BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76390)
(Xem: 63044)
(Xem: 40430)
(Xem: 32025)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chính trị… hôi của

23 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 1410)
Chính trị… hôi của
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Từ một tai nạn giao thông, đề tài “hôi của” vụt biến thành một câu chuyện thời sự, chuyện này nhắc lại chuyện kia, kéo dài, và, cuối cùng, là những tiếng thở dài ngao ngán về sự xuống cấp của đạo đức, sự biến mất của lòng tử tế, như câu hỏi nhức nhối trên một tờ báo: Phải chăng, “lòng tốt đã bị đánh cắp”. [1]



Ngày 4 tháng 12 một xe vận tải bị lật tại Biên Hoà, hàng ngàn thùng bia đổ ra và, sau đó, là cảnh nhốn nháo của đoàn quân hôi của. Ào ào, rần rần, không chỉ “hôi” bằng tay bằng túi, họ “hôi” cả bằng xe ba gác, “hôi” một cách thoải mái, hả hê: “hôi “ ngay trước mặt người tài xế đang khóc lóc van xin, “hôi” ngay trước mặt đứa con gái chớm lớn đang hổ thẹn thay cho người lẽ ra phải đáng yêu và khả kính của mình. Vân vân, rất nhiều hình ảnh tương tự và, không chỉ đê tiện với người sống, đoàn quân hôi của nhan nhản từ Nam ra Bắc còn giở trò vô lại với cả người chết. Ngày 18 tháng 9, phát hiện thi thể một người đàn ông dưới một gầm cầu ở Lào Cai, nhiều dân cư địa phương đã đến đây khấn vái thả tiền và, sau đó, cũng là cảnh hôi của nhốn nháo dưới gầm cầu, “hôi” cả những đồng tiền cúng cho người chết [2]. Những cảnh tượng như thế đã dồn dập tiếp nối nhau khiến có người thảng thốt bật lên câu hỏi, sau cái vụ cướp bia trước mặt người tài xế: Thực ra, đây là “hôi của” hay “cướp của”?

Như thế thì phải xem lại sự khác nhau giữa “hôi” và “cướp của”. Ngoài ý nghĩa “mót nhặt những gì còn sót lại” như là cách mưu sinh tội nghiệp của những người cùng đường thì “hôi của”, ở phần nghĩa xấu hơn, trong đa số từ điển tiếng Việt xưa cũ, đều được diễn đạt như là “lợi dụng sự lộn xộn” để “nhúng tay” vào nhằm “kiếm chác và chia phần”. Nhưng đến Từ điển tiếng Việt tường giải, liên tưởng của Nguyên Văn Đạm, xuất bản lần đầu vào năm 1993, thì “hôi của” đã trở thành “cướp của”: “thừa cơ cướp của trong một lúc lộn xộn.” [3]

Từ “thừa cơ kiếm chác” như một kiểu trộm cắp thiếu bản lĩnh đến “thừa cơ cướp của” là cả một chặng đường. Nếu “thừa cơ kiếm chác” là trò ruột của hạng lưu manh vặt thì cái gì đã đẩy đám đá cá lăn dưa ấy tiến gần đến mức độ táo tợn của giới đạo tặc chuyên ăn cướp như thế?

Nếu hạng đá cá lăn dưa chỉ dám xâm phạm quyền sở hữu người khác trong cảnh nhá nhem sáng tối của một tình thế lộn xộn thì kẻ cướp lại công khai xâm phạm dựa vào sức mạnh, sức mạnh “cứng” hoặc sức mạnh “mềm”. Cứng, sức mạnh đó có thể là nắm đấm hay họng súng trên tay một tên võ biền đơn độc, một đám lục lâm ô hợp hay một đội quân kỷ luật, của một băng mafia, một đảng v.v… Và mềm, nó có thể là uy lực giang hồ của một đàn anh tỉnh lẻ, một bố già cái thế hay “lịch sử vẻ vang” dày đặc thành tích trấn áp của một tổ chức, một đảng; thứ “uy lực – lịch sử” tự mình kiến tạo hay chỉ đơn giản là thừa kế, như một hình thức “tập ấm”, hoặc lập lờ nấp bóng, như là khỉ mượn hơi hùm.

Chăm chăm ăn cướp nhưng thiếu bản lĩnh, thiếu sự tự tin về “uy lực” hay “lịch sử” mà mình đang nắm hay chỉ đang kế thừa thì phải tạo ra những tình trạng lộn xộn, rối ren và thế, cũng có nghĩa là… chính trị. Chính trị là nghệ thuật của quyền lực. Nhưng chính trị còn là nghệ thuật gây ra sự lộn xộn bởi, chính những tình huống rối ren diễn ra theo kịch bản sẽ cho phép tay chơi vận dụng quyền lực một cách tốt nhất và dồn ép con mồi vào những tình thế lúng túng, bị động nhất. Như vậy thì lời đáp cho cái cái câu hỏi nhức nhối về sự “đánh cắp” lòng tốt nói trên không chỉ đơn giản là “bần cùng sinh đạo tặc” mà là cái lịch sử đau đớn của chúng ta. Cái lịch sử ở đó những biến động bi thiết nhất lại là những “kịch bản rối ren” hoành tráng nhất, thăng trầm theo nhu cầu cộng sinh giữa hạng đạo tặc thiếu bản lĩnh và đám đá cá lăn dưa sống bám vào sự rối ren lộn xộn.

Không muốn nhai lại chính mình nhưng tôi thấy khó mà tìm được điểm tựa nào đắt hơn để làm bật lại cái lịch sử đau đớn ấy bằng những chuyện đã nêu trong bài viết cách đây chín năm trên talawas về cái mẫu số chung giữa miếng ăn người lính chân đất ở chiến trường Việt Bắc năm 1950, ở chiến trường Tây Nguyên năm 1965 và những chiếc Mercedes bóng lộn của những quan chức bệ vệ của hệ thống toàn trị năm 2005. [4]

Đó là miếng thức ăn Mỹ trong miệng bộ đội giữa trận đụng độ Ia-Đrăng khiến Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận Đặng Vũ Hiệp phải ra lệnh kiểm điểm. [5] Đó là những bánh kẹo Pháp mà bộ đội nhóp nhép trong miệng sau Chiến dịch Biên giới khiến Chính ủy Trung đoàn Trần Độ bị Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Trần Đăng Ninh, trong vai trò “Trưởng ban thu dọn chiến lợi phẩm”, yêu cầu Quân ủy Trung ương kỷ luật.

Nhưng tôi phải nói ngay rằng tôi không hề có ý miệt thị đó là hành động “hôi của” bởi, sau những trận đánh kéo dài, kiệt sức và đói lả người, người lính nào cũng có quyền tự tưởng thưởng cho mình bằng những chiến lợi phẩm thu được. Công bằng mà nói thì, trên phương diện chiến thuật, Chủ nhiệm Chính trị Đặng Vũ Hiệp đã có lý khi ra lệnh kiểm điểm bộ đội của mình bởi, ngay giữa một trận đánh, họ không thể để miếng ăn làm hao hụt xung lực của trận đánh. Nhưng khi bảo vệ cho lính mình cái quyền nhâm nhi chiến lợi phẩm sau trận đánh, Chính uỷ Trần Độ đã hoàn toàn chính đáng khi cãi lại cấp trên, như đã kể lại trong Hồi ký của ông:

“Hôm tôi đi qua Đông Khê vừa giải phóng, thấy một nhóm chiến sỹ đang ngồi nhai bánh, ăn kẹo. Cán bộ thu dọn chiến trường đến quát tháo đòi kỷ luật, bắt anh em đưa nộp hết bất cứ thứ gì đã thu nhặt được với cái lẽ: chiến lợi phẩm lớn nhỏ đều là tài sản quốc gia, là chiến quả đổi bằng xương máu. Với máu thanh niên vốn sôi nổi, tôi rất ghét cái thói lên lớp dạy đời, nên đứng lên cãi lại. Tôi cũng nói ngang ngược không kém: Các anh có biết chiến thắng này do ai không? Và ai đổ xương máu ở chiến trường này. Có phải là những người lính không? Trước khi đi vào trận đánh họ vui vẻ ăn bưởi rừng, ổi ma thay cơm, măng rừng thay thịt cá. Bây giờ chiến thắng rồi, có tí chút chất tươi vui vẻ với nhau. Các anh phải lên lớp làm gì nặng nề thế! Thôi các anh đi đi. Đây là đơn vị chúng tôi. Chúng tôi chịu trách nhiệm ở đây không cho ai lấy.” [6]

Miếng ăn “chiến lợi phẩm”, như thế, đã bị giật ngay từ trong miệng của người lính. Nó bị giật ngay trên trận địa mà họ đã đổ máu và bị giật bằng “quyền lực mềm” của hệ thống toàn trị, thứ quyền hách dịch “lên lớp” và quyền phán định đâu là “tài sản quốc gia”. Mà không chỉ có chiến lợi phẩm tại Đông Khê, một mặt trận đơn lẻ trong “chiến dịch lịch sử” mang tên “Biên giới” để nối liền chiến khu Việt Bắc với lãnh thổ Trung Quốc như một “hậu phương lớn”. Và không phải bậc chỉ huy nào cũng gắn bó chan hoà vói lính như chính ủy Trần Độ. Những “tài sản” thu dọn trong một cái cảnh lộn xộn sau “chiến dịch lịch sử” ấy đi đâu, về đâu, đã mang lại lợi ích chung nào cho “quốc gia”? Câu trả lời, ắt hẳn, chắng khác gì mấy lời đáp đã có về “tài sản quốc gia” lớn hơn rất nhiều là 16 tấn vàng dự trữ của chính quyền Việt Nam Cộng hoà sau đó 25 năm, trong cảnh rối ren lộn xộn sau “Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”.

Sau một “chiến thắng lịch sử” là một vụ “hôi của lịch sử”. Thu dọn chiến lợi phẩm là quyền tự nhiên của kẻ thắng trận nhưng “tài sản quốc gia” là “tài sản quốc gia” và vấn đề ở đây là cung cách kiếm chác của những thành phần đặc quyền như một trò “hôi của” có tích có tuồng giữa những xáo trộn lịch sử.

Trong chiều hướng đó thì lịch sử của hệ thống toàn trị cũng chính là lịch sử của những vụ “hôi của” mang tầm… lịch sử. Những diễn biến mệnh danh “bước ngoặc lịch sử”, “thắng lợi vĩ đại” hay “thành công tốt đẹp”, hết thảy, đều là “thắng lợi” của những mưu toan gây lộn xộn mang tầm cỡ quốc gia” để mở ra những chiến dịch hôi mang tầm cỡ quốc gia. “Thắng lợi” của cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn theo khẩu hiệu “Trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ” vào thập niên 50 cũng là “thắng lợi” của sự cộng hưởng ở đó những thành phần đặc quyền đã xúi giục đám “cốt cán” đá cá lăn dưa, trong những cuộc đấu tố đầy tính đá cá lăn dưa và sự “thực phần” cũng không kém phần đá cá lăn dưa, ở đó quyền “hôi của” của được ban cấp một cách tương ứng theo nhiệt tình đóng góp công việc “đào gốc trốc rễ” những kẻ thù giai cấp. “Thắng” lợi của cuộc đấu tranh giai cấp mệnh danh “cải tạo công thương” ở thành thị vào thập niên 50 ở miền Bắc và thập niên 70-80 ở miền Nam cũng là “thắng lợi” những kẻ hôi của đầy quyền lực. Những “thành công” lớn kéo theo những chiến dịch hôi của lớn và những “thành công” nhỏ nhỏ vừa vừa của các chính sách kinh tế – xã hội như các đợt đổi tiền, chiến dịch san bằng sở hữu “Z-30” hay hợp doanh thương nghiệp v.v… chính là tiền đề của các vụ hôi của nhỏ nhỏ, vừa vừa. [7]

Cứ cho đó là những “sai lầm ấu trĩ” của “một thời bao cấp”, thế nhưng không chỉ có cái thời đã qua quýt thú nhận là “sai lầm” cho xong chuyện ấy. “Thành công tốt đẹp” của Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) 2005 tại Hà Nội là một dấu mốc cho thời kỳ “mở cửa – tiến ra biển lớn” nhưng cũng là “thành công tốt đẹp” của tầng lớp đặc quyền khi “hôi” được những 80 chiếc Mercedes miễn thuế. [8] “Thành công” của muôn vàn “dự án quy hoạch” nhân danh phát triển cũng là “thành công” của đám hôi của bằng chính sách, “hôi” từ những cánh rừng- thuỷ điện mênh mông đến những”bờ xôi ruộng mật” đã nuôi sống không biết mấy thế hệ nông dân.

Và khi “thành công” như vậy, nó đã “thành công” như một đạo tặc thiếu bản lĩnh, phải nép mình vào bóng tối để kiếm ăn. Bản lĩnh” của đạo tặc không chỉ thể hiện ở cái gan giết người hay cướp của mà còn là “khí phách đạo tặc”, cái tinh thần dám chơi dám chịu, dám thẳng thắn thừa nhận mình là kẻ cướp hay kẻ sát nhân. Còn những thành phần đặc quyền đặc lợi của hệ thống toàn trị thì hôi của bằng cái quyền “nhân danh”, và để thoải mái “nhân danh”, họ phải làm mọi cách để duy trì tình trạng rối ren và nhập nhằng về quyền sở hữu. [9]

Chính trị của hôi của, như đã nói, là chính trị của sự rối ren. Để bảo vệ độc quyền làm ông chủ của tình trạng rối ren, hệ thống toàn trị phải duy trì tình trạng bưng bít và nhập nhằng.

Bưng bít và nhập nhằng là bản chất cố hữu của chế độ toàn trị. Hệ thống toàn trị Đức Quốc xã đã bưng bít chân dung thật của Hitler, kẻ đã một thời chiếm ngự trái tim và khối óc người Đức bằng cách sách động sự thù hận với người Do Thái nhưng, mỉa may thay, lại có máu Do Thái trong người. Hệ thống toàn trị tại Việt Nam thì bưng bít từ ngày khai sinh thật đến ngày khai tử thật của Hồ Chí Minh, khoan nói những chuyện thâm cung hệ trọng khác. Bằng những tiểu sử nhập nhằng, hệ thống toàn trị đã tạo ra những hào quang thánh nhân cho những nhà độc tài phàm tục. Bằng những khái niệm nhập nhằng về dân chủ, như “dân chủ tập trung”, nó cướp đoạt gần hết quyền làm… dân của chính người dân. Và bằng sự nhập nhằng của khái niệm “sở hữu tập trung” đối với đất đai, nó thoải mái hôi của theo cung cách mà nhà từ điển học Nguyên Văn Đạm đã tổng kết trong bộ từ điển nói trên: “thừa cơ cướp của trong một lúc lộn xộn.”

“Thừa cơ cướp của” là hành động của hạng vô lại và, như những kẻ vô lại hoàn toàn không có chút tự trọng, hệ thống toàn trị cũng không chừa cả người chết.

Lần đầu tiên tôi cảm thấy xấu hổ, chung cho người Việt, là lần chứng kiến cảnh mặc cả giữa một người Việt và một viên chức lãnh sự Mỹ, trong một trại tỵ nạn ở Hồng Công. Với tấm thẻ bài của lính Mỹ mang theo trong hành trình vượt biển, người Việt nằng nặc đòi hỏi chính phủ Mỹ phải bảo đảm cho anh ta, và cả gia đình của anh ta còn ở tại Việt Nam, một tấm visa Mỹ hay, ít ra, là cái giá tính bằng đô la: phải bảo đảm điều đó thì mới cung cấp thông tin về bộ hài cốt mà gia đình đang giữ tại Việt Nam. Viên chức Mỹ thì lặp đi lặp lại rằng vấn đề là nhân đạo, nhân đạo và nhân đạo: việc thưởng tiền là tùy thuộc vào thân nhân người lính, chính phủ Mỹ tuyệt đối không chấp nhận việc mua bán hài cốt người chết.

Không ai chịu ai, và cuối cùng, chủ nghĩa nhân đạo đã đầu hàng, viên chức Mỹ ra về trắng tay, để lại tôi và những nhân chứng khác đăng đắng một cảm giác bẽ bàng, hổ thẹn. Nhưng xét cho cùng thì kẻ mặc cả ấy cũng không đáng trách nhiều lắm: ra đi, mang theo cái tấm thẻ mà gia đình đã rót vào đó bao nhiêu tiền bạc, gởi gắm vào đó như là vật bảo chứng cho cả một kỳ vọng đổi đời, làm sao anh ta có thể tự ý quyết định? Như thế thì vấn đề ở đây là “xác tín” của cả gia đình anh ta, không chỉ về cái giá mà một bộ hài cốt lính Mỹ có thể mang lại mà, quan trọng hơn, là “lẽ tự nhiên” trong việc đầu tư để kiếm lợi từ một bộ xương như thế.

Đó là thứ “xác tín” hình thành trong một chế độ mà việc mặc cả trên xương người chết đã trở thành một chủ trương chính trị, một chiến lược ngoại giao. Đầu tiên, chỉ một thời gian ngắn sau “Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, là mưu toan làm tiền trên hài cốt Mỹ với cái giá lịch sử là 3.2 tỷ Mỹ kim. Người Mỹ muốn tính sổ với 58.000 binh sinh tử trận và mất tích ư? Thì phải bình thường hoá quan hệ. Họ muốn bình thường hoá quan hệ ư? Thì phải bồi thường chiến tranh. Cũng như cuộc mặc cả mà tôi chứng kiến, một bên là chủ nghĩa nhân đạo”, một bên là chủ nghĩa “tiền trao cháo múc”, hai bên nhùng nhằng, chẳng ai hiểu ai và chấp nhận lý lẽ của ai. Chỉ có mặc cả và mặc cả, mặc cả cho đến lúc chưng hửng vì bỏ lỡ cơ hội để rồi phải chấp nhận giảm giá, giảm dần và giảm dần, mãi cho đến năm 1994, lúc được xoá lệnh cấm vận. [10]

Không chỉ thiếu tự trọng, nó còn man rợ nữa. Không nói đếu tiêu chí hiện đại thể hiện ở Geneva Convention 1949, nó thậm chí còn man rợ cả với tiêu chí của văn minh cổ đại đi trước mình đến mấy chục thế kỷ. Homer, cách đây trên 3.000 năm, khi diễn tả lại cuộc chiến thành Troy trong Illiad, đã cho thấy thần Zeus “kinh động” như thế nào trước cảnh những tử thi bị kên kên rỉa xác và “lời nguyền” mà những kẻ man rợ sau cái trò này phải nhận lãnh như thế nào. Và Homer đã cho thấy, rốt cuộc, sau 12 ngày hành hạ tử thi của Hector, Achilles đã thực sự ân hận như thế nào, không chỉ ân hận đến mức trả lại thi hài của Hector mà còn độ đồng ý thời hạn hưu chiến đến 12 ngày để thành Troy có thể tống táng binh sĩ của mình một cách tử tế trước trận tử chiến cuối cùng. Nếu Illiad là một truyền thuyết xa xưa nhuốm màu thần thoại thì gần hơn, và xác thực hơn, là những sử liệu rành rành về mệnh lệnh của Abu Bakr vào thế kỷ thứ 7, giáo lĩnh đầu tiên của đạo Hồi, khi nghiêm ngặt yêu cầu binh sĩ mình phải đối xử tử tế, không được xúc phạm đến thi thể đối phương.

Hơn hẳn bất cứ vận động nào khác, chiến tranh là một cuộc vận động với xác suất cao nhất về những yếu tố bất ngờ và bất toàn nên sự phát sinh của những hành động man rợ mang tính cá nhân trong tình thế nóng bỏng của chiến trường ở phía này hay phía kia là điều khó mà tránh khỏi. Cái đáng nói ở đây là thời bình, một chính sách của thời bình, mà là một chính sách kéo dài. Khi cái trò kinh doanh hài cốt thiếu tự trọng ấy được nâng lên như một chính sách quốc gia thì vấn đề không chỉ đơn thuần là hai bên, đơn thuần là Washington và Hà Nội, là những nhà ngoại giao thay mặt và những nhà quyết định chính sách đứng sau. Theo những cuộc đàm phán kéo dài thì, càng ngày, những thân nhân chờ đợi sẽ càng đau đớn khi chồng hay con em chưa thể yên nghỉ một cách tử tế. Và càng ngày, theo những cuộc mặc cả giá xương cốt kéo dài, công dân của các nhà cầm quyền tự xưng “đỉnh cao trí tuệ” sẽ càng quen dần và tin dần vào “lẽ tự nhiên” hay sự “chính đáng” của cái trò hôi của từ xương người chết hay kinh doanh trên nỗi đau đớn của thân nhân người chết.

Lòng tốt đã bị “đánh cắp” từ những chính sách như thế. Ít hay nhiều, con người chúng ta ai cũng có chút “máu tham” trong người nhưng vấn đề là cái máu tham tiềm ẩn ấy đã bị đè nén hay triệt tiêu bởi những chuẩn mực đạo đức hình thành từ một nền tảng giáo dục phân minh, từ những thí dụ sống phân minh và đầy cảm hứng để bất cứ ai cũng khát khao học hỏi và noi gương. Nhưng những thành trì của sự tử tế trong lòng của từng người Việt đã bị tấn công liên miên, tấn công một cách lớp lang bài bản, tấn công một cách không thương tiếc. Đầu tiên là các chiến dịch chỉnh huấn, giảm tô rồi cải cách ruộng đất vào thập niên 50 với chú trương kích động mâu thuẫn, xúi giục hận thù và khêu gợi sự tham sân si. Để yên thân và để tiến thân, đồng đội hay đồng chí phải tố cáo và vu cáo đồng đội hay đồng chí. Và cũng để yên thân hay để được “thực phần” từ gia sản của những kẻ bị đấu tố, như một cách hôi của, những nông dân lại phải học cách tố cáo và vu cáo láng giềng.

Xây dựng quyền lực một cách thiếu phân minh như thế, hệ thống toàn trị chỉ có thể tồn tại dựa trên một nền tảng của những giá trị nhập nhằng.

Nhập nhằng giữa “chế độ” và “đất nước”, nó đặt mối đe doạ của với chế độ lên trên mối đe doạ của đất nước, xem kẻ thù của đất nước là “bạn hữu nghị” trong khi đối xử với những công dân yêu nước như là kẻ thù. Nhập nhằng giữa khái niệm tư hữu và công hữu đối với đất đai, nó đặt quyền “sống còn và quyền mưu cầu hạnh phúc” của người dân lên trên quyền hôi của của thành phần đặc lợi, và để bảo vệ cái đặc quyền “hôi của” ấy, nó lại nhập nhằng giữa “quần chúng nhân dân” với đám côn đồ đá cá lăn dưa. Và, vậy là, như có thể thấy giữa những gì đang diễn ra ngày ngày, bất cứ chiến dịch cướp đất, chiến dịch dàn áp nông dân đòi đất hay đấu tố và đàn áp người bất đồng nào cũng có bóng dáng của đám côn đồ đá cá lăn dưa nhân danh “quần chúng”.

Đằng sau những chiến dịch lịch sử là những vụ hôi của lịch sử. Đằng sau những nhà cầm quyền già-đá-cá-lăn-dưa non-đạo-tặc là những “quần chúng” cực kỳ đá cá lăn dưa. Khi chính quyền chỉ là một giống ký sinh trùng bám vào tình trạng mập mờ để “Ăn của dân không từ thứ gì”, nó cũng không từ chối bất cứ phương tiện gì để bảo về cái quyền ăn bám đó, từ cứt cho đến mắm tôm. [11]

Từ chủ trương ngoại giao hài cốt đến biện pháp đàn áp mắm tôm chỉ là một khoảng cách rất ngắn. Và là một khoảng cách rất ngắn so với cái cảnh nhặt tiền phúng điếu dưới gầm cầu ở Lào Cai hay hôi bia tại Biên Hoà. Khi những nhà toàn trị cho rằng những hài cốt lính Mỹ đang nằm ở trong tầm tay, không dại gì vuột mất khoản lợi thì đám hôi của ở Lào Cai hay Biên Hoà cũng thế, đồng tiền hay thùng bia đang ở trong tầm tay, không ngu gì để vuột.

Lịch sử hết thăng thì lại trầm nhưng, luôn luôn, con người, như một tập thể cộng đồng, phải luôn luôn đứng vững với những phẩm cách cần có. Con người phải giữ vững bởi, ngày nào họ còn đứng vững, đất nước sẽ tiếp tục đứng vững và chính vì thế mà lịch sử của chúng ta trở nên đau đớn. Nó đau đớn vì, theo sự trượt dốc của đạo đức và sự biến mất của lòng tử tế như có thể thấy qua những thí dụ tràn lan trên mặt báo, người Việt ngày càng ác với nhau hơn, đê tiện với nhau hơn và nhưng ngờ nghệch và hèn hạ với kẻ thù truyền kiếp của mình hơn. Lịch sử hết trầm thì lại thăng và, sau cùng, lịch sử sẽ dành một chỗ đứng như thế nào cho cái hệ thống cầm quyền đã liên tiếp hạ thấp nhân phẩm và ngu muội hoá dân tộc mình như thế?

Tôi chợt nghĩ tới những bô cứt và những lọ mắm tôm thối đã ném vào những người bất đồng chính kiến, những nhà dân chủ, những nhà tranh đấu nhân quyền… [12]

18.12.2013

Nguyễn Hoàng Văn

Theo pro&contra

Tham khảo:

[1] Lê Thanh Phong, “Từ chuyện lòng tốt bị đánh cắp theo xe bia Tiger bị nạn”, Lao Động, 5.12.2013.

[2] “Hàng loạt vụ hôi của trắng trợn giữa ban ngày”, Vietnamnet 6.12.2013

[3] Nguyễn Văn Đạm. (1993), Từ điển tiếng Việt tường giải, liên tưởng, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

[4] Nguyễn Hoàng Văn, “Thịt hộp và Mercedes”, talawas 27.12.2004

[5] ĐặngVũ Hiệp (2002), Ký ức Tây Nguyên, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, tr. 82.

“Khuyết điểm thứ ba, công tác giáo dục và tổ chức cho bộ đội ý thức thu hồi chiến lợi phẩm, nhất là vũ khí trang bị chưa đầy đủ. Chưa tận dụng lấy vũ khí địch để diệt địch, còn nặng về lấy thức ăn. Có đồng chí đang đánh nhau vẫn ngồi ăn. Lại có anh em diệt địch xong, lấy thuốc lá vừa hút vừa xông lên đánh tiếp”.

[6] Hồi ký Trần Độ

[7] Có rất nhiều tài liệu về các vụ “hôi của” này, từ 16 tấn vàng vào năm 1975 đến các chiến dịch cải tạo công thương sau đó. Tài liệu mang tính “tổng kết” nhất là cuốn Bên thắng cuộc II: Quyền bính, của Huy Đức.

[8] Vì đưa việc này lên diễn đàn thảo luận của VnExpess và thu hút ý nhiều kiến phản đối vào cuối năm 2004, Tổng Biên tập Trương Đình Anh đã bị cách chức. Có tin cho biết nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải muốn đóng cửa tờ báo ngay nhưng các viên chức văn hóa can thiệp, cho rằng mỗi tháng VnExpress có hàng chục triệu người đọc nên quyết định đóng cửa này ngay trước hội nghị ASEM là một điều không hay, chỉ nên dừng lại ở mức độ khiển trách.

[9] Tháng 1 năm 2013, 72 nhân vật nổi tiếng đã gởi “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992”, trong đó đề nghị “ áp dụng quyền sở hữu cá nhân về đất đai” nhưng “Hiến pháp” đã được thông qua với khái niệm sở hữu toàn dân trong vấn đề đất đai.

[10] Xem Hồi ký Trần Quang Cơ, Chương 1: “Việt Nam trong thập niên của thế kỷ 20”

 [11] Lê Kiên, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan:”Ăn của dân không từ một cái gì

[12] Nguyễn Duy Vinh, “Cách dùng mắm tôm trong văn hóa đàn áp ở Việt Nam”, “Bùi Hằng bị ném mắm tôm, rác rưởi vào nhà” và “Ai là nhân dân của cộng sản?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn