BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73328)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cơ sở và nhu cầu xác đáng để xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992

02 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 1008)
Cơ sở và nhu cầu xác đáng để xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51


Tuy không có bằng chứng rõ ràng về việc thừa nhận vai trò độc quyền chính trị và độc tôn lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng Sản Việt Nam, ví dụ như “ĐCSVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội”, nhưng quả thật Điều 4 Hiến pháp 1992 đã làm tốn không ít giấy mực của những người chống đối nó và những kẻ quyết tâm bảo vệ Điều 4 này.




Cần xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992


Điều đó chính là kết quả của hai nhận thức giống nhau: ĐCSVN mặc nhiên cho rằng họ là lực lượng duy nhất có quyền lãnh đạo đất nước (nhà nước và xã hội), mặc dù trong Điều 4 không có cụm từ “duy nhất”, còn những người có tư tưởng đối lập thì gián tiếp thừa nhận Điều 4 đã xác quyết quyền lãnh đạo vĩnh cửu của ĐCSVN đối với nhà nước và xã hội.


 

 

Nghiên cứu về tính pháp lý và logic của Điều 4 đã cho thấy, hoàn toàn có đủ cơ sở để loại bỏ nó vì bản thân Điều 4 này đã trực tiếp vi phạm quyền con người theo quy định về các quyền dân sự và chính trị của công dân được Liên Hợp Quốc xác lập tại Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 và Việt Nam cũng đã ký tên công nhận bản tuyên ngôn này.

 

Tại Chương V Hiến pháp 1992 quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Điều 50 ghi rõ: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”.Như vậy ngoài các quyền con người về dân sự, kinh tế, văn hóa, quyền chính trị là điểm nổi bật nhất trong Điều 50.

 

Cũng trong Chương V kể trên, tại Điều 63 có ghi rõ: “Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình.” Ở đây tạm thời chúng ta không nhắc đến ý nghĩa bình đẳng giới tính mà chỉ nhắc đến khía cạnh quyền chính trị, tức là cả công dân nam và công dân nữ đều có quyền chính trị, chúng ta cũng không nhắc đến hai chữ “tự do” vì trong Điều 50 và Điều 63 Chương V không có cụm từ đó.

 

Trước hết chúng ta hãy xét xem  quyền chính trị cụ thể là gì?

 

Theo nghĩa chung nhất, quyền chính trị là một người có quyền tham gia vào các hoạt động chính trị tại một hay nhiều quốc gia tùy theo hoàn cảnh sống, ở đây chúng ta chỉ nói đến phạm vi cá nhân mỗi công dân trong một quốc gia (cụ thể là ở Việt Nam), vì Hiến pháp 1992 chỉ có giá trị xác nhận quyền chính trị cho người Việt Nam.

 

Cũng theo nghĩa phổ thông nhất, chính trị là tất cả các hoạt động nhằm bảo vệ, xây dựng hay phế bỏ một thể chế cầm quyền hoặc một chính phủ cụ thể. Như vậy quyền chính trị chính là quyền được tham gia hoạt động trong các các công việc “bảo vệ, xây dựng hay phế bỏ một thể chế cầm quyền hoặc một chính phủ cụ thể.”

 

Để đạt được quyền chính trị, những người thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản của mình, trong lĩnh vực chính trị một công dân nhất định phải có môi trường để họ làm việc, biến quyền của mình thành những công việc cụ thể. Chúng ta thấy rõ, muốn hoạt động có hiệu quả nhất, một công dân phải có chân trong một đảng hay một tổ chức chính trị nào đó. Ở đây vấn đề quan trọng nhất là nhà cầm quyền đương đại cần phải chấp hành pháp luật, cụ thể là chấp hành nghiêm túc các điều khoản về quyền chính trị trong bản hiến pháp mà họ đang sử dụng.

 

Trong xã hội có dân chủ, môi trường hoạt động chính trị là tự do, miễn là nó không được phép có màu sắc bạo lực. Nhưng ở một nước độc tài độc đảng, môi trường hoạt động chính trị chỉ bó hẹp trong một phạm vi nhất định. Trường hợp Việt Nam hiện nay thì người ta chỉ có thể hoạt động chính trị khi có chân trong ĐCSVN, cụ thể phải là đảng viên ĐCSVN nếu không, các hoạt động này ngay lập tức sẽ bị quy kết là phạm pháp vì đã có Điều 4 Hiến pháp 1992 chặn cửa.

 

Trong khi đó, một người muốn trở thành đảng viên ĐCSVN nhằm mục đích thực hiện quyền chính trị của mình không hề đơn giản. Ít nhất họ phải có hai yếu tố, đó là họ phải được ĐCSVN chấp nhận và tất nhiên bản thân họ cũng phải chấp nhận ĐCSVN. Trong trường hợp một người không chấp nhận tham gia ĐCSVN thì không có gì để nói, nhưng nếu người đó chấp nhận tham gia ĐCSVN nhưng bị ĐCSVN từ chối vì lý do nào đó thì đương nhiên quyền chính trị của họ đã bị tước đoạt. Đây là điểm xung đột trực tiếp của vấn đề.

 

Rõ ràng là về mặt ý thức, đối với bất kỳ một chính đảng nào, hoạt động chính trị đều nhắm đến mục đích cuối cùng là trực tiếp được tham gia vào bộ máy cầm quyền hoặc trực tiếp cầm quyền. Đây hiển nhiên là quyền chính trị bất khả xâm phạm theo Hiến pháp 1992. Nhưng Điều 4 của bản hiến pháp này lại quy định là “ĐCSVN là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” mà đại đa số người dân và bản thân ĐCSVN đều ngộ nhận ĐCSVN là lực lượng duy nhất được quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, cho nên vô tình họ đã biến Điều 4 thành kẻ thù của quyền chính trị.

 

Nếu như coi Điều 4 đích thị xác nhận ĐCSVN là lực lượng duy nhất được quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội thì đương nhiên quyền chính trị chỉ bó hẹp dành cho các đảng viên ĐCSVN (hiện nay khoảng trên 3 triệu 600 ngàn người), còn lại khoảng gần 90 triệu người dân khác đã bị tước đoạt quyền chính trị hoàn toàn. Đây là điều bất bình đẳng nghiêm trọng, vi phạm Hiến pháp 1992 tại Chương V trong các Điều 50 và 63.

 

Sẽ chỉ có duy nhất một con đường: Xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992 vì bản thân nó đã vi hiến, đã phủ nhận quyền chính trị của mọi công dân. Tuy nhiên, tình hình hiện nay là ĐCSVN đang cố sức bảo vệ Điều 4 kể trên để duy trì quyền cai trị đất nước. Họ đã sử dụng tất cả các chiêu thức tuyên truyền quyền cầm quyền “chính đáng” của ĐCSVN trên các phương tiện truyền thông mà họ đang nắm giữ. Thậm chí cả tổng bí thư, các tướng lĩnh quân đội và công an cũng vào cuộc viết bài nhằm bảo vệ quyền cầm quyền (thực ra là vi hiến) này.

 

Khả năng diễn tiến xung đột quyền chính trị kéo theo xung đột các quyền dân sự khác như kinh tế, văn hóa, xã hội giữa những người có quyền chính tri, đặc biết là các đảng viên ĐCSVN đang có thực quyền và những người bị tước đoạt quyền chính trị là đại bộ phận nhân dân Việt Nam sẽ là điều không thể tránh khỏi, không khí ngột ngạt trên cả nước làm xôn xao dư luận quốc tế hiện nay đã tiềm ẩn điều đó. Những xung đột tiếp theo sẽ xảy ra theo cấp độ nào thì không ai có thể lường trước được. Nhưng người ta có thể quả quyết rằng nó sẽ rất ghê gớm! Đó chính là cơ sở và nhu cầu xác đáng để xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992 nhằm mục đích tôn trọng quyền chính trị của mọi công dân đã được hiến định.



Tấn Hà


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn