Sinh tại Nho Quan, Ninh Bình, nhưng cụ đã từng tham gia Ban Tuyên huấn tỉnh bộ Việt Minh Lạng Sơn, làm trưởng ty Thông tin Tuyên truyền tại Hải Phòng và Hồng Quảng từ năm 1950-1951 và được bổ nhiệm làm giảng sư chính trị trung cao cấp chính ngạch từ năm 1962. Vậy là cụ đã từng đi tuyên truyền huấn luyện chủ nghĩa Mác ở Việt Nam từ rất sớm và là một đảng viên cộng sản kỳ cựu.
Vậy mà, gần đây người ta thấy cụ cứ tha thiết đòi “phá” Đảng, đòi tách ĐCSVN làm hai.
Sinh thời, khi bị những người chống “diễn biến hòa bình” quy kết bậy bạ, ông Trần Đại Sơn đã phản ứng một cách hóm hỉnh: “Nếu chúng tôi không ‘chống’ thì Đảng này đổ lâu rồi”. Chẳng nhẽ các cụ ngụy biện?
Luật sư Trần Lâm thì giải thích:
“Trên cơ sở tình hình thực tiễn, để tiến lên, sau khi rà soát các hình thức chỉ còn đọng lại một ý tưởng tha thiết là phải tách ĐCSVN ra làm hai. Làm như thế thì có thể bề ngoài giữ được ổn định, bề trong thì âm thầm cải tiến, có thể gạt bỏ dần những quan điểm sai lầm, những lề lối lạc hậu và có thể phá tan được mối quan hệ nhân sự đồi bại của các liên minh ma quỷ.
Cho nên cần phải có những biện pháp phù hợp, vì một ý tưởng dù tốt đến mấy nhưng việc thực thi không đúng đắn cũng không thể mang lại kết quả mong muốn.
Tách ra không phải bày ra quân xanh quân đỏ, ngày thì tranh cãi, tối thì bàn nhau chia chác.
Tách ra không phải giữ nguyên những con người ăn bám, gánh nặng của toàn dân.
Tách ra chưa phải mọi sự sẽ xuôn sẻ mà chỉ là tạo ra một đột phá chấm dứt độc đoán toàn trị, tiếp cận dần với dân chủ, công khai.
Từ tình hình này tạo ra sự sàng lọc, vai trò cá nhân được đề cao, nhân tài được xuất hiện. Một nền dân chủ phôi thai để dần dần được hoàn thiện.
Tách ra là một biện pháp một chủ trương táo bạo nhưng giữ được ổn định xã hội. Luật pháp giữ nguyên, bộ máy giữ nguyên, mọi hoạt động vẫn bình thường, sự thay đổi sẽ từ từ theo một chiến lược rõ ràng từ toàn trị sang đa nguyên đa đảng là một sự tiệm tiến lấy nâng cao dân trí làm gốc.”
Cụ háo hức kỳ vọng:
“Chuyển đổi thành hai Đảng chúng ta được rất nhiều:
Khi kết nạp lại, bao nhiêu người vì lý do không chính đáng mà vào Đảng, vào bộ máy Nhà nước sẽ lặng lẽ không xin kết nạp lại. Thế là việc chính của chỉnh đốn Đảng đã được thực hiện. Thời cơ vàng để Đảng ta trở nên trong sạch.
Hai Đảng cùng kết nạp thêm người mới, đó là sự thay máu làm cho Đảng khỏe khoắn, tươi trẻ, bừng bừng sức sống. Một việc mười năm không làm được, khoảnh khắc đã làm xong.”
“… ở đâu cũng có đảng viên của hai Đảng, họ được hướng dẫn để hợp tác cùng nhau nhưng lại giám sát lẫn nhau, từ đó luật pháp được đề cao, công bằng được thực hiện, phẩm giá con người được tôn trọng. Lúc ấy nghĩ lại họ sẽ thấy xấu hổ, không hiểu sao ngày qua họ lập lờ hai mặt, họ gian trá che đậy, họ khúm núm sợ sệt mà lại hách dịch và vụ lợi.
Trong không khí đổi mới ấy, người có tài năng, có đạo đức sẽ trở nên khác xưa. Họ có lòng tin, họ sẽ xin tham gia vào các hoạt động chung. Sức mạnh của hai Đảng cùng mạnh lên. Đất nước do đó sẽ phồn vinh.”
“Đảng tách ra làm hai là Đảng vẫn còn, Đảng chấm dứt độc tài, độc đoán, độc quyền chân lý… Đảng sẽ là đảng của dân tộc, của nhân dân một cách đích thực. Đảng mạnh lên, đất nước phồn vinh, dân tộc có chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng quốc tế”
Đầu đề nghe như nghịch lý của bài viết này chính vì xuất phát từ những kỳ vọng lạc quan trên.
Điều lý thú là, chính do đã trải nghiệm qua bao nhiêu dằn vặt xót xa, người đảng viên kỳ cựu của ĐCSVN này nhờ tọa thiền trên những nỗi bi quan cay đắng đối với Đảng của mình mà quán tưởng được con đường đi tới những kỳ vọng lạc quan cho Đảng.
Trần Lâm từng trải nghiệm bao dằn vặt xót xa khi phải kêu lên: “Có người cho rằng không còn ĐCS, chỉ có Đảng của những người cầm quyền! Họ thuộc giai cấp nào? Họ thuộc ‘giai cấp cầm quyền’! Họ sở hữu gì? Họ sở hữu quyền lực! Họ sản xuất kinh doanh gì? Họ kinh doanh quyền lực! Ngành nghề cụ thể? Xoay sở đất đai, mua bán côta, mở các dự án, chạy tội, chạy việc ! Vốn của họ? Vốn vô hình, nhưng lãi vô kể!”
Cụ phóng bút như một họa sĩ: “Đảng ta như một kỵ sỹ mệt mỏi; bộ máy Đảng và Nhà nước thì như con ngựa bất kham, què quặt. Trong tay kỵ sỹ có bản vẽ chỉ đường nhưng xem mãi vẫn thấy như không phù hợp với thực địa. Trời thì đã về chiều, làm sao về đích được trước khi trời tối!”
Viễn cảnh càng khủng khiếp hơn: “… nay Đảng như một ‘Achile mới’, moi đất ở dưới chân mình, mỗi ngày một tý, và càng ngày cái hàm ếch càng sâu hơn, rộng hơn… sự nguy hiểm càng gõ cửa…, dẫu rằng trước đây Đảng đã từng như Achile, bất khả chiến bại vì bàn chân để trên Đất Mẹ, đó là Nhân dân.”
Lắng nghe đâu đó từ quảng đại nhân dân, Trần Lâm loan báo: “Có cái gì như thầm lặng nói lên là Đảng ta tiếp tục cầm quyền là khiên cưỡng; không ai trong nhóm cầm quyền có những tố chất của một chính khách; toàn Đảng hiện nay lỏng lẻo đến mức chỉ còn là những người cầm quyền; bao nhiêu năm vẫn giữ đất nước trong vòng lạc hậu; nếu để tiếp tục cầm quyền thì nhất định nước ta sẽ bị nước ngoài thôn tính…”
“Việc T4 là việc nội bộ Đảng, vụ Biển Đông là việc quốc tế, tham nhũng là việc giữa Đảng và dân. Phải chăng một đảng có 3 mối quan hệ sống còn: Nội bộ Đảng, Đảng và dân, Đảng và quốc tế. Ở các nước, chỉ một việc cũng làm cho đảng cầm quyền ra đi, ta mắc một lúc cả ba.”
Trần Lâm cho rằng Đảng suy thoái là do lãnh đạo suy thoái và không xứng tầm:
“Các vị lãnh đạo như của chúng ta, ở Inđônêxia họ gọi là ‘các viên chức lớn’, thiếu cả những điều kiện của các bậc đi trước, thiếu cả những điều kiện phù hợp với thời đại hiện nay.
Suy cho cùng, cũng không phải là thiếu sót của một ai. Đó là những vấn đề của lịch sử. Tháng 6/2005, ông Hữu Thọ trả lời phóng viên: ‘Trong lịch sử chúng ta, triều đại nào cũng thế, bao giờ Thái Tổ, Thái Tông cũng tuyệt vời, nhưng sau Tổ, Tông thì con cháu bắt đầu hư hỏng, ăn mòn vào cái vốn của ông, cha để lại’. Phải chăng, sau cách mạng và chiến tranh, ta đã ngủ quên quá lâu, cuộc sống mới đã làm ta quên dĩ vãng, một dĩ vãng rất gần. Lề lối làm việc; cách chọn và bồi dưỡng nhân tài, vai trò của ngơời cầm đầu, trách nhiệm trơớc dân, cơ chế giám sát đều bất cập đã đưa đến tình trạng hiện nay…”
Mà, nguyên nhân suy thoái lãnh đạo lại chính do: “Bộ Chính trị, Ban Bí thơ, các cấp uỷ viên, từng nhiệm kỳ được bầu lại. Như thế là luật sinh tồn, sự đào thải tự nhiên được tôn trọng. Thế nhưng, các đồng chí đơơng nhiệm lại dự kiến một cách khá chặt chẽ, đến từng người của Bộ Chính trị, của Ban chấp hành mới… Thế là đã già rồi còn sinh đẻ, đứa con là phiên bản của cha mẹ, nó làm sao thông minh, khoẻ mạnh được. Ta không cần nói đến các tiêu cực trong việc sắp xếp, chỉ xét về nguyên lý cũng thấy là sai.”
“Mọi quyền lực thuộc về Đảng. Gọi là Đảng, nhưng thực chất chỉ là những ngơời cầm quyền. Nhóm này nghỉ, giao quyền cho nhóm kế tiếp, nhóm kế tiếp được chọn theo ý muốn của nhóm về nghỉ. Có khi người về nghỉ vẫn chỉ huy đất nước qua đàn em của mình. Đó là một hình thức ‘cha truyền con nối’.”
“Cha truyền con nối”, nhưng khốn nỗi cha nào có ra cha! Trần Lâm thẳng thắn: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”; “Nhà dột từ nóc”: Người có chức cao, quyền trọng, quá thiển cận, không biết việc làm sai trái của mình sẽ thúc đẩy nhiều người làm theo. Trên thế nào, dưới như thế.” Ông Đỗ Mười, cầm một món tiền lớn của nước ngoài, ai cũng biết, thế nhưng ông vẫn hiện diện ở vị trí người đại diện cao nhất của Đảng ta, nước ta, kể cả ở những ngày lễ lớn nhất, không ít người tỏ ra bức xúc và lo ngại, nghĩ rằng Đảng và Nhà nước không biết có thực lòng chống tham nhũng không?”
“Khao khát một người kiệt xuất, xung quanh là một bộ máy bao gồm những người tài giỏi, hiện đang nóng bỏng trong nhân dân” đang trở nên vô cùng bức thiết và rõ ràng không phải chỉ của Trần Lâm.
Đại hội Đảng lần thứ XI sắp diễn ra, ban lãnh đạo mới sẽ được sắp đặt. Trớ trêu thay, đâu đó lại đang lởn vởn một mối lo: Nước ngoài đang có ý đồ tâng một vị thư lại trong BCT ĐCSVN lên làm Tổng Bí thư. Vị này rất được lòng thiên triều không chỉ vì “lú lẫn” tin vào cái thứ lý luận ngụy biện đã gieo bao tai họa cho dân tộc mình mà còn sẵn sàng cống hiến cả tổ quốc mình cho ý đồ bá quyền của thiên triều!
Viên thư lại này không được tôi luyện trong thực tiễn đa diện của cách mạng, không được trui rèn qua những va đập khốc liệt của cuộc sống mà chỉ nhờ viết mướn diễn văn cho các cụ rồi được các cụ thổi lên rất thong dong nên rất dễ có tư chất ngây thơ của một cậu ấm hiện đại và tư duy rất dễ bị “định hướng” phi thực tế.
Vì “lú lẫn” nên “Từ sau kháng chiến chống Pháp đến gần đây, ta bị các nước lớn chi phối và lợi dụng. Ta non kém và cả tin. Ta lại du nhập và thực hiện học thuyết sai lầm: Vô sản chuyên chính, đấu tranh giai cấp, lãnh đạo tập thể; lại có luật đất đai là sở hữu của toàn dân, kinh tế quốc doanh là chủ lực. Nạn tham nhũng tràn lan. Tất cả như nhấn chìm chúng ta xuống bùn đen không ngóc đầu lên được.”
“Ta đã trải qua nhiều giai đoạn, với các học thuyết và biện pháp: Không công nhận tư hữu tài sản; đánh đổ tư sản địa chủ; có lúc đổ lỗi cho chiến tranh; có lúc nêu lên cái gọi là giai đoạn quá độ tiến lên XHCN và cuối cùng là thực hiện bao cấp… Đất nước đi đến cùng cực của khủng hoảng toàn diện.
Cuối cùng ta phải chấp nhận: công nhận sở hữu của các thành phần, công nhận kinh tế thị trơờng, do đó đất nước khởi sắc.”
“Nói rằng chúng ta tiếp nhận kinh tế thị trường nên chúng ta chấm dứt được khủng hoảng, đã khởi sắc, là khách quan và đúng đắn. Còn nói rằng ‘đổi mới’ là một sáng tạo, có tính đặc thù Việt Nam thì xem ra như là một vi phạm sở hữu trí tuệ.”
Để góp phần cứu vớt đất nước khỏi sự “lú lẫn” của cái chủ nghĩa tai họa, cái học thuyết ngông cuồng kia, Trần Lâm khiêm tốn khuyến cáo:
“… tôi không dám nói nhiều. Với suy nghĩ nông cạn của tôi, chỉ xin đề xuất 2 việc:
1 – Phải công nhận quyền sở hữu cá nhân về ruộng đất cho nông dân, một cách trọn vẹn.
Làm như vậy sẽ thúc đẩy người nông dân có ý thức, có quyền tự do định đoạt tài sản của mình. Họ có thể đổi ruộng cho nhau để sản xuất thuận lợi; có thể bán, mua theo lợi ích riêng…; họ có thể chung gom để sản xuất lớn, theo lối công ty; người có vốn, có kỹ thuật có thể tự mình mua bán đất, thuê đất để sản xuất quy mô lớn. Quyền sở hữu trọn vẹn đất đai sẽ mở ra một con đường mới, sản xuất lớn, mở rộng cánh cửa để công nghiệp hóa, hiện đại hóa…”
“Nông thôn, nông nghiệp vẫn là nền tảng cuộc sống của đất nơớc ta. Dân số trong nông thôn chiếm hơn 70%. Thế mà mặt này lại thành một góc khuất. Tôi vô cùng băn khoăn vì chưa tìm được một thông tin nào về một quốc gia 70% nhân dân là nông dân, với đơn vị sản xuất là hộ nông dân, đất đai manh mún, kỹ thuật lạc hậu mà có thể tạo được một xã hội dân giàu, nước mạnh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, văn minh, dân chủ…”
2 – … Cho phép người nước ngoài vào kinh doanh nông nghiệp. Đó là người thầy rất tốt cho chúng ta để mở rộng quy mô sản xuất.”
Trần Lâm rất quan tâm đến vấn đề dân chủ hóa xã hội. Khi bàn đến vấn đề dân chủ, ông nhiều lần nhắc đến khái niệm dân chủ của Tổng thống Clinton, nói tại Đại học Thanh Hoa: “Dân chủ là lắng nghe những ý kiến đối lập, cùng nhau bàn bạc để tìm các hành động đúng nhất, cho lợi ích chung và cùng tồn tại bình đẳng.”
Cần kíp thời dân chủ hóa, phải nhanh chóng xóa bỏ toàn trị độc đóan bởi theo Trần Lâm: “Mang cái dân chủ mà trộn với cái toàn trị là kéo rào ngược, là nhét đất thó vào tai vào mắt mọi người, cuối cùng mình làm hại mình.”
Cụ cổ súy mạnh mẽ những ý kiến bất đồng dám phát biểu công khai một cách có trách nhiệm và đánh giá cao những đóng góp của những con người quả cảm đầy trí tuệ này: “Qua chiêm nghiệm, một số người, trí tụê của họ là ‘dòng sông xanh’, ‘dòng sông hồng’, họ là nhân sĩ Bắc Hà. Họ cho rằng ba mươi năm qua, có cuộc đấu tranh giữa Đảng và dân. Dân không hề có tổ chức, có người cầm đầu, êm ả, bền bỉ đến vô cùng. Đảng cứ ép, dân cứ làm, ép mãi không đơợc đành phải nhả. Dân thắng, Đảng thua là kết luận. Cuộc đấu tranh ‘khoán hộ’ để chống việc hợp tác hoá ép buộc là chiến thắng đầu tiên. Đòi công nhận quyền sở hữu nên Luật Dân sự ra đời. Chống ngăn sông, cấm chợ, đòi tự do kinh doanh nên có Luật doanh nghiệp. Đó là hai chiến thắng tiếp theo.”
Tuy nhiên, cụ không thể không ngậm ngùi, chua xót: “Tôi bị bất ngờ: cùng một lúc nhiều người mà Đảng coi là tinh hoa, là tiêu biểu cho nền tư tưởng, văn hóa xã hội chủ nghĩa, đều lên tiếng phỉ báng Đảng. Có người đốt tác phẩm rồi nhịn ăn mà chết. Có người quên hết mình đã có những gì mà chỉ nhớ bài thơ, bài hát đầu đời khi chưa biết Đảng. Có người sau 30.4 gặp lại bạn văn thời xưa đã khóc mà nói là mình đã đóng kịch bao năm…Tóm lại họ tự nhân mình là ‘văn nô’. Trần Đức Thảo thì ra đi trong đau khổ; Nguyễn Khắc Viện thì giữ khoảng cách đầy kiêu hãnh; còn Nguyễn Mạnh Tường thì lạnh lùng rời bỏ. Họ là người được thế giới ngưỡng mộ, nhân dân yêu mến.”
“Cụ Tô Hoài theo Đảng, lúc Tây Bắc, lúc đồng bằng, ca ngợi Đảng hết lời, đột nhiên cho ra ‘Ba người khác’. Nếu cụ còn loại này, xin cụ kịp thời cho ra mắt bạn đọc để Đảng ghét cụ, cụ qua đời sẽ lờ cụ đi, mọi người sẽ đưa cụ đi an nghỉ nơi có côn trùng nỉ non, có hoa có lá, có trời xanh nước biếc và sẽ để bên cụ ‘Dế Mèn phiêu lưu ký’. Nếu cụ chậm chạp, Đảng vẫn mến mộ cụ, cụ mất, sẽ đưa cụ vào Mai Dịch, rồi con cháu cụ xuất bản di cảo; lúc ấy các vị nằm quanh cụ sẽ đánh đòn ‘hội chợ’ cụ và mọi người sẽ cười cả Đảng, cả cụ, một trận cười vỡ bụng.”
Tôn trọng những ý kiến khác biệt và thực tiễn đa nguyên, Trần Lâm khẳng định: “Việc thiết lập thể chế đa đảng, là việc làm không thể đừng được. Ta hiện nay suy thoái nặng nề không lối thoát, còn có con đường nào khác đâu. Cả thế giới một đường, một mình ta một hướng thì quả thật là quá lạ, mà cái hướng của ta lại mù mờ, ngay trong nội bộ cũng không thông suốt. Thiết lập thể chế đa đảng là việc làm sáng suốt, một lựa chọn đúng đắn.”
Tuy nhiên, trên cơ sở nhận định rằng: “Đòi hỏi đa đảng lúc này là phi thực tế, ta chưa có đảng phái nào có thực lực, thực lực có nghĩa là có cơ sở rộng, có bộ máy lãnh đạo, có đường lối rõ ràng, có những hoạt động cụ thể hàng ngày, và quan trọng là phải có một số người ủng hộ và tham gia”, Trần Lâm chủ trương nâng vai trò quyền lực tối cao của Quốc hội đặng có thể đủ năng lực và thẩm quyền giám sát Đảng trên cơ sở quan niệm rằng:
“Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao. Quyền lực là do dân giao, không ai ban phát. Quốc hội có phe cánh, cùng nhau đấu tranh, cùng nhau hợp tác, trên cơ sở chân lý. Nếu chưa thuyết phục thì có thể có trơng cầu dân ý. Tranh chấp trong Quốc hội là công khai, cạnh tranh lành mạnh, đó là động lực của sự phát triển…”
“Đảng vẫn ở cương vị lãnh đạo quốc gia, điều 4 Hiến pháp vẫn tồn tại. Các đại biểu gọi là ‘dân cử’ này, họ không hình thành tổ chức, hoạt động riêng lẻ, họ chỉ có nhiệm vụ đề đạt nguyện vọng nhân dân, giám sát, phản biện mà quan trọng nhất là chống lại sự lạm quyền của các cơ quan quyền lực. Cái khác nữa là họ không bị ràng buộc gì với Đảng cầm quyền, họ hành động theo ý thức công dân.”
“Quốc hội là sản phẩm của cách mạng dân chủ tư sản. Quốc hội là nơi các đảng phái đấu tranh để giành quyền lực, đồng thời cùng nhau hợp lực phát triển đất nước, theo đường lối thể hiện trong Hiến pháp.”
Trên cơ sở quan niệm về quốc hội như vậy, căn cứ vào tình hình hiện nay, Trần Lâm khẳng định chủ trương: “Việc lúng túng, tranh cãi hiện nay xuất phát từ cái gốc: ta du nhập một thể chế của đa đảng lại muốn biến hoá phù hợp với nền chính trị độc đảng. Hiện nay, cách giải quyết tốt nhất là giao cho Quốc hội một phần thực quyền, tạo ra một đối trọng.”
Đối với nước bạn láng giềng phương Bắc cụ có cái nhìn khách quan và tỏ ra nể trọng: “Dù chỉ tiếp cận sơ qua, ai cũng thấy Trung Quốc thật đáng ngưỡng mộ: người đông vô kể, đất rộng như vô tận, thiên nhiên hùng vĩ và kỳ thú, những công trình xây dựng cũ mới thì đều đồ sộ đến mức khó ngờ. Sách nhiều vô kể, nội dung hay đến mức để đời. Qua lịch sử, khi loài người còn mông muội, Trung Quốc đã có nhiều phát minh… Mấy chục năm nay, như có chiếc đũa thần, Trung Quốc vụt lên giàu có, nhiều ngành khoa học đạt mức thế giới, quân sự bùng phát. Trung Quốc như đang thách thức, như đang tranh giành ngôi đầu bảng thế giới.”
Tuy nhiên, cụ phản đối mạnh mẽ nếu quá tâng bốc: “Trung Quốc hình như đã đi quá đà: thế kỷ 19 là của Anh, thế kỷ 20 là của Mỹ, thế kỷ 21 là của Trung Quốc, nhiều người nói thế và các dấu hiệu đã có. ‘Trung Quốc là con hổ ngủ’, điều này khi tôi còn nhỏ đã được nghe, có đến gần 100 năm rồi nhưng vội nói rằng có thể chiếm Việt Nam trong 31 ngày, có thể đánh chiếm Ấn Độ và diệt cả Mỹ… rồi đòi chia đôi biển Thái Bình Dương với Mỹ lấy Hawai làm mốc… Nói thật hay hù dọa. Tôi tin là đã sa đà vào thế đang lên thành ra ngoa ngôn.”
Lại nữa, thực tế cả từ hiện tại lẫn lịch sử buộc cụ phải khẩn thiết cảnh báo: “Cái sợ hãi hơn là sợ não trạng con người Trung Quốc. Xem trong chuyện cổ, nhiều nghìn năm trước đến giờ, biết bao nhiêu gương mặt gian ngoan, mưu lược. Phụ nữ lại còn ghê gớm hơn, ngay cuối thế kỷ 20 mà Giang Thanh còn mưu mô làm Vua bà nước Tàu… Các nhà phân tích kết luận: khi nàoTrung Quốc mạnh là Trung Quốc bành trướng. Bây giờ Trung Quốc đang muốn xuống Phương Nam. Cái cửa cần mở là Việt Nam, mà Việt Nam lại là cái gai khó gỡ.”
Cụ trầm ngâm truy vấn: “Việt Nam có đường dây 500 KV, có đường Hồ Chí Minh… và cái gì cũng thấy ‘nhất’ Đông Nam Á. Ta không có đủ tiền, không có kỹ thuật; lúc ấy Trung Quốc xui làm gấp, cho vay tiền, chẳng lẽ mình từ chối. Thế rồi người Trung Quốc đưa phong cách Trung Hoa vào, rồi người ta vận dụng câu nói của Tôn Văn: ‘Ở đâu có dấu ấn văn hóa Trung Hoa là đất đai của Trung Quốc’ – Ta mất hay còn? Không hiểu sao Myanmar cũng thân Trung Quốc thì thủ đô lại đi vào xóm núi. Việt Nam cũng thân Trung Quốc thì thủ đô lại mở rộng gấp 4 lần. Hay là người ta muốn Việt Nam: thiếu hụt bối rối và hỗn loạn.”
Và thảng thốt: “… hiện nay Trung Quốc thâm nhập vào nền kinh tế Việt Nam, thâm nhập bằng cả quyền lực chính trị. Nếu như họ lại có trong tay các nhóm lợi ích hay là các nhóm lợi ích hai bên kết hợp với nhau thì có lẽ nền kinh tế Việt Nam đi đứt.”
“Từ Trung Quốc xây dựng 6 tuyến đường bộ đi qua các nước: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam… Sẽ chuyển hoá các trục này từ hành lang giao thông thành hành lang kinh tế; phát triển rộng khắp 6 tuyến, liên kết với nhau, liên kết với các nước ven đường. Rồi tổ chức các tuyến này theo một thể thống nhất ‘Nhất thể hoá’. Từ các tuyến này hội nhập các nền kinh tế tại chỗ. ‘Lan toả’, có thể hiểu là thâm nhập kinh tế khu vực. Phần đường đầu mối từ Trung Quốc đã làm xong. Trung Quốc đang giúp các nước làm cầu, làm đường nối tiếp.Trong 6 tuyến này thì 5 tuyến có điểm cuối cùng tại Việt Nam: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Sài Gòn. Tất cả đều là các vị trí xung yếu, trải rộng khắp Việt Nam… Ta mới có 2 đường Lạng Sơn và Móng Cái đã thấy điêu đứng, nay có thêm 5 đường đi khắp nơi, sức đâu để bảo vệ kinh tế quốc phòng … ‘Nhất thể hoá’, ‘Lan toả’, với những nội dung mù mờ. Thế có phải là một thể chế cho phép các hành lang này như khu nhượng địa nằm khắp Việt Nam? Thế là Việt Nam như con ếch nằm trong cái rọ: bắc là Trung Quốc, nam là biển, tây có hành lang này, có Miama canh gác, có cái lưỡi bò ở phía đông.”
Cho nên, dù đang bước vào tuổi 90, Trần Lâm vẫn kêu goi đi tiên phong dưới ngọn cờ chống kẻ ngoại bang đang uy hiếp quyền lợi dân tộc mình: “Xét trong phạm vi thế giới, cái họa Trung Quốc coi như cái họa toàn cầu, thiên hạ đã dứt khoát như thế. Có các động thái họ cụm lại, cụm để hạn chế Trung Quốc. Mà hạn chế Trung Quốc trước mắt phải giải quyết vấn đề Việt Nam. Ông Obama đi khắp nơi rao giảng hòa bình, cố gắng thu hẹp các lò lửa chiến tranh. Ông đang bàn thảo để khôi phục lại các căn cứ quân sự Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương. Thế là vừa lên sân khấu, khúc ca đầu tiên đã cuốn hút lòng người. Giải Nobel của ông không phải là vội vã mà là đích đáng. Các nước Asean lôi kéo Trung Quốc vào bàn đàm phán để hai bên cùng có lợi, ai ngờ việc đầu tiên lại là vấn đề biển Đông. Thế là lời ông Dương Danh Di: ‘phải chống Trung Quốc nhưng Việt Nam đừng chống một mình’.”
Cụ tỏ ra rất tâm đắc với phương châm của tôi: “Việt Nam muốn độc lập, tay phải phải nắm Hoa Kỳ, tay trái phải nắm Trung Quốc”, trên cơ sở nhìn nhận rằng: ”Đối với Mỹ, sự việc khá rõ ràng: Mỹ muốn ta mạnh lên phù hợp với đường lối toàn cầu của Mỹ. Mỹ giao thương với ta vì ta là thị trường đầy hấp dẫn. Nhân dân ta thật tán đồng rộng rãi việc quan hệ chặt chẽ này và kỳ vọng nhiều ở Mỹ. Các động tác của Mỹ: ủng họ cái này, phê phán cái kia, răn đe, hạn chế thế này thế nọ, suy cho cùng cũng là những thủ đoạn ngoại giao, mang tính nhất thời. Nó sẽ đi vào quên lãng. Con đường về cơ bản hầu như không có gì cản trở.” “Người Mỹ thì rõ ràng, thẳng thắn, họ biết hàn gắn quá khứ, họ biết tranh thủ cả một dân tộc. Người Trung Quốc đã bỏ mất bao nhiêu lợi thế để có một Việt Nam đích thực là anh em. Người Trung Quốc khó hiểu quá và họ tranh thủ ít người nhưng lại làm mất lòng cả cộng đồng!”
Đầu đề các bài viết của Trần Lâm ngày một khẩn khoản, đến mức như là cuống quýt: “Phải chăng đã đến hồi bĩ cực”, “Sự thay đổi đã đến gần”, “Sự thay đổi đã gõ cửa”…
Cụ cảnh báo: “Dựa vào công an để tồn tại; không được vì một khi trong Bộ Chính trị đang có sự chia rẽ thì công an nghe ai? Công an thi hành các mệnh lệnh đơn lẻ thì được, nhưng đại cục, lúc có biến động lớn thì không thể tin được đâu. Nhân dân biểu tình, ngực đeo biển ‘Tôi là nhân dân’, tay họ cầm hoa… Liệu rồi những người cầm súng có chúc mũi xuống đất như ta đã thấy khi bức tường Berlin bị rỡ bỏ không? Đó là cảm nhận của đông người. Dựa vào Trung Quốc để tồn tại! Tôi chưa hiểu dựa như thế nào, không biết kịch bản Trung Quốc cứu sự đổ vỡ của Đảng và chính quyền Việt Nam ra sao? Tôi chỉ thấy con đường duy nhất tồn tại trong thân phận tôi đòi cho Trung Quốc. Không thể nói là tồn tại mà phải nói là đã bán đứt linh hồn cho quỷ sứ.”
Cụ khuyên nhủ: <i“Trước mắt 15 người khổng lồ, cái bàn cờ độc lập và dân chủ đã bày rõ: đi với Trung Quốc thì mất nước, còn Đảng, còn quyền nhưng lại là đầy tớ, đi với phương Tây thì mất quyền nhưng còn nước, chỉ mất thân phận tôi đòi. Mà đi với phương Tây thì phải dân chủ, dân chủ thì phải phát động quần chúng, giao quyền cho quần chúng. Một sự lựa chọn khó khăn cho người này, rõ ràng, dứt khoát cho người kia.” [1]
Nhân sinh nhật lần thứ 85 của luật sư Trần Lâm
Hà Nội 10 tháng 6 năm 2010
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Điện thoaịu : ( 04 ) 35 534 370
[1] Các trích dẫn trong bài từ những bài viết sau của Trần Lâm:
“Những ý kiến đóng góp vàp việc chuẩn bị nội dung nghị quyết lần thứ X” (9-2005)
“Năm kiến nghị” (1–2006)
“Những suy nghĩ về cuộc bầu cử Quốc hội năm 2007” (12–2006)
“Nghĩ về tiến trình chính trị ở Việt Nam” (1–2007)
“Hướng tới một Quốc hội đích thực” (3–2007)
“Quốc hội 2007 – Cuộc du nhập đầy khó khăn” (3–2007)
“Lại câu chuyện: giữa đông và tây” (6–2007)
“Quốc hội trên con đường tự khẳng định” (9– 2007)
“Hai năm nhìn lại – Thời cơ – Thách thức – Thành tựu – Yếu kém” (9–2007)
“Phải chăng đã đến hồi bĩ cực” (4–2009)
“Sự thay đổi đã đến gần” (11–2009)
“Sự thay đổi đã gõ cửa” (6-2010)
Gửi ý kiến của bạn