BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73345)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chính trị và quyền phản đối theo lương tâm

30 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1015)
Chính trị và quyền phản đối theo lương tâm
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
Chính trị trong đời sống xã hội

Những người quen của tôi, khi gặp tôi họ đều nói giống nhau một câu: “Có thằng (XYZ nào đó) tự dưng nó gặp tui, nó nói tui đừng có giao thiệp gì với chị, chị là đối tượng chính trị đó, nó nói tui hổng nên liên quan tới chính trị”. Tôi hỏi lại: “Vậy chớ anh (chị, em) có biết thằng đó tên gì, ở đâu, cơ quan nào không?”. Họ trả lời: “Nó lạ hoắc hà, tui hỏi tên, hỏi giấy tờ nó là cán bộ cơ quan nào thì nó lẹ lẹ bỏ đi một nước. Tui nghe nói tới chính trị tui sợ quá”. Tôi cười mà bảo rằng: “Bọn này nó chỉ giỏi lừa gạt dân chúng. Chính trị thì có gì mà sợ. Nếu muốn kiếm cớ gán ghép vu vạ cho người lương thiện thì mỗi ngày anh (chị, em) ăn, uống, ngủ nghỉ, thở, đi WC… cũng liên quan đến chính trị nữa”. Họ hỏi liên quan thế nào, tôi nói để từ từ tôi rảnh rang viết bài giải thích, chớ nói nhiều quá một lúc anh (chị, em) cũng quên hết. Vậy mà phải hơn một tháng sau tôi mới có thể “trả nợ” lời hứa của mình.


Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI


Nguyên tôi có mua quyển Đại Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ (NXB Từ Điển Bách Khoa - 2007) bự tổ chảng, nặng hơn 2 kg, giá 280 ngàn đồng. Sách dày 1476 trang, mỗi trang chia làm ba cột chữ nhỏ lít nhít. Lúc mua tôi nghĩ sách bự chữ nhỏ như vầy chắc là chữ nào cũng có hết. Hôm nay lấy sách ra tra tìm chữ “chính trị” để “nói có sách mách có Từ điển” tôi mới biết mình lầm. Ở trang 195, vần Ch- tr thấy liệt kê có mấy chữ: “chính trung, chính truyền, chính trực” là chuyển sang Ch-v (chính văn, chính vị) rồi. Than ôi! Đại Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ mà không có từ “chính trị”. Thế mới biết nền giáo dục què quặt mấy chục năm nay đã “thành công tốt đẹp” về mục tiêu bưng bít, ngu dân. Hậu quả là dân chúng không hiểu biết (hoặc hiểu biết mơ hồ) về khái niệm chính trị, tạo điều kiện cho “phe ta” cứ đem “con ngáo ộp” chính trị ra nhát ma hay khủng bố.

Bèn lôi quyển Từ điển Trung Việt to chẳng kém của Viện Khoa Học Xã Hội (NXB Khoa Học Xã Hội - 2000) thì thấy:

Chữ “chính” (政,dùng trong từ chính trị), là chữ “chính” (正, giữa, ngay thẳng) được ghép thêm bộ “phộc” (攵, đánh sẽ), được giải thích nghĩa là: là nghiệp vụ của cơ quan nhà nước, công việc. Chữ “chính” có thêm “phộc” tức công việc này phải ngay thẳng, chính danh và có tính bắt buộc (nếu không thực hiện có thể bị “phộc”). Chữ “trị” (治) gồm bộ “thủy” (氵) bên trái, chữ “đài” (台, lầu, cái đài) bên phải, nghĩa là: sắp đặt, quản lý, mở mang, chữa trị. Chữ “trị” có bộ “thủy” (nước) là phải thuận theo nước, nước ở đây có nghĩa là dân, theo đạo “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (民為貴, 社稷次之, 君為輕). Vì vậy, chính trị đơn giản chỉ là công việc quản lý xã hội, thuận theo lòng dân chớ chẳng có gì phức tạp, khó hiểu cả.

Trở lại vấn đề giải thích tại sao tôi nói ngay cả những chuyện tưởng chừng rất đơn giản, rất tự nhiên, chúng ta ai cũng phải làm hằng ngày như: ăn, uống, ngủ nghỉ, thở, đi, bài tiết… cũng liên quan đến chính trị.

- Ăn: Mỗi ngày bạn xách giỏ đi chợ bạn phàn nàn hàng hóa công nghiệp, thực phẩm lên lên giá mà còn không đảm bảo sạch sẽ. Bạn “kêu” rằng trái cây Trung Quốc tràn vào đầy đống các chợ, siêu thị chứa đầy chất độc, v.v… Bạn đòi hỏi “cán bộ ta” phải v.v... và v.v… để đảm bảo đời sống người dân. Khi bạn phàn nàn như thế là bạn đã “động” đến trách nhiệm kiểm tra, giám sát, xử phạt, xuất khẩu, nhập khẩu của cơ quan chức năng, tức công việc quản lý nhà nước về kinh tế. Mà đã nói đến quản lý nhà nước về kinh tế thì rõ ràng bạn đang nói đến chính trị;

- Uống: Bạn chỉ được uống những thứ mà pháp luật hiện hành cho phép, uống đúng nơi đúng chổ, chớ không phải bạn thích uống gì là có quyền uống theo ý mình. Nếu không tin, bạn cứ thử uống thuốc lắc, uống rượu bia quá nồng độ quy định rồi lái xe ra đường mà xem. Bạn đang có hành vi xâm hại vào mối quan hệ quản lý nhà nước về mặt trật tự an toàn xã hội, sẽ có “người thi hành công vụ” cho bạn biết “mùi” thế nào là chính trị;

- Ngủ nghỉ: Bạn chỉ được phép ngủ nghỉ tại nhà của bạn, nơi bạn có hộ khẩu thường trú. Nếu đi bạn đi nơi khác ngủ nghỉ (khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ, nhà người quen, bà con, bạn bè…), bạn phải trình báo tạm trú với ông Tổ trưởng dân phố hoặc Cảnh sát khu vực. Họ đang làm nhiệm vụ “quản lý hành chánh về trật tự xã hội”, tức quản lý nhà nước về trật tự xã hội bằng thủ tục hành chánh đó. Mà đã là “quản lý nhà nước” thì có nghĩa là chính trị;

- Thở: Ra đường, bạn bịt khẩu trang che mặt, đeo găng tay, quàng khăn, đội nón, trùm áo khoác kín mít. Nguyên nhân là ngoài đường nhiều khói bụi quá, không khí ô nhiễm quá. Về nhà, lão hàng xóm kế bên sản xuất mắm bốc mùi làm bạn khó thở quá. Bạn định viết đơn lên phường kiện lão dời cơ sở sản xuất đi nơi khác. Bạn phàn nàn môi trường không khí ô nhiễm là bạn đang “động chạm” đến ngành tài nguyên - môi trường rồi, tức quản lý nhà nước về kinh tế, chính trị đấy nhé;

- Đi: Đi đường bộ đường thủy, đường sắt hay đường hàng không, bạn đều phải tuân theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt hay đường hàng không. Nếu bạn làm theo ý mình mà bất chấp quy định là bạn đã vi phạm vào trật tự an toàn giao thông, tức quản lý nhà nước về trật tự xã hội. Ngược lại, bạn chấp hành đúng quy định nhưng vẫn có “anh hùng Núp” đòi “mãi lộ”, bạn phàn nàn, kêu ca v.v… và v.v… là bạn cũng đang phê phán cơ quan quản lý nhà nước về trật tự xã hội, tức là bạn đang nói đến chính trị đó;

- Bài tiết: Bạn phải “đi đứng” đúng nói đúng chổ quy định. Bạn cứ ra đường “bài” khác chổ thử xem, bạn sẽ bị phạt vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường và an toàn giao thông sẽ bị phạt theo Nghị định 146 và 150 của Chính phủ. Ngược lại, gặp nơi nào có nhiều bảng CAMDAIBAY mà “hương thầm” nồng nặc không chịu nổi, bực mình quá bạn nhăn mũi: “Chính quyền địa phương chổ này chết hết rồi hay sao mà để khu phố bầy hầy thế này?”, là bạn cũng đang nói đến vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường, tức là chính trị đó.

Túm lại, bạn còn sống trong xã hội văn minh ngày nào là bạn đừng hòng trốn thoát khỏi hai chữ chính trị. Chính trị sẽ “theo đuổi” bạn cho đến ngày bạn về với Chúa mới thôi. Cho nên, kiểu nói: “Cứ lo làm ăn kinh tế đi, đừng liên quan gì đến chính trị” là lập luận kiểu bịp bợm, bịt mồm của những kẻ độc tài nhằm bao che cho bộ máy quản lý nhà nước đầy tham nhũng, quan liêu, cướp bóc tài sản của dân.

Quyền phản đối theo lương tâm

(Trích Tóm lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo)

399. “Các công dân không bị buộc trong lương tâm phải theo những chỉ thị của chính quyền dân sự nếu những mệnh lệnh ấy trái ngược với những đòi hỏi của trật tự luân lý, trái ngược với những quyền căn bản của con người hay trái ngược với giáo huấn của Tin Mừng820. Các luật bất công đặt ra những vấn đề lương tâm rất bi đát cho những người ngay thẳng về luân lý: Khi được kêu gọi cộng tác vào những hành vi xấu về mặt luân lý, họ buộc phải từ chối821. Sự từ chối ấy chẳng những là một nghĩa vụ luân lý, mà còn là một quyền căn bản của con người, và vì thế, luật dân sự có bổn phận phải nhìn nhận và bảo vệ quyền ấy. “Những ai nại đến sự phản đối theo lương tâm cần được bảo vệ không những không phải chịu những hình phạt pháp định mà còn không phải gánh lấy những hậu quả tiêu cực trên bình diện pháp luật, kỷ cương, tài chính và nghề nghiệp”822.

Thế giới ngày nay bảo vệ các quyền tự do dân chủ, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được học tập, lao động, được thực hiện tất cả những hành vi pháp luật không cấm. Nếu chỉ có ăn, uống, ngủ, bài tiết… mà không được nói hay làm những việc gì liên quan đến chính trị thì con người khác chi con vật?

Bạn phải lên tiếng, phải hành động để bảo vệ sự thật, trước những biểu hiện sai trái, bất công, để bảo vệ quyền làm người cho bạn, cho gia đình bạn và cho những người lương thiện xung quanh bạn. Mà đó cũng là cuyền con người thiêng liêng bất khả xâm phạm của bạn, không ai có quyền cản trở, tước đoạt quyền con người của bạn. Đó cũng là lương tâm của một tín hữu Ki tô giáo sống theo tinh thần Tin Mừng, nếu bạn chưa phải là tín hữu thì đó cũng là lương tâm của một người lương thiện buộc bạn phải thực hiện. Nếu bạn thờ ơ với bất công xảy ra xung quanh mình, mọi người đắm chìm trong sự sợ hãi, im lặng trước bất hạnh của đồng loại mình. Khi cái ác, cái xấu được thể lấn lướt, tung hoành như chốn không người, ai dám bảo đảm những bất công ấy một ngày nào đó không trút lên chính bạn và người thân của bạn?

Không được cộng tác dù chỉ là hình thức, vào những việc nước với luật Chúa, dù đã được luật pháp dân sự cho phép, đó là một nghĩa vụ quan trọng của lương tâm”. Thật vậy, không bao giờ người ta có thể biện minh cho những sự cộng tác như thế, không phải bằng cách viện cớ phải tôn trọng tự do của người khác, cũng không phải bằng cách cho rằng điều ấy đã được luật dân sự dự kiến và yêu cầu. Không ai có thể tránh được trách nhiệm luân lý về những hành vi ấy, và Thiên Chúa sẽ xét xử mọi người dựa trên trách nhiệm luân lý ấy (x. Rm 2,6; 14,12).

Nếu bạn là người có trách nhiệm phải lên tiếng, phải hành động để bênh vực nạn nhân, nhưng bạn im lặng vì cho rằng đó “được luật pháp dân sự cho phép”, dù bạn chỉ có mặt ở nơi đó mà không làm gì cả với tư cách "khách mời", thì bạn cũng đã gián tiếp tiếp tay cho sự dữ hoành hành.

Có người nói rằng: Họ buộc tôi phải làm theo ý họ, họ buộc tôi phải im lặng, họ buộc tôi phải “cộng tác”…, nếu không thì con cái tôi sẽ thất học vì không trường nào nhận con tôi vào, bản thân tôi sẽ thất nghiệp vì chủ tôi bị áp lực phải đuổi việc tôi, v.v…

Có thể, khi thỏa hiệp với thế lực sự dữ, nhất thời bạn sẽ có lợi cho bản thân và gia đình mình. Nhưng bạn làm thế nào để dạy dỗ con cái thành người công chính, lương thiện, có ích cho xã hội và cộng đồng, làm sao bạn giảng dạy giáo lý Công giáo trong gia đình mình, làm sao bạn dạy con bạn 10 điều răn của Chúa Trời khi mà bạn phơi bày trước mắt con cái bạn một sự thật trần trụi là bạn đang sống ích kỷ, vong ân bội nghĩa, bạn đang phục vụ đắc lực cho những kẻ miệt thị Đức Chúa Trời, bạn cố ý chiếm đoạt của người khác, bạn đang đặt điều vu khống, bạn đang sống dối trá với bằng hữu, bạn đang trợ giúp kẻ xấu để hãm hại người ngay?

Tôi chắc chắn, con cái bạn sẽ rất thất vọng về những người cha, người mẹ, người bà mà chúng luôn yêu kính.

Trường hợp 40 giáo dân Cồn Dầu vừa lìa bỏ làng quê chạy sang Thái Lan là một ví dụ điển hình mới nhất cho nguyên tắc: “Các công dân không bị buộc trong lương tâm phải theo những chỉ thị của chính quyền dân sự nếu những mệnh lệnh ấy trái ngược với những đòi hỏi của trật tự luân lý, trái ngược với những quyền căn bản của con người hay trái ngược với giáo huấn của Tin Mừng”. Chúng ta đều biết rõ rằng những giáo dân này có thể được tiếp tục sống yên bình ở quê hương họ nếu họ im lặng không tố cáo nguyên nhân cái chết của anh Thomas Nguyễn Thành Năm. Họ có thể tiếp tục sống yên bình nếu họ chịu “làm chứng” rằng 8 giáo dân đang bị nhà cầm quyền Đà Nẵng giam cầm kia là những kẻ “chủ mưu”, “cầm đầu gây rối”, hoặc hơn nữa là “lợi dụng tôn giáo âm mưu lật đổ chính quyền”, v.v…

Thánh Phêrô đã trả lời trước Công nghị Do thái: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người” (Cv 5,29). Họ đã sống đúng theo tinh thần Tin Mừng: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn thì được ích gì?” (Mt 16, 26), sống đúng “nghĩa vụ quan trọng của lương tâm”. Để được nói lên tiếng nói của lương tâm, nói lên tiếng nói của sự thật, để tố cáo cái xấu, cái ác, 40 giáo dân này phải từng giờ, từng ngày bị đe dọa trước nguy cơ bị trục xuất về nước. Có thể, trong con mắt của nhà cầm quyền, 40 giáo dân này là “40 tên cướp”, nhưng trong mắt tôi và những người lương thiện khác, trong mắt con cháu họ, họ là 40 vị anh hùng dám xả thân để bảo vệ sự thật. Làm chứng cho sự thật cũng tức là đấu tranh chống cái xấu, cái ác vậy.

RFA (25/8/2010) cho hay, một nạn nhân Cồn Dầu kể rằng: “Cảnh sát 113 đánh tôi cho đến nhà bác Bình, tại đó họ dung roi điện chích vào người tôi, đánh xối xả và thân hình tôi, trên một đoạn đường chừng 500 mét, cảnh sát 113 cứ đánh xối xả vào chúng tôi, rồi có những người lạ mặt đánh hôi chúng tôi nữa”, “Tôi qua Thái này đã hai tháng rưỡi rồi, đáng ra tôi đã lên tiếng nhưng vì sợ cho vợ, con còn ở quê hương. Tuy nhiên, qua cái chết của anh Nguyễn Thành Năm, cũng là một người bạn của tôi, nên tôi có được mạnh mẽ để nói lên sự đàn áp của chính quyền, công an đối với chúng tôi”.

Ngày 21/05/2010, Radio Vatican truyền thanh bài “Đức Thánh Cha khuyến khích Giáo dân dấn thân chính trị” bằng kêu gọi các tín hữu Công giáo dấn thân trong lãnh vực chính trị và chứng tỏ rằng đức tin giúp họ đọc các thực tại một cách mới mẻ và biến đổi chúng. Đức Thánh Cha Biển Đức 16 khẳng định rằng: Giáo hội không có sứ mạng huấn luyện chuyên môn cho các nhà chính trị. Đã có nhiều tổ chức khác theo đuổi mục đích ấy. Sứ mạng của Giáo hội là “đưa ra một phán đoán luân lý cả về những điều liên quan tới lãnh vực chính trị, khi các quyền căn bản của con người và phần rỗi các linh hồn đòi hỏi.. và Giáo hội chỉ sử dụng những phương thế phù hợp với Tin Mừng và thiện ích của mọi người, theo thời đại và hoàn cảnh khác nhau” (GS, 76).

Không chỉ nói đến chính trị, bàn luận, phát biểu ý kiến về chính trị, giao tiếp xã hội, giúp đỡ những người bị nhà cầm quyền độc tài quy là “đối tượng chíng trị”, Ki- tô hữu còn phải “dấn thân chính trị” theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha để xây dựng một xã tốt đẹp hơn, một xã hội biết tôn trọng, bảo đảm và bất khả tước đoạt quyền con người.

29-08-2010

Maria Tạ Phong Tần

_________

Chú thích:

820 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2242.

821 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 73: AAS 87 (1995), 486-487.

822 Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 74: AAS 87 (1995), 488.

Theo Blog Sự Thật Công Lý
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn