BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73236)
(Xem: 62214)
(Xem: 39393)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tổng thống và Đảng

16 Tháng Mười Một 200612:00 SA(Xem: 921)
Tổng thống và Đảng
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Khi Tổng thống Hoa kỳ George W. Bush đến Việt Nam hôm Thứ Sáu này, ông sẽ chứng kiến một quốc gia đang kêu đòi tự do. Đến đây tham dự hội nghị thượng đỉnh của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương, chuyến công du của tổng thống sẽ là một trắc nghiệm về việc giữ cân bằng giữa việc phát huy dân chủ với việc đẩy mạnh mối lợi mậu dịch cho nước Mĩ. Người dân Việt Nam sẽ quan sát để tìm cho ra những tín hiệu cho thấy nước Mĩ không bỏ rơi họ trong cuộc đấu tranh lâu dài cho tự do.

Cho dù ba thập niên bị áp bức, ước vọng được giải phóng khỏi chế độ độc tài cộng sản vẫn nguyên vẹn đó. Hằng trăm nghìn người đã bỏ mình vì cuộc đấu tranh này. Những trại tập trung -ẩn dưới mĩ từ “trại cải tạo”- đã đày đoạ, có khi đến chết, những ai đã từng đứng về phía Mĩ cho đến thời điểm Sài Gòn thất thủ năm 1975. Những người khác thì bỏ mình trong cuộc vượt biên hiểm nghèo, chứng tỏ với thế giới niềm khao khát trốn thoát ách độc tài của những công dân Việt Nam bình thường.

Những người khác thì phải chịu bao nhiêu là sự bách hại. Chẳng hạn như tôi đây, phải chịu hai mươi năm giam tù trong khoảng thời gian 30 năm nay, chỉ vì đã nói lên tiếng nói chống áp bức. Tội bị giam cầm không qua xét xử trong thời gian 1978-1988 vì đã thành lập Mặt Trận Quốc Gia Tiến Bộ, một tổ chức đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam. Rồi đến năm 1990, noi gương phong trào dân chủ Đông Âu, tôi cùng một nhóm trí thức, chuyên gia, và sinh viên đại học, đã thành lập Cao Trào Nhân Bản tại Việt Nam. Cương lĩnh hoạt động của chúng tôi là kêu gọi một công cuộc đấu tranh bất bạo động cho một nớc Việt Nam tự do dân chủ và đa đảng, dẫn đến tám năm tù khổ sai rồi năm năm quản chế. Chưa hết hạn này tôi lại phải vào tù, chỉ vì đã nhận định là tại Việt Nam còn thiếu tự do thông tin. Mãi đến Tháng Hai năm ngoái tôi mới lại được thả.

Sự trấn áp đã không ngăn được những người bất đồng chính kiến ngày mỗi tăng lên và lan rộng ra khắp các giới đồng bào, từ những nhà lãnh đạo tôn giáo đến thành phần nông dân và công nhân. Tiến lên thêm một bước, nay đã có thêm những đảng chính trị, những phong trào, liên minh đứng lên trực diện đối đầu với đảng cộng sản. Lấy thí dụ Khối 8406, một nhóm vận động nhân quyền lấy ngày thành lập, ngày 8 tháng 4 năm 2006, đặt tên cho nhóm. Chỉ trong vòng bảy tháng kể từ ngày họ ra Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam, đã có hàng nghìn người tham gia kí tên ủng hộ. Mới tháng vừa rồi lại vừa thành hình Liên Minh Dân Chủ và Nhân Quyền, một hình thái liên minh giữa các nhà lãnh đạo Khối 8406, Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo với lực lượng Cao Trào Nhân Bản cho Việt Nam của chúng tôi.

Đến ngay như những người không dám đứng lên công khai chống lại chế độ cộng sản cũng đã chọn thái độ chống đối ngầm. Chẳng hạn, nhà nước phủ nhận quyền tư hữu đất đai, nhiều nông dân đã làm lơ. Thay vào đó, họ mua bán đất qua giấy tờ viết tay, và giải gỡ những tranh chấp qua các đường dây không chính thức. Một thị trường chợ đen to rộng đã qua mặt hệ thống kiểm soát của nhà nước, và kinh doanh không thèm qua cửa nhà nước. Sách và phim ảnh cấm lưu chuyển thoải mái trong thị trường chui.

Nhận ra tình hình là nhân dân ngày càng vuột ra khỏi vòng kiểm soát của mình, đảng cộng sản nay quay ra thế giới bên ngoài để hòng lấy lại quyền uy. Họ xăng xái vận động để được vào Tổ chức Thương Mại Quốc Tế WTO. Vào tổ chức thương mại thế giới, đảng cộng sản mơ tưởng sẽ có thể lấy lại thế cai trị độc tài ở cả hai mặt. Một là họ hứa cuội là sẽ cải thiện tình hình nhân quyền trong nước và sự thượng tôn luật pháp, qua đó có thể giảm bớt sức ép quốc tế và sẽ làm khó khăn cho chúng tôi những người đang đấu tranh cho dân chủ ở trong nước để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế. Hai là đảng cộng sản mơ tưởng sẽ thu được mối hời từ làn sóng đầu tư nước ngoài chủ yếu là vô túi đảng viên, qua đó họ sẽ vẫn giữ yên cái ghế.

Cũng không thể bỏ qua vai trò tích cực của việc cải thiện kinh tế và thương mại tự do đã gia tăng thông tin đa chiều, làm giảm sút quyền lực của đảng cộng sản đối với xã hội. Thêm nữa, đà tăng tiến tự do kinh tế cũng kéo theo sự vươn mạnh của thành phần trung lưu giàu có và sẽ kéo theo luôn nhu cầu tự do về chính trị.

Tuy nhiên, người nước ngoài đến làm ăn với Việt Nam cần cân nhắc cho kĩ hệ quả của nó là có phát huy dân chủ hay chỉ củng cố uy quyền của chế độ cộng sản đang suy kiệt. Hoa Kỳ với truyền thống lâu đời và đáng nể về hỗ trợ nhân quyền và dân chủ khắp thế giới, lại càng cần thận trọng về chuyện này.

Điều trên đây có nghĩa rằng nên tránh những lối đầu tư vào các công ti quốc doanh, vì tiền bạc sẽ đổ vào túi bọn đảng viên thôi. Điều trên đây cũng còn có nghĩa rằng cần phải dõng dạc hơn nữa lời kêu gọi bảo vệ nhân quyền - một việc làm tổng thống Bush có cơ hội tốt trong tuần lễ này. Chẳng hạn, ông có thể cương quyết gặp những nhà bất đồng chính kiến Việt Nam. Hoặc giả tổng thống Hoa Kỳ nhân chuyến viếng thăm Việt Nam có thể đưa ra yêu cầu nhà nước Việt Nam đề ra một nghị trình làm việc để tiến tới bầu cử tự do và công bằng, trong đó mọi khuynh hướng đảng phái khác cũng có quyền tham gia tranh cử bên cạnh đảng cộng sản.

Dù ông chọn lối nào đi nữa thì động thái của ông cũng sẽ có thể xác quyết cùng nhân dân Việt Nam rằng Hoa Kỳ không bỏ rơi họ trên con đường đấu tranh chống áp bức của chế độ cộng sản.

Bs. Nguyễn Đan Quế
Ngày 16/11/2006

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn