Xét xử theo điều luật ‘hai cái còng’ trở nên quen thuộc đối với công luận trong nuớc và thế giới trong vài năm trở lại đây, nhưng dùng nó để ‘chụp’ hai thanh niên đang ngồi trên ghế giảng đường với một cáo trạng đậm màu sắc chính trị không khỏi làm nhiều người thấy chột dạ và xót xa.
Nếu hai thanh niên này xếp hàng để khóc như trẻ con khi đuợc nắm tay các sao Hàn thì đã không sao. Nếu họ sử dụng tư duy để luyện tập lắng nghe một-hai-hay ba nốt nhạc để phán đoán bài hát thì cũng chẳng có vấn đề gì.
Còn nếu như họ hoạt động theo kiểu phong trào được ban phát từ Đoàn và Hội sinh viên có khi còn được thăng tiến và trọng dụng.
Nhưng hai sinh viên này đã không làm thế. Họ đã chọn cách lắng nghe tiếng gọi của dân tộc, viết bằng máu trên những mảnh vải có nội dung lên án giặc ngoại xâm.
Họ đã sử dụng tư duy của mình để phán đoán dòng chảy của nhân loại và cuối cùng lựa chọn con đường dấn thân đấu tranh chính trị thay vì có thái độ bàng quan như bao người cùng trang lứa.
An ninh quốc gia?
Cho nên, cáo buộc theo điều 88 vì 'truyền đơn có nội dung không hay về Trung Quốc’ và ‘phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam’ dành cho hai sinh viên này không những không đảm bảo cho an ninh quốc gia mà trái lại đã tạo nên dư luận và hình ảnh vô cùng xấu cho nhà nuớc.
Vì nó mang lại cảm giác rằng lòng yêu nước dường như đang bị xúc phạm khi mà Trung Quốc có những hành động đe dọa đối với Việt Nam trong thời gian gần đây.
Nó cũng mang lại cảm giác bất an cho giới trẻ nói riêng và dân chúng nói chung khi nhìn vào đảng cầm quyền. Đã là đảng lãnh đạo của nhân dân mà không dung thứ cho việc bị phỉ báng hoặc chỉ trích thì ai có quyền hoài nghi về đảng đó.
Đáng nói hơn, vụ việc của Phương Uyên và Nguyên Kha là dấu hiệu cho thấy lực luợng chống đối Nhà nước đang dần được trẻ hóa.
Không chỉ là những ông già bà lão bị quy chụp là thành phần bất mãn, mà sự bất mãn này đã xâm nhập vào giới thanh niên sinh viên ở độ tuổi tràn đầy năng luợng sống đang ấp ủ những hoài bão tươi đẹp với đầy niềm tin vào tương lai.
Kết án tù Phương Uyên và Nguyên Kha trong trường hợp này không giúp đảm bảo an ninh quốc gia mà nó chỉ làm cho giới trẻ càng hoài nghi và chán nản để rồi tiếp tục bàng quan trước vận mệnh của đất nước, khiến quốc gia ngày càng rối ren.
Tham dự chính trị
Giới trẻ ngày nay hiểu rằng họ là ai, đất nước này đang cần gì và họ phải làm gì: không có gì khác hơn là chủ nhân của một đống nợ nần với tài nguyên quốc gia đang cạn kiệt cùng sự suy đồi đạo đức đã bám rễ và một định hướng đang phải mò mẫm mỗi ngày.
Họ cũng thừa biết trụ cột của một quốc gia thịnh vượng là gì: không có gì khác ngoài một thể chế dân chủ với quyền con người được đảm bảo và xã hội dân sự phát triển.
Để rồi tiếng gọi lương tri đã thôi thúc hai sinh viên này hành động.
Dù hành động rải truyền đơn của hai sinh viên này có thể không được nhiều người ủng hộ về phương pháp đấu tranh chính trị, nhưng nó thể hiện sự can dự vào chính trị khi dũng cảm thoát ly khỏi khuôn khổ của hệ thống chính trị hiện hành.
Phương Uyên và Nguyên Kha đã không cố gắng bám víu và trông đợi vào sự 'cơ cấu' như nhiều người trẻ hiện nay mà lại chọn con đường dấn thân để rồi phải chịu rủi ro.
Từ đây có thể nói rằng:
"Con đuờng duy nhất để giới trẻ hiện nay rèn luyện năng lực tham dự vào chính trị là phải dũng cảm đối mặt và chấp nhận rủi ro từ Điều 88 Bộ luật Hình sự".
Đất nước này giờ đây không cần những vết máu loang trên những con đường mà luôn cần những tấm lòng dấn thân, sự dũng cảm đối mặt và chấp nhận rủi ro để đối diện với Điều 88 thì mới có hy vọng vào tương lai tươi sáng và tiền đồ cho dân tộc.
Nếu Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha phải chịu án tù thì họ chính là những người trẻ đã viết nên những trang đầu tiên làm lay động tâm thức xã hội.
Đó là đem vào đời sống chính trị Việt Nam hình ảnh của những người trẻ có tinh thần dân tộc, có lý tưởng sống nhưng phải đối diện với tù tội.
Nó đã thách thức lương tri của những tri thức hàng đầu của đất nước và đặt ra câu hỏi cho hàng triệu thanh niên sinh viên còn đang bàng quan với thời cuộc.
Phạm Lê Vương Các
Sinh viên Luật, TPHCM
15-05-2013
Theo BBC
Gửi ý kiến của bạn