BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62217)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Có nên đưa vấn đề sự lãnh đạo của Đảng vào Hiến pháp hay không ?

01 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 1298)
Có nên đưa vấn đề sự lãnh đạo của Đảng vào Hiến pháp hay không ?
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
 Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) là đảng cầm quyền duy nhất ở nước ta trong ngót 70 năm qua, từng dẫn dắt nhân dân ta lập bao chiến công hiển hách được cả thế giới biết tới. Hiện nay Đảng đang nhấn mạnh vấn đề sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội. Tại hội nghị phổ biến Nghị quyết IV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói : « Vào thời điểm này chúng ta càng cần phải khẳng định mạnh mẽ sự lãnh đạo của Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng. »

Nhưng làm thế nào để thực hiện mục tiêu đó ? Có người nghĩ một cách đơn giản là cứ giữ được Điều 4 Hiến pháp thì sẽ khẳng định được vai trò lãnh đạo của ĐCSVN. Vì thế nghe ai bàn chuyện bỏ Điều 4 là họ nghi ngờ ngay động cơ của người đó. Điều 4 bị coi là rất nhạy cảm, ai cũng tránh động chạm đến vì sợ bị chụp mũ « Chống Đảng, chống nhà nước XHCN ». Ý kiến có động cơ tốt, nội dung tốt cũng bị xếp xó, báo chí chẳng dám đăng sợ vạ lây.

Nhưng vì đây là vấn đề có liên quan tới vận mệnh của dân tộc và của ĐCSVN, nên chúng ta nhất thiết phải bàn cho ra nhẽ và thống nhất nhận thức về Điều 4. Điều này có vị trí cực kỳ quan trọng trong Hiến pháp nước ta, không thể bỏ qua.

Hiến pháp là bộ luật gốc có hiệu lực pháp lý cao nhất trong một nước. Mỗi điều văn có đánh số thứ tự trong Hiến pháp đều là một điều luật có tính cưỡng chế chứ tuyệt đối không phải là một sự giải trình vô thưởng vô phạt. Khi Điều 4 Hiến pháp đã nói ĐCSVN là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, thì điều đó có nghĩa là :

- Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, đảng viên đều được giữ vai trò lãnh đạo cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội;

- Toàn thể bộ máy nhà nước và xã hội, nghĩa là toàn dân tộc, đều nhất thiết phải tuân theo sự lãnh đạo của ĐCSVN, ai không tuân theo là vi hiến và sẽ bị xử lý (Điều 123).

Điều 4 được đưa vào Hiến pháp nước ta năm 1980, nhằm xác lập vai trò lãnh đạo của ĐCSVN đối với nhà nước và xã hội. Đây là lần đầu tiên Hiến pháp Việt Nam có điều khoản này ; được biết là học từ Điều 6 Hiến pháp Liên Xô Brê-giơ-nep 1977. Rất tiếc là cho tới nay Quốc hội chưa có văn bản nào chính thức giải thích lý do việc làm đó.

Bài này thử tìm hiểu tính hợp hiến của vấn đề đưa vào Hiến pháp các quy định về vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền. Đây chỉ là thảo luận về lý thuyết, không nhằm vào bất cứ đảng phái cụ thể nào.

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa đảng là một nhóm người kết với nhau để hoạt động đối lập với những người hoặc nhóm người khác mục đích với mình. Từ đây có thể rút ra kết luận :

- Đảng chỉ là một thiểu số ;

- Mỗi đảng có một mục đích riêng, tức có lợi ích riêng của mình ;

- Do hoạt động đối lập với các đối tượng khác trong xã hội nên hoạt động của đảng phải được giữ kín, không thể công khai.

Hiến pháp là sản phẩm đúc kết trí tuệ nền văn minh của dân tộc, nó phải được xây dựng trên nền tảng những đạo lý muôn thủa không ai có thể bác bỏ của nhân loại (như dân chủ, tự do, bình đẳng), có vậy nó mới thiêng liêng và có hiệu quả lâu dài, tốt nhất là mãi mãi, hết sức tránh làm lại và hãn hữu lắm mới có bổ sung. Khi đưa một điều văn vào Hiến pháp, phải xem xét hậu quả có thể xảy ra sau đây vài chục, thậm chí cả trăm năm. Hiến pháp phải phục vụ lợi ích của dân tộc, không được phục vụ lợi ích của một nhóm người. Dân tộc tồn tại mãi mãi cùng đất nước ; nhóm người hoặc đảng phái thì có thể biến đổi và không tồn tại mãi được.

Lịch sử thế giới và Việt Nam cho thấy đảng phái nào cũng xử lý công việc đất nước theo lợi ích của mình; lợi ích đó có nhất trí với lợi ích dân tộc hay không thì tùy thuộc vào tính chất của đảng ; nhưng không ai có thể biết trước sự thay đổi tính chất, phẩm chất của các đảng phái. Có nước tự xưng là Đảng Cộng sản (ĐCS) cầm quyền và xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng thực tế lại thi hành chế độ lãnh đạo cha truyền con nối hệt như chế độ phong kiến, thậm chí còn hà khắc hơn, khiến hàng triệu dân chết đói trong khi lãnh đạo vẫn phè phỡn. ĐCS Trung Quốc thời Mao Trạch Đông ra sức giúp Việt Nam còn ĐCS thời Đặng Tiểu Bình thì lại đem quân xâm lược Việt Nam. Tính chất ĐCSTQ thay đổi đến mức chúng ta là hàng xóm cũng bị bất ngờ.

Hầu như đảng nào cũng do một người quyết định. Lãnh tụ khác thì đảng sẽ khác. ĐCS Liên Xô thời Lê-nin, Xta-lin, Brê-giơ-nep rất khác nhau. Chủ tịch ĐCS Trung Quốc Mao Trạch Đông cho phép bắt giam và hành hạ Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ đến chết mà không qua xét xử… Vì thế « đảng trị » chính là « nhân trị », trái với « pháp trị » là xu thế tiến bộ Hiến pháp ta đã áp dụng (Điều 2 : nhà nước pháp quyền).

Trong lịch sử thế giới chưa từng có đảng hoặc lãnh tụ nào mãi mãi không mắc sai lầm, nhất là khi họ cầm quyền, hậu quả gây thiệt hại cho nhân dân.

ĐCS Trung Quốc cuối thập niên 50 từng làm hơn 30 triệu dân chết đói nhưng đảng vẫn yên vị lãnh đạo và tiếp tục phát động Cách mạng Văn hóa làm cả xã hội đại loạn, hàng trăm triệu dân bị thiệt hại về mọi mặt. Nhưng Hiến pháp nước này lại quy định nhân dân phải ủng hộ Đảng và lãnh tụ tối cao. Cán bộ ở cơ sở đều biết dân chết đói như rạ nhưng không dám báo cáo lên cấp trên vì sợ làm mất uy tín chính trị của lãnh đạo.

ĐCS Liên Xô sau nhiều năm cầm quyền đã suy thoái nặng nhưng theo Điều 6 Hiến pháp 1977 vẫn được giữ đặc quyền lãnh đạo. Hậu quả là trong khi đang nắm quyền lực mạnh nhất thế giới của một siêu cường thì Đảng tan rã, Nhà nước sụp đổ, xã hội rối loạn, tài sản công do nhân dân lao động làm ra trong hơn 70 năm bị tầng lớp tư bản mới chiếm đoạt. Rốt cuộc, nhân dân, dân tộc gánh chịu hết mọi hậu quả bi thảm ; khi họ tỉnh ngộ đòi xóa bỏ Điều 6 thì đã quá muộn, đất nước rơi vào vực thẳm.

Từ những sự thực lịch sử kể trên có thể rút ra một kết luận : việc dùng Hiến pháp cho phép một đảng duy nhất nắm quyền lãnh đạo đất nước vô thời hạn mà không quy định khi nào thì tước bỏ đặc quyền ấy, là một sai lầm về pháp lý tiềm ẩn nguy cơ đem lại kết cục bi thảm cho đất nước. Một dân tộc khôn ngoan không thể trao số phận mình vô thời hạn vào tay một nhóm người không do mình định kỳ bầu ra và vì thế không thể nào giám sát được mọi hành vi của họ.

Nhân dân có thể giám sát cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội, vì Quốc hội do dân định kỳ bầu ra và có quyền bãi miễn bất cứ đại biểu nào mất lòng dân. Với Chính phủ cũng thế, dân có quyền « đuổi Chính phủ » như Bác Hồ từng nói. Nhưng với đảng cầm quyền thì dân không thể làm được như vậy. Đảng bàn những vấn đề chủ trương chính sách và vấn đề nhân sự, sao có thể công khai cho « dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra »

Người Trung Quốc từng nếm bài học chua xót về việc đưa vào Hiến pháp những yếu tố bất định như đảng phái và cá nhân. Năm 1970 Trung ương ĐCS Trung Quốc thông qua Dự thảo Hiến pháp mới thay cho Hiến pháp 1954, trong đó có một điều viết « Quyền lợi và nghĩa vụ của công dân là ủng hộ Chủ tịch Mao Trạch Đông và bạn chiến đấu thân thiết của Người là Phó Chủ tịch Đảng Lâm Bưu, ủng hộ ĐCSTQ ». Hiến pháp chưa kịp công bố thì không lâu sau đó Lâm Bưu ám sát Mao bất thành phải trốn ra nước ngoài rồi chết vì máy bay rơi. Kết cục Hiến pháp phải bỏ câu « ủng hộ Chủ tịch Mao và Phó Chủ tịch Lâm » và sau khi Lâm chết 4 năm mới ban hành. Năm 1980, khi làm Hiến pháp mới, Ban lãnh đạo ĐCS Trung Quốc dứt khoát bỏ hết từ « Đảng cộng sản » và tên bất cứ lãnh tụ nào trong các điều khoản thuộc chính văn Hiến pháp.

Trung Quốc và Liên Xô từng có Lâm Bưu, En-xin. Ai dám bảo đảm Việt Nam mãi mãi không thể có những kẻ cơ hội như vậy ? Khi họ giành được quyền lãnh đạo đảng thì số phận dân tộc sẽ ra sao ? Xưa nay có đảng nào nội bộ không phát sinh bè phái, tranh giành quyền lãnh đạo đảng ?

Việc làm Hiến pháp phải vô cùng thận trọng. Lịch sử sẽ lên án tất cả những cách làm vô trách nhiệm mà các nhà lập pháp phạm phải. Không thể vì sợ cấp trên, sợ bị vu vạ « Chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội » mà chấp nhận những thỏa hiệp vô nguyên tắc, đặt lợi ích vĩnh viễn của dân tộc xuống hàng thứ yếu. Có một nguyên tắc duy nhất cao nhất mà Hiến pháp nhất thiết phải tuân theo : đó là đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.

Phải chăng đã có thể kết luận : việc đưa vai trò của bất cứ đảng cầm quyền nào vào Hiến pháp cũng là không phù hợp lợi ích lâu dài của dân tộc và do đó là không hợp hiến và sẽ không được lòng dân ?

Rất mong được mọi người cùng thảo luận vấn đề nói trên và vạch ra các chỗ sai trong bài này.

Hồ Anh Hải

Theo Quê Choa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn