BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72826)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trao "Thượng Phương Bảo Kiếm" cho ai ?

31 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 1395)
Trao "Thượng Phương Bảo Kiếm" cho ai ?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Sau khi đăng bài “Đỗ Mười “đẻ ra” Lý Mỹ”, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi ai trao ‘Thượng phương bảo kiếm’ cho Đỗ Mười”?
Tôi xin trả lời đó chính là Tổng bí thư Lê Duẩn.

 



Đỗ Mười


Nhưng ông Đỗ Mười đã lợi dụng “tướng ngoài biên ải”, không cần bàn bạc dân chủ, không cần điều tra, tính toán, cứ chém bừa. 

 

Tổng bí thư Lê Duẩn ngay từ thời kỳ đó đã ý thức được Trung quốc không muốn để Việt Nam yên, vì Việt Nam không nghe Trung Quốc ngừng tiến vào Sài Gòn, chậm thống nhất đất nước lại, và như vậy nghĩa là duy trì chính sách “Trung quốc hóa thay Mỹ hóa”.

 

Không thực hiện được mục đích đó, Trung Nam Hải đã tổ chức huấn luyện quân đội Khmer đỏ, xúi dục bọn Pôn Pốt-Iengsari gây hấn vùng biên giới Châu Đốc, Hà Tiện, Tây Ninh và vùng đảo Thổ Chu. Bên trong chúng sử dụng “đội quân thứ 5” phá hoại kinh tế sẵn sàng tiếp ứng khi quân đội Khmer đỏ đánh sang Việt Nam. Ngày đó Khmer đỏ tuyên bố “Đánh sang tận Sài Gòn”, chúng nói khu vực Lăng Ông Bà Chiểu cũng là “đất Campuchia vì ở đó cũng có cây thốt nốt”. Còn ở Việt Nam, cái bài “Cải cách, cải tào đào tận gốc trốc tận rễ” cũng là do thầy Tàu chỉ dạy.

Nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn giao “Thượng phương bảo kiếm” cho Đỗ Mười với mục đích rất rõ ràng, là điều tra, xác minh và “trảm” những mục tiêu gây hậu họa cho đất nước. Những mục tiêu đó không nhiều, muốn phát hiện chính xác phải dựa vào lãnh đạo chính quyền địa phương.
 

Nhưng ông Đỗ Mười đóng đại bản doanh ở Thủ Đức, không tiếp xúc với lãnh đạo thành phố, chỉ tin những người ông đưa từ Hà Nội vào, lực lượng tại chỗ thì dựa vào thành đoàn và thanh niên xung kich, được kích động như “hồng vệ binh” và ông ta ra lệnh chém bừa.

 

Ông Nghị Đoàn, nguyên Bí thư quận 5, nói: “Hầu hết người Hoa quận 5 buôn bán nhỏ, những người buôn bán lớn, và những người có vấn đề chúng tôi biết từ trước giải phóng, nhưng X-3 không phân biệt, nhốt chung vào một rọ”.

 

 Ông Hoàng Tùng, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa (Tuyên giáo) Trung ương, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân, có lần nói trong cuộc họp giao ban tuyên huấn phía Nam: “Anh Ba nói tôi vào theo dõi chỉ đạo viết bài tuyên truyền cải tạo. Tôi ở T.78, nghe tình hình không ổn, tôi quay ra Hà Nội. Anh Đỗ Mười hỏi: “Sao lại bỏ cuộc quay ra, tinh thần Bôn-sê-vích đâu?” Tôi nói: “Tôi không muốn bị sa lầy”. Tôi ra báo cáo với anh Ba và anh Ba có chỉ thị gấp, nếu không thì hàng chục ngàn người Sài Gòn đã phải đi kinh tế chứ không ít”.

 

Ai cũng biết những thành công, thất bại của Đảng cộng sản Việt Nam đều là sản phẩm cùa một tập thể, nhưng khi vận dụng chủ trương chính sách còn tùy thuộc vào trình độ, bản lĩnh và lương tâm của mỗi người. Đây là một trong những vụ (việc) thể hiện mặt trái bất lợi, dễ bị lợi dụng thực thi nhiệm vụ để độc đoán, chuyên quyền.

 

Ông Kim Ngọc, “cha đẻ của khoán hộ” là một điển hình của một con người bản lĩnh, có lương tâm, thương dân trọng lẽ phải. Còn Đỗ Mười thì ngược lại, thay vì nới tay cho dân lại trói chặt dân hơn.

 

Mạnh Thường Quân thời chiến quốc là tể tướng nước Tề được vua ban Ấp Tiết. Mạnh Thường Quân nổi tiếng giàu có, nghĩa hiệp thường nuôi 3.000 kẻ sỹ trong nhà. Một trong những kẻ sỹ đó là Phùng Khoan.

 

Suốt ba năm, hai mẹ con Phùng Khoan được đối đãi như thượng khách, nhưng Phùng Khoan không hiến được kế gì. Nhân có nhiều người ở Ấp Tiết trốn nợ, Phùng Khoan xin Mạnh Thường Quân đi đòi nợ. Mạnh Thường Quân nói: “Hẹn trong một tháng đòi nợ xong!” Phùng Khoan đi ba ngày quay về. Mạnh Thường Quân hỏi: “Sao về sớm thế?“, Phùng Khoan đáp: “Đòi nợ xong rồi!”. Hỏi tiền bạc đâu, Phùng Khoan nói: “Tôi đã thu hết giấy nợ của các con nợ tuyên bố Tể tướng xóa nợ, rồi đốt trước mặt họ”. Mạnh Thường Quân không vui, hỏi: “Sao làm thế?”. Phùng Khoan đáp: “Tể tướng tiếng tăm lừng lẫy, uy quyền muôn một, chẳng thiếu gì, tôi thấy ngài còn thiếu cái đức nên giúp ngài”.

 

Mấy năm sau Mạnh Thường Quân bị vua Tề bãi chức đuổi khỏi kinh thành do bọn nịnh thần xúi bẩy. Mạnh Thường Quân quay về Ấp Tiết, già trẻ gái trai ra đứng chật đường đón rước vì nhớ ơn xóa nợ mấy năm trước. Bấy giờ Mạnh Thường Quân mới thấy bản lĩnh và chữ Nhân trong lòng Phùng Khoan lớn cỡ nào.
 

Thử hỏi, nếu Phùng Khoan cũng như Đỗ Mười thì Mạnh Thường Quân có đất dung thân không? Nguyên tắc “tập trung dân chủ” của Đảng ta mà vận dụng trật thì hậu họa cũng lớn vô cùng, thậm chí mất nước. Làm sai hoặc thiếu sự kết hợp đồng bộ, đầy đủ nguyên tắc này nó sẽ làm rệu rã bộ máy chính quyền, làm băng hoại đạo đức, làm đảo lộn giá trị xã hội dưới một bức bình phong lớn là "thượng phương bảo kiếm" - quyền lực nhà nước. Nhưng trao "thượng phương bảo kiếm" cho ai, đó là cả một vấn đề không đơn giản… Một trong những lỗ hổng trong hệ thống là lỗ hổng về cán bộ: Hoặc do tham nhũng mà cố tình, hoặc vì quá tin cấp dưới, tin vào sự im lặng, sự a dua của nhiều người có chức năng thẩm định mà sợ quyền lực nên các cơ quan có thẩm quyền đã trao nhầm "thượng phương bảo kiếm" cho những người không xứng đáng! Dù là cố ý hay vô ý thì việc trao nhầm quyền lực cũng đều gián tiếp hoặc trực tiếp tạo ra mảnh đất màu mỡ cho nạn vi phạm quyền dân chủ, độc đoán chuyên quyền, tham nhũng phát triển. Cho nên, người đời mới đúc kết rằng: Quan có đức có tài không giao việc lớn cho kẻ ngu muội, ác đức và tham lam. Đây cũng là thuật dùng người của bậc đế vương, chọn người giao việc. Người cầm quan giỏi biết dùng tướng tài, nhà lãnh đạo tài biết chọn nhân sự. Họ được vinh danh hay chịu liên đới, liên lụy, chuốc vạ ô danh hạ nhục là ở chỗ giao quyền bính cho ai? Nhất là những vụ (việc) trọng đại của dân, của nước.

 

Mấy ngày qua tôi cũng nhận được những cuộc gọi đe dọa của những số điện thoại không xác định được chủ thuê bao vì không hiện số. Tôi đã từng chịu đựng nhiều trong chiến tranh, và cuộc đời làm báo cũng nhiều bầm dập, nên tôi đã gác bút gần hai chục năm, làm người dân bình thường, chăm đi chùa và làm từ thiện. Vừa qua bạn bè, đặc biệt là anh Minh Tâm, luật sư, nhà báo hối thúc tôi cầm bút trở lại, và hình như cái nghiệp không bỏ được. Đúng như John Reet tác giả ‘Mười ngày rung chuyển thế giới’ từng nói: “Nếu có kiếp sau tôi vẫn làm nhà báo!”.

 

Khi tôi viết bài về sự lộng quyền, quá tả, vơ đũa cả nắm đánh tung tóe trong cải tạo công thương ở miền Nam năm 1978, tôi vẫn nghĩ: "Vậy, trong nhân cách và hành động của những người như Đỗ Mười, Lý Mỹ hoàn toàn không có một chút gì của Phùng Khoan, mặc dù họ cũng làm theo người Tàu"!

 

Minh Diện

31-01-2013



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn