Còn nhớ, trong một buổi gặp Việt kiều, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói: “Ngay tại Đại hội Đồng LHQ vừa rồi mình lên tiếng mạnh mẽ phê phán cấm vận Cuba. Ngoài ý kiến chung, tôi còn thêm một ý kiến tôi hoan nghênh ông Obama. Ổng tuyên bố là ổng sẽ đóng cửa nhà tù Guantanamô mà… Tôi nói mà tôi thấy ổng cũng nhìn chăm chú lắm a, cũng lắng nghe. Như thế là mình vừa động viên, vừa phân hóa nội bộ của ổng. Như vậy, cái vai trò cái vị trí của mình giờ cũng ngang hàng với người ta, nói năng cũng đúng mức, đàng goàng”. Ông chủ tịch nước nói vậy là hơi khiêm tốn về vị thế của đất nước ta cũng như của chính phủ ta khi chỉ nói rằng “cái vai trò cái vị trí của mình giờ cũng ngang hàng với người ta”.
Cái vai trò và vị trí Việt nam giờ lên cao, cao đến đâu chắc chỉ cần nhìn qua những hành động của nhà nước ta cũng đủ chứng minh. Rất cụ thể và rất nhiều. Nhưng không cần lấy những ví dụ xa xôi, chỉ lấy vài ví dụ nóng bỏng nhất, gần đây nhất cho dễ thấy và dễ hiểu.Những vụ xâm lấn biển đảo của Tổ Quốc đã không còn là những lời đe dọa suông, mà là những hành động hết sức cụ thể, liên tục và có hệ thống đối với Hoàng Sa, rồi bây giờ là Trường Sa. Tương tự như vậy, bàn tay bành trướng của Bắc Kinh cũng vươn ra đến tận Philippine, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn… Song hai cách xử sự khác hẳn nhau. Chứng tỏ vị thế đất nước ta hơn hẳn các nước cùng bị nạn xâm lược.
Khi , Trung Cộng thành lập Thành phố ngay trên đất của ta, “đàng goàng” đưa quân đội chiếm đóng trái phép ngay trên đất nước ta, người người phẫn nộ, dân biểu tình ôn hòa chống lại, thì nhà nước cho dập tan, bắt bớ vào tù hoặc ít nhất là vào trại phục hồi nhân phẩm, báo chí bôi nhọ đủ trò bẩn thỉu. Đích thị bọn yêu nước là bọn phản động vì mọi vấn đề “đã có đảng và nhà nước lo”. Trong khi đó, ở Philppines thì bọn đảng và nhà nước không chịu lo, lại còn tổ chức cho dân biểu tình phản đối. Nói về cách giải quyết, thì đảng và nhà nước ta hơn hẳn đảng và nhà nước Philippines một bậc. Đảng và nhà nước Việt Nam lấy 16 chữ vàng và 4 tốt làm trọng, còn lãnh thổ, đất đai chỉ là chuyện “con sâu cái lá” – nói theo cách của cán bộ Công an nói về nạn mãi lộ, tham nhũng của cảnh sát giao thông. Còn Philippines thì chẳng cần chữ vàng và một tốt nào, sẵn sàng liên kết với Mỹ, động viên nhân dân chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.
Do vậy mà kết quả là gì? Dù Hiến pháp quy định rõ “Đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý”, nhưng nhà nước chỉ lo quản lý đất đai của dân bao đời gây dựng, đất nhà thờ, thánh thất, tu viện để làm dự án, để chia chác là nhanh. Còn Hoàng Sa, Trường Sa Lãnh thổ ta dần dần được anh bạn vàng quản lý hộ. Cũng không sao, lý do là vì ngay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói: “Ta và Trung Quốc cần hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đoàn kết để hai dân tộc cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Quốc hội thì thế, còn ông Tổng bí thư Đảng CS thì: “Biển Đông không có gì mới”. Mà không có gì mới thật, cũng là anh bạn cũ, cũng là việc xâm lược như cũ, cùng là nạn nhân là ngư dân Việt Nam như cũ, nên chẳng có gì phải bàn. Còn anh Philippines thì sao, hẳn là họ không có sự lãnh đạo sáng suốt nên không nhìn thấy cái CNXH mà đi lên. Vì vậy, dù nước họ nghèo, bão tố thiên tai triền miên, thì họ vẫn quyết tâm “còn bát gạo cũng thổi nốt” để bảo vệ lãnh thổ. Kết quả là gì: Trung Quốc không dễ dàng gì bắt nạt người dânPhilippines qua vụ bãi cạn vừa qua.
Vài hôm nay, Trung Cộng hung hăng đi thêm một bước mới trong âm mưu bành trướng ra các nước láng giềng bằng cách in lên hộ chiếu cái bản đồ phản ánh tham vọng của họ. Trong đó có đường lưỡi bò chiếm hơn 80% Biển Đông và vùng lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ.Ngay lập tức, các nước lên tiếng mạnh mẽ. Ấn Độ lập tức trả đũa bằng hình thức như sau “Theo tờ Hindustan Times vào hôm nay, 23.11, tòa đại sứ Ấn Độ ở Trung Quốc đã trả đũa bằng cách cấp cho các công dân Trung Quốc thị thực có in hình bản đồ của họ, trong đó mô tả hai khu vực tranh chấp nói trên thuộc lãnh thổ Ấn Độ”. Còn Philippines thì “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cũng tuyên bố nước này sẽ không thừa nhận bất cứ công dân Trung Quốc nào sử dụng hộ chiếu có bản đồ “đường lưỡi bò”.
Còn ở ta, truyền thống xưa nay khi có việc lãnh thổ bị xâm lược bởi , Trung Cộng thì động tác duy nhất là Người phát ngôn kéo lại cái băng rè mà mỗi người dân Việt Nam đều đã nghe đến thuộc lòng “Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý…”. Cao hơn, căng thẳng hơn, nóng bỏng hơn thì “Giao thiệp” với Đại sứ quán Trung Cộng. Chấm hết.
Thậm chí lần này, người phát ngôn cũng im như thóc, chỉ đến khi Phóng viên hỏi về cái Hộ chiếu lạ của Trung Cộng, thì ông ta mới trả lời rằng là Việt Nam phản đối và gặp gỡ, trao công hàm. Ông ta coi như đây là một việc thường ngày, bình thường như ăn cơm xong phải uống nước vậy. Nếu như cái lão phóng viên nào đó không tọc mạch mà hỏi chuyện này, thì cả nước cũng cứ vậy mà cung kính cái hộ chiếu của anh Tàu lạ mà thôi?
Có thể là vị thế Việt Nam quá cao, nên chỉ cần ông Phát ngôn trả lời một phóng viên như vậy mà không thèm làm gì hơn thì bọn bành trướng bá quyền Trung Cộng đã vãi đái ra quần mà cuốn gói chăng? Cứ xem thực tế thì biết.
Và cái lưỡi của những con bò
Hình dáng đường 9 khúc mà Bắc Kinh cố vẽ ra nhằm cướp Biển Đông được gọi là đường lưỡi bò. Có lẽ vì nó giống cái lưỡi con bò. Song thật ngẫu nhiên và ý nghĩa, vì lưỡi bò là cái lưỡi tham lam, thấy ngon là vơ vào, ăn được là ăn bất chấp chính nghĩa hay phi nghĩa, nếu ai đã từng chăn bò sẽ hiểu điều này. Và cũng thật đúng với việc nhà cầm quyền Bắc Kinh bất chấp lẽ phải chứng cứ và luật pháp để dùng sức mạnh phục vụ lòng tham vô đáy của mình bất chấp dư luận quốc tế hay sự thật lịch sử, pháp lý.
Điều đó cũng có thể hiểu được, dù sao thì họ cũng vì lợi ích của đất nước họ. Song có những cái lưỡi bò ngay trong nước ta, phục vụ lợi ích của bọn giặc mới là đáng nói và đáng phỉ nhổ.
Khi những người dân xuống đường vì lòng yêu nước, những kẻ thông đồng với giặc đã gân cổ gào trên báo đảng rằng như vậy là phá hoại chính sách đối ngoại của đảng và nhà nước, là gây rối trật tự công cộng, là xuyên tạc tình hữu nghị Việt – Trung… ngoài ra còn bịa đặt rằng những người biểu tình nhận tiền của thế lực thù địch để phá hoại đất nước. Mục đích là để phụ họa và lấp liếm hành động của nhà cầm quyền Hà Nội đã làm đối với tấm lòng yêu nước của nhân dân.
Thậm chí, những người có học hàm, học vị hẳn hoi (hẳn hoi ở đây theo nghĩa là có chứng nhận, còn thực chất thế nào thì chỉ có họ và những người bán bằng mới biết) cố sức bêu riếu, đặt điều nói xấu, dạy dỗ nhân dân, ngăn cản lòng yêu nước của họ. Thực chất là nối giáo cho giặc, rước voi giày mả tổ. Điển hình cho những hành động này là tờ Hà Nội mới với các tác giả như Vũ Duy Thông, hoặc Đài phát thanh – Truyền hình Hà Nội…
Rồi ngay việc hôm nay, khi phát hiện Trung Quốc đã vẽ hình lưỡi bò trên hộ chiếu, nhằm khi công dân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam và được đóng dấu vào đó, sẽ là bằng chứng rằng Việt Nam đã công nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc. Ngoài ra, nó còn nhằm khắc sâu vào đầu mỗi người dân Trung Quốc ý đồ xâm lược và bành trướng lâu dài đối với đất nước ta. Với sự việc nghiêm trọng này, nhà nước Việt Nam sẽ làm gì ngoài một câu trả lời qua chuyện của người phát ngôn Bộ Ngoại giao? Hay tất cả cũng sẽ qua, chỉ vì “Về vấn đề Biển Đông không phải là toàn cục trong quan hệ Việt – Trung” như Nguyễn Phú Trọng đã khẳng đinh với Hồ Cẩm Đào, mà vấn đề toàn cục là ở chỗ cùng tiến lên CNXH mới là quan trọng?
Một người dân khi nghe câu này, bỗng nhiên nổi khùng: Có thể, với hai cái đảng cộng sản của hai ông, thì tiến lên CNXH, CNCS hay cái gì đó các ông tưởng tượng ra mới là mục đích, mới là toàn cục. Còn với người dân Việt Nam chúng tao, thì nếu mất biển, mất đảo, thì chỉ còn toàn cục… cứt.
Lại phụ họa với luận điệu toàn cục với toàn hòn, một số báo chí lên tiếng theo nhiều kiểu khác nhau sau một thời gian dài cấm khẩu về chuyện biển đảo của đất nước. Trong đó không thiếu những “lưỡi bò” trên báo chí Việt Nam.
Tờ Tuần Việt Nam mới đây đăng bài viết “Biển Đông: Chuẩn bị kỹ để chắc thắng” của Huỳnh Phan, phỏng vấn một người lạ hoắc tên là “nhà nghiên cứu Việt Long”. Chẳng biết cái “nhà nghiên cứu” này chui từ đâu ra, nghiên cứu được những gì, nhưng ông đưa lên mặt báo một mớ bùng nhùng rằng là pháp lý, lịch sử, rằng là “nếu cuốn sách “Toàn tập Thiên nam Thư chí lộ Đồ thư” của Đỗ Bá, chẳng hạn, là một cuốn sách tốt. Nếu là vua sai cụ viết thì giá trị pháp lý khác hẳn so với quan tỉnh”. Nhưng chính ông cũng không khẳng định cuốn sách đó ai sai ông Đỗ Bá viết ra? Hoặc “tuy đúng là đội Hoàng Sa, đội Trường Sa do Nhà nước lập ra, nhưng vẫn phải tìm những bằng chứng cụ thể hơn về phạm vi hoạt động của những đội này. Hoặc họ đã ra tới những hòn đảo đến tận Philippines chưa?”… Vậy mà nhà nghiên cứu này cũng không chỉ ra được ông đã nghiên cứu được đội đó đi đến đâu? Hay ông đã nghiên cứu được rằng Đội Hoàng Sa và đội Trường Sa thậm chí vẫn chưa đến khu vực Boxit Tây Nguyên nên chủ quyền Việt Nam ở nơi đó cũng cần xét lại?
Rốt cuộc, cả bài báo của cái gọi là “nhà nghiên cứu Việt Long” không có chút giá trị nghiên cứu nào, mà chỉ có một ý rất rõ là “có ai dám đảm bảo rằng sự chia rẽ đó sẽ không bị lợi dụng?” và “chúng ta nên học cách ứng xử của Đài Loan với Trung Quốc. Họ không bao giờ công kích nhau cả, thậm chí còn hỗ trợ nhau vì lợi ích chung của dân tộc Trung Hoa”. Câu này nghe quen quen như câu ”Ta và Trung Quốc cần hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đoàn kết để hai dân tộc cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Đọc những dòng này, người ta nghĩ rằng ông ta có thể là một nhà nghiên cứu, nhưng là của Trung Cộng như Vương Hàn Lĩnh, kẻ đã ngạo mạn nói rằng “cho đến năm 1885, Việt Nam vẫn là thuộc quốc của Trung Quốc”. Do vậy ông khuyên Việt Nam học tập Đài Loan, một vùng lãnh thổ mà đến nay nhà nước Việt Nam vẫn công nhận là của Trung Cộng. Và cũng có lẽ đến khi nào Việt Nam trở thành Đài Loan thứ 2 thuộc Trung Cộng, thì ông sẽ hài lòng.
Trang thông tin Thông tấn xã Việt Nam rất hài hước khi trích dẫn một sự quan ngại của một nhà ngoại giao giấu tên rằng: “sự kiện trên là hết sức nghiêm trọng vì nếu sau này Bắc Kinh thay đổi ý kiến, họ sẽ mất rất nhiều công sức để thu hồi hàng triệu hộ chiếu như vây”. Thì ra, vấn đề lãnh thổ bị chiếm đoạt công khai chưa đáng quan ngại bằng việc ông anh Trung Cộng phải mất công sức khi thu hồi nếu họ thay đổi ý kiến.
Xin thưa là đừng mơ kẻ cướp thay đổi ý kiến, nếu Việt Nam vẫn chỉ phản đối bằng một câu trả lời chiếu lệ của Người phát ngôn và những hành động trấn áp người yêu nước. Cũng do vậy, TTXVN đừng phải lo Trung Cộng mất nhiều công sức sau này. May chăng, họ chỉ sẽ mất nhiều công sức khi người dân Việt Nam cũng như các nước bị xâm lược cùng đứng lên mà thôi.
Và lưỡi những con bò nội địa
Những tờ báo ca ngợi tướng Tàu đã gây tang thương cho dân tộc ta trên biên giới 1979, những bài báo lăng nhục, bịa đặt kết tội người yêu nước như Hà Nội mới, Đài Truyền hình Hà Nội… những lời lẽ của ông Việt Long nào đó, thực chất là cái lưỡi của những con bò.
Tinh thần dân tộc và yêu nước của người dân Việt Nam từ xa xưa luôn luôn mạnh mẽ. Song những cuộc chiến chỉ là sự bất đắc dĩ khi bị dồn đến bước đường cùng của sự sống còn của cả dân tộc thì bùng lên giành lấy cơ hội tồn tại. Nhưng những cuộc chiến bằng vũ lực, bằng quân đội, một cách rõ ràng, còn đỡ nguy hiểm hơn cuộc chiến tranh mềm mại bằng 16 chữ vàng và 4 tốt, bằng tình đồng chí anh em môi hở răng lạnh, bằng tinh thần quốc tế cộng sản…
Rốt cuộc là lãnh thổ teo dần, sinh mệnh đất nước ngàn cân treo đầu sợi tóc.
Và ở đó, nguy hiểm nhất lại là lưỡi những con bò ngay trong đất nước Việt Nam.
Ngày 23/11/2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Theo Blog Nguyễn Hữu Vinh
Gửi ý kiến của bạn