BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73229)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Giáo dục xuống cấp nghĩa là gì?

19 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1377)
Giáo dục xuống cấp nghĩa là gì?
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
VRNs (17.08.2010) - Sài Gòn - Nhiều năm, rất nhiều năm qua, giáo dục Việt nam bị than phiền và bị chê trách rất nhiều. Và những từ ngữ “giáo dục xuống cấp” được dùng thường xuyên thành quen thuộc. Thậm chí, trong ý nghĩ của nhiều người, “giáo dục Việt nam” đồng nghĩa với “giáo dục xuống cấp”, cũng giống như nhiều thứ khác trong xã hội này.

Thế nhưng, “giáo dục xuống cấp” nghĩa là gì? Dư luận được báo chí lề phải hướng dẫn để than phiền về những chuyện đang tràn lan như học sinh gian lận khi làm bài (nói cho ra vẻ điện ảnh là “quay (phim), nói cho có vẻ “Tây” là cóp (pi), đại khái là giảm nhẹ tính chất). Nhưng thật ra, chính lối dạy từ chương, đọc chép và ép buộc học những môn chẳng biết để làm gì là nguyên nhân chính của việc gian lận này.

Chuyện thứ hai cũng bị “đánh” nhiều là việc dạy thêm học thêm. Mỗi năm, qui định về việc học thêm đều thay đổi, và cuối cùng không ai biết khi nào được dạy thêm khi nào được học thêm. Nguyên nhân của việc học thêm là do đâu và việc dạy thêm học thêm tự nó có xấu hay không là những vấn đề khác mà ít ai chịu khó phân tích.

Một dấu hiệu khác của “giáo dục xuống cấp” theo nhiều người là việc thay đổi sách giáo khoa xoành xoạch, y như người nuôi cá đổi những cây thuỷ sinh để cá vui mắt và mắt người cũng vui. Sách giáo khoa đổi thì kiến thức học sinh không biết có đổi không, nhưng chắc chắn và lợi nhuận cho nhiều người thay đổi đều đặn.

Nếu chỉ nhìn vào những điều ấy thôi thì quả cũng đã thấy buồn. Tuy nhiên, những điều ấy có thể lý giải và có thể thay đổi cho tốt hơn. Nhưng tại sao năm này qua năm khác người ta vẫn không đổi? Tại sao những chuyện dễ giải quyết lại không được giải quyết? Chắc chắn phải có một lý do sâu xa nào đó mà nhiều người không chú ý hoặc có chú ý cũng không cho là quan trọng? Hay cứ chấp nhận vậy cho dư luận có chuyện để bàn và sinh viên học sinh khỏi quan tâm đến những chuyện khác?

Là người đi dạy học nhiều năm, chúng tôi nhận thấy nền giáo dục “cao quí” của ta quả đúng là có nhiều vấn đề. Và cái “xuống cấp” trầm trọng nhất không chỉ là những dấu hiệu thấy được ấy, mà còn nằm ở sâu xa trong chính bản chất của nền giáo dục.

Nếu định nghĩa giáo dục là tiến trình đào luyện để con người sống đúng nhân vị và phẩm giá của mình và hướng về Chân Thiện Mỹ thì nền giáo dục này khiếm khuyết trầm trọng. Nội dung nổi bật của các môn học là lòng căm thù, môn Sử dạy “phân biệt rõ bạn và thù”, môn Văn dạy những câu thơ đầy căm hận, thậm chí môn Toán cũng có đề bài đại khái như có ba tên địch, anh du kích bắn chết hai tên hỏi còn mấy tên.

Chính lòng căm thù được dạy từ bé đã làm cho con người lớn lên trong sự vô cảm, và vì thế khó đòi hỏi họ phải sống nhân hậu, yêu thương hay bao dung với đồng loại của mình. Và khi dạy về lòng căm thù, đương nhiên nền giáo dục phải loại trừ Thiên Chúa Tạo Hoá ra khỏi tâm hồn con người, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Không hướng về tôn giáo nói chung, làm sao giúp con người hướng thiện?

Nền giáo dục này dường như không có hướng đến rõ rệt. Hỏi học sinh rằng đi học để làm gì, các em đều trả lời rằng học để mai sau đi làm kiếm tiền. Trong xã hội thiếu gì người có học mà làm không ra tiền hoặc người không đi học vẫn hái ra tiền. Nếu học chỉ để kiếm tiền thì việc học quả là gánh nặng! Đâu rồi mục tiêu cao quí của giáo dục?

Một nét xuống cấp khác của giáo dục chính là kết quả đáng buồn của nó. Các môn học chỉ nhằm dạy những điều phục vụ cho những ý định nào đó xa lạ với Chân Thiện Mỹ, thì dĩ nhiên khó lòng đào luyện nhân cách con người. Chuyện học trò quay cóp là kết quả của tiến trình dạy và học này.

Ngoài ra, hãy nhìn cách đa số học trò cư xử với người lớn và với nhau. Gặp thầy cô, mấy học sinh biết chào hỏi? Đi học trễ, mấy em biết xin phép vào lớp? Điện thoại reng trong lớp và cảnh chạy ra chạy vào bát nháo là chuyện thông thường. Cô giáo xách máy cassette lên lớp, học trò nam len lén giành đường đi trước, chẳng buồn giúp cô! Chuyện đánh nhau, gây gỗ với nhau có còn là chuyện hiếm không? Có em nói với tôi: “Ở Mỹ còn ghê hơn vì học sinh bắn nhau trong trường”. Các em nói sai rồi. Không phải học sinh bắn nhau mà kẻ gây hấn là ở ngoài xâm nhập vào, và chuyện đó cũng hiếm xảy ra. Số học sinh bị bắn ở Mỹ chắc chắn ít hơn số bị đánh và đâm chém ở nước ta chứ.

Một trường đại học dán nội qui gồm nhiều điểm, trong đó có “cấm tuyên truyền đồi trụy phản động và tôn giáo trong nhà trường”, rồi ra thông báo cấm nghỉ lễ Giáng Sinh, yêu cầu giảng viên có biện pháp với sinh viên nào nghỉ ngày Lễ ấy. Một trường đại học mà chưa phân biệt nổi tôn giáo và chuyện đồi trụy, chưa hiểu được thế nào là ngày Lễ quốc tế thì dạy cho sinh viên cái gì trong đó?

Những chuyện vừa bàn đến hẳn là nghiêm trọng hơn chuyện dạy thêm học thêm và chuyện đổi sách giáo khoa. Nhưng dường như phán đoán con người đã bị lái theo một hướng nào rất khó hiểu, và như vậy việc đào luyện lương tâm hãy còn là chuyện xa vời. Ngay cả một số giáo viên Công giáo cũng chịu ảnh hưởng và chấp nhận chạy theo cái xấu, làm theo những chỉ đạo lêch lạc để có chỗ tiến thân thì quả là điều đáng buồn.

Chuẩn bị vào năm học mới, các khẩu hiệu lại được treo lên, các phong trào lại được phát động, và chuyện cũ lại tiếp diễn. Năm nay quyết phải sửa sai, sửa mà không được chờ ngày sang năm. Mỗi con người cần một chút thay đổi, một chút ý thức thì hy vọng mọi việc sẽ sáng hơn. Khi mục tiêu giáo dục phù hợp với mục tiêu giáo dục toàn cầu thì ánh sáng mới lóe lên cuối đường hầm, còn cứ một mình một cõi thì các vấn đề vẫn còn đó, năm này qua năm khác rồi năm khác nữa lại giống năm này!

Gioan Lê Quang Vinh

17-08-2010
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn