BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72812)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Sống thật không sống giả

15 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 1018)
Sống thật không sống giả
50Vote
40Vote
32Vote
20Vote
10Vote
32
Trước khi các chế độ cộng sản sụp đổ, ít người thấy được những nhược điểm căn cốt nằm bên trong chế độ, kể cả những lực lượng đối lập đang đòi dân chủ hóa. Ông Jan Urban, một người trong nhóm Hiến Chương 77 sau này cho biết vào mùa Hè năm 1989, nhà trí thức trong nhóm này đã có trong tay một bản báo cáo của cơ quan mật vụ StB trình lên Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Trong báo cáo này, StB cho biết “những nhóm chống Chủ nghĩa Xã hội” chỉ gồm có 60 người, và nhiều nhất là 500 người ủng hộ họ. Jan Urban đồng ý là các con số được StB ước lượng là đúng. Ông viết: “Chính chúng tôi cũng thấy mình không thể nào chống lại chế độ này được, cho đến khi nó sụp đổ còn ngạc nhiên.” Đảng Cộng sản Tiệp Khắc sụp đổ vào mùa Thu năm đó.

Bởi vì mọi người chỉ được xem một tấn tuồng giả dối. Cố Tổng thống Václav Havel (1936-2011) cũng trong nhóm Hiến Chương 77, trong cuốn “Quyền lực cho những người Bất lực” (The Power of the Powerless, 1978) đã mô tả nước ông là nơi các công dân bị bắt buộc phải “sống trong một trò giả dối” (live within a lie). Năm 1984, ông đã đưa ra một lời kêu gọi đồng bào ông, “Hãy sống thật!”

Ở bên Nga trước đó, năm 1974 văn hào Aleksandr Solzhenitsyn cũng nhìn thấy cảnh tượng đó. Ông viết xong một bài tựa đề “Đừng Sống Dối Trá” (Live Not By Lies) đúng vào ngày ông bị mật vụ đến bắt đem đi. Năm đó Solzhenitsyn còn bi quan hơn nhiều; ông viết: “Chúng ta đã bị mất nhân tính một cách tuyệt vọng đến mức sẵn sàng từ bỏ tất cả các quy tắc, từ bỏ tâm hồn mình, từ bỏ tất cả những nỗ lực của tổ tiên cũng như từ bỏ các cơ hội đáng lẽ con cháu chúng ta phải được hưởng; để đổi lại lấy mấy khẩu phần tem phiếu nhỏ nhoi, và chấp nhận đừng có làm gì hết khuấy động cuộc sống mong manh này.” Solzhenitsyn than: “Chúng ta đang chết về mặt tinh thần.... và chúng ta vẫn cứ thế mỉm cười một cách hèn nhát...”

Cố Tổng thống Czech Vaclav Havel


Năm 1975 Havel đã viết một lá thư ngỏ gửi cho lãnh tụ đảng Cộng sản Gustáv Husák để trình bày cảnh tượng người dân chán nản trong một xã hội “phân biệt chính trị' (political apprtheid) không khác gì chế độ phân biệt chủng tộc đen trắng ở Nam Phi lúc đó. Ông nhìn thấy trong xã hội nước Tiệp Khắc những công dân “muốn sống trong sự thật” sẽ tự nhiên tách mình ra khỏi cái không khí tinh thần (ông gọi là một nền văn hóa) do chế độ ban bố. Havel nhìn thấy có hai đời sống văn hóa song hành, một đời sống giả do đảng và nhà nước cộng sản duy trì, và một nền văn hóa thật trong đời sống hàng ngày của người dân. Chế độ cộng sản ở Tiệp Khắc là một chế độ hà khắc kiểu Stalin nhất, so với những nước cộng sản cởi mở hơn ở Ba Lan và Hungary; tình trạng mà cũng vào năm 1984 nhà phân tích chính trị T. G, Ash nhận định trong một tựa đề rất thích hợp: “Nước Tiệp Khắc ướp đá,” (Czechoslovakia under the Ice). Nhưng chính lúc đó Ash cũng đã nhìn thấy, một số nhà trí thức can đảm cũng chứng tỏ có những đốm lửa nóng ngầm bên dưới đang đang làm tan cái khối băng đá khổng lồ là chế độ cộng sản. Bởi vì ai cũng còn nhớ, dân Tiệp Khắc đã có lúc vùng dậy, muôn người như một, chứng tỏ họ là một dân tộc hào hùng. Vì thế, giới trí thức phản kháng dù họ chỉ mới quy tụ được 60 người, vẫn tin tưởng, hy vọng, và tiếp tục hành động.

Tại Việt Nam ngày nay, người dân không phải hy sinh danh dự vì những phần ăn có thể mua bằng tem phiếu như ở Nga thời Solzhenitsyn nữa. Nhưng người ta vẫn có thể bỏ quên danh dự vì những lý do khác. Xã hội vẫn sống hai mặt, trong hai đời sống khác nhau. Một cuộc sống dối trá ở chỗ công khai, một cuộc sống thật khi quay về với chính mình. Đó là “hai nền văn hóa song song,” như Havel diễn tả.

Trong nền “văn hóa sống giả,” ở trên cùng là đảng Cộng sản vẫn còn hô hào “xây dựng chủ nghĩa xã hội;” trong khi chính các lãnh tụ đảng cũng không ai còn tin vào cái chủ nghĩa mơ màng đó nữa. Còn bên dưới, cả guồng máy tuyên truyền hàng ngàn thứ báo, đài, vẫn được bộ máy văn hóa tư tưởng uốn nắn vào khuôn, không ai dám nói đến nhu cầu dân chủ tự do. Toàn dân không còn ai tin vào những lời hứa hẹn của đảng Cộng sản; mà cũng không ai tin đảng sẽ còn sống lâu được nữa. Nhưng cả bộ máy truyền thông vẫn tiếp tục vẽ một bộ mặt bình thường cho chế độ, loan tin những nghị quyết, những kế hoạch, những thành quả, làm như tương lai vẫn rất tươi sáng.

Năm 1975, ông Havel đã báo động với lãnh tụ cộng sản Husák rằng tình trạng “phân biệt chính trị” của chế độ đang gây ra một hậu quả là người dân Tiệp Khắc sẽ bị “phi chính trị hóa,” không còn ai quan tâm đến xã hội chung quanh mình nữa. Ở nước ta hiện nay chủ nghĩa “Mặc Kệ” cũng đang tràn ngập. Chế độ kinh tế tư bản rừng rú mở cửa cho lòng tham và óc hưởng thụ nổ bùng. Nhưng không thiết lập được những định chế để kiềm chế các hành động gian manh do lòng tham thúc đẩy. Nền văn hóa sống giả làm cho cả xã hội suy đồi. Đến nỗi có nhà tư bản đỏ bỏ hàng tỷ đồng trùng giúp tu chùa chiền cho thật hào nhoáng, để đưa hình ảnh vợ con, gia đình mình vào đặt ngang với bàn thờ.

Nhưng trong “nền văn hóa sống thật” vẫn có những mạng lưới của giới trí thức, giới sinh viên, các nhà vận động dân chủ. Họ dám nói thẳng: Sống như thế này không thể chấp nhận được. Phải thay đổi, và thay đổi toàn diện.

Bên cạnh cuộc sống thật đó, xã hội vẫn may mắn vẫn còn các đoàn thể tôn giáo, những nhóm tư nhân, nghề nghiệp, đang tự tổ chức để hoạt động trong các phạm vi thuần túy tôn giáo, xã hội, khoa học, nghệ thuật, bên ngoài tầm kiểm soát của đảng. Họ đang xây dựng nền tảng cho một xã hội công dân tương lai, khi quyền hội họp tự do được chính thức công nhận. Ngoài ra cũng có những ý kiến lâu lâu xuất hiện trên báo chí công khai, chỉ mới dám vận động xin đảng Cộng sản nới lỏng một chút tự do cho họ được phép góp ý kiến một cách ôn hòa. Những hoạt động và các tiếng nói nhỏ đó giúp cho cuộc sống đẹp hơn. Nhưng chính họ vẫn phải chấp nhận chỉ đóng vai trò của mình, thu hẹp trong cả tấn tuồng giả dối do đảng Cộng sản đạo diễn.

Bây giờ là lúc người Việt Nam phải nói với nhau: Chúng ta quyết định không sống giả nữa. Nhiều người đã hành động như vậy. Thí dụ, ngay trong tấn tuồng “sửa hiến pháp” đang diễn ra. Trong nền văn hóa sống giả, đảng Cộng sản đang loan báo bao nhiêu tổ dân phố trên toàn quốc đã bầy tỏ ý kiến ủng hộ dự thảo tu chính hiến pháp của cái gọi là “quốc hội.” Cả bộ máy truyền thông của đảng loan tin hơn 50, 60 triệu người dân đã hoan nghênh bản dự thảo gia tăng quyền hành cho đảng. Nhưng trong nền văn hóa sống thật, đã có những nhóm như 72 nhà trí thức, có cả hội đồng giám mục, lên tiếng đòi bác bỏ điều 4, bãi bỏ các điều khoản phản dân chủ. Không phải chỉ có một Giáo hội Phật giáo Thống nhất dám nói công khai là phải xóa hẳn bản hiến pháp độc quyền chuyên chế, mà có cả những cá nhân cũng nói thẳng phải xóa đi làm lại, từ một nhà báo trẻ tuổi như Nguyễn Đắc Kiên tới một đảng viên cộng sản lão thành như ông Lê Hồng Hà. Họ là những người đã quyết định phải sống thật.

Sửa Hiến pháp không phải là trò hề duy nhất trong cả cuộc sống giả dối từ hơn nửa thế kỷ nay vẫn còn đang diễn ra. Người Việt Nam đang hàng ngày phải sống với tấn tuồng giả dối khổng lồ. Sẽ đến lúc người ta phải tự thấy xấu hổ khi soi gương nhìn thẳng vào mặt mình.

Bởi vì trong nền văn hóa sống giả còn cả những vụ giết người nữa. Thử coi lại câu chuyện những người dân khỏe mạnh bỗng nhiên chết trong đồn công an. Năm 2011 có một công nhân ở khu công nghệ Shinec tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Rồi tới một thanh niên “bị tạm giam” tại Công an huyện Châu Thành A, Hậu Giang. Năm 2013 là cảnh một ông xã Phúc Thành, huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương bị bắt, ngày hôm sau thì công an báo cho gia đình biết là ông ta “thắt cổ bằng sợi dây điện” tự ải. Rồi một ông chết ở đồn công an thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông; họ bảo là ông ta “tự đút tay vào ổ điện rồi ông ấy giật điện, tự tử” mặc dù trên đầu chảy máu thân thể nhiều vết tích bầm tím. Chúng tôi không nhắc đến tên quý vị trên vì lòng kính trọng các người đã khuất. Nhưng tại sao nhiều người Việt Nam lại chọn đồn công an làm chỗ chết hay chỗ tự vẫn như vậy? Nói dối đến thế thì còn ai tin được hay không?

Chúng ta phải sống giả dối mãi như thế bao lâu nữa? Bao nhiêu mạng người chết oan uổng nữa thì tấn tuồng giả trá mới chấm dứt? Hãy nhớ những lời chân thành của Václav Havel, của Aleksandr Solzhenitsyn. Cần sống thật. Không thể tiếp tục sống giả dối. Nghĩ đến tổ tiên, đến con cháu, ai cũng phải quyết định như vậy.

Ngô Nhân Dụng

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn