BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73231)
(Xem: 62212)
(Xem: 39390)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người việt nam hèn hạ!?

01 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 2981)
Người việt nam hèn hạ!?
59Vote
44Vote
30Vote
24Vote
16Vote
3.323
Đó là lời lên án của tác giả Hanwonders.

Chúng tôi (hay đúng hơn là tôi), là kẻ hiện nay trên dưới 85 tuổi, từng sống ở giai đoạn khủng hoảng nhất của người Việt Nam: 1945-2012, đồng ý với tác giả Phạm Thị Trùng Dương (Người Việt Nam hèn hạ, NgD266) là chẳng những không ai đủ thẩm quyền nói về toàn thể người Việt Nam, lại cũng chẳng giám nói về người Việt Nam thế hệ đó, họa chỉ có thể tạm nói về một số người Việt Nam quen biết, cùng trang lứa.

 ***


Trong khi đó.

Vào năm 1940, Việt Nam thuộc Pháp, sau thuộc thêm Nhật. Họ bắt sao người Việt chúng ta chịu vậy. Chống ư? Lấy gì mà chống? Chỉ có chết vô ích! Họa chăng kết hợp nhau để chờ đợi thời cơ.

Ngày 9-3-1975, sợ bị phản khi Đồng Minh đổ bộ, Nhật lật Pháp, “cho” nước mình… độc lập. Thì cũng là một thời cơ, đáng vui mừng hi vọng, nhưng lại gặp nạn đói “tháng ba Ất Dậu” tại châu thổ Bắc Việt và miền bắc Trung Việt. Cũng biết do hai tròng thống trị, nhưng lại cũng đành mà rằng tai trời ách nước. Chính phủ Nam triều (Đế Quốc Việt Nam của hoàng đế Bảo Đại) lo, người dân (Đoàn Thanh Niên Khất Thực) lo, lá lành đùm lá rách, rồi mùa tháng năm tới, tai nạn qua khỏi.

Thế nhưng người Nhật thua. Thời cơ đến. Chẳng có ai nắm.

[Có những nguồn tin cho biết:

 

- Được tin Nhật đầu hàng, tối 16/8/45, Nguyễn Xuân Tiếu, đảng trưởng Đại Việt Quốc Xã, chủ tịch Đại Việt Quốc Gia Liên Minh, mang 300 thanh niên vũ trang tới Bắc Bộ Phủ đòi trao chính quyền. Nhưng Trương Tử Anh, đảng trưởng Đại Việt Quốc Dân Đảng (trong Đại Việt Quốc Gia Liên Minh) đến cản, nói quân Pháp, tối nay, trong thành đổ ra, cần mang quân về đối phó.

 

- Tối 17, liên minh Quốc Dân Đảng (Đại Việt Quốc Dân Đảng+Việt Nam Quốc Dân Đảng) họp, ông Anh xác nhận chủ trương dành chính quyền cho cộng sản. Lý do là cộng sản làm bậy, sẽ giành lại dễ dàng. Lê Khang (Lê Ninh) giải thích nguy cơ sai lầm và kéo quân về Vĩnh Yên lập tỉnh chính phủ (sau bị cộng sản bỏ rọ trôi sông).

 

- Nhật tiếp xúc với Bảo Đại, Trần Trọng Kim ở Huế, Nguyễn Xuân Chữ ở Hà Nội, cam đoan duy trì trật tự cho đến khi Đồng Minh vào, nhưng đều được từ chối; ở Sài Gòn, Hồ Văn Ngà cũng vui vẻ nhường quyền cho Việt Minh.

 Một nhóm nhỏ sách động một cuộc mít tinh, biểu tình ở Hà Nội, Nam triều nhường quyền cho cộng sản].

Người dân đâu có hiểu biết gì. Chuyện chính quyền là của những… ông lớn. Nghe nói độc lập, thì cũng chỉ hiểu là người mình cai trị người mình, tất phải khá hơn ngoại bang (Pháp, Nhật).

Có những chuyện không ổn xảy ra, nhưng cho là chuyện nhỏ địa phương, khó tránh. Thực ra cuộc đời lại quá phức tạp.

Trước đây, cuộc sống hầu như bế tắc. Trừ đồng bào thượng du, thôn quê có cuộc sống gắn liền với núi rừng đồng ruộng. Ngoài ra, công việc làm ăn buôn bán lớn nhà nước dành cho người chính quốc, người tây phương, rồi người Ấn, người Hoa. Công việc bàn giấy tay sai đâu vào đấy, không thêm việc thì đâu có tuyển thêm người; đồng bào thành thị gần như bế tắc: không có việc gì để mà làm. Không mẹ nuôi thì cũng vợ… dưỡng. Nay “độc lập”, tha hồ mà cơm nhà vác tù và hàng tổng!

Vả còn chuyện Pháp trở lại.

Chúng tôi (hay tôi) cỡ trên dưới 20 tuổi, những kẻ may mắn (hay rủi ro) sinh ra trong gia đình khá giả thôn quê hay thị dân ở thành phố, được cắp sách đi học, cũng chẳng biết gì hơn. Cho đến cỡ nửa tháng sau, khi quân Đồng Minh (Anh, Tàu) kéo vào giải giới quân đội Nhật. Pháp vào theo, các đảng phái quốc gia từ Trung Hoa kéo về.

Tôi mạo muội phân hạng “dân chúng chúng tôi” trên đây ra như sau:

1. Trước tiên, đa số là những người hăng say, yêu nước được dịp mang hào khí ra đóng góp trong công cuộc chống xâm lăng, quang phục quê hương. Những vị này không cần lựa chọn, miễn là “nhà nước” cho mình gia nhập, có phương tiện cho mình hoạt động. Và dĩ nhiên đó là Việt Minh cộng sản được nhà nước chính thống (Nam triều) nhượng quyền.

2. Một số không ít nhạy cảm, sớm thấy quyền lực nằm nơi đâu nên nhanh chân lẹ tay gia nhập Việt Minh cộng sản.

3. Một thiểu số, do tình cờ, do quen biết, hay có thể do tìm hiểu, gia nhập các nhóm quốc gia hòng lật ngược thế cờ.

4. Ngoài ra là đám người chín chắn/nhút nhát còn dè dặt chờ xem hoặc đứng ngoài.

5. Lại cũng không thể loại một số nhỏ không tin tưởng vào khả năng của người dân, của đất nước, dĩ chí nuối tiếc cuộc sống tay sai.

Giữa Việt Minh cộng sản và hai thành phần trên cùng ba thành phần dưới, những sự thù hận, chém giết, thủ tiêu, bắt bớ, giam cầm không còn là chuyện nhỏ. Sự tranh chấp trở nên khốc liệt.

Sau đệ nhị thế chiến, tình thế thế giới trở thành lưỡng cực. Đế quốc Nga Xô (cộng sản) chủ trương bành trướng. Đế quốc Hoa Kỳ (tư bản) lo chuyện ngăn chặn. Ở Á Châu, Nga Xô ủy quyền cho Tàu cộng Mao Trạch Đông. Hoa Kỳ ủy quyền cho Tàu quốc Tưởng Giới Thạch. [Ngoài ra, một số thuộc địa mới thu hồi độc lập (Ấn Độ, Nam Dương,…) chọn việc thành lập thế giới thứ ba, trung lập].

Lý do ngăn chặn của Hoa Kỳ thì nhiều: Có thể do Nga Xô tham vọng quá lớn, đe dọa Hoa Kỳ. Có thể Hoa Kỳ cần tiêu thụ số vũ khí đệ nhị thế chiến dư thừa. Có thể Hoa Kỳ cần công ăn việc làm “hậu chiến” cho dân. Có thể Hoa Kỳ cần một đối thủ để cạnh tranh mà tiến bộ,…

Nên Trung Quốc, Việt Nam, rồi Cao Ly trở thành chiến địa của cuộc chiến tranh ủy nhiệm, do đám tay sai thi hành công việc của bên này hay bên kia.

Stalin còn phải lo chuyện Đông Âu, Mao Trạch Đông còn phải lo chuyện Tưởng Giới Thạch, tại Việt Nam, Hồ Chí Minh, tức Nguyễn Tất Thành, Cominternchick số 1, lãnh đạo Việt Minh, xung phong là lá cờ đầu của Nga. Pháp lãnh vai trò ngăn chặn của Mỹ.

Hồ Chí Minh mang sở học được truyền giảng, mang chiêu bài giả hiệu của Nga Xô chống thực dân giành độc lập, xây dựng thiên đàng hạ giới ra lừa gạt dân Việt. Và thành công. Do sự đần độn, man rợ của Pháp. Với lòng yêu nước, người thành thị chỉ huy, người thôn quê hưởng ứng, Việt Nam cầm cự được.

Phe cộng sản thắng là đương nhiên. Vì Tàu quốc thối nát tham nhũng, Pháp tái diễn trò thực dân. Trong khi Tàu cộng hứa hẹn thiên đàng hạ giới, Việt cộng hứa hẹn độc lập, tự do hạnh phúc.

Cho đến 1949, trước sức tiến của Mao Trạch Đông, Pháp bắt buộc nhả gọng kìm (nhưng cũng chẳng nhả bao nhiêu), sử dụng lại lá bài Bảo Đại .

Hồ Chí Minh không đoái đến tương lai đất nước, mà đầu 1950 đi triều phục Bắc Kinh, Mátcơva, và về nước loại trừ những phần tử kháng chiến, mở chiến dịch cải cách ruộng đất, công thương nghiệp, thanh toán trí phú địa hào, đàn áp toàn dân.

Với viện trợ người và của vô tận của Nga Xô, Trung Cộng, thì Pháp đành bỏ chạy. Hoa Kỳ phải đích thân nhập cuộc. Thế là có chuyện ông Ngô Đình Diệm, một thày tu nửa vời, trở lại… chính trường.

Trong giai đoạn này, có hai nhân vật đã trớ trêu định hướng cục diện Việt Nam.

Có thể nói rằng không có ông Hồ Chí Minh, Miền Bắc không thành một nước cộng sản. Chỉ có ông, do bẩm chất, do huấn luyện, mới đủ thủ đoạn, tầm vóc (lươn lẹo) đưa Việt Nam thành chư hầu Nga Xô, Trung Cộng.

Cũng như do nguồn gốc, tín ngưỡng, mặc cảm đã tạo nên ông Ngô Đinh Diệm ham oai quyền, đầu óc gia đình hẹp hòi, là đối thủ của ông Hồ, làm sụp Miền Nam.

- Ông Hồ (Nguyễn Tất Thành) là con út cụ Nguyễn Sinh Huy, một vị nho học thành công nhưng không thành nhân.

Cụ Huy đậu phó bảng, lĩnh tri huyện, nhưng bê tha rượu chè, tra tấn làm chết người, bị mất chức. Thành không có nơi nương tựa, phải đi làm bồi tàu (1911) chạy đường quốc tế, gặp kỹ sư Bùi Quang Chiêu chỉ dẫn tìm tương lai nơi trường Thuộc Địa (École Coloniale). Nhưng không đủ điều kiện, Thành bươn trải kiếm sống khắp nơi. Thời thế chiến I, Thành định cư tại Anh Quốc. Cho đến 1919, hết chiến tranh, ông về Paris, gặp hai nhà cách mạng Phan Văn Trường (luật sư tiến sĩ Pháp) và Phan Chu Trinh (phó bảng, đồng khoa với cụ Huy). Hai vị này hoạt động dưới danh xưng “Nhóm người An Nam yêu nước”, bí danh Nguyễn Ố Pháp (Nguyen le Francophobe) sau bị bạn bè phản đối, đổi sang là Nguyễn Ái Quốc (Nguyen le Patriote).

Ba người (có lẽ cả Nguyễn An Ninh từ Việt Nam qua và Nguyễn Thế Truyền từ Toulouse lên, họp thành “ngũ long”, đồng lòng viết một yêu sách 8 điểm gửi Hội Nghị Hòa Bình tại Versailles, do Nguyễn Tất Thành mang nộp. Tuy không kết quả, nhưng cái tên Nguyễn Ái Quốc trở thành lẫy lừng.

Tiếp đó bốn người viết bài, Nguyễn Tất Thành mang giao tòa báo, nên được coi là tác giả. Thành được bốn “con rồng” dẫn dắt gia nhập Đảng Xã Hội. Sau đó (cuối 1920), Thành bỏ nhóm, gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp và được Manuilsky, đang lùng tìm nhân sự của các thuộc địa, mang sang Nga (1923). Thực ra Manuilsky yên trí Thành là Nguyễn Ái Quốc, đặt nhiều hi vọng, nhưng sau đó, có lẽ biết sự thực nên (cả Manuilsky lẫn Stalin) bỏ Thành một xó.

Thành xung phong về Tàu (1925) và được giao vùng Đông Nam Á, nhưng bị chính phủ Anh (Hong Kong) bắt. Khi được tha, bị nghi ngờ và quản chế, mãi đến 1938 mới được moi ra và cho trở lại Tàu. Thành thành lập Việt Minh (Việt Nam Độc Lập Đồng Minh), phục hồi Đảng Cộng Sản. Lần này, Thành cũng không lập được công trạng gì. Cho đến khi len lỏi gia nhập được vào phe quốc gia Việt Nam và được phái về hoạt động tại quốc nội, để thu thập tin tức cho Hoa Kỳ (lúc này Nga đồng minh với Mỹ, Anh, Pháp và Tàu Tưởng). Nhờ đó Thành được Mỹ huấn luyện, viện trợ, cung cấp tin tức.

- Ông Diệm là con cụ Ngô Đình Khả, một giáo dân được đi Penang học làm linh mục, nhưng không thành.

Thời cụ Khả, thế lực giáo hội La Mã khá mạnh tại Đông Dương. Bằng chứng là hai nhà thông gia Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài, được chọn đi tu, đi học không thành, đều về làm thông ngôn cho Pháp và rồi đều được cử sang làm lớn với Nam Triều: cụ Khả làm tổng quản cấm binh, hàm thượng thư, cụ Bài làm thượng thư nhiếp chính vương.

Nhưng cũng thời đó, ở chính quốc (Pháp) cũng như ở các thuộc địa, ngoài nhà nước, có hai thế lực thù nghịch thay phiên nhau lũng đoạn chính trường. Khi thì Giáo Hội Công Giáo, khi thì Hội Tam Điểm.

Ở Việt Nam (và toàn Đông Dương) cũng không khác.

Khi ông Bảo Đại học xong, về nước chấp chính (1932), mời ông Phạm Quỳnh (phe Tam Điểm) làm tổng lý văn phòng, thì phải mời ông Ngô Đình Diệm (phe Giáo Hội) làm thượng thư Bộ Lại.

Từ lâu Giáo Hội muốn Nam Triều có nhiều quyền, nhiều đất hơn để rộng đường truyền đạo. Trong khi Tam Điểm chủ trương ngược lại. Cho nên khi ông Diệm tiếp tục chủ trương của ông Nguyễn Hữu Bài, là miền Bắc trở lại sáp nhập miền Trung, thì phe Tam Điểm ra tay. Ông Diệm phải… từ nhiệm, bị tước hết chức tước phẩm hàm.

1940, Nhật vào Đông Dương. Ông Diệm xoay qua phò giải pháp của Nhật, tôn ông Cường Để, dòng dõi hoàng tử Cảnh, vừa Công Giáo, vừa chống Pháp, vừa chống Bảo Đại. Nhưng cuối cùng Nhật không dùng đến. Ông Diệm nản, có ý muốn đi tu.

Chiêu bài của Mỹ chống cộng bảo vệ tự do dân chủ không ăn khách. Vì kẻ nào đã sống dưới chế độ cộng sản thì còn nhúc nhích gì nổi. Kẻ nào chưa sống dưới chế độ cộng sản, chưa biết cộng sản ra sao, nhưng đã thấy ngay phe chống cộng thối nát tham nhũng, độc tài bạo ngược bề bề. Càng tuyên truyền là càng tự tố cáo bản thân.

Người dân đều hiểu: Kim Chính Nhật, Hồ Chí Minh, Castro chẳng vì quốc dân mà vì chính họ, vì Nga Xô. Hoa Kỳ, Pháp chẳng tốt lành gì hơn cộng sản. Ngô Đình Diệm độc tài lại chẳng có tầm vóc lãnh đạo. Nguyễn Văn Thiệu hoàn toàn chỉ là công cụ của Hoa Kỳ.

Ngay người dân Mỹ, Nga, Tàu đã mấy ai biết tại sao phải đi đánh nhau tại Cao Ly, tại Việt Nam. Họ làm gì được lựa chọn.

Cuối cùng Trung Cộng, vênh vang với thành tích mới, với quá khứ, tách khỏi Nga Xô. Nga Xô, hết hoang tưởng bá chủ hoàn cầu, bỏ cuộc. Hoa Kỳ đối diện đối thủ mới (Tàu). Việt Cộng mắc thảm cảnh tiến thoái lưỡng nan: chọn chủ Tàu hay chủ Mỹ?

***


Vậy thì, bỏ ra ngoài ngoại bang, mọi việc trong nước: chuyện trao quyền cai trị cho ai; chuyện chọn chính thể nào; chuyện thì hành quyền hạn ra sao; chuyện đồng minh với ai; chuyện đánh đấm ai; chuyện nhận tiền bạc, khí giới, chỉ thị của ai;… tất cả đều ở các vị lãnh đạo. Ai cho người dân chỉ có hai cùi chõ tham dự, để mà xỉ vả “người việt nam hèn hạ”.

Người Việt Nam chúng ta rất có thể ít hiểu biết. Vì không được học hành, không có sách báo tự do, nhưng không bao giờ hèn hạ. Bằng chứng là dân cả hai bên nam bắc, bị xua đi đánh lộn, đều đánh rất hăng say, chết rất quả cảm và… rất nhiều!!!

Chữ hèn hạ chỉ có thể dành cho các cấp lãnh đạo cùng lũ tùy tòng ăn theo. Bọn này đều có trình độ và điều kiện để hiểu biết chuyện ngoài nước, chuyện trong nước, chuyện cần làm, chuyện phải tránh, chuyện lợi, chuyện hại. Nhưng họ đã tham lam, ích kỷ, chọn con đường hèn hạ làm tay sai, lấy tiền bạc, khí giới về thi hành chỉ thị của quan thày, tàn hại đất nước dân tộc. Kẻ khá hơn cả là đứng ngoài cuộc an thân: trí thức trùm chăn, lánh nạn ngoại quốc.

Luôn luôn cần phân biệt tách bạch những người này với người dân.

Đặng Tiểu Nhàn

Theo Dân Nam
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn