BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73344)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tham luận đọc tại Đại hội bác sĩ năm 2000 tổ chức tại Paris

25 Tháng Giêng 200012:00 SA(Xem: 911)
Tham luận đọc tại Đại hội bác sĩ năm 2000 tổ chức tại Paris
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Kính thưa ông Chủ-tịch,

Kính thưa Ban Tổ-chức

Kính thưa các bạn,

Hôm nay, tôi được các bạn mời tới tham-dự Đại-Hội, dù tôi không phải là một bác-sĩ. Do đó, tôi nghĩ sở-dĩ tôi có được hân- hạnh này là bởi các bạn không chỉ quan tâm tới công việc chuyên-môn của mình, mà còn quan-tâm rất nhiều đến tình-hình đất nước. Có một số câu hỏi tất cả những ai tha-thiết mong muốn dân-tộc Việt-Nam sớm được hưởng những quyền cơ-bản của con người đều đặt ra và muốn tìm những câu trả lời xác-đáng, chẳng hạn như : tại sao nền-tảng của chủ-nghĩa xã-hội là Liên Xô và Đông-Âu đã xụp đổ mà một vài nước trong hệ-thống đó vẫn tồn-tại? Tình hình của Việt-Nam ra sao? Ảnh-hưởng của quốc-tế đối với công-cuộc dân-chủ-hóa thuận-lợi hay không thuận-lợi? Hoạt-động của Cộng-đồng người Việt hải-ngoại thế nào? Đấu -tranh ra sao để đạt được hiệu-năng cao nhất?

Bản-thân tôi đã suy-nghĩ nhiều, nay xin phép các bạn được trình-bày một số ý-nghĩ riêng để cùng bàn bạc trao đổi, cho sáng tỏ vấn-đề. Tất cả không ngoài mục-tiêu tối-thượng và tối-khẩn : phá sập nền độc-tài tàn-hại đã và đang gây nhiều thảm-họa cho dân-tộc.

Đảng Cộng-sản Việt-Nam bị bắt buộc "đổi mới".

Bắt đầu từ năm 1985, Gorbatchov chủ-trương công-khai-hóa và cải-tổ. Tới năm 1990, nghĩa là vỏn vẹn 5 năm, tất cả các nước độc-tài Đông-Âu đua nhau sụp đổ. Tới tháng 8 năm 1991, Liên Xô, "quê-hương cách-mạng", "thành trì của phe xã-hội chủ-nghĩa", tan biến. Sau 74 năm ngự-trị, Đảng Cộng-sản Liên Xô mất quyền lãnh-đạo. Thế-giới rẽ sang một bước ngoặt mới đầy triển-vọng tốt đẹp. Riêng Trung-Quốc, Bắc-Triều Tiên, Cuba, Việt-Nam, vẫn đứng vững tới ngày nay, nghĩa là đã sống thêm được trên 10 năm. Tại sao vậy? Chúng ta thấy 4 nước cộng-sản sống-sót đều có chung một đặc-điểm nổi bật : nghèo đói, lạc-hậu, ý-thức về dân-chủ, tự-do, nhân-quyền rất thấp. Ở đây, tôi chỉ xin bàn về Việt-Nam. Trước khi Gorbatchov đề ra và thi-hành chính-sách cải tổ, Lãnh-đạo Đảng Cộng-sản Việt-Nam không hề có ý-định đổi mới, ngược lại, cực kỳ bảo-thủ, giáo-điều. Kể từ khi Đặng Tiểu-Bình áp-dụng đường lối "kinh-tế con mèo", mèo trắng, mèo đen,mèo nào bắt được chuột là mèo tốt, trên báo chí Việt-Nam xuất-hiện không biết bao bài lý-luận kết tội Trung-Quốc là phản-bội chủ-nghĩa Mác-Lê, là đi theo con đường tư-bản chủ-nghĩa, là đầu hàng giai-cấp, vv...Thế rồi đột-nhiên Liên Xô cải-tổ và một năm sau, năm 1986, tại Đại-Hội của Đảng, Nguyễn văn Linh tuyên-bố chính-sách đổi mới.

Từ xưa, Đảng Cộng-sản Việt-Nam đã có truyền-thống là rập-khuôn theo mọi chủ-trương, đường lối của Nga-Hoa. Sau khi đã thành kẻ thù của Trung-Quốc, Cộng-sản Việt-nam chỉ còn có Liên Xô là ngọn đuốc soi đường. Cái cảnh một gái phải thờ hai chồng chấm dứt. Nói vậy để xác-quyết : "Đổi mới" không hề là một mong muốn, một sáng-tạo của Lãnh-đạo Đảng. Đó là một việc phải làm, vì ông thầy Liên Xô đã làm. Ngay cả cuộc tấn-công Cam-pu-chia cũng được tiến-hành dưới áp-lực và sự che chở của Liên Xô ( trước khi đổ quân vào Cam-pu-chia, Việt-Nam và Liên Xô đã ký hiệp-ước hữu-nghị Việt-Xô. Theo hiệp-ước này, Liên Xô đảm-đương trách-nhiệm bảo-vệ an-ninh cho Việt-Nam trong trường-hợp bị Trung-Quốc đe dọa ).

Đảo-chính cung-đình năm 1986 : CSVN tôi tớ của CS Liên Xô.

Từ tháng 5, năm 1986, khi Lê Duẩn hấp-hối, trong Đảng Cộng-sản Việt-Nam, một cuộc đảo-chính cung-đình đã xảy ra. Thời-kỳ này, tôi đương bị giam ở Xã Lim Bộ, tức B14 ở ngoại-thành Hà-nội. Ngay trong hàng-ngũ công-an cũng xôn-xao vì sự đột-tử liên-tiếp của 4 tướng : Hoàng văn Thái, Lê Trọng Tấn, Đinh đức Thiện, Trần Bình. Đầu tháng 8, năm 1986, tôi chuyển đi Z10 ở Ninh Bình, gần núi Tam-Điệp. Cùng ngồi với tôi trong chiếc xe tù do Nga viện-trợ có 3 thanh-niên ăn mặc rất mốt. Họ cười nói vui vẻ như đang đi du-lịch. Đột-nhiên, tôi chú-ý. Họ vừa nói với nhau là Nguyễn văn Linh sẽ lên Tổng bí-thư, Phạm Hùng sẽ là Thủ-tướng, những Trường Chinh, Phạm văn Đồng, Lê đức Thọ, Tố Hữu, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân sẽ về vườn. Tôi hết sức ngạc-nhiên hỏi sao họ biết. Họ trả lời là bố họ vào thăm họ, cho họ biết như vậy. Họ là con của mấy cán-bộ cao cấp được du-học tại Đức, Tiệp. Vì phạm tội bên đó, họ bị đưa về nước. Đáng lẽ, họ phải vào Hỏa Lò ở với lưu-manh, nhưng được ưu-tiên cho nghỉ ngơi ở Xã Lim Bộ, vài tháng sau sẽ về. Tôi bán tín, bán nghi. Tới Z10, tôi ở một mình một xà lim trong một dẫy xà lim giữa đồng không mông quạnh. Kiểu xà lim ở đây do Đông-Đức thiết-kế, rất đặc-biệt, hai xà lim ở cạnh nhau cũng không thể nói chuyện với nhau, dù gào thét cũng không nghe thấy gì. Cùng chuyển trại với tôi có con cháu, vệ-sĩ của Chu văn Tấn, thư-ký của Hoàng văn Hoan, toàn cánh thân Trung-Quốc. Tôi cố ngoại-giao với viên quản-giáo trẻ tuổi phụ-trách khu xà lim này, nên thỉnh thoảng mượn được tờ báo Nhân-Dân. Một hôm, cuối tháng 8, tôi đọc được hàng chữ trên trang nhất tờ báo : Đồng-chí Nguyễn văn Linh, Thường-trực Ban Bí-thư. Tôi sựng lại : Quái, ở đâu tự nhiên mọc ra cái chức mới này? Trường Chinh đang là Tổng bí-thư, bù-nhìn chăng? Có lẽ mấy cậu nhỏ nói đúng? Tới tháng 12-1986, Đại-Hội 6 họp, kết-quả đúng như bọn nhỏ ngồi cùng xe với tôi nói! Xem danh-sách Bộ Chính-trị mới, tôi hiểu ngay là cánh trực-tiếp lãnh-đạo đánh Mỹ trong Nam như Nguyễn văn Linh, Phạm Hùng, Võ văn Kiệt, Mai chí Thọ, Đoàn Khuê đã lật cánh ngồi ở ngoài Bắc chỉ-huy. Viên quản-giáo trẻ cũng phải nói nhỏ với tôi : đúng là một cuộc đảo-chính!

Từ Đại-Hội 6 trở đi, Nguyễn văn Linh cũng làm gần giống như Gorbatchov, cũng đổi mới về kinh-tế, cũng nới lỏng đối với giới văn-nghệ-sĩ, giới báo chí.Trong giai-đoạn này, một số tác-phẩm văn-học, một số bài báo đã phản-ảnh được phần nào tâm-trạng của nhân-dân, hiện-tình của đất nước. Chính Nguyễn văn Linh đã nói thẳng với những người cầm bút :"các bạn phải trung-thực, phải tự cứu lấy mình, phải có lòng dũng-cảm!"; Trần Độ, trưởng ban văn-hóa, văn-nghệ trung-ương tuyên-bố :"Nhân-dân đủ thông-minh để tự chọn món ăn tinh-thần cho mình, không cần Đảng phải chọn hộ". Một số nhỏ văn-nghệ-sĩ, trí-thức lên tiếng kết án nền văn-học hiện-thực xã-hội chủ-nghĩa là nền văn-học cung-đình, minh-họa chính-sách của Đảng, cần dẹp bỏ.Một vài nhà giáo đòi soạn lại sách giáo-khoa, loại bỏ những xuyên-tạc, những tô hồng, bôi đen trắng trợn. Trên báo Văn-Nghệ do nhà văn Nguyên Ngọc làm tổng biên-tập đăng nhiều ký-sự, nhiều truyện ngắn, phóng-sự tố-cáo sự vi-phạm nhân-quyền, sự huỷ-diệt văn-hóa, kinh-tế, sự sa-đọa, lộng quyền, coi nhân-dân như hòn phân bón chế-độ của Đảng. Tương-tự như tờ Văn-Nghệ, ở Huế có tờ Sông Hương. Điều đáng buồn là đại-đa-số văn-nghệ-sĩ, trí-thức, tuy đồng-tình, thích-thú, nhưng lại giữ thái-độ cầu an, không dám dấn thân, đứng ngoài cuộc chờ xem...Cụ thể là khi nhóm Bùi Minh-Quốc, Tiêu dao Bảo-Cự, nhà thơ Hữu-Loan đi từ Nam ra Bắc thu-thập chữ ký của giới văn-nghệ-sĩ đòi tự-do sáng-tác, số người dám ký đếm trên đầu ngón tay!Trong khi đó, số văn-nô hùa nhau tấn-công dữ dội. Một thí-dụ : sau khi một số bài phê-phán chủ-nghĩa Mác của Hà Sĩ-Phu xuất-hiện qua các bản photocopie, lập tức trên báo Nhân-Dân đăng nhiều bài quy-chụp Hà Sĩ-Phu là phản-động, bênh-vực chủ-nghĩa Mác một cách bất cần thực-tế, bất cần lý lẽ của các lý-luận-gia tôi tớ. Thấy chưa đủ nặng cân, Đảng tìm tới giáo-sư triết-học Trần Đức-Thảo, người đã "no đòn" nhưng "đói bụng" suốt 30 năm, đề-nghị ông viết bài đập lại Hà Sĩ-Phu. Thật đáng trách, ông Thảo đã cầm bút viết bài chống Hà Sĩ-Phu, bảo-vệ chủ-nghĩa Mác. Thê thảm hơn nữa, khi ông xác-quyết Hồ Chí-Minh là tiêu-biểu cho Trí-Tuệ Việt-Nam! Trong lúc Hồ Chí-Minh, thần-tượng tuy đã nhem nhuốc, vẫn là chỗ dựa tinh-thần độc-nhất của Đảng, trong lúc ngay trên báo Văn-Nghệ, một số bài viết, một số tranh biếm-họa đang bóng gió ( nhưng quá rõ rệt để ai cũng hiểu ) đánh thẳng vào "chính-danh thủ-phạm tên Hồ Chí-Minh". Thí-dụ trong truyện ngắn Vàng Lửa, Nguyễn Huy-Thiệp kết-luận : "Cần lưu ý các bạn rằng Triều Nguyễn là triều-đại tồi tệ nhất, nhưng để lại nhiều lăng nhất!" Cũng trên báo Văn-Nghệ, một bức biếm-họa vẽ một người cởi trần, mặc quần đùi, gầy giơ xương, chân bị xiềng vào một cái mả với hàng chữ : Tiến nhanh, Tiến mạnh! Một bức biếm-họa khác vẽ con cóc dùng B40 nã đạn vào cổng Thiên-đường nhện giăng bụi bám!

Cũng vào dịp này, một trí-thức nổi tiếng, ông Nguyễn Mạnh-Tường, khi sang Pháp, có một nhà báo hỏi về Ceausescu và Hồ Chí-Minh, đã không ngần ngại trả lời : "Không thể so sánh Hồ Chí-Minh với Ceausescu. Hồ Chí-Minh một đời chỉ có một bộ kaki với đôi dép lốp! Không vợ, không con!" Bị hỏi tiếp về tội ác Cộng-sản, ông nói chầy nói cối : "Tôi là luật-sư, nghề của tôi là bào-chữa chứ không phải kết tội!" Những câu nói trên lập tức được báo chí trong nước đăng tải.

Cũng trong giai-đoạn này, cũng trong một bối-cảnh gần như tương-tự, giới văn-nghệ-sĩ, trí-thức, sinh-viên Đông-Âu và Liên Xô đã hành-động một cách khác hẳn, vừa khôn khéo sắc bén, vừa dũng-cảm khẩn-trương, lợi-dụng mọi tình-huống có thể lợi-dụng. Điều quan-trọng hơn cả là đại đa-số đã đồng-loạt xông lên, không ngừng nghỉ, giành lại bằng được, từng bước một, những quyền dân-chủ tự-do thiêng-liêng mà họ đã bị tước-đoạt trong bao năm! Tại sao ban lãnh-đạo Đảng Cộng-sản Liên Xô không đàn-áp thẳng tay? Có phải vì ban lãnh-đạo đã có đầu óc cởi mở dân-chủ? Chính Gorbatchov, trong một bài phỏng-vấn trả lời báo Politique Internationale, thú-nhận là tất cả họ đều là những người được đào-tạo theo một khuôn mẫu, những người chỉ có ý-định cải-tiến chế-độ, phát-triển nó, không ai có ý-định xóa bỏ nó, những người vẫn vững tin vào chủ-nghĩa Mác-Lê, kể cả bản-thân ông. Tuy riêng ông là người tân-tiến, ôn-hoà hơn cả. Nhưng sự bùng nổ của phong-trào đòi dân-chủ tự-do, nhất là ở các đô-thị, đặc-biệt trong giới trí-thức, sinh-viên, văn-nghệ-sĩ quá mạnh, quá rộng khắp, bao gồm cả các đảng-viên ly-khai, hơn nữa nội-bộ Đảng lại cực kỳ phân-hóa, nên không thể đàn áp nổi. Rất nhiều tờ báo tư-nhân ra đời ở tất cả các thành-phố dù không được phép; các nhà xuất-bản cũng vậy. Quần-chúng nhiệt-liệt tán-thưởng tìm đọc. Rất nhiều tổ-chức, hội-đoàn tự-động thành-lập. Những cuộc biểu-tình, đình công, bãi thị, bãi khoá liên tiếp xảy ra đòi đa-nguyên đa-đảng, đòi trả tự-do cho các chiến-sĩ nhân-quyền bị cầm tù hoặc quản-thúc, trong đó có nhà ly-khai nổi tiếng Sakharov. Văn-nghệ-sĩ đòi phải phục-hồi danh-dự, cho xuất-bản các tác-phẩm của những nhà văn đối-kháng như Pasternak, Solyenitsine...Nhiều truyện dài, truyện ngắn, hồi-ký kể tội ác của chế-độ được in ra. Những cuộc hội-thảo được tổ-chức khắp nơi, mọi người sôi nổi tham-gia. Chính nhờ cái quyền tự-do ngôn-luận, hội họp, tự giành lấy này, sự thực được sáng tỏ, bao tuyên-truyền bưng bít, bịp bợm trong 70 năm tan biến, như sương mù tan biến trước mặt trời. Hầu như toàn dân bừng tỉnh, kể cả các đảng-viên, quân-đội, công-an. Trong cuộc bầu-cử tổng-thống cộng-hoà Liên-bang Nga năm 1990 Eltsine đã thắng. Riêng trong quân-đội, ông giành được hơn 70% số phiếu!

Điều này giài-thích tại sao cuộc đảo-chính ngày 19-8-1991 của phe bảo-thủ gồm cả phó Tổng-thống Liên Xô, Thủ-tướng Liên Xô, chủ-tịch Quốc-hội, Bộ-trưởng quốc-phòng, Trùm KGB cùng nhiều nguyên-soái, tướng-lĩnh đã thất-bại thảm-hại trong vài ngày, và chế-độ công-sản hơn 70 năm đã chết không kịp ngáp, mở ra một trang sử mới của Liên Xô và của thế-giới : cuộc chiến-tranh lạnh bao năm đe-dọa sự tồn-vong của loài người chấm dứt. Cả nhân-loại thở phào, nhẹ nhõm! Riêng các nước Đông-Âu đã được sống trong nền dân-chủ từ lâu, chế-độ cộng-sản ở các nước này là do Liên Xô áp đặt. Họ đã vùng dậy nhiều lần. Các chế-độ này đứng được là hoàn toàn dựa vào sức mạnh quân-sự của Liên Xô. Một khi Liên Xô do nội-tình phức tạp, không còn can-thiệp, bỏ mặc, tất-nhiên những chế-độ này phải đổ.

Tại sao Cộng-Sản Việt-Nam thoát hiểm?

Thái-độ trí-thức, văn-nghệ-sĩ Việt-Nam.

Tại sao ở Việt-Nam, trong một bối-cảnh chính-trị khởi đầu cũng gần giống như ở Liên Xô, quần-chúng lại phản-ứng yếu ớt như vậy? Đại đa-số nhân-dân, nhất là giới trí-thức văn-nghệ-sĩ, từ Nam chí Bắc đều chán nản, khinh-bỉ chế-độ toàn-trị; các đảng -viên cấp thấp thời hoang mang, mất lý-tưởng, các đảng-viên cấp cao thời phấp-phỏng, lo sợ. Hệ-thống xã-hội chủ-nghĩa tan, Đảng mất hết chỗ dựa trên quốc-tế, trở thành bơ vơ, côi cút. Tại sao trong tình-thế chông-chênh như vậy mà Đàng vẫn đứng được, mà chế-độ độc-tài vẫn còn tồn-tại? Xin trả lời một cách thẳng thắn : thứ nhất, đại đa-số trí-thức Việt-nam, già cũng như trẻ, hèn! Qua nhiều năm sống dưới sự khủng-bố thường-trực của Đảng, họ đã mất hết sĩ-khí, nỗi lo sợ và tâm-lý an-phận thủ-thường đã chiếm-lĩnh toàn-bộ tâm-hồn họ. Lối sống đầu-hàng, khuất-phục, nuốt nhục, nuốt khổ, nịnh bợ, luồn lọt đã thấm vào tới tận xương tuỷ. Tiếng nói đơn lẻ của một số văn-nghệ-sĩ, trí-thức dũng-cảm chỉ được truyền-bá một cách bí-mật qua những bản photocopie, quần-chúng được đọc quá ít và chỉ thích-thú một cách âm-thầm. Nhẽ ra phải là những cuộc biểu-tình, xuống đường rầm rộ, những cuộc hội-thảo sôi nổi rộng khắp toàn-quốc. Trong tình-trạng im lặng bất-động đó, không ít bọn bồi bút đua nhau lập công, viết những bài bênh-vực Đảng, Bác, bảo-vệ chế-độ, hù doa các chiến-sĩ dân chủ. Đau buồn nhất là cả các "kiện-tướng" trong phong-trào Nhân-văn Giai-phẩm suốt ba thập-niên bị trói chặt, ngậm đắng nuốt cay trong cũi sắt, cũng ùa ra để ca-ngợi Đảng, Bác, chế-độ. Lê Đạt với tập "Trường-ca Bác", Hoàng-Cầm với bài thơ dài "Nhớ về Làng Sen", Trần Dần với tập thơ "Cổng tỉnh". Tình-trạng như vậy làm sao có thể hướng-dẫn, thúc đẩy giới trẻ, nhất là các sinh-viên, học-sinh? Mà trong mọi cuộc nổi dậy, không thể thiếu họ; bao giờ họ cũng là những người xung-trận đầu tiên, với tinh-thần vô-uý, tràn đầy máu nóng! So với nước Nga, khi vài giáo-sư tuyên-bố phải viết lại sách giáo-khoa văn-học, sử-học một cách trung-thực, lập tức ở mọi trường học các giáo-sư ngừng giảng-dạy, các sinh-viên, học-sinh ngừng học hai môn đó. Họ còn tiến xa hơn là bãi bỏ luôn cả các môn học về chính-trị, về chủ-nghĩa Mác-Lê. Tóm lại, do bạc-nhược, giới trí-thức Việt-Nam đã không làm được như trí-thức Đông-Âu và Liên Xô. Đó là lý-do thứ nhất.

Dân-trí.

Lý-do thứ hai : phải công-tâm thừa nhận rằng dân-trí chúng ta còn thấp. Báo chí ngoại-quốc không được đọc, số người đọc được Anh-văn, Pháp-văn quá ít, vả lại cũng không có mà đọc; nếu có thì giá quá đắt, một tuần-lễ lương mới mua nổi một tờ. Các đài ngoại-quốc phát-thanh tiếng Việt, ngay ở các thành-phố lớn cũng chỉ có một số quan-tâm tới thời-cuộc theo rõi. Nói gì đến 80% nông-dân và đồng-bào miền núi! Ý-thức về Tự-do, Dân-chủ còn mơ-hồ nên chưa thấm thía sâu sắc nỗi nhục phải sống dưới ách độc-tài, mất hết quyền làm người, nỗi sợ-hãi vẫn con đè nặng lên tim óc, do đó không bật dậy được, phản-ứng quá yếu ớt. Khi nói tới dân-trí là nói bao gồm luôn cả đảng-viên cộng-sản, quân-đội và công-an. Họ cũng là con em của nhân-dân. Vì trí-tuệ thấp kém nên sự phân-hóa bất-phục của họ tuy có, nhưng chưa đủ cực mạnh để phá vỡ Đảng thành hai phe rõ rệt : Dân-chủ và Bảo-thủ giáo-điều, mà chỉ làm trì-trệ, rệu rã guồng máy của Đảng. Trong Đảng, cũng như trong nhân-dân, sự phản-kháng mang tính-chất thụ-động, trong lúc tình-thế đã chín mùi, đòi hỏi sự năng-động, sự quyết-liệt, sự bền bỉ, sự khôn khéo. Tóm lại, chế-độ toàn-trị Việt-Nam đã thoát-hiểm vì hai yếu-tố chủ chốt : sự đớn hèn của tầng lớp trí-thức và tình-trạng thấp kém của dân-trí.

Một số luận-điểm cho rằng Đảng đã khôn-ngoan đổi mới kinh-tế kịp thời nên sống sót. Vậy Cuba, Bắc-Triều-tiên không hề thay đổi gì trong kinh-tế cũng như chính-trị, sao vẫn tồn-tại? Hơn nữa, lãnh-đạo Đảng Cộng-sản Việt-Nam không hề có ý-định đổi mới, họ chỉ bị bắt buộc phải làm theo Liên Xô. Chứng-cớ là ngày 19-8-1991, khi cuộc đảo-chính của phe cứng rắn ở Liên Xô nổ ra, họ đã hí-hửng cho là bè lũ Eltsine, Gorbatchov sẽ chết, những người cộng-sản trung-kiên sẽ quay lại đường cũ. Họ kết tội Gorbatchov cải-tổ là "đào mả tổ", và tức-thời ra lệnh cho các hợp-tác-xã cơ-khí ở Hà-nội phải sản-xuất thêm 50.000 khoá tay để chuẩn-bị bắt bớ tập-trung hàng loạt. Không ngờ, cuộc đảo-chính ở Liên Xô thất-bại quá nhanh, kế-hoạch trên đành huỷ-bỏ, và những người tù như Võ Đại-Tôn, Doãn quốc-Sỹ, Dương Thu-Hương, kể cả bản-thân tôi mới được phóng-thích.

Sự sụp đổ quá nhanh chóng của Đông-Âu và Liên Xô có hai mặt : Lợi và Bất-Lợi đối với Việt-Nam. Như đã trình bày trên, Việt-Nam vốn trì-trệ. Trong giới trí-thức, trong nhân-dân cũng như trong Đảng, tinh-thần phản-kháng, sự thay đổi chính-sách bao giờ cũng đi theo các nước đàn anh, Liên Xô hoặc Trung-Quốc, và theo một cách e dè, chậm chạp. Cách đây 34 năm, nếu không có sự hạ-bệ thần-tượng Xít Ta Lin ở Liên Xô, phơi bầy sự xử-lý oan các đồng-chí trong Đảng, không có phong-trào "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" ở Trung-Quốc thì không có việc sửa sai trong chiến-dịch chỉnh-đốn tổ-chức Đảng, không có phong-trào "Nhân văn Giai-phẩm". Tôi không nói sửa sai trong cải-cách ruộng đất, vì trong thực-tế, việc sửa sai này không có. Những người bị quy là địa-chủ đã bị hành-quyết, không sửa cho họ sống lại đã đành. Nhưng tài-sản của họ cũng không được hoàn-trả. Những người đi tù vẫn tiếp tục nằm tù cho tới chết. Không có sửa sai gì đối với họ! Riêng các Đảng-viên ở các địa-phương bị vu là Quốc-dân-Đảng, Đại-Việt...., trong chiến-dịch chỉnh-đốn tổ-chức Đảng tiến-hành cùng lúc với cải-cách rưộng đất, là được sửa sai, nghĩa là được tha tù, được phục-chức. Trong phong-trào Nhân-văn, tinh-thần của giới văn-nghệ-sĩ, trí-thức cũng rất đáng xấu hổ. Những người trong nhóm, khi bị đe dọa thời tự viết kiểm-điểm mạt-sát mình chưa đủ, họ còn đấu-tố, vu vạ lẫn nhau, ai cũng mong tự cứu lấy thân. Chưa kể tới những văn-nghệ-sĩ khác, trong bụng tuy tán-thành với tờ báo, nhưng xúm vào đánh hôi, lập công một cách nhục-nhã.

Thế bí của Cộng-sản Việt-Nam.

Khi phong-trào đòi dân-chủ ở Đông-Âu và Liên Xô bừng bừng khí-thế thì ở Việt-Nam, trí-thức, văn-nghệ-sĩ, sinh-viên, học-sinh bước theo rời rạc, lẻ tẻ, đa-số còn nghe ngóng, xem động-tĩnh ra sao. Từ khi Liên Xô và Đông-Âu rung động rồi sụp đổ, Lãnh-đạo Đảng hoảng-sợ, xiết chặt sợi dây vừa được nới lỏng. Tôi nghĩ nếu phe xã-hội chủ-nghĩa tồn-tại độ mươi năm nữa thì nhân-dân Việt-Nam sẽ theo kịp cao-trào phản-kháng ở các nước đó, và có thể cũng vứt bỏ được ách độc-tài như họ. Sự sụp đổ quá nhanh ở Đông-Âu và Liên Xô đã cho Đảng một kinh-nghiệm nhỡn-tiền : nới lỏng ngôn-luận sẽ dẫn tới tự-do ngôn-luận và các thứ tự-do khác, nghĩa là dẫn tới sự tiêu-vong tất-yếu của Đảng. Còn nhân-dân Việt-Nam thì chưa có đủ thời-gian cần-thiết để nhất-loạt vùng lên. Đó là một bất-lợi. Nhưng mặt lợi là từ khi Liên Xô tan rã, toàn-bộ nhân-dân, toàn-bộ Đảng-viên kể cả Bộ Chính-trị, không còn ai dở hơi dở hồn tin vào chủ-nghĩa Mác-Lê. Nó đã hoàn-toàn tắt thở, chết hẳn, không một hà hơi tiếp sức, một bùa phép chiêng trống phù-thuỷ nào có thể làm sống lại. Cùng kế, Lãnh-đạo Đảng phải đem tư-tưởng Hồ Chí-Minh ướp vào cái xác học-thuyết Mác-Lê, rồi dùng cả guồng máy tuyên-truyền tôi tớ gọi hồn, quên hẳn rằng chính Hồ Chí-Minh đã xác-nhận rằng y không có tư-tưởng gì cả, ngoài tư-tưởng Mao Trạch Đông! Anh cả Liên Xô lìa đời, Anh Hai Trung-Quốc là kẻ thù truyền-kiếp, vậy Việt-Nam sẽ dẫn Nhân-loại tới chân trời cộng-sản chăng? Nếu không phải vậy thời cái tên Đảng Cộng-sản trở thành vô-nghĩa, lố bịch. Những người khuyên Đảng đổi tên, vất bỏ nốt cái xác chủ-nghĩa Mác-Lê không hồn, lý-luận như vậy.

Thực ra, không phải mấy lãnh-đạo Đảng không thấy điều đó, nhưng họ ở cái thế tuyên-bố rời bỏ chủ-nghĩa Mác-Lê đồng nghĩa với tuyên-bố rằng cuộc chiến-tranh chống Mỹ tổn-thất hơn 3 triệu sinh-mạng, làm bao triệu người tàn-phế, gây tang-tóc ly-tán cho hầu hết các gia-đình là một cuộc chiến-tranh hại dân, hại nước. Nó không phải là một cuộc chiến-tranh chống ngoại-xâm nhằm thống-nhất đất nước như một số người đến tận giờ vẫn cố bào-chữa cho Đảng, hoặc vẫn ngộ-nhận, coi đó là một chiến -công hiển-hách. Họ quên, hoặc cố-tình quên, là chính Tổng Bí-thư Lê Duẩn đã tuyên-bố một cách tự-hào rằng Đảng đã cắm được ngọn cờ Mác-Lê bách-chiến bách-thắng lên toàn-thể lãnh-thổ đất nước. Hơn nữa, trong nhiều thập-niên, Đảng còn đưa quân-đội sang giúp Khờ-me đỏ, giúp Cộng-sản Lào, gửi cán-bộ, súng đạn, quân-nhu sang giúp du-kích cộng-sản ở vùng Đông -Bắc Thái Lan. Miền Bắc đã có 300.000 binh lính Trung-cộng trấn giữ. Tất cả đều được tiến-hành với tham-vọng bành- trướng chủ-nghĩa Mác-Lê rộng khắp, lập chiến-công đối với phong-trào Cộng-sản quốc-tế. Nay, nếu bỏ tên Đảng, bỏ chủ-nghĩa Mác-Lê, có khác gì thừa-nhận các chiến-công Đảng vẫn tự-hào chỉ là những sai-lầm khủng-khiếp, những tội ác tầy trời gây ra bởi một ý-thức-hệ nay đã bị lịch-sử quăng vào sọt rác. Vẫn giữ tên Đảng Cộng-sản, nhưng lý-tưởng, mục-tiêu cộng-sản đã tận-diệt trong tâm-khảm, nhóm lãnh-đạo Đảng chỉ còn lo duy-trì quyền-lực bằng mọi giá, nhằm vơ vét của cải cho bản-thân. Một thực-trạng quái-gở đã xuất-hiện từ 10 năm nay : nhóm lãnh-đạo tự nhận là vì dân, do dân đã trở thành những tên giàu sụ, vợ con họ ngang-nhiên phô-trương sự xa-hoa, sự đọa-lạc, không còn âm-thầm, dấu-diếm như thời Hồ Chí-Minh, Lê Duẩn. Họ chiếm-đoạt tài-sản quốc-gia, không từ môt thủ-đoạn đốn-mạt nào để vơ tiền. Toàn dân, kể cả các đảng-viên đã nhận rõ nguyên-hình họ : một bọn mafia hung-hiểm, táng-tận lương-tâm. Tình-trạng tranh-quyền, tranh tiền trong hàng-ngũ lãnh-đạo Đảng ngày càng quyết-liệt. Trong Đảng từ xưa tới nay vẫn có hai loại đồng-chí : một số nhỏ thuộc loại "đồng-chí Ăn", còn lại đa-số là loại "đồng-chí đổ bô". Loại "đồng-chí Ăn" trước kia còn đội lốt cách-mạng, giả dạng sống giản-dị nên còn huyễn-hoặc được nhiều người ngây-thơ. Ngày nay, tấn tuồng đó đã hạ màn. Các "đồng-chí đổ bô" không còn nhiệt-tình bảo-vệ, chấp-hành mệnh-lệnh các "đồng-chí Ăn" nữa, kể cả quân-đội, công-an. Chỉ còn lại có sự khinh-bỉ. Lãnh-đạo Đảng nhận rõ tình-trạng này, nên họ không tin-tưởng gì ở lòng trung-thành tuyệt-đối của quân-đội khi có biến.. Cách đây 6 năm, họ thành-lập các đội đặc -nhiệm chống bạo-loạn, nghĩa là chống các cuộc biểu-tình hoà-bình của quần-chúng. Họ tuyển-chọn vào các đội đặc-nhiệm này những trẻ mồ-côi, giáo-dục các em thành những tên sẵn-sàng bắn giết, mất hết tính người. Đây là một điều các nhà đấu-tranh dân-chủ ở trong nước cần phải hết sức quan-tâm. Theo ý tôi, cần phải đẩy mạnh công-tác binh-vận, để khi tình-huống bùng nổ, quân-đội sẽ bảo-vệ nhân-dân, đập tan những đội đặc-nhiệm chống bạo-loạn

Lãnh-đạo Đảng đang ra sức củng-cố, phát-triển, và sử-dụng khi cần-thiết, nhằm duy-trì ách thống-trị của họ. Trong vụ nổi dậy của nông-dân Thái-Bình cách đây vài năm, họ đã dùng các đội đặc-nhiệm này.. Lãnh-đạo Đảng đã rút được kinh-nghiệm tan rã của Liên Xô là do binh lính, công-an không điều-khiển được nữa. Vụ Thiên-An môn ở Trung-Quốc cũng cho họ một bài học. Khi sinh-viên ở Bắc-kinh và các nơi khác kéo về hội-tụ ở Thiên-An môn đòi dân-chủ, tự-do, Công-an đã không ngăn-chặn.. Khi hàng triệu sinh-viên và nhân-dân, gồm cả công-nhân, các đảng-viên cộng-sản thức-tỉnh rầm rập xuống đường, quân-đội ở quân-khu Bắc-kinh không theo lệnh của Đặng Tiểu-Bình, Lý Bằng đàn áp, án binh bất động. Lãnh-đạo cộng-sản Trung-Quốc đã phải điều quân từ những miền rừng núi thảo-nguyên về, dùng rượu và các chất kích-thích khác để họ mất hết lý-trí, đưa xe tăng, chiến-xa vào đè bẹp đám biểu-tình tay không vũ-khí, những đồng-bào của họ. Đội-ngũ của những người đấu-tranh cho dân-chủ ở Việt-Nam hiện nay, không chỉ riêng một số người nổi tiếng vì đã công-khai lên tiếng, phải tính cả những người đấu-tranh bí-mật, tuy có đông-đảo hơn trước, nhưng chưa có được những tổ-chức chặt-chẽ đi vào vận-động nhân-dân, giúp nhân-dân hiểu rõ về quyền làm người của mình, về tội ác của Cộng-sản đã tàn-hại đất-nước suốt nửa thế-kỷ qua, đặc-biệt đối với giới trẻ ít am-hiểu về lịch-sử, nhưng lại là nhưng kẻ có lửa sống, có dũng-khí cần-thiết, bao giờ cũng là lực-lượng xung-kích trong mọi cuộc cách-mạng xoay-chuyển thời-thế. Cuộc sống của đại đa-số dân-chúng vẫn lầm-than, cơ-cực, sau 14 năm "đổi mới". Tôi xin nêu những chỉ-số về mức sống do chính báo-chí trong nước công-bố :lương trung-bình của nhưng người lao-động trí óc cũng như chân tay ở các thành-phố là 30 Mỹ-kim một tháng. Ở nông-thôn, gồm gần 60 triệu dân là 7 đô-la Mỹ một tháng. Chi-phí cho giáo-dục tính theo đầu người là 4 đô-la Mỹ một năm, chi-phí cho y-tế là 3 đô-la một năm. Trộm cướp, đĩ điếm, buôn lậu lan tràn khắp nơi, kể cả nông-thôn, vùng núi. Theo lời trưởng-ban bài-trừ tệ-nạn xã-hội, 80% bọn ăn chơi trác-táng là các đảng-viên có tiền. Cảnh chợ người ngồi chờ bán sức lao-động với giá 1 đô-la một ngày diễn ra đầy rẫy tại các đô-thị. Khoảng 2 triệu người lâm vào cảnh đói ăn thường-nhật, trong khi Đảng xuất-khẩu năm vừa qua 4 triệu tấn gạo. Bộ mặt đất-nước thay đổi được ít nhiều, mỉa mai thay, lại chủ-yếu nhờ vào gần 3 triệu người Việt sống ở nước ngoài, mà trước kia, Đảng gọi là bọn rác-rưởi, ung-nhọt của xã-hội Việt-Nam; ngày nay, Đảng gọi một cách trìu mến là "khúc ruột ngàn dặm". Tại sao có sự thay đổi danh-từ xoay ngược 180 độ như vậy? Đó là vì trên 3 tỷ Mỹ-kim, hàng năm, người Việt hải-ngoại đổ vào Việt-Nam. Đây là những con số báo-chí trong nước công-bố : tiền gửi về giúp gia-đình năm 1999 là 1,24 tỷ Mỹ-kim; tiền đồng-bào du-lịch mang vào : 1 tỷ Mỹ-kim; tiền 400.000 ngưười lao-động nước ngoài đưa về : 1 tỷ Mk. Nếu không có số tiền không-lồ này thì những ti-vi, tủ lạnh, xe gắn máy, côca côla...chỉ có thể bán cho các gia-đình cán-bộ, đảng-viên có điều-kiện vơ vét tài-sản đất nước, cho các tay tham-ô, hối lộ, cho bọn buôn gian, bán lận, cho một số rất nhỏ những người may mắn làm ăn phát-đạt. Nguồn tiền 3 tỷ Mỹ-kim này ngưng lại, khủng-hoảng lập-tức nổ ra ngay. Từ năm 1991 tới nay, giá cả sinh-hoạt đã tăng gấp 4 gấp 5 lần. Đồng lương công-nhân viên-chức chỉ tăng 20% từ đầu năm 2000. Cuộc sống của đại-đa-số nhân-dân càng ngày càng xuống dốc.

Sự thực là điều-kiện cho một thay đổi ở Việt-Nam không phải đã chín mùi mà là đã chín nẫu ra từ lâu, nhưng Thời-cơ lại chưa tới! Nỗi sợ-hãi của nhân-dân tuy giảm nhiều nhưng vẫn còn đè nặng. Nội-bộ Đảng chưa tan-vỡ.

Đợi thời-cơ?

Nói vậy không có nghĩa là chúng ta bi-quan. Tâm-lý quần-chúng có một đặc-điểm mà mãi sau này tôi mới hiểu. Hồi còn thanh-niên, tôi có đọc được một câu của Mạnh Tử : "Dân không sợ chết, đừng đem cái chết ra dọa dân". Nhìn thấy cảnh người dân miền Bắc đói khổ cùng-cực mà không dám than-van, mất hết quyền làm người mà vẫn ca-ngợi chế-độ, dù chỉ ngoài miệng, đi tù lũ-lượt một cách vô-cớ, oan-ức mà vẫn phải âm-thầm khuất-phục, hầu như không có phản-ứng gì, sợ từ tên công-an hộ-khẩu sợ đi. Tại sao Mạnh Tử lại nói dân không sợ chết? Tôi suy-nghĩ mãi và cho là thầy Mạnh nhận-xét sai. Tôi chỉ thấy dân quá hèn. Mãi tới năm 1978-79, chứng-kiến cảnh những người vượt biển trên những chiếc thuyền đơn-sơ, thuyền trước bị vỡ đắm, thuyền sau vẫn ra đi. Có người may-mắn thoát chết lại chuẩn-bị đi chuyến khác. Tin-tức hải-tặc hoành-hành vẫn đi. Ông già, bà lão, phụ-nữ, trẻ con, không ai tỏ ra vẻ gì sợ-hãi. Lúc bấy giờ, tôi mới thán-phục sự dũng-cảm tuyệt-vời của họ, trong lòng coi họ như những tráng-sĩ Kinh Kha, thậm chí còn hơn Kinh Kha ở chỗ họ thản-nhiên, không ồn-ào, nghi-lễ lỉnh-kỉnh như Kinh Kha! Tôi cho họ can-trường hơn hẳn những Magellan, Christophe Colomb nhiều! Lúc bấy giờ, tôi mới bừng tỉnh, hiểu câu nói của Mạnh Tử. Đúng, dân không sợ chết! Tôi tìm hiểu, đi hỏi nhiều người vượt biển tại sao họ bán hết tài-sản liều chết như vậy; bình-thường họ là những kẻ tôi cho là hèn. Họ lắc đàu ngao-ngán trả lời tôi : "Đành phải liều, mà có tiền đút lót mới liều được; một là may-mắn thoát thì được sống cho ra con người, hai là rủi-ro chết thì cam với số-phận. Không thể bỏ lỡ thời-cơ này!" Tôi lưu-ý các bạn hai chữ thời-cơ. Người dân trong nước bây giờ nhìn chung là im-lìm bất-động, hầu như cam-phận chỉ lo làm ăn, tâm-lý sợ-sệt vẫn còn khá nặng-nề, vì tuy điều-kiện đã chín, họ chưa nhìn thấy thời-cơ để vùng dậy thay đổi vận-mạng. Đói khổ, cùng-cực, bị áp-chế, lăng-nhục, chỉ là nguyên-nhân cơ-bản, tiềm-ẩn cho mọi cuộc nổi dậy trong một chế-độ độc-tài bằng thép, không phải là thời-cơ. Người dân Việt-Nam, nhất là ở miền Bắc, đã nếm đủ cay, cực, khổ, nhục bao thập-niên rồi, vẫn không nhúc-nhích. Bắc Triều-tiên chết đói cả mấy triệu, ăn cả thịt người, vẫn không nhúc-nhích. Nạn đói ở Trung-Quốc vào những năm 58, 59, 60, chết mấy chục triệu, ăn cả đất sét, tiếp tới Đại Cách-mạng Văn-hoá, người dân lại bị sát-hại mấy chục triệu, bị hạ-nhục cực-độ, vẫn không nhúc-nhích! Điều đó cho ta thấy một sự thực hiển-nhiên là để cho người dân đứng dậy xoay-vần lịch-sử, bắt-buộc phải có thời-cơ. Vậy thời-cơ để cho người dân Việt-Nam quật-khởi, lật đổ ách độc-tài hung-hiểm hiện nay khi nào sẽ xảy ra? Xin trả lời : khi nội-bộ Đảng Cộng-sản Việt-Nam phân-hoá sâu rộng, tới nước tê-liệt. Thí-dụ như Trung-Quốc năm 89, cuộc sống người dân khá hơn hồi Mao Trạch Đông còn sống, nhưng vì nội-bộ Đảng Cộng-sản Trung-Quốc phân-liệt nặng nề, thậm chí Tổng Bí-thư Triệu Tử Dương cũng đứng về phe sinh-viên, đảng-uỷ các trường đại-học phát-động sinh-viên biểu-tình. Sỡ-dĩ thất-bại là vì công-tác binh-vận chưa chu-đáo. Giả-thử có những lực-lượng quân-đội hỗ-trợ, sự tàn-sát ở Thiên-An môn sẽ không xảy ra, và dân-chủ ở Trung-Quốc đã thắng-lợi. Chúng ta cần rút kinh-nghiệm này.

Tạo thời-cơ.

Ngày nay, thời-cơ đó có thể tạo ra được, vì nội-bộ Đảng chia-rẽ, mất lý-tưởng, mất niềm tin, nỗi sợ kinh-niên của quần-chúng đã giảm nhiều; so với 10 năm trước, dân-trí đã tiến một bước khá hơn. Chúng ta thấy những năm gần đây, nhiều đảng-viên kỳ-cựu đã lên tiếng đòi dân-chủ-hoá, nêu rõ tình-trạng bất-lực của Đảng trong việc quản-lý đất nước, sự đọa-lạc, sự tham -nhũng của các đảng-viên có chức, có quyền, sự đau khổ, uất-ức của nhân-dân. Giới trí-thức cũng gia-tăng số người công-khai hoặc bí-mật lên tiếng phê-phán nền độc-tài, đòi thực-thi nhân-quyền, đòi đa-nguyên, đa-đảng, tự-do ngôn-luận, đòi tổ-chức bầu-cử nghiêm-túc. Các tôn-giáo cũng đấu-tranh mạnh-mẽ hơn, chống lại sự đàn-áp, can-thiệp vào công-tác hành-đạo. Một số báo-chí bí-mật của sinh-viên, của các đảng-viên phản-tỉnh được lưu-hành tương-đối rộng-rãi. Một số cuộc biểu-tình đã xảy ra ở các thành-phố, nông-dân nhiều vùng đã có những cuộc nổi dậy, công-nhân đã có một số cuộc đình-công, vv... Nhưng tất cả đều chưa đạt được cường-độ để phá sập chế-độ. Cần phải có nhiều người dám hy-sinh, biết lợi-dụng khôn khéo sự chia rẽ trong nội-bộ Đảng, đẩy mạnh cuộc đãu-tranh dân-chủ phát-triển khắp nơi, thu-hút được đông dảo quần-chúng tham-gia. Phong-trào dân-chủ càng mạnh-mẽ, sự phân-hoá trong Đảng càng sâu rộng. Hai yếu-tố này ảnh-hưởng qua lại nhau, cả hai cùng phát-triển tới một đột-biến dẫn đến sự rối-loạn cực lớn trong hàng-ngũ Đảng. Đó chính là thời-cơ để toàn-thể nhân-dân nhất-tề đứng lên, phá tan gông-ách độc-tài, đưa đất nước vào một kỷ-nguyên mới, kỷ-nguyên Dân-chủ, Tự-do mà tất cả ai có giòng máu Việt còn chảy trong huyết-quản đều mong đợi. Xu-thế toàn-cầu hiện nay là xu-thế dân-chủ. Lực-lượng nào đi ngược lại xu-thế đó sớm muộn đều bị đào-thải. Đó là một tất-yếu của lịch-sử. Tuy-nhiên, chúng ta không thể trông chờ vào sự giúp-đỡ của các cường-quốc Âu-Mỹ. Họ có quyền- lợi của họ. Chính-trị của họ là "chính-trị đô-la". Cần phải minh-định như vậy. Tuy-nhiên, đối với nhân-dân, đối với những tổ-chức nhân-quyền của họ, họ không thể hoàn-toàn xoay lưng lại với nhân-quyền trong chính-sách đối-ngoại; Chúng ta cần phải tận-dụng yếu-điểm bên ngoài này để tăng thêm sức mạnh đấu-tranh bên trong của chúng ta. Không hề có một CIA nào giúp chúng ta giải-thể chế-độ toàn-trị, khi chiến-tranh lạnh đã chấm dứt. Thực-tế, chúng ta không cản được Mỹ bỏ cấm-vận, bình-thường quan-hệ ngoại-giao, cho Việt-Nam hưởng quy-chế tối-huệ-quốc. Trong cuộc sống, mọi thứ đều có mặt lợi và bất-lợi. Chúng ta cần khai-thác mặt lợi của vấn-đề. Chính lãnh-đạo của Đảng cộng-sản Việt-Nam cũng nhận-thức được điều đó, nên chúng còn e-dè, chưa dám ăn cái bánh tối-huệ-quốc, sợ cái bánh này sẽ làm hỏng lục phủ ngũ tạng vốn đã rất suy-yếu của Đảng. Một số người nghĩ rằng chừng nào còn Trung-Quốc Cộng-sản, chừng đó cuộc đấu-tranh cho dân-chủ của Việt-Nam chưa thể thành-công, vì Trung-Quốc bảo-vệ Đảng cộng-sản Việt-Nam. Thực-tế không đúng như vậy. Từ khi Liên Xô không còn, Lãnh-đạo Đảng Cộng-sản Việt-Nam luôn hạ mình nhục-nhã, cố cầu-hoà với kẻ thù truyền-kiếp phương Bắc, nhưng vô-hiệu. Trung-Quốc rất thâm-thù, không bao giờ quên sự phản-bội của Đảng Cộng-sản Việt-Nam sau khi đã nhận 20 tỷ Mỹ-kim của Trung-Quốc để đánh Pháp, đánh Mỹ. Từ bao năm nay, Trung-Quốc tung lậu vào Việt-Nam các loại hàng tiêu-dùng, từ cái kim, sợi chỉ, cái tăm, bóp nghẹt nền công-nghiệp nhẹ yếu của Việt-Nam. Đó là một sự phá-hoại kinh-tế để trả thù. Hơn nữa, nội-tình Trung-Quốc nát bấy, nạn sứ-quân đang đe-dọa quyền-lực của trung-ương, lo bảo-vệ thân mình còn chưa xong, không thể cõng ông em nổi tiếng lật-lọng, lừa thầy, phản bạn! Vả lại, cuộc cách-mạng của nước nào, chủ-yếu là do dân-tộc của nước đó đảm-đương, yếu-tố bên ngoài chỉ một phần. Thí-dụ : Cuba ở quá xa, có dựa-dẫm được chút nào vào Trung-Quốc đâu, sao Cuba vẫn chưa biến-đổi, kể cả Mỹ ở sát nách cấm-vận nghiệt-ngã cũng vô-ích. Do đó, không thể nói Trung-Quốc là một trở-lực lớn đối với công-cuộc dân-chủ-hoá Việt-Nam. Giả-thử Trung-Quốc có sụp đổ, nhưng nếu dân Việt-Nam vẫn co ro, sợ-hãi, Đảng cộng-sản Việt-Nam vẫn chưa phân-liệt, hỗn-loạn, dân-chủ vẫn chưa tới được với Việt-Nam. Cộng-hoà Nam Triều-tiên hùng mạnh đứng bên cạnh Bắc Triều-tiên đói rét, chế-độ Bắc Triều-tiên vẫn chưa đổ. Lý-do cũng giống như Việt-Nam : trí-thức hèn, dân-trí thấp và nội-bộ Đảng chưa xáo-loạn tới mức tạo điều-kiện cho một cuộc tổng nổi dậy của toàn-dân.

Ban kiều-vận cộng-sản.

Về phía cộng-đồng người Việt hải-ngoại, tiềm-lực kinh-tế, chất xám dồi-dào, lòng căm-ghét chế-độ độc-tài cũng rất mạnh. Đảng Cộng-sản Việt-Nam không mong gì lôi kéo được khối người này ủng-hộ họ. Tuy-nhiên, Ban kiều-vận Đảng lập ra không phải để ngồi chơi xơi nước. Ban này có đủ người, đủ tiền để gây hoang-mang, hỗn-loạn trong cộng-đồng người Việt hải-ngoại. Tất-nhiên, họ mua chuộc được bằng tiền, bằng nhiều thủ-đoạn gian-xảo tinh-vi, một số nhỏ những kẻ táng-tận lương-tâm làm việc cho họ nhưng luôn lên giọng nhân-từ, thương dân, thương nước, đại-lượng sẵn-sàng tha thứ tất cả, hoặc đội lốt chống cộng hung hăng, triệt-để, diễn nhiều trò nhố nhăng, chửi bới tất cả, nhằm lố-bịch-hoá công-cuộc chống độc-tài, vì dân-chủ, tự-do của những chiến-sĩ dân-chủ nghiêm-túc, đích-thực. Cả hai loại tay sai này, tuy rất nhỏ, nhưng chúng lôi theo được một số người thành-tâm, thành-ý, nhưng thiếu kinh-nghiệm đấu-tranh thực-tế, thiếu am-hiểu sâu sắc về Việt-Cộng, nhất là giai-đoạn này, chúng đương biến-hoá muôn màu muôn vẻ để tồn-tại.. Một điều chắc-chắn là Việt-Cộng đã thâm-nhập được phần nào vào giới truyền-thông. Đó là công-tác hàng đầu của Ban Kiều-vận! Chính Gorbatchov cũng thú-nhận là Liên Xô đã đổ nhiều tiền tài-trợ, thậm-chí tạo-dựng ra những tờ báo bênh-vực đường lối chính-trị, kinh-tế của Liên Xô trong tất cả các nước tư-bản. Chúng ta không ngạc-nhiên khi thấy xuất-hiện những luận-điểm như Hồ Chí-Minh cũng là người yêu nước, có tinh-thần dân-tộc nhiều hơn là tinh-thần quốc-tế cộng-sản, như Đảng Cộng-sản cũng có công với dân-tộc trong việc đánh Pháp, đánh Mỹ, thống-nhất đất nước!

Hồ Chí-Minh không là người yêu nước.

Lòng yêu nước là một tình-cảm thiêng-liêng, cao-quý, nhưng thường bị lạm-dụng, ai cũng nhận mình là người yêu nước! Để tránh tình-trạng lộn-sòng hoặc ngộ-nhận, tôi thấy cần phải phân-tích, cụ-thể-hoá, xác-định rõ rệt thế nào là một người yêu nước. Theo thiển-ý của tôi, một người xứng-đáng để được gọi là một người yêu nước, người đó phải

- Thứ nhất : yêu thương dân-tộc mình, mong muốn và hoạt-động cho tự-do, hạnh-phúc cùng sự thăng-tiến của dân-tộc;

- Thứ hai : quý-trọng văn-hoá truyền-thống, thuần-phong mỹ-tục của dân-tộc, tìm cách phát-huy những giá-trị đó; chăm-sóc vun-trồng nhân-phẩm, đạo-đức, tài-năng, trí-tuệ của đồng-bào mình;

- Thứ ba : gìn-giữ những di-tích lịch-sử, những danh-lam, thắng-cảnh của đất nước, xây-dựng đất nước ngày càng tươi đẹp, phồn-thịnh.

Xét theo tiêu-chuẩn trên, ta thấy Hồ Chí-Minh và đồng bọn không đạt một tiêu-chuẩn nào, mà ngược lại, còn là tội-phạm của dân-tộc, vì đã tàn-phá tất cả. Hồ Chí-Minh chỉ biết tuân-phục, tôn-thờ chủ-nghĩa cộng-sản, không hề nghĩ tới tổ-tiên, nòi-giống. Xin nêu vài thí-dụ : sau 30 năm sống ở nước ngoài, khi về Cao-bằng trú-ngụ ở hang Pắc-bó, Hồ Chí-Minh đặt tên cho ngọn núi ở đó là núi Mác, con suối chảy qua là suối Lê-nin :

Kia suối Lê-nin, đây núi Mác,

Hai tay gây-dựng một cơ-đồ!

Khi hấp-hối, viết chúc-thư, Hồ Chí-Minh chỉ mơ-ước về chầu các tổ-sư của y là Các-Mác và Lê-Nin!

Giữa thế-kỷ 20 mà Hồ Chí-Minh còn nuôi mộng được làm hoàng-đế. Y tự bộc-bạch tâm-sự này trong câu thơ " Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng-giới"! Rồng, ai cũng hiểu là biểu-tượng của thiên-tử. Chưa đủ, y còn có cuồng-vọng là người lãnh-đạo thế-giới tới Thiên-đường Cộng-sản! Chính y đã tự vỗ ngực trong 2 câu thơ vịnh Trần Hưng Đạo:

Bác đưa dân-tộc qua nô-lệ,

Tôi dẫn năm châu tới đại-đồng!

Chính vì tham-vọng rồ-dại này, khi y còn sống, y đã đưa quân xâm-chiếm miền Nam, đưa quân sang giúp Cam-pu-chia, giúp Lào, đưa cán-bộ, vũ-khí sang giúp Cộng-sản Thái-lan, khiến hơn 3 triệu người thiệt-mạng, số tàn-phế còn nhiều hơn!

Có kẻ muốn bênh-vực y, viện lẽ y chống ngoại-xâm tức là y yêu nước! Như đã trình-bày, cuộc chiến-tranh ở Việt-Nam là một cuộc chiến-tranh ý-thức-hệ, không phải một cuộc chiến-tranh chống ngoại-xâm. Dù cứ cho y là người chống ngoại-xâm đi nữa, cũng không thể gọi y là người yêu nước. Đao-phủ Xít-Ta-Lin, đao-phủ Pol Pot cũng chẳng chống ngoại-xâm đó sao? Chẳng lẽ Lịch-sử gọi chúng là những nhà ái-quốc?

Còn luận-điểm coi Đảng Cộng-sản cũng có công với Dân-tộc của một số người ở hải-ngoại đưa ra thì vừa mỉa-mai, vừa chua chát! Mỉa-mai, chua chát vì chính những đảng-viên cộng-sản kỳ-cựu, suốt đời theo Đảng đánh Pháp, đánh Mỹ như Trần Độ, Nguyễn văn Trấn, Nguyễn Hộ, Bùi Minh-Quốc, vv...trước thực-tại tai-ác, man-rợ của xã-hội bây giờ lại mơ trở về cái ngày xưa xa xôi khi Pháp còn cai-trị, lại thấy rõ rằng họ đã cống-hiến tất cả phần tốt đẹp nhất của đời họ để đúc ra một cỗ máy hiểm-ác, quái-dị đương đè nặng lên dân-tộc, trong đó có họ, lại nhận-chân được những kẻ dương tụng bài kinh "xoá bỏ hận-thù, quên đi quá-khứ, hướng tới tương-lai" chính là những lãnh-tụ Đảng, những tên đao-phủ mắt lim-dim đương ngồi thiền!

Chính-nghĩa.

Tất cả những ai đương chiến-đấu cho một Việt-Nam tự-do, dân-chủ hãy suy-nghĩ và hành-động như anh-hùng dân-tộc Nguyễn Trãi, sẵn-sàng khoan-dung đối với kẻ thù khi chúng đã "cúi đầu, vẫy đuôi chịu tội", nhưng khi chúng còn đương thống-trị tàn-hại dân nước, đương tiếp-tục phạm tội, tước-đoạt quyền làm người, quyền làm chủ, quyền tự-do của dân-tộc, thời phải có tinh-thần "Ngắm giang-sơn căm nỗi thế thù, Thề sống chết cùng quân nghịch-tặc!". Tổ-quốc Việt-Nam đương cần những dũng-sĩ dám hy-sinh vì Đại-Nghĩa, chiến-đãu chống Hung-Tàn! Đó là cái Tâm thực, cái Thiện thực, Lòng Ưu-Dân, Ái-Quốc thực! Mon-men, thì-thọt, mơn trớn, bào-chữa cho tội-phạm của dân-tộc khi chúng đã và đương tiếp-tục phạm tội, lại coi mình là vô-tư, khách-quan, công-bằng, là chiến-đấu cho dân-chủ một cách hữu-hiệu,cao cấp, có trí-tuệ, không thô-sơ, cực-đoan. Đó là tâm-lý của những kẻ cao-ngạo, chưa hề đương đầu thực-tế với Cộng-sản, những kẻ đã vô-tình theo đúng đường-lối lừa-mị hiện-tại của lãnh-đạo cộng-sản mà không biết! Tôi gạt ra ngoài những bọn nằm vùng, những kẻ vì lý-do nào đó làm việc cho Việt-Cộng. Ở hải-ngoại này, việc đấu-tranh cho Dân-chủ tuy vậy mà phức-tạp. Từ việc nhỏ đến việc lớn đều có những luồng ý-kiến khác nhau. Khác nhau là chuyện thường trong xã-hội tự-do. Điều đáng trách là vì khác nhau mà chia-rẽ, quy-chụp, sỉ-mạ nhau, không chịu ngồi lại bình-tĩnh phân-tích, bàn-luận cho ra nhẽ. Thí-dụ như có một số người coi việc biểu-tình phản-đối những đoàn văn-nghệ, múa rối trong nước ra biểu-diễn là việc làm vô-văn-hóa, ngu-xuẩn. Họ cho rằng những hoạt-động đó không dính-dáng gì tới chính-trị. Tôi mong những người có quan-điểm trên trả lời một câu hỏi :"Nhẩy cao, nhẩy dài, chạy, bơi, cử tạ, vv...còn phi-chính-trị tới đâu, tại sao tất cả các nước tẩy-chay, không cho chế-độ Apartheid Nam-Phi tham-dự, thậm-chí còn khai-trử các lực-sĩ nào tới Nam-Phi thi đấu? Khi quyết-định như vậy, toàn thế-giới có vô-văn-hóa, ngu-xuẩn không"? Tôi nghĩ làm vậy có mặt lợi là khiến cho người dân Nam-Phi, người dân toàn thế-giới thấm-hiểu là cái chế-độ phi-nhân, phân-biệt màu da là đáng cô-lập, đáng trừng-phạt. Ngược lại, số người đi biểu-tình chống-đối lại chụp cho những người đi xem là vô-ý-thức, là tiếp tay cho bạo-quyền, là thân cộng, rồi hò hét, đả-đảo các diễn-viên, ngăn không cho người khác vào xem. Cả hai thái-độ tôi thấy đều không ổn. Tình-trạng Việt-Nam có khác với Nam-Phi, vì Nam-Phi không phải là một chế-độ toàn-trị, không bị bưng-bít mọi tin-tức về thế-giới bên ngoài. Chúng ta cần tìm phương-pháp hữu-hiệu nhất để áp-dụng. Ý-kiến của tôi là khi có những đoàn văn-nghệ trong nước ra, chúng ta vẫn biểu-tình, nhưng là biểu-tình đòi tự-do tư-tưởng, tự-do sáng-tạo, đòi tôn-trọng nhân-quyền, phản-đối chế-độ độc-tài trong nước, làm cho họ hiểu rằng chúng ta đang lên tiếng đòi những quyền sơ-đẳng nhưng thiêng-liêng đó cho cả chính họ, chúng ta đang làm một việc chính-nghĩa. Bản-thân họ thấu-hiểu hơn ai hết sự kìm-kẹp của Đảng, vì chính họ đang bị trói chặt. Mặt khác, chúng ta cho người vào xem, nếu thấy trong chương-trình có tính-cách tuyên-truyền cho Đảng, chúng ta đồng-loạt phản-đối. Mặt khác, chúng ta tìm cách tiếp-cận với họ, mời họ đi thăm thành-phố, giúp họ hiểu về xã-hội tự-do mà bao năm bị nhồi sọ nên họ dễ có những nhận-định lệch-lạc.Chúng ta có thể biếu họ những kỷ-vật, bầy-tỏ sự quan-tâm, tình-nghĩa đồng-bào của chúng ta đối với họ. Họ sẽ xúc-động và mến nể chúng ta hơn, dễ-dàng nghe theo ý-kiến của chúng ta. Trường-hợp công-an mật đi theo các đoàn văn-nghệ này không cho phép họ gặp-gỡ, chúng ta sẽ nói với khán-giả ngoại-quốc về tình-trạng ngăn-cấm phi-lý đó. Như thế có lợi về nhiều mặt. Tôi bảo-đảm với các bạn tất cả họ đều không ưa gì Đảng với chế-độ nữa. Khi rời khỏi nước, các nghệ-sĩ, các sinh-viên du-học đều phải cam-kết giữ kỷ-luật, không tiếp-xúc bừa-bãi. Nếu chúng ta tẩy-chay, cô-lập, đả-đảo họ là chúng ta vô-tình giúp Đảng được toại-nguyện! Đảng là bóng đêm, rất sợ ánh sáng rọi vào. Chúng ta có chính-nghĩa, có ánh sáng, phải dùng ánh sáng chính-nghĩa đó soi rọi tim óc đồng-bào bị bưng-bít. Đừng bao giờ che lấp cái ánh sáng đầy sức mạnh đó, thứ duy-nhất có thể đẩy lùi và tiến tới xua tan đêm dầy mông-muội đã bao-trùm tổ-quốc trong bao thập-niên nay! Một thí-dụ trong nhiều thí-dụ : hàng bao năm nay tại Boston, vào tháng 7, người Mỹ vẫn mời một số văn-sĩ từ Việt-Nam sang hội-thảo; suốt bao năm, chúng ta không tham-gia; mấy văn-sĩ của Đảng tha-hồ xuyên-tạc. Nhưng từ vài năm nay, một số văn-sĩ hải-ngoại đã tham-gia, nói lên tiếng nói trung-thực về tình-trạng chiến-tranh trước kia, tình-trạng đất nước hiện nay. Lập tức, đoàn văn-sĩ cộng-sản không dám tham-dự buổi lễ khai-mạc, không dám tranh-luận, dù được mời. Họ phải lẫn-tránh, vì lẽ phải không ở về phía Đảng của họ. Chính ông trưởng-ban người Mỹ cũng phải tuyên-bố là nhờ sự tham-dự của đoàn văn-sĩ hải-ngoại, họ mới hiểu đúng về thực-trạng Việt-Nam! Chúng ta tham-dự không phải là để thảo-luận, ăn uống với mấy văn-sĩ bồi bút trong nước, mà là đem ánh sáng chân-lý vào xua tan bóng đêm lừa bịp. Riêng đối con em sinh-viên chúng ta, và cả những sinh-viên trong nước sang du-học, nếu một số họ có sai-lầm trong nhận-thức, kể cả tới mức đề-cao cộng-sản, thời trách-nhiệm thuộc về những người đầu bạc chúng ta đã không làm tròn trách-nhiệm cha chú của mình. Chúng ta không thể lấy thái-độ "bố già" sỉ mắng, xua đuổi họ. Chúng ta phải gần-gũi họ hơn nữa, dùng sự từng-trải, lý-lẽ, chứng-cớ lịch-sử cũng như thực-tiễn, và nhất là dùng sự thương yêu ân-cần, cởi mở, để giúp họ nhận-định đúng về tội ác cộng-sản, về những tai-ương của chế-độ độc-tài toàn-trị, về sự cần-thiết phải thay thế chế-độ đó, về triển-vọng của dân-chủ tự-do trong tương-lai của đất nước. Nhiệm-vụ đòi hỏi nhiều kiên-nhẫn, khéo léo. Nhưng phải làm bằng được, vì các em là tương-lai của tổ-quốc. Các em sinh-viên du-học ở Tân-Tây-Lan đã làm đươợc một việc rất đáng khen-ngợi : các em đã biểu-tình tố-giác sự tham-nhũng của Ban tuyển-chọn, mỗi em phải đút lót 3.000 Mỹ-kim để được đi du-học!

Cộng-đồng hải-ngoại.

Từ ngày ra hải-ngoại, tôi đã nghe một số người, và đọc một số bài báo, miệt-thị rằng hơn 20 năm qua, Cộng-đồng người Việt hải-ngoại không làm nên trò trống gì. Việt-Cộng vẫn cứ còn đó, cần phải đổi phương-thức đấu-tranh. Cải-tiến phương-pháp đấu-tranh cho phù-hợp với sự biến-chuyển của tình-thế là đúng và cần-thiết. Nhưng nói rằng người Việt hải-ngoại không làm được việc gì là hoàn-toàn sai. Đành rằng tình-trạng phân-hoá trong những người đấu-tranh là một thực-tế. Chính tôi cũng tự-nhủ là có ba đầu, sáu tay cũng không đoàn-kết các vị đó được. Tuy-nhiên, ngay với cảnh-tượng không vui đó, trong nhiều năm qua, ta có thể khẳng-định rằng người Việt hải-ngoại đã làm được nhiều điều hữu-ích, xứng-đáng là mặt trận đối-ngoại của dân-tộc. Không có những người đầy nhiệt-tình làm công-tác quốc-tế-vận, thế-giới sẽ biết rất ít về Việt-Nam, hoặc biết một cách sai-lạc; Cộng-sản sẽ tha-hồ tác-yêu tác-quái, đàn-áp thẳng tay trong im-lìm bưng-bít đồng-bào trong nuớc, như chúng đã từng làm trong nhiều thập-niên. Nhiều tù-nhân đấu-tranh cho dân-chủ được thả ra, những chiến-sĩ chống độc-tài phải chịu những bản án tương-đối nhẹ, hoặc bị quản-thúc. Sự đàn-áp phải chùn lại phần nào chính là nhờ sự đấu-tranh liên-tục của cộng-đồng người Việt hải-ngoại. Nỗi sợ của nhân-dân đã giảm nhiều, nhiều trí-thức, đảng-viên, sinh-viên đã dám công-khai lên tiếng, hoặc bí-mật đấu-tranh, một phần cũng là do họ biết họ có sự yểm-trợ tích-cực, triệt-để, hữu-hiệu của khối người Việt hải-ngoại, của dư-luận quốc-tế. Ngay cả đảng-viên thức-tỉnh đòi dân-chủ-hóa như Hoàng Minh-Chính, Trần Độ, Nguyễn Hộ, Nguyễn văn Trấn, Bùi Minh-Quốc, vv...cũng rất vững tin vào sự ủng-hộ của đồng-bào hải-ngoại. Một thí-dụ : khi Hoàng Minh-Chính bị bắt, lập tức gia-đình điện-thoại ra nước ngoài báo tin. Dù xa nước, chúng ta đã góp phần không nhỏ vào công-cuộc đấu-tranh trong nước. Đó là một thành-tích đáng tự-hào và cần phát-huy cao độ. Những đồng-bào tận-tình đấu-tranh ở hải-ngoại đã chặn đứng, gần như vô-hiệu-hóa chính-sách kiều-vận của Hà-nội. Không một nơi nào lá cờ đầy tội-ác, thấm không biết bao là máu, là nước mắt của dân-tộc, không một nơi nào hình-ảnh Hồ Chí-Minh, tội-phạm số một của dân-tộc, có thể chưng ra được, dù Hà-nội quyết-tâm làm việc đó từ nhiều năm nay. Ngay cả bọn nằm vùng, bọn tay sai có thừa tiền, thừa phương-tiện, có chỉ-đạo từ trong nước, muốn phá-rối cộng-đồng người Việt hải-ngoại cũng phải đội lốt "chống Việt-Cộng để hoạt-động cho Việt-Cộng", thỉnh-thoảng lén-lút đánh du-kích một vài đòn, vì công-khai ca-ngợi Việt-Cộng sẽ mất hết tác-dụng. Điều thê-thảm nhất đối với Hà-nội là ngay cả những sinh-viên chúng gửi đi du-học, những thanh-niên chúng gửi đi lao-động nước ngoài cũng hầu như toàn-bộ chống lại chúng. Tôi đã gặp-gỡ, nói chuyện rất nhiều với các bạn trẻ ở Đông-Âu, và tôi rất vui mừng thấy ở họ một tinh-thần phục-thiện rất cao. Họ có thực-tế đen tối của nền độc-tài, họ có thực-tế tươi-sáng của nền dân-chủ. Hai thực-tế đó hợp lại giúp họ có một nhận-thức chính-trị khá sáng-suốt, có một tinh-thần đấu-tranh vì dân-chủ rất mạnh. Bản-thân họ đã nếm trải quá nhiều dưới gông-ách của Đảng, nên họ đã ngán tới tận cổ. Tới hôm nay, chế-độ mafia trong nước chưa xụp-đổ không hề có nghĩa là những chiến-sĩ dân-chủ trong và ngoài nước không làm được việc gì. Xoay-vần Lịch-sứ là một công-cuộc lâu dài, phải bền-bỉ đấu-tranh cho đến lúc Thời-Cơ tới.. Trong lịch-sử chống thực-dân Pháp của Việt-Nam, những Phan Đình-Phùng, Hoàng-Hoa-Thám, Phạm Hồng-Thái, Phan Bội-Châu, Phan Chu-Trinh, Nguyễn Thái-Học, vv...đều liên-tiếp thất-bại, thời-gian kéo dài hàng nửa thế-kỷ, thực-dân Pháp vẫn ngự-trị. Ai dám nói những anh-hùng đó không làm nên trò-trống gì? Họ đã làm được một việc rất lớn, đó là duy-trì tinh-thần bất-khuất của dân-tộc, hồn thiêng của sông núi để đến khi thời-cơ tới, những lớp kế-tiếp sẽ làm nên lịch-sử.

Những việc cần làm.

Công-cuộc đấu-tranh cho dân-chủ của tổ-quốc rất nặng-nề. Ngoài việc hỗ-trợ cho cuộc đấu-tranh đầy gian-nguy trong nước, người Việt hải-ngoại còn phải duy-trì bầu nhiệt-huyết của gần 3 triệu người Việt tỵ-nạn mà thời-gian đã ít nhiều làm nguội dần, đối-phó với các hoạt-động phá-rối của bọn nằm vùng và tay sai, giáo-dục lớp trẻ không quên cội-nguồn, có hiểu-biết về lịch-sử đất nước, về tai-ương cộng-sản, nhằm chuẩn-bị cho tương-lai. Mặt khác, các đảng-phái, tổ-chức chính-trị cần phải đưa nhiều thành-viên của họ về hoạt-động trong nước. Tôi nghĩ, để xứng-đáng được gọi là một đảng chính-trị, hoạt-động trong nước phải chiếm đến 8, 9 phần, hoạt-động ở hải-ngoại chỉ 1, 2 phần. Điều-kiện để hoạt-động bí-mật trong nước từ mười năm nay đã khá thuận-lợi, không còn quá khó khăn như trước. Tất-nhiên gian-khổ, tù-đày, hy-sinh vẫn còn đó, nhưng những chiến-sĩ phải chấp-nhận. Các đảng-phái, các tổ-chức đấu-tranh nhất-thiết phải có bằng được những tờ báo bí-mật, những truyền-đơn lan-trải rộng khắp, từ thành-thị tới nông-thôn nhằm cho mọi người, đặc-biệt giới trẻ, hiểu về tội ác Cộng-sản đã phạm đối với dân-tộc, về dân-chủ, về nhân-quyền, để mọi người thấm-nhuần sâu sắc rằng nếu không có Đảng cộng-sản, dân-tộc Việt-Nam đã không phải gánh chịu những tổn-thất khủng-khiếp. Phải cho mọi người dân Việt nhìn rõ một thực-tế lù lù là những nước thuộc-địa không có Đảng cộng-sản lãnh-đạo đều đã giành được độc-lập nhanh gọn, đời sống vật-chất, tinh-thần của nhân-dân họ thăng-tiến, không chìm-đắm lạc-hậu nghèo nàn nhất thế-giới như Việt-Nam ngày nay. Phải cho mọi người thấy bất cứ nơi nào Cộng-sản tiếm-quyền là nơi đó lụn-bại trong bao khổ-nạn, thí-dụ để so-sánh : Nam Việt-Nam và Bắc Việt-Nam trước kia, Nam Triều-tiên và Bắc Triều-tiên, Đông-Đức và Tây-Đức trước kia, Trung-hoa đỏ và Đài-loan, Hồng Kông, Singapour. Phải cho mọi người thấy không một nước nào trong hoàn-cảnh hoà-bình mà nhân-dân phải liều-mạng chạy trốn quê-hương như Việt-Nam, và nếu thế-giới cho định-cư, đất nước Tiên Rồng sẽ thành đất nước khỉ ho cò gáy! Hiểu vậy mới thấy nền độc-tài Đảng-trị hiện nay là không thể chấp-nhận, việc xây-dựng một chế-độ dân-chủ lành mạnh là khẩn-thiết, một ngày chậm-trễ là một ngày đất nước chìm-đắm sâu hơn, lạc-hậu về kinh-tế hơn, băng-hoại về tinh-thần hơn. Tóm lại, Tố-Quốc Việt-Nam đang ở trong tình-trạng cấp-cứu! Để làm được việc đó, cũng như để kết-nạp được những thành-viên trong nước, liên-lạc được với các chiến-sĩ dân-chủ trong nước, hợp-lực đẩy mạnh phong-trào trong nước, đòi hỏi sự dấn-thân về nước hoạt-động của những chiến-sĩ dân-chủ hải-ngoại. Từ lực-lượng hỗ-trợ, lực-lượng ngoại-vận, người Việt hải-ngoại phải tiến tới hoạt-động trực-tiếp ngay trong nước. Phải có những lớp huấn-luyện giới trẻ để họ có đủ kiến-thức chính-trị, kinh-nghiệm hoạt-động bí-mật trước khi về nước. Thời-đại ngày nay là thời-đại truyền-thông. Bằng mọi phương-tiện, từ thô-sơ như thư-tín qua bưu-điện, tới hiện-đại như mạng lưới Internet, chúng ta phải đưa được nhiều bài báo, bài thơ, bài văn, bài nghiên-cứu về cho đồng-bào quốc-nội đọc. Không thể chỉ bó hẹp, nói và viết cho nhau nghe, cho nhau đọc ở hải-ngoại. Ngoài ra còn phải dịch nhiều sách đứng-đắn, trung-thực ra ngoại-ngữ, đưa vào các thư-viện. Tình-trạng thiếu sách vở của chúng ta, và sự dư-thừa sách báo của Việt-cộng ở các thư-viện ngoại-quốc là một thiệt-thòi tai-hại cho công-tác ngoại-vận và cho việc giáo-dục lớp trẻ không đọc được tiếng Việt.. Việc này đòi hỏi nhiệt-tâm của các dịch-giả cùng sự đóng góp tài-chính của đồng-bào. Trọng-trách này nếu không tổ-chức làm nổi thì thực đáng trách, vì nó hoàn-toàn nằm trong khả-năng của chúng ta.

Đảng-viên phản-tỉnh.

Một điều quan-trọng nữa tôi muốn nhấn mạnh là trong giai-đọan này, chúng ta cần phải tích-cực cổ-võ những người cộng-sản phản-tỉnh. Điều này vô-cùng quan-trọng vì nó là đòn đánh ngay vào cốt lõi của chế-độ, tức Đảng Cộng-sản Việt-Nam. Đại-đa -số trong 2 triệu đảng-viên đều đã chán Đảng vì lý-tưởng đã mất, đời sống vật-chất không khác nhân-dân là mấy, chỉ cần có người lãnh-đạo họ đi theo con đường dân-chủ tự-do là họ đi theo. Những người lãnh-đạo để họ dễ đi theo nhất là những đảng- viên cao cấp kỳ-cựu phản-tỉnh dám đấu-tranh, những người đàn anh, đàn chú của họ mà họ kính-phục.Số-lượng những người này phải đông-đảo hơn, phải là một khối đủ mạnh để trở thành một lực-lượng đương đầu với đám lãnh-đạo ngoan-cố hiện nay cùng phe lũ của chúng. Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, các triều-đại, các nhà nước chỉ tan đổ một cách nhanh chóng nhất khi trong guồng máy cai-trị trục-trặc rối-lọan tới mức vô-hiệu. Đảng Cộng-sản Việt-Nam cũng nằm trong quy-luật đó. Chúng ta nhất-thiết phải khuyến-khích, thúc đẩy tất cả các đảng-viên muốn dân-chủ-hóa đất nước, dám công-khai lên án nền độc-tài hại dân, hại nước, bất kể quá-khứ của họ ra sao, bất kể họ hành-động như vậy vì một nguyên-nhân nào, kể cả những nguyên-nhân nhỏ-nhen nhất như tranh-quyền, tranh tiền, như bất-mãn vì bị hất cẳng, bị tước bỏ đặc-quyền, đặc-lợi; Đảng hỗn-loạn lớn chính là Thời-Cơ toàn-dân mong đợi để nhất-tề vùng lên giành lại quyền làm người, quyền dân-chủ tự-do đã bị Đảng cướp trắng trong bao năm trời. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng, những người trong nước, đảng-viên hay không đảng-viên, khi họ viết là họ tranh-đấu trực-diện với bạo-quyền, do đó có tiến có thoái, có đánh có đỡ, có né tránh luồn-lách, có đòn thật, đòn gió, có cả tâm-lý-chiến. Khi tình-thế chưa cho phép, họ không thể, mà cũng không nên viết thẳng băng quyết-liệt, lý-luận triệt-để như chúng ta viết ở hải-ngoại. Họ còn phải tính tới cả dân-trí, đảng-trí. Nhiều khi chính bản-thân họ cũng chưa chặt đứt được hoàn-toàn những ràng-buộc đối với quá-khứ của đời họ, chưa tẩy trắng được niềm nuối-tiếc "những ngày xưa thân-ái, oanh -liệt", nhận-thức chưa thực sáng tỏ, dứt-khoát 100%! Những bài viết của họ, vì vậy, không làm hài lòng một số người. Do đó, có một số bài báo phê-phán, mạt-sát họ đủ điều, từ chống-đối cuội, cò mồi, phê Đảng để sửa chữa Đảng, để duy-trì Đảng tồn-tại lâu dài...Khi Phan văn Khải đi xin viện-trợ mấy nước Bắc-Âu, bị ông Nguyễn Ngọc-Bích, trưởng-ban Việt-ngữ đài Á-châu Tự-do chất-vấn về việc ông Trần Độ và hoà-thượng Thích Quảng-Độ xin ra báo, y quay sang hỏi anh phiên-dịch trẻ tuổi : "Chỉ có Trần Độ nó xin ra báo thôi phải không"? Trong nước, lãnh-đạo cộng-sản tích-cực bôi bẩn những người đòi dân-chủ bằng mọi cách. Chúng gọi Trần Độ là nó, là thằng, Dương Thu-Hương là con đĩ, con nhãi ranh, Tố Hữu gọi Hà Sĩ-Phu là tên vô-lại giả-dạng triết-nhân. Ở hải-ngoại, một số người gọi Trần Độ là Cuội, là con ngựa già của chế-độ, gọi Dương Thu-Hương là con Việt-cộng cái, gọi Hà Sĩ-Phu là tên cò mồi. Thực đáng buồn, vô-tình đã góp sức với bọn lãnh-đạo Hà-nội! Tuy nhiên, ta nên tránh đề-cao quá mức những nhân-vật phản-tỉnh, vì rất có thể, trong một tình-huống nào đó, họ lại quay về với cánh độc-tài trong Đảng. Trong nuớc cũng như ở hải-ngoại, Lãnh-đạo Đảng rât cần huy-động người hạ nhục những người đòi dân-chủ. Hồi cuối năm 1991, khi sắp được thả, tôi nằm ở bệnh-viện 19-8, một bệnh-viện của Công-an. Tôi mượn được bản dịch Truyện Kiều ra Pháp-ngữ của Nguyễn Khắc-Viện. Một hôm, Cục-trưởng cục An-ninh Quốc-gia tới phòng tôi, thấy có quyển sách đó, hỏi tôi : "Thằng Viện dịch có được không"? Tôi trả lời : "Có khoảng 30 chỗ sai nghiêm-trọng, thí-dụ như câu Thành xây khói biếc mà dịch là Thành-phố dựng lên những cột khói mầu xanh; câu Điếc tai lân-tuất mà dịch là Hàng xóm giả điếc, vv... Y nói ngay với tôi : "Anh viết ngay một bài phê-bình đi, tôi sẽ cho báo Nhân-Dân đăng". Thực lòng, tôi rất khinh Nguyễn Khắc-Viện, y đã làm cái loa bỉ-ổi tuyên-truyền cho Đảng bao năm. Nhưng giai-đoạn đó, y đang phê-phán độc-tài, đòi dân-chủ. Tôi thấy không nên tham-gia vào việc hạ-nhục y, trái lại, còn phải khuyến-khích. Tôi từ-chối không viết.

Cuộc chiến khó khăn trong nước.

Tôi nghĩ chúng ta bỏ nước ra đi, -tôi chỉ muốn nói khía-cạnh tốt đẹp nhất-, là để tiếp-tục chiến-đấu. Vì sao? Vì chúng ta ở trong nước cảm thấy khó chiến-đấu quá, hoặc không thể chiến-đấu được! Cho nên, khi còn ở trong nước, chúng ta im-lặng, ngay cả lên tiếng đòi nhân-quyền một cách nhẹ-nhàng cũng không. Vậy thì tôi xin các bạn hãy thông-cảm với người ở trong nước. Ở xứ tự-do, các bạn nên viết hộ những điều mà vì một lý-do nào đó, người trong nước chưa viết được, góp ý, bổ-xung cho họ một cách thành-tâm lịch-sự. Các bạn có biết những bài báo thoá-mạ họ được Công-an làm photocopie gửi tới tận nhà những người đòi dân-chủ không? Để làm gì? Để làm họ nản lòng, đừng trông đợi gì vào sự yểm-trợ của hải-ngoại! Tôi không biết khi bản hiến-chương 77 của ông Vaclav Havel cùng hơn 200 trí-thức Tiệp tung ra, trong đó có câu "Chúng tôi không chống lại chính-quyền", những người Tiệp hải-ngoại có cương-quyết, nghiêm-khắc lên án bản hiến-chương nổi tiếng đó không? Thưa các bạn, đó là nước cờ lúc đó phải đi. Khi thắng-lợi rồi thì nước cờ chót có ghi vào bản hiến-pháp Tiệp :"Cấm ngặt mọi tuyên-truyền cộng-sản"! Ở Nga cũng vậy, chiến-sĩ nhân-quyền Sakharov, người hai lần được huân-chương Anh-hùng Lao-động Xô-viết, cũng như nhiều chiến-sĩ dân-chủ khác, trong hoàn-cảnh khắc-nghiệt, cũng chỉ lên tiếng đòi dân-chủ nhân-quyền một cách ôn-hòa. Vậy mà tất cả, ở Tiệp, ở Nga, đều bị đàn-áp ngay tức-thời. Vì sao? Vì Cộng-sản nước nào cũng vậy, hiểu rất rõ rằng đòi dân-chủ, nhân-quyền đồng-nghĩa là đòi giải-thể chế-độ độc-tài Đảng-trị, không hơn, không kém.. Ai cũng biết Cộng-sản là độc-tài toàn-trị, khác với dân-chủ, tự-do, như đêm với ngày. Hai thứ không thể có chung cùng một nơi, một lúc, thứ nọ phải triệt-tiêu thứ kia. Dù muốn dù không, những người cộng-sản phản-tỉnh đòi dân-chủ-hóa, lên án độc-tài cũng là đòi huỷ-bỏ chế-độ độc-tài hiện-hữu; dù họ không nói chống Cộng, thực-tế là họ đang chống Cộng. Hơn nữa, hành-xử như vậy, họ dễ lôi kéo thêm được nhiều đảng-viên theo họ, xét theo tình-hình hiện-tại. Chúng ta ở hải-ngoại, không nên yêu-sách họ phải tuyên-bố rõ-rệt là chống Cộng, thậm-chí phải quy-thuận chính-nghĩa quốc-gia, trong khi vô số người quốc-gia tỵ-nạn Việt-cộng vẫn về du-lịch Việt-Nam! Đối với từ quốc-gia, không nên hiểu theo nghĩa hẹp là chỉ có những người trong chính-quyền, trong quân-đội miền Nam trước đây, hoặc những người ở các đảng-phái, tổ-chức chính-trị chống cộng mới là những người quốc-gia. Chúng ta cần quan-niệm là toàn-dân-tộc Việt-Nam từ Nam chí Bắc là người quốc-gia, đối-lập với một thiểu-số cộng-sản.

Cuộc chiến-đấu dân-chù-hóa đất nước còn khó-khăn. Ngay cả khi thắng-lợi rồi cũng cỏn khó-khăn, nhiều ít tùy theo hoàn-cảnh từng nước. Ở Nga, lăng Lê-nin vẫn thù-lù một đống giữa thủ-đô Mạc Tư Khoa, dù Elsine và nhiều người đã nhiều lần đề-nghị huỷ-bỏ. Đành rằng sớm muộn, xác Lê-nin cũng phải đem chôn. Nhưng hiện-giờ còn lắm trở-lực chưa làm nổi. Elsine muốn hòa-giải hòa-hợp, đề-nghị lấy ngày cách-mạng tháng 10 làm ngày đoàn-kết thân-ái, xóa bỏ hận-thù, xếp lại quá-khứ. Nhiều người cộng-sản Nga không chịu! Tan-tác rồi mà còn ngoan-cố như vậy, nói gì Đảng Cộng-sản Việt-Nam đương độc-quyền cai-trị! Ở Bun-ga-ri lại khác, lăng Dimitrov bị dẹp ngay dù tội Dimitrov không thấm gì với tội Lê-nin. Về phần chúng ta, chúng ta vẫn phải làm cho toàn-dân sáng tỏ rằng ngay cả khi bị ngoại-quốc đô-hộ, nỗi đau khổ nhục-nhã cũng chưa đáng 1% so với khi bị sống dưới gông-ách của Đảng đứng đầu là Hồ Chí-Minh.

Đấu-tranh chính-trị.

Đấu-tranh chính-trị là muôn mặt, phải biết quyền-biến, không thể sơ-cứng. Hoàn-cảnh của những người chiến-sĩ dân-chủ hiện nay chủ-yếu là dùng "tâm-công", nghĩa là đánh vào lòng người. Một khi lòng người đã thức-tỉnh, thấm nỗi nhục bị đè đầu cưỡi cổ bởi một bọn vô-lại, sẽ có đủ dũng-khí để vùng dậy giành lại quyền sống khi thời-cơ tới. Ở hải-ngoại, một số người thường tuyên-bố không sử-dụng bạo-lực, không muốn đổ máu, không muốn có chiến-tranh, chỉ muốn một cuộc dân-chủ-hóa trong hoà-bình. Những lời tuyên-bố này có vẻ thừa và vô-nghĩa. Dân đen, ăn còn chẳng đủ, làm gì có súng đạn, tăng, pháo mà bàn đến chuyện bạo-lực! Dân lại càng klhông muốn xương máu của họ phải đổ, chẳng ai thích chiến-tranh. Nhưng nếu sau này, khi nhân-dân ồ-ạt xuống đường đòi dân-chủ, tự-do, có một bộ-phận quân-đội ủng-hộ, nếu lãnh-đạo Đảng điều-động lực-lượng tới đàn-áp, bạo-lực tất-nhiên lúc đó phải dùng để chống lại bạo-lực. Chẳng nhẽ có khả-năng đánh trả mà lại không đánh trả, để mặc cho chiến-xa, súng đạn của bạo-quyền nghiền nát như trong vụ Thiên-An-Môn?

Ngày nay, hệ-thống chủ-nghĩa xã-hội đã tan đổ, con Rắn đỏ đã bị rập đầu chết ngắc, chỉ còn cái đuôi là rẫy-rụa theo quán-tính. Thảm-kịch Cộng-sản đã tới màn chót. Ngày xưa,trong tình-trạng mịt-mù trời đất tối-tăm, làn sóng đỏ đang dâng-trào đe-doạ toàn thế-giới, bao người vẫn chiến-đấu cho tự-do, cho Ánh sáng. Thật là vô-lý, khi ngày nay, trong tình-thế sáng sủa hơn nhiều, lại có kẻ nản lòng thoái-chí muốn buông xuôi, mặc cho con Tạo xoay-vần vận nước. Tất cả chúng ta cần xác-quyết một điều : tình-hình rất lạc-quan, trong một tương-lai không xa, Dân-chủ, Tự-do, Nhân-quyền và Nhân-phẩm sẽ toàn-thắng Độc-tài, Độc-đảng, phi-nhân, phi-nghĩa. Đó là chiều-hướng tất-yếu của Lịch-Sử Việt-Nam, không một thế-lực hắc-ám nào, một mưu ma chước quỷ nào xoay-chuyển được!

Thái-độ y-giới hải-ngoại.

Thưa các bạn, từ lâu trong y-giới Việt-Nam, nhiều người muốn góp phần vào việc chữa bệnh, cải-thiện sức klhoẻ cho đồng-bào trong nước. Tinh-thần "nhiễu điều phủ lấy giá gương" này rất đáng cổ-võ. Thực ra, người Việt hải-ngoại đa-phần đều muốn giúp-đỡ đất nước nghèo-khổ, cơ-cực. Trở-lực duy-nhất là Đảng Cộng-sản Việt-Nam đương-quyền. Biết bao nhiệt-tình khi vấp phải trở-lực đen tối này đều chán-chường, cảm thấy vô-phương. Tôi biết một số bác-sĩ về nước với đầy thiện-chí, cuối cùng cũng phải rời bỏ, hoặc bị trục-xuất. Theo chính báo chí trong nước thì nạn tham-nhũng đã trở thành quốc-nạn. Tôi xin kể một vài câu chuyện mắt thấy tai nghe : - Năm 1991, tôi nằm ở bệnh-viện công-an 19-8. Đường, sữa, thuốc men đều là đồ quốc-tế viện-trợ. Quốc-tế nào viện-trợ cho Công-an? Ngay bọn quản-giáo các trại giam cũng được phân-phối thực-phẩm quốc-tế viện-trợ. Chẳng lẽ quốc-tế lại viện-trợ cho cả cai ngục? Trong khi dân nghèo không thấy đồ viện-trợ đâu cả!

- Tôi có một người trong họ nguyên là bộ-đội, bị mù cả hai mắt từ lâu, lỗi do bệnh-viện quân-y Thái Nguyên gây ra. Anh được bồi-thường một mảnh đất khá rộng. Vào năm 1994, nghe tin phái-đoàn Mỹ sang chữa mắt, anh bán mảnh đất do cơn sốt xây-dựng khách-sạn, nhà cửa lúc đó trở thành cao giá, được 20 cây vàng. Anh phải đút 15 cây mới được giới-thiệu cho các bác-sĩ Mỹ khám. Cuối cùng, mắt anh không chữa được vì quá khô, không có nước mắt. Tiền mất; tật mang. - Cách đây hơn một năm, tôi gặp một bác-sĩ người Việt ở Pháp, chuyên lo viện-trợ kính cận, kính lão về giúp đồng-bào. Tôi và nhà văn Vũ Thư-Hiên có ngồi nói chuyện với ông bác-sĩ này. Ông than-phiền về sự tham-nhũng vô-độ của các cán-bộ y-tế trong nước. Tôi hỏi :"Liệu 10 cái kính có tới tay đồng-bào được 1 cái không"? Ông trợn mắt :"100 cái tới tay 1 cái là phúc!"

Giá cả thuốc men trong nước rất là đắt. Thí-dụ : một giáo-viên cấp 3, lương 400.000 đồng một tháng; nếu bị tiểu đường, tiền thuốc điều-trị mất 300.000 đồng mỗi tháng. Trước thực-trạng đó, tôi nghĩ nếu muốn cứu-trợ trong nước, cần phải có một điều-kiện : phải tự mình phân-phối, kiểm-soát, tuyệt-đối không giao cho chính-quyền, để viện-trợ tới được tay nhân-dân. Nếu làm được như vậy, các bạn nên làm, và cần phải làm. Vừa giúp đỡ thực-tế được đồng-bào, vừa để đồng-bào hiểu được tấm lòng của những người xa nước nhưng không quên nước. Nếu chính-quyền gây khó dễ, các bạn nói rõ cho nhân-dân biết. Kinh-nghiệm việc cứu đói cứu lụt vừa qua cho thấy Cộng-sản có lúc phải nhượng-bộ, không dám quá ngang-ngược vô-lý. Hơn nữa, cứu-trợ đồng-bào cũng là một cơ-hội để các bạn nâng cao sự hiểu-biết của người dân về những giá-trị của dân-chủ, tự-do, nhân-quyền. Nếu làm được như vậy, sự đóng góp của các bạn cho công-cuộc dân-chủ-hóa đất nước sẽ không nhỏ. Ngược lại, nếu các bạn về nước làm việc dưới sự điều-khiển của Đảng, để viện-trợ do Đảng phân-phối, là các bạn đã vô-tình củng-cố Đảng. Mà củng-cố Đảng đồng nghĩa với hại dân hại nước. Các bạn cần lưu-ý, ở Việt-Nam, các cấp chính-quyền cũng là Đảng, vì Việt-Nam là một xã-hội độc-tài đảng-trị. Từ hơn nửa thế-kỷ nay, mấy thế-hệ trí-thức đã bị Đảng lừa, sống dở chết dở. Bản-thân tôi, gia-đình tôi, bạn bè tôi cũng đã bị lừa. Cách đây 23 thế-kỷ, triết-gia Hy-lạp Démocrite có nói :"Với kẻ ngốc, lời nói không giáo-dục được, chỉ có những bất-hạnh mới giáo-dục nổi". Tôi đã là một kẻ ngốc, nên cả đời chìm đắm.

Cầu cho các bạn, nhất là các bạn trẻ, đừng bao giờ giống tôi!

Cảm ơn sự chú-ý của các bạn! Chúc Đại-hội thành-công mỹ-mãn!

Nguyễn Chí-Thiện
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn