đề này lại được đặt ra với những cuốn sách có nội dung đổ diệt cho Mỹ. Không ai muốn làm Câu Tiễn cả. Nhưng theo như lời tác giả, ông phải mất 10 năm đắn do suy nghĩ, miệt mài trong thư viện cộng thêm kinh nghiệm của cá nhân, người thân, bạn bè, đồng đội trong quân đội VNCH mới có được quan điểm cho riêng mình. Người khác đọc tác phẩm xong khi được hỏi cảm tưởng nói ngay: “Ông này trước đây ở nhóm Giao Điểm, ông ấy mà viết như thế này sẽ bị quật”. Chắc rồi, nhưng tác giả dường như đã bị “quật”, thậm chí bị khoác cả “mũ, áo Cộng sản” từ lâu rồi. Thêm vài cái mũ hay áo “thời trang” kiểu này cũng không sao. Trong những thư riêng gởi bạn bè sau khi gượng dậy khỏi giường bệnh, ông nói rằng tuổi đã 90 nay còn dậy nổi sau bạo bệnh thì còn kể số gì nữa.

Tuy nhiên, những người yêu tự do, chủ trương sau một giai đoạn lịch sử cần đánh giá lại mọi chuyện trong quá khứ để có một kết luận cho chính mình sẽ thấy tác phẩm “Tại Sao Chúng Ta Thua?” đưa ra một cái nhìn khác cái nhìn của “Khi đồng minh tháo chạy” hay “Tâm tư Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu” của tác giả Nguyễn Tiến Hưng. Khi yên ổn vì đã nhận phần lỗi của chính mình, người ta dễ có cơ hội để vùng lên khỏi những tuyệt vọng. Nhưng thực tế, giữa cái bối cảnh của cộng đồng người Mỹ gốc Việt hiện nay, nơi vẫn có người còn muốn lập lại một VNCH “đương tại” chứ không chịu là “một VNCH lưu vong”, nơi vẫn còn một số người nhất định đổ diệt cho tướng Dương Văn Minh là dâng miền Nam cho Cộng sản, nơi còn không ít những người vẫn tiếp tục không công nhận ông Minh là tổng thống cuối cùng của VNCH để bênh vực tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” của những nhà lãnh đạo trước đó... thì rõ ràng những dữ kiện mà tác giả Trần Văn Kha đưa ra cũng không phải được dễ dàng chấp nhận. Tuy nhiên, đây là vấn đề của tác giả.

Còn người đọc, họ sẽ chấp nhận cái nào là đúng và gạt bỏ những gì mà họ cho là thiếu bằng chứng thuyết phục. Vào thời đại này, chẳng có gì còn có thể gọi là húy kỵ nữa và chúng ta cũng không nên làm cái công việc bám theo "lề" để được tung hô. Có biết bao nhiêu lời tung hô, thờ phụng đã tan thành mấy khói, đã trở thành một cái nợ sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, làm ảnh hưởng đến cả mấy chục triệu dân Miền Nam Việt Nam? Có một thứ húy kỵ nào ngăn nổi Cộng sản khiến cho chúng không xâm chiếm Miền Nam Việt Nam không? Trong 413 trang sách của cuốn “Tại Sao Chúng Ta Thua?”, người đọc tinh tế có thể tìm thấy nhiều khắc khoải của tác giả Trần Văn Kha trước mỗi biến chuyển của thời cuộc mà ông cho rằng dẫn đến sự tan vỡ, mất Miền Nam Việt Nam.

Trong mỗi biến chuyển ấy, tác giả Trần Văn Kha, vốn là một cựu đại tá trong quân lực VNCH, ngoài việc mô tả sự kiện, còn có những dẫn chứng trích dẫn để hậu thuẫn cho cách nhìn của ông. Đọc những trích dẫn này, hay những tài liệu tham khảo mà ông ghi nhận cũng có thể chứng minh được rằng, ít ra tác giả Trần Văn Kha cũng đã bỏ rất nhiều thời gian miệt mài trong thư viện, nói chuyện với nhân chứng này hay nhân chứng nọ rồi đối chiếu để từ đó có nhận định riêng cho mình. Ngay trong lời nói đầu, quan điểm được tác giả khẳng định rõ ràng. Hồi tháng 7 năm 2003, trong một cuộc họp của tổ chức Việt Nam Cộng Hòa Foundation, có một số quan điểm rất “hồ hởi” được nói ra, đó là “sau Iraq sẽ đến phiên Cộng Sản Việt Nam”. Thời điểm tác giả viết tác phẩm này ông nói: "Chắc sẽ không bao giờ xảy ra chuyện này". Bẩy (7) năm sau vào năm 2010, suy nghĩ trên của tác giả được minh chứng một phần và những dữ kiện thời sự diễn ra ở Biển Đông mới đây cho thấy mối liên hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Sản mỗi ngày một khắng khít hơn trên căn bản Việt Nam Cộng Sản cần Mỹ và Mỹ cũng cần Việt Nam Cộng Sản để chặn bớt những hung hăng của Trung Cộng. Bởi vậy chỉ còn một là Việt Nam bỏ Mỹ hay hai là Mỹ bỏ Việt Nam thôi, nhưng hiện còn quá sớm để có thể xác quyết hậu quả đến từ các phán đoán này.

Vậy tác giả viết lại một cuộc chiến kết thúc ngày 30 tháng 4 năm 1975 để làm gì. Theo tác giả: "Chắc không phải để hiểu rõ lý do gì chúng ta thua trận, hay để có thể chiến thắng trong trận chiến tranh sắp tới...(mà) Để góp ý kiến với một số quan niệm thiếu chính xác, để phân chia trách nhiệm (sau thất bại 30-4-1975 và đề nghị một đường lối chống Cộng mới, với nhiều chi tiết hơn ở (chương) Chống Cộng Bằng Lời".

Thực ra, quan niệm mà tác giả Trần Văn Kha cho rằng thiếu chính xác đã có từ lâu, dường như ở trong tất cả các cộng đồng người Việt trên thế giới. Do cái "lề" đã được đặt ra, cho nên người cuối cùng làm tổng thống có một ngày rưỡi là tướng Dương Văn Minh đã lãnh hết tất cả những búa rìu chê trách và đã trở thành nạn nhân của những tin tức giả, bóp méo, “phịa” để phỉ báng ông. Tác giả "Tại Sao Chúng Ta Thua?" nhận định trong hai trang 9 và 10: “Họ nói mà không suy nghĩ. Trước hết những người còn hăng say chống cộng như họ đã nhanh chân chạy ra nước ngoài, nhất là ở Mỹ. Thứ hai, lấy tiền đâu mà trả lương cho binh sĩ. Hay họ nghĩ binh sĩ hăng say chống cộng quên đói, và quên luôn cả gia đình cha mẹ vợ con. Thứ ba, tại sao họ lại có thể nghĩ rằng, binh sĩ vùng IV còn có thể tiếp tục chống cộng trong tuyệt vọng khi thủ đô Saigon đã lọt vào tay Cộng sản. Hay họ sẽ cởi bỏ mũ áo về với gia đình? Nếu tướng Dương Văn Minh không đầu hàng thì Việt cộng vẫn chiếm được Saigon, nhưng Saigon sẽ bị phá nát, dân Saigon sẽ bị đổ máu rất nhiều”.

Một số người khác, khi nghe những phản bác không đúng "lề phải" đã dùng lời lẽ cảnh cáo như thế này: "Dân tị nạn ở đây đã phải trả giá nặng nề với người Cộng sản, nên thông cảm họ". Đồng cảnh như chúng ta thì làm sao mà không thông cảm cái khổ của nhau khi còn phải sống dưới chế độ Cộng sản. Nhưng cảm thông nhau không có nghĩa là cứ để cho một số ông, bà hoạt động chính trị "lộng giả thành chân" bám vào cái quá khứ đau khổ của đồng hương để làm những điều mờ ám, để biến tinh thần chống cộng thực sự của đồng hương thành những cái mộc che đậy những việc làm mang tính chất trình diễn vì lợi ích riêng của họ.

Cách nhìn thực tế của tác giả Trần Văn Kha cho thấy ông không hề tin tưởng vào bất cứ chính phủ nào được gọi là lưu vong "không đất, không tiền, không quân". Ông viết: “Trong khi còn chiến tranh, chúng ta có chính phủ hợp pháp, được Mỹ và nhiều nước trên thế giới công nhận, nhưng khi Việt cộng tổng tấn công từ đầu năm 1975, có nước nào lên tiếng khi gởi quân tình nguyện đến bảo vệ miền Nam không? Thế mà bây giờ còn có người trách tướng Dương Văn Minh đầu hàng nên ta không có chính phủ lưu vong!'.

Làm chính trị mà mù mịt như thế thì chỉ có gặp họa thôi! Khoảng thời gian khi nhà báo Chữ Bá Anh còn sống, ông đã cho vào bản tin phổ biến cho nhiều tờ báo một văn kiện là “Hiệp Định Thư” ngày 26 tháng 5, 1994 trong đó điều 4 được ký kết giữa Việt cộng và Hoa Kỳ trong đó “Cả hai nước tái khẳng định chính sách của mình là không yểm trợ hay đồng ý nỗ lực nhằm lật đổ và khuynh đảo nước kia”. Hiệp định thư này thực ra là bước khởi đầu cho việc nới lỏng cấm vận đối với Việt Nam. Thời đó, ít có báo nào sử dụng bản tin này của CBA News ngoại trừ tờ Chánh Đạo số ra ngày 4/6/1994, phần lớn là do sợ bị những ông chống Cộng quá khích xuyên tạc, chửi rủa. Tác giả "Tại Sao Chúng Ta Thua?" nhắc lại văn kiện này làm bối cảnh giải thích lý do có một số người vẫn tiếp tục bám theo cái "lề đường" đã quá nhiều cỏ dại ngăn lối đi. Ông viết ở trang 11: “Một cái cây chết vì bị sâu ăn. Nó chết khi ruột nó bị sâu đục rỗng, đổ xuống. Đó chỉ là giai đoạn cuối thôi. Nó đã chết từ từ khi con sâu bắt đầu chui vào cái cây còn khỏe mạnh. Giống như một cây bị sâu đục, miền Nam sụp đổ vào ngày 30 tháng 4, 1975 vì những sai lầm tích lũy lại từ năm 1954 đến 1975.”

Tác giả Trần Văn Kha đã đổ lỗi cho những nhà lãnh đạo của Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa và Hoa Kỳ là những người bất lực không thể bắt những con sâu ra khỏi thân cây của Miền Nam Việt Nam chỉ vì họ cố tình che giấu sự thật và có những hành động biến chính quyền ở Miền Nam thành một chính quyền không được lòng dân (unpopular). Tác giả đã dùng từ trang 12 cho đến trang 40 của tác phẩm để đặt lại toàn bộ vấn đề và cáo buộc Hoa Kỳ đã nuôi cuộc chiến để cho Việt cộng có điều kiện đục tới cái rễ cái của thân cây Miền Nam Việt Nam.

Ở trang 35, tác giả “Tại sao chúng ta thua?” trích thuật lại một nhận định của Tổng Thống Mỹ, Richard Nixon khi còn sống: “Sự thất trận của Việt Nam, một phần có thể qui vào lỗi lầm chiến thuật và chiến lược của Tổng Thống Thiệu và các tướng lãnh của ông”. Nhưng tác giả Trần Văn Kha không tin vào nhận định này, vì theo ông, nó chỉ đúng có một phần. Ông viết: "Dù rằng Việt Nam là nước chủ nhà, phải chịu phần lớn trách nhiệm, nhưng Mỹ không thể phủi tay như thế được. Từ năm 1969, Mỹ đem quân ồ ạt vào Việt Nam, có lúc quân số lên tới 500,000 và chỉ huy chiến trường. Mỹ đã không dùng sức mạnh ngay từ đầu để chấm dứt chiến tranh mau chóng, không đánh sang Căm Bốt hay Lào để ngăn chặn tiếp vận và quân xâm nhập hay cho quân vượt qua vĩ tuyến 17 đánh thẳng vào sào huyệt gây chiến vì sợ Trung Cộng hay Nga Xô tham chiến. Mỹ đã làm áp lực từ từ gọi là gradualism. Gia tăng từ từ, Hoa Kỳ đã giúp cho Cộng sản Bắc Việt thích nghi được với hoàn cảnh, phân tán kho xăng, dầu v.v... để tránh thiệt hại và nhận thêm vũ khí chống máy bay. Đó là thứ chiến tranh mà Bắc Việt chủ trương. Họ cứ kéo dài chiến tranh, bất kể thiệt hại về người. Súng đạn và thực phẩm thì đã có Liên Xô và Trung Cộng cung cấp, Hà Nội chỉ có việc cung cấp máu nhân dân mà họ không thiếu nên có thể kéo dài cho đến khi Mỹ bỏ cuộc. Và đó là điều đã xảy ra".

Một trang sử được lật qua và dù Việt cộng đã vô minh gây ra những vụ tàn sát đẫm máu để chiếm đoạt miền Nam Việt Nam, chúng ta cũng không thể bạo động để giải thể Cộng sản xây dựng lại một miền Nam như cũ, vì tình hình và cán cân lực lượng thế giới đã thay đổi. Chỉ còn cách tranh đấu chống cộng bất bạo động ngay ở trong nước, đòi hỏi nhà cầm quyền tôn trọng nhân quyền và tạo dựng chế độ dân chủ. Nhưng tranh đấu như thế cũng phải hy sinh và cần sự thức tỉnh, can đảm như tranh đấu bất bạo động của nhân dân Ấn Độ chống nhà cầm quyền Anh. Tác giả Trần Văn Kha đã trích thuật lời của nhà văn William L. Shirer khi tường thuật lại một cuộc biểu tình chống Anh của nhân dân Ấn Độ theo tinh thần của Thánh Gandhi ở trang 37:

“Hoàn toàn yên lặng, những người của Gandhi tiến tới và dừng lại 100 thước trước hàng rào cản. Một toán được lựa chọn tiến lên, lội qua mương nước và tới sát dây kẽm gai của rào cản... Bất thình lình sau một tiếng hô ra lệnh, hàng chục ngàn cảnh sát bản xứ chạy tới phía những người biểu tình đang đi tới và giáng như mưa những cái roi sắt bọc da lên đầu họ. Không một người nào thèm giơ tay lên để đỡ đòn. Họ đổ xuống như những khúc cây. Từ chỗ tôi đứng, những cái dùi cui đập lên những cái đầu không có gì che đỡ, nghe thật rùng rợn. Những người biểu tình đứng ở phía ngoài xuýt xoa nín thở, cứ mỗi lần dùi cui đập xuống, họ cảm thấy đau đớn như chính họ bị đánh. Những người bị đánh nằm thẳng cẳng, bất tỉnh hay quằn quại với sọ đầu bị bể hay vai bị gãy. Những người còn sống không tan hàng, lặng lẽ và cương quyết tiến tới cho đến khi bị đốn ngã.

Họ nhắm phía trước đi tới, đầu ngửng lên, không có cả sự khuyến khích hỗ trợ của âm nhạc hay lời hoan hô và họ cũng biết trước là không có cách nào tránh được bị thương nặng hay chết. Cảnh sát ào tới, tuần tự và máy móc, đốn ngã đoàn biểu tình thứ hai. Không có người đánh nhau, không có kháng cự: những người biểu tình chỉ có việc đi tới cho đến khi bị đánh gục".

Và cuối cùng cả thế giới đều biết, đánh giết mãi thì chính quyền thuộc địa Anh cũng phải chùn tay. Và khi những kẻ chủ trương bạo lực mà chùn tay là nhìn nhận sự thất bại trước cuộc tranh đấu bất bạo động của nhân dân Ấn Độ.

Chính quyền Cộng sản Việt Nam cũng chủ trương dùng bạo lực chuyên chính. Nhưng bất quá, nó cũng chỉ là thứ chính quyền thuộc địa Anh hay Đức Quốc Xã thôi. Và người Việt Nam nếu có được tinh thần như người Ấn thời Gandhi, thì Việt cộng có bắn giết dữ hơn nữa, máu đổ nhiều hơn, cũng sẽ sụp đổ. Tác giả Trần Văn Kha cũng tin như thế và ông khẳng định "Cái thời của Việt cộng cũng đang tàn và sắp tàn".

Vũ Ánh/Việt Herald

30-08-2010

(Còn tiếp)

Ghi chú: Vì bài dài, chúng tôi cho đăng nhiều kỳ.

Theo Việt Herald
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn