BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72826)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tiếp lời ông Lê Hiếu Đằng

16 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 1420)
Tiếp lời ông Lê Hiếu Đằng
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
Tôi vốn sẵn có cảm tình với ông Lê Hiếu Đằng. Trong những vị mà tôi tạm gọi là "trí thức dân chủ trong nước" ông Lê Hiếu Đằng là một trong những người mà tôi ưa đọc nhất. Theo nhận xét của tôi ông là người nói thẳng nhất, dù tôi vẫn có cảm tưởng rằng ông vẫn còn giữ gìn, chưa nói hết những điều mình nghĩ. Bài "Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…" của ông, do ông Nguyễn Huệ Chi biên tập khác ở chỗ nó khiến tôi nghĩ rằng lần này ông đã viết hết những điều mình nghĩ. Hoan hô ông Lê Hiếu Đằng và hoan hô cả ông Nguyễn Huệ Chi người đã biên tập và phổ biến bài này.

Lê Hiếu Đằng


Lý do khiến tôi thích bài này nhất trong những bài của ông Lê Hiếu Đằng, và trong số tất cả những bài viết gần đây của trí thức trong nước, nằm ngay trong lời giới thiệu của ông Nguyễn Huệ Chi : bài này là "một lời tuyên ngôn chắc nịch về con đường nhất thiết phải đi để đưa dân tộc thoát khỏi (..) một cái ách cực kỳ phi lý (…) Hãy hất nó xuống khe vực để đứng thẳng dậy, sánh bước cùng nhân loại văn minh."

Một độc giả Thông Luận, ông Hữu Văn, đã nhận định bài này là một đột phá về tư tưởng. Tôi chỉ đồng ý một phần. Theo tôi nên gọi đây là một sự giác ngộ thì đúng hơn. Ông Lê Hiếu Đằng đã viết bài này sau khi nằm bệnh viện và xáp mặt với cái chết. Tôi biết ông Đằng đã ngoài 70 và tôi còn hơn ông Đằng trên một con giáp để đã có nhiều cơ hội hiểu rằng ở vào tuổi đó mỗi khi phải vào bệnh viện người ta đều có cảm nghĩ lần này có khả năng mình sẽ từ giã tất cả trên cõi đời này. Những lúc đó mình mới thấy rằng câu hỏi duy nhất đáng được đặt ra là mình đã dám sống thật với mình chưa. Cuộc đời mình có ý nghĩa gì hay không hoàn toàn ở cách mà mình tự trả lời mình, ngoài ra tất cả đều chỉ là phù phiếm. Tôi tin rằng ông Đằng vừa trải qua một lúc như thế và vì thế bài này của ông đã vượt trội hơn những bài khác.

Tôi rất nể phục ông Lê Hiếu Đằng ở chỗ ông đã kể lại quá trình tham gia và hoạt động trong đảng cộng sản một cách bộc trực. Tại sao không ? Chúng ta chẳng có gì để phải giấu giếm che đậy cả. Giai đoạn lịch sử vừa qua đã là một giai đoạn rất đau thương trong đó người những người Việt Nam có chút đầu óc đã chỉ có những chọn lựa buồn giữa một cái dở và một cái mà một cách chủ quan chúng ta cho là còn dở hơn. Để rồi sau cùng tất cả đều thất vọng, kẻ thì thất bại đi tù cải tạo hay đào thoát ra nước ngoài, hay bị gạt ra ngoài lề xã hội, kẻ thì tỉnh mộng nhận ra là mình đã chỉ đóng góp cho một công trình đập phá đất nước. Chẳng có ai có tư cách để bắt lỗi ai. Tất cả chúng ta đều bẽ bàng như nhau. Dĩ nhiên cũng có những người khôn lanh biết họ muốn gì và đang thỏa mãn nhưng tôi không muốn nói tới họ trong bài này, tôi chỉ muốn nói về những người còn khắc khoải với tương lai đất nước.

Không những nể phục mà tôi còn tán thành ông Lê Hiếu Đằng khi ông nhận định : "hiện nay tình hình trong nước và trên thế giới đã thay đổi, vì vậy chúng ta phải nhận thức lại một số vấn đề trước đây. Nhận thức lại và dấn thân hành động cho cuộc chiến đấu mới". Cuộc chiến đấu mới đó theo ông Đằng là để "thay đổi thể chế từ một nhà nước độc tài toàn trị chuyển thành một nhà nước cộng hòa với tam quyền phân lập : lập pháp, hiến pháp, tư pháp độc lập". Tôi cũng hoàn toàn tán thành. Bởi vậy những gì tôi nói sau đây là thảo luận với một người cùng chí hướng trong tinh thần đóng góp cho mục đích chung.

Chính vì đồng ý với ông Đằng là "chúng ta phải nhận thức lại một số vấn đề" mà tôi phân vân khi ông quả quyết : "trước mắt là hành động, hành động và hành động". Cách phát biểu này bày tỏ quyết tâm, nhưng hành động với ai, như thế nào, theo tiến trình nào ? Tôi nghĩ là còn nhiều vấn đề phải thảo luận để đi đến kết luận chung đúng đắn chứ không phải chỉ giản dị là hành động, hành động và hành động. Vấn đề trước hết là phải cảnh giác với những điều mà chúng ta cho là hiển nhiên.

Một trong những vấn đề mà nhiều trí thức xuất thân từ hàng ngũ cộng sản cho là hiển nhiên là chỉ có họ mới có khả năng thực hiện cuộc chuyển hóa về dân chủ. Tôi còn nhớ trước đây, vào cuối năm 2010, đã có một hội thảo của các chuyên gia và nhân sĩ hàng đầu của chế độ có tiếng là cởi mở để đóng góp cho cương lĩnh của đại hội lần thứ 11 của Đảng Cộng Sản Việt Nam do ông Trần Phương chủ trì tại Hà Nội. Hội nghị này đã có những phê phán rất gay gắt đối với chế độ. Có vị nói thẳng chủ nghĩa Mác-Lenin đã sai bét rồi, có vị chất vấn về vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản : "ai cho anh lãnh đạo ?", có vị nói thẳng : "không lừa được người ta mãi đâu !". Đúng là một cuộc hội thảo bộc trực và tâm huyết hiếm có trong chế độ. Một số đông đảo các vị này cũng là những vị mà ông Lê Hiếu Đằng nêu tên như là những khuôn mặt quí báu của đất nước hiện nay.

Một chi tiết ít ai lưu ý là bà Dương Thị Thu Hương, nguyên phó thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, đã nói trong hội thảo này rằng các nhân sĩ trong nước chỉ cần thảo luận với nhau chứ còn "những thằng ở nước ngoài chúng nó nói gì cứ kệ chúng nó". Tôi không hiểu "những thằng ở nước ngoài" như tôi đã làm gì để xứng đáng với một sự thù ghét khinh bỉ như thế. Điều đáng lưu ý là đã không có vị nhân sĩ nào trong hội nghị phiền lòng vì câu phát biểu cao ngạo này.

Hình như chính ông Lê Hiếu Đằng cũng chia sẻ quan điểm cho rằng cuộc vận động dân chủ phải hoàn toàn do những người cộng sản cũ chủ xướng khi ông viết : "Vậy tại sao chúng ta hàng trăm đảng viên không tuyên bố tập thể ra khỏi đảng và thành lập một đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ Xã hội (…)".

Dù rất tán thành thái độ dũng cảm thẳng thắn quay lưng lại với đảng cộng sản tôi cũng thấy phải đặt câu hỏi tại sao lại chỉ có những đảng viên cộng sản cũ trong đảng Dân Chủ Xã Hội mà ông Lê Hiếu Đằng muốn thành lập ?

Tôi là một người chống đối với đảng và chủ nghĩa cộng sản từ rất lâu. Tôi có thể chất vấn các vị cho rằng cuộc cách mạng dân chủ phải hoàn toàn do những người cộng sản cũ chủ xướng rằng họ nhân danh cái gì để nghĩ như thế. Phải chăng là vì họ có ý thức dân chủ rõ rệt hơn chúng tôi ? Hay là vì họ có kinh nghiệm dân chủ hơn ? Hay họ có quyết tâm đấu tranh cho dân chủ hơn ? v.v. Nếu thực sự có cuộc tranh luận xem ai có tư cách và thẩm quyền để đấu tranh cho dân chủ hơn ai thì sẽ phức tạp lắm chứ không hiển nhiên chút nào đâu. Nhưng vấn đề thực sự cần được ý thức thật rõ rệt là một kết hợp chỉ gồm những người cộng sản cũ hay chỉ gồm những người xuất phát từ chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây là một kết hợp vô vọng ngay từ đầu. Một lý do là họ sẽ chỉ qui tụ được những người gắn bó với quá khứ thay vì hướng về tương lại, nghĩa là một thiểu số không đáng kể. Một lý do khác là kinh nghiệm cho thấy không bao giờ có một kết hợp chỉ gồm những người trong nội bộ một tổ chức có thể thay đổi được tổ chức đó ; trái lại chính họ sẽ bịđè bẹp. Xin gợi ý các vị đọc một bài giải thích lý do này nhân dịp viện IDS giải thể ; một số đông thành viên IDS là những người mà ông Lê Hiếu Đằng đặt kỳ vọng (1).

Định kiến của các trí thức xuất phát từ chế độ cộng sản -theo đó cuộc vận động dân chủ phải chỉ do những người cộng sản- có thể có nhiều nguyên nhân. Trước hết là do giáo dục và đào tạo trong nội bộ đảng họ được huấn luyện để không nhìn những người chống cộng như là đồng bào và anh em, di sản của tâm lý đó là họ vẫn còn nhìn những người chống chế độ với con mắt xa lạ. Cũng có thể là vì dù sao tâm lý chiến thắng sau ngày 30-4-1975 vẫn còn trong tiềm thức và khiến họ vẫn thấy mình thuộc "bên thắng cuộc" hơn hẳn những kẻ thuộc "bên thua cuộc". Nhưng đó là những lý do chỉ tồn tại trong tiềm thức khi mình không ý thức được là chúng còn tồn tại, chỉ cần nói ra là chúng tan biến ngay.

Quan trọng hơn là nỗi sợ. Phát biểu những trăn trở cá nhân hoặc giao du với bạn bè trong chế độ thì còn được dung túng chứ bắt tay với bọn chống đối thực sự là điều đảng không tha. Và nhiều người sợ. Sợ bị mất sổ lương hưu hay cái nhà hóa giá, sợ bị vu cáo, sợ cho người thân v.v. Nhưng tôi chắc ông Lê Hiếu Đằng không có nỗi sợ đó, ít nhất là từ nay bởi vì ông đã quả quyết : "Trước mắt là phải “chấn dân khí” để không còn sợ hãi các thế lực tàn bạo, không sợ bắt bớ, tù đày". Vậy còn lý do nào khiến ông còn ngần ngại bắt tay với những người dân chủ ngoài đảng và nhà nước cộng sản?

Tôi thấy còn một lý do khác và trên điểm này tôi cũng muốn góp ý. Ông Đằng viết : "tôi nghĩ trong một thời gian dài đảng cộng sản sẽ là một lực lượng chính trị mà không có bất cứ lực lượng nào có thể tranh chấp được". Như vậy thì mục đích của cuộc đấu tranh dũng cảm này chỉ là để khiến đảng cộng sản cải tiến cách cai trị đất nước ?

Tôi nghĩ rằng chúng ta không cần phải khiêm tốn như vậy đâu. Nếu có một lực lượng dân chủ thực sự thì đánh bại đảng cộng sản không khó. Cuối thập niên 1980 khi phong trào dân chủ dâng lên tại Liên Xô và Đông Âu nhiều người, trong đó có Soljenitsyne, tuyên bố rằng ngay cả nếu có bầu cử tự do thì các đảng cộng sản cũng vẫn sẽ thắng, đối lập chỉ có hy vọng trong những cuộc bầu cử sau đó. Sự thực đã như thế nào ? Trong cuộc bầu củ tự do đầu tiên tại Liên Xô do chính Gorbachev tổ chức đảng cộng sản Liên Xô đã chỉ được 7%. Tại Ba Lan đảng cộng sản không được một ghế nào cả, công đoàn Solidarnosc chiếm được toàn bộ số ghế, đến nỗi tướng Jaruzelski phải chua chát thốt lên : "Nếu lấy nhãn Solidarnosc dán lên đầu một con bò thì con bò cũng đắc cử". Và đó là những đảng cộng sản không đến nỗi quá mất lòng dân như Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Người ta không bao giờ ước lượng đúng được sự thù ghét của nhân dân đối với chế độ cộng sản. Những người dân chủ chắc chắn sẽ thắng nếu xây dựng với nhau một tập hợp dân tộc mới qui tụ tất cả những người dân chủ thuộc mọi quá khứ chính trị. Đó là niềm tin từ hơn 30 năm qua của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mà tôi hân hạnh là thành viên.

Vậy thì những người dân chủ như ông Lê Hiếu Đằng và ông Nguyễn Huệ Chi còn ngần ngại gì mà không nắm lấy những bàn tay đang chìa ra từ ngoài đảng cộng sản ?

Nghiêm Văn Thạch

Theo Thông Luận

(1) IDS : nhân nghe một tiếng kêu ai oán - Nguyễn Gia Kiểng - Thông Luận số 240 , 10-2009 
Ý kiến bạn đọc
17 Tháng Tám 20137:00 SA
Khách
Tại sao mấy anh CS cứ chờ gần đất xa trời, bệnh liệt giuờng mới nói ra lời phản tỉnh? Còn khi ở tuổi phục vụ (30- 60) thì anh nào anh nấy ngậm niệng như hến. Hèn hay vì ham mê quyền bính? Nhưng dù sao, thì cũng cho đám trẻ thấy được bộ mặt gian xảo hung ác của chế độ CS.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn