BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73211)
(Xem: 62209)
(Xem: 39386)
(Xem: 31146)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những văn bản pháp luật phá hoại Nhà nước pháp quyền

13 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 1001)
Những văn bản pháp luật phá hoại Nhà nước pháp quyền
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
 Gần đây, cộng đồng mạng xôn xao việc Nghị định 71/2012/NĐ-CP bắt đầu được thực hiện ráo riết từ 10/11/2012 về việc sử dụng xe không chính chủ bị phạt một khoản bằng tiền cả tháng lương công chức lâu năm/lần. Theo dõi sự xôn xao, những phát ngôn của quan chức cảnh sát và cách thực hiện quy định pháp luật này, mới thấy một điều: Những quy định này trong thời điểm hiện nay đã cố tình phá hoại ý thức xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Luật để phục vụ cuộc sống hay cuộc sống phục vụ luật?

 

Pháp luật là phương tiện để Nhà nước quản lý mọi mặt đời sống xã hội, là phương tiện thực hiện và bảo để bảo vệ chủ quyền và an ninh trật tự của đất nước, an ninh trật tự của cộng đồng của xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi công dân. Với một nhà nước pháp quyền, mọi tổ chức, công dân đều phải thực thi nghiêm chỉnh những điều luật pháp đã quy định. Với những mục đích như trên, thì pháp luật sinh ra là để phục vụ cuộc sống, phục vụ xã hội.

Pháp luật cũng có những quy định rõ ràng về chức năng, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân các công dân phải thực hiện các điều luật đúng với quy định. Để thực thi pháp luật nghiêm minh, thì điều hết sức cần thiết là các văn bản pháp luật phải có cơ sở để thực hiện, nói cách khác là luật phải có thực tế, bám sát đời sống xã hội mới mong có thể thực hiện nghiêm túc.

Người ta đã thấy phá sản những đề nghị, những dự án luật như đo vòng ngực chị em phụ nữ khi thi bằng lái xe, quy định xe máy đi theo ngày chẵn, lẻ theo biển số, thu phí giao thông nhằm làm đường biên giới, hải đảo… Thậm chí, có ông nghị còn đề nghị cả một dự án về “luật nhà thơ”. Rõ ràng, không ai có thể thực hiện những quy định pháp luật trái khoáy và ảo tưởng, nên khi đưa ra những văn bản pháp luật không thực tế, để rồi không thực hiện, thì chính những tổ chức ra văn bản đó đã phá hoại ý thức tôn trọng pháp luật của người dân.

Ở nước ta, đã có thời có nhiều quy định không có tính pháp luật lại được thi hành tràn lan, gây bao hậu quả nghiêm trọng trong xã hội mà nhiều khi chỉ là ý thích của một cá nhân độc tài, thiếu hiểu biết. Thế hệ chúng tôi, nghĩ lại không ai không giật mình khi những năm 1976-1980, công an có thể đứng chặn đường rạch quần ống loe, cắt trọc đầu bất cứ ai mà họ thấy… ngứa mắt hoặc cắt quai dép lê đang đi. Người ta cũng đã có thể bắt đi tù bất cứ ai can tội ‘nghe đài địch’ mà đài địch là những đài nào, thì không ai quy định, miễn là người bắt cho rằng đó là đài địch thì đi tù. Bất cứ ai, miễn là cán bô địa phương, cũng có thể chặn bắt người, khám xét, lục soát vì nghi ngờ điều gì đó hoặc nhiều khi chỉ là… thích khám xét.

Thế rồi đến thời kỳ hội nhập với thế giới, xã hội đòi hỏi phải có luật, nhà nước luôn kêu gào xây dựng nhà nước pháp quyền, thì xuất hiện một rừng luật. Cũng thời gian này, nhiều quy định có tính luật pháp, nhiều văn bản luật pháp được đưa ra như để làm trò đùa vì không có giá trị thực hiện hoặc không thể thực hiện trong thực tế.

Quyết định 1315/QĐ-TTg cấm hút thuốc nơi công cộng của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Theo đó, người có hành vi hút thuốc nơi công cộng sẽ bị xử lý từ nhắc nhở, cảnh cáo đến phạt tiền 50.000-100.000 đồng cho mỗi lần vi phạm. Những tưởng khi lệnh được ban hành thì tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng sẽ được cải thiện, tuy nhiên vẫn diễn ra tình trạng nhiều người cứ vô tư hút thuốc ngay dưới… biển cấm hút thuốc lá. Oái oăm thay, nhiều khi người vi phạm điều này lại chính là cảnh sát. Cho đến nay, chưa có một thông tin nào về bất cứ một ai bị nhắc nhở hoặc bị phạt vì quyết định này của Thủ Tướng. Như vậy, ý thức của người dân về một quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ nhờn, và tính nghiêm minh của luật pháp đã không được coi trọng.







Còn nhớ một lần đã rất lâu, ông Thủ tướng trước đây đã quả quyết: “Bất cứ một chiến sĩ cảnh sát giao thông nào mà cầm 5000 của người dân, thì sẽ bị đuổi khỏi ngành”. Thế nhưng, thực tế chắc vì sợ cầm 5.000 bị đuổi nên cảnh sát giao thông cầm từ 50.000 trở lên cho… an toàn?

Vì sao vẫn sinh ra những luật trên trời?

Sở dĩ những văn bản pháp luật sinh ra, rồi bỏ đó nhiều khi cứ như chuyện đùa, đưa ra cho thiên hạ bàn tán, làm trò cuời rồi để đó không thực thi, nhưng vẫn không bỏ. Điều này là có lý do. Thay vì làm những điều luật có tính khả thi và minh bạch để xã hội thực thi nghiêm túc, thì nhà nước đã đưa ra những văn bản pháp luật mù mờ, khó hiểu, ít có giá trị thực tiễn nhưng cứ để đó. Rồi khi cần cho những trường hợp nhà nước thích, thì cứ thế mà đưa ra áp dụng.

Người ta có cảm giác rằng, xã hội Việt Nam như một vùng biển cạn. Trong đó hệ thống luật đã rải đầy dưới đáy, có đủ loại lưới to, lưới nhỏ, lưới lớn lưới bé… đủ cả, kể cả các loại lưới không được dùng vì phá hoại môi sinh. Thế nhưng những tấm lưới đó vẫn cứ tồn tại chờ sẵn, xã hội như bầy cá cứ vô tư bơi lội qua lưới không hề gì. Nhưng khi ông ngư phủ nhà nước muốn bắt một con cá nào, sẽ có sẵn loại lưới đó kéo lên. Và đương nhiên, chú cá đó quẫy đằng trời vì lưới đã quy định cho chú và điều cơ bản là ngư phủ muốn bắt riêng chú mà thôi.

Những văn bản, những điều luật mù mờ, khó hiểu nhằm mục đích ai giải thích thế nào cũng được, thích giải thích và áp dụng cho ai cũng xong. Điều cơ bản ở chỗ là anh là ai, để được giải thích và áp dụng các điều luật như thế nào. Bởi giải thích và áp dụng luật như thế nào là quyền của nhà nước.

Ví dụ như cái Nghị định 38/CP quy định “cấm tập trung đông người nơi công cộng, muốn tập trung phải xin phép”. Tuy nhiên, ngay cả thế nào là đông người, vẫn không có một quy định cụ thể. Sau này mới nghe quy định rằng cứ 5 người trở lên là đông. Tuy vậy, nếu có cả chục ngàn người, tập trung ca ngợi đảng huy hoàng, nhà nước vinh quang, hoặc chiến thắng được một trận bóng đá, thì không cần xin phép bất cứ ai mà không hề gì. Vậy nhưng, nếu anh biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, thì dù chỉ đứng nhìn, cũng có thể bị bắt ngay lập tức và đưa về đồn và đã có cái Nghị định 38/CP đã có quy định không được tập trung đông người nơi công cộng(!)

Vậy ra, mục đích xây dựng luật đâu phải vì xây dựng nhà nước pháp quyền, đơn giản chỉ để phục vụ nhà nước cầm quyền mà thôi.

Hợp lý và bất hợp lý. Tận thu?

Trở lại Nghị định 71/2012/NĐ-CP đã nói ở trên, khi đưa ra, người dân thấy choáng về những quy định được ghi trong đó. Phải nói thẳng thắn rằng việc sang tên đổi chủ khi mua bán phương tiện giao thông cũng như các tài sản khác là điều phải làm, là hợp lý. Không ai không muốn đi chiếc xe mang tên chính mình khi bỏ tiền ra mua.

Song điều bất hợp lý ở chỗ là nhà nước đã tận thu phí quá cao của người dân khi họ thực hiện điều này. Cứ tính con số được đưa ra thì cả nước có 30 triệu xe máy, 600.000 xe ôtô. Và cũng ít có ai cả đời đi một chiếc xe mà không sang nhượng, chuyển đổi một vài lần là ít. Thử tính với mức thu phí 15% khi chuyển nhượng mua bán/lần. Cứ tính mỗi chiếc xe máy trung bình 10.000.000 đồng, thì con số sẽ là 45 ngàn tỷ đồng. Và tương tự, số tiền thu thuế ô tô khi chuyển nhượng tính cho mỗi chiếc ô tô trung bình là 500 triệu, con số sẽ là 45 ngàn tỷ đồng nữa. Như vậy, chỉ riêng số thu phí một lần chuyển chủ của ô tô và xe máy, số tiền thu được của người dân là ít nhất là 90.000 tỷ đồng. Chắc đủ để bù cho Vinashin? Điều bất hợp lý hơn, là khi mua lần đầu, những chiếc xe này đã phải trả một lượng thuế cao gấp nhiều lần so với giá cả thế giới, chứ không cần so sánh giá cả Việt Nam. Rồi cứ thế nhà nước ngồi thu chồng lượt thuế này lên lượt thuế khác.

Với con số đầu xe kể trên, thực hiện Nghị định 71/2012/NĐ-CP nhà nước sẽ thu về số tiền phạt của 40% số xe chưa sang tên đổi chủ là khoảng 13.400-14.400 tỷ đồng từ người dân, đấy là chưa kể nhà nước còn định thu cả xe đạp điện, coi chừng tiến tới sẽ thu cả tiền thuế giày dép hay nạng gỗ thương binh thì còn lớn hơn nhiều. Con số khá hấp dẫn. Nhưng thực hiện được cũng toát mồ hôi vì không đơn giản cứ muốn là phạt. Bởi vì người dân ngày nay không còn là người dân ngày xưa, nên việc thi hành cũng không đơn giản chỉ theo ý nhà nước. Mặt khác việc chồng chéo các văn bản pháp luật, sự luộm thuộm trong các quy định đã tự gây khó cho việc thực hiện những điều nhà nước muốn làm.

Chính vì thế, đến hôm nay, đã 3 ngày Nghị định có hiệu lực, thì việc xử phạt theo ý muốn của nhà nước vẫn không thể tiến hành.

Sau hàng loạt những kiến nghị thu phí, nâng phí và tăng phạt các kiểu, thể hiện sự cơn khát tài chính nạo vét nguồn tiền của người dân đã lên đến đỉnh điểm, thì cái nghị định này cũng chỉ thể hiện rõ hơn cơn khát đến độ nào. Song dù khát, thì việc giải khát cũng không dễ dàng thực hiện một cách tùy tiện và duy ý chí.

Những văn bản pháp luật đưa ra, để rồi không thực hiện, hay không thể thực hiện, ngoài việc tốn thời gian công sức của xã hội, thì còn có một tác dụng hết sức tai hại khác, đó là biến những quy định, những văn bản pháp luật thành trò đùa và tập cho người dân thái độ coi thường pháp luật mà thôi.

Đó chính là những văn bản phá hoại nhà nước pháp quyền.

Hà Nội, ngày 13/11/2012

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Theo Blog Nguyễn Hữu Vinh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn