BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73312)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bến Hải, dòng sông vĩnh biệt của nhà thơ Vũ Anh Khanh

06 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1324)
Bến Hải, dòng sông vĩnh biệt của nhà thơ Vũ Anh Khanh
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Người yêu thơ văn kháng chiến khi nghe nhắc đến Vũ Anh Khanh, thường nhớ đến hoặc là truyện Nửa Bồ Xương Khô, hoặc là bài thơ Tha La Xóm Đạo. Sau 20 tháng 7, 1954, ông tập kết ra Bắc, nhưng rồi chỉ ba năm sau ông quyết định bơi qua sông Bến Hải trở lại quê hương bản quán, thì một mũi tên tẩm thuốc độc từ bờ Bắc bắn theo ông. Thi sĩ đã không tới được bến bờ tự do, Bến Hải đã trở thành một dòng sông vĩnh biệt.

 Nhà thơ Vũ Anh Khanh (1926-1957) tên khai sinh là Nguyễn Năm, quê quán thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, sinh sống tại thành phố Sài Gòn, có thơ văn đăng trên các báo ở thủ phủ miền Nam từ mấy năm chót của thập niên '40, nghĩa là trong khoảng thời gian ông trưởng thành, những năm hai mươi tuổi. (1)

Đây là thời gian đất nước xáo trộn giữa các ảnh hưởng thời thế, chính sự, từ cuộc vận động của các tổ chức, đoàn thể, sự thức tỉnh tự thân tự nguyện của giới thanh niên trí thức trẻ, trong có các văn nghệ sĩ, đưa đến cuộc tranh đấu chống Pháp năm 1945 tới cảnh ra bưng, về thành, bên này bên kia một lằn ranh tù ngục hay máu lửa, nhưng được phủ lên bằng một làn sương lãng mạn, thi vị hóa, như con sông nào cũng có thể là Sông Dịch, và những Vũ Anh Khanh, Khổng Dương, Thẩm Thệ Hà,... những nhà văn, nhà thơ thao thức với chuyện non sông đất nước, bỗng trở thành những Kinh Kha, những Thái Tử Yên hay Cao Tiệm Ly, những trang anh tuấn mưu sự lật Tần.

Ta được tin, một chiều thu u ám

Giữa mưa gào, gió thét, giữa âm ba

Em đã chết trên bước đường ly loạn

Hồn trinh nguyên hòa hợp ánh sao sa.

(Thẩm Thệ Hà, Khóe Mắt U Hoài)

 Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn,

Gió vun vút, gió rợn rùng, gió rít.

Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch:

-Thôi hết rồi còn chi nữa Tha La!

Bao người đi thề chẳng trở lại nhà.

Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!

Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!

(Vũ Anh Khanh, Hận Tha La)


Nhà thơ Vũ Anh Khanh, tập kết ra Bắc năm 1954; bị bờ Bắc bắn chết khi ông đang bơi qua sông Bến Hải để trở về miền Nam. Ảnh mượn trong sách “Văn chương Nam bộ và cuộc kháng Pháp 1945-1950” của Nguyễn Văn Sâm.


Bản sắc thơ văn của giai đoạn này vừa bi hùng, vừa tràn đầy mỹ cảm được thấy ở khắp ba miền, song nổi bật ở trong Nam, được gọi quen thuộc là Thơ văn Tranh đấu Nam bộ, có lẽ một phần là nhờ sinh hoạt báo chí ở Sài Gòn Gia Định trong giai đoạn đó phồn thịnh hơn sinh hoạt báo chí ở Huế hay Hà Nội. Một điểm rất hiển nhiên: Thơ văn Tranh đấu miền Nam thời gọi là Nam bộ (khoảng những năm '40) là miền đất lúc ấy thuộc Pháp, lại đầy rẫy những hình ảnh quan san, vó ngựa, áo bào, kiếm cung, và những chia ly làm thổn thức tuổi yêu đương, là những hình ảnh chinh chiến của thời xa xưa trong tiềm thức, không phải những hình ảnh của chiến tranh trong hiện thực cuộc sống lúc ấy:

Ngựa anh say bước đường dài

Tình em chan chứa ra ngoài thành Nam

Mịt mù cách dậm quan san

(Khổng Dương, Quan San)

-“Em chẳng biết gì ư?

Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù!

Người nước Việt ra đi vì đất Việt.

Tha La vắng vì Tha La đã biết,

Thương giống nòi đau đất nước lầm than”

(Vũ Anh Khanh, Hận Tha La)

Trong bối cảnh chung của văn chương miền Nam thời 1945-1954, Vũ Anh Khanh là nhà thơ nhà văn hàng đầu. Ông nổi tiếng ở cả hai địa hạt, văn và thơ. Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Sâm viết: “Nói đến văn nghệ miền Nam thế hệ 45-50, người ta nghĩ ngay đến cặp Lý Văn Sâm-Vũ Anh Khanh, cũng như nói đến nhà văn thế hệ '32 người ta nghĩ ngay đến Khái Hưng và Nhất Linh. [...]Ở đây, miền Nam, giai đoạn tranh đấu, ta phải nhận rằng Vũ Anh Khanh vượt Lý Văn Sâm nhiều. Nếu có thể xếp các nhà văn theo thứ bậc, tùy theo kết quả những tác phẩm của họ ta phải xếp Vũ Anh Khanh rồi mới tới Lý Văn Sâm, Hồ Hữu Tường, Phi Vân, Dương Tử Giang, Thẩm Thệ Hà, Sơn Khanh...” (NVS, Văn chương Tranh đấu Miền Nam, Kỷ Nguyên, Sài Gòn, 1969). Là một người được đa số nhận định là đứng ở hàng đầu của miền Nam trong giai đoạn văn chương tranh đấu, 1945-1954, song mọi sách báo văn nghệ cộng sản Việt Nam sau này viết về giai đoạn đó đều loại bỏ tên Vũ Anh Khanh. Họ có lý do không thể nói ra.

Năm 1954, áp dụng Hiệp Định Genève về ngưng bắn giữa hai bên, trong khi khoảng hơn tám trăm ngàn người từ phía Bắc vĩ tuyến 17 ào ạt vào Nam, thì phía cộng sản ở trong Nam đã chuyển một số cán bộ ra Bắc, gọi là đi tập kết. Trong số các nhà văn nhà thơ từ miền Nam đi tập kết ra Bắc vào năm 1954 có Vũ Anh Khanh và Xuân Vũ. Xuân Vũ sau này, khoảng 1965, đã vượt Trường Sơn thành công về lại quê cũ, làng xưa - quê hương Nguyễn Đình Chiểu - và cầm bút trở lại để phơi bày cái giá mà ông và bạn hữu phải trả vì sự lầm lẫn của mình về cộng sản, thì nhà thơ Vũ Anh Khanh kém may mắn hơn nhiều. Xuân Vũ tới được bến bờ Tự Do, còn Vũ Anh Khanh, trong khi bơi qua sông Bến Hải, thì một mũi tên tẩm thuốc độc đã bắn theo.

Xuân Vũ kể lại lúc Vũ Anh Khanh bơi qua sông Bến Hải để về Nam, là khoảng năm 1956. Nhưng Luật Sư Nhuệ Hồng Nguyễn Hữu Thống nói với chủ bút báo Khởi Hành: lúc ấy phải là năm 1957, hay có thể chậm hơn nữa, vì Giáng Sinh 1956 ông còn gặp Vũ Anh Khanh ở New Delhi, Ấn Độ, trong Hội Nghị Các Nhà Văn Á Châu. Nhà văn Nhuệ Hồng kể trong điện thoại, được ghi lại theo trí nhớ của Viên Linh như sau:

“Đó là Giáng Sinh 1956, trong không khí trăm hoa đua nở, Trung Cộng muốn dùng Hội Nghị Các Nhà Văn Á Châu, phần lớn là đến từ các nước xã hội, họp ở Tân Đề Li, để thành lập một tổ chức theo chủ trương của họ. Trong mười sáu phái đoàn, thì mười bốn đến từ các nước cộng sản, chỉ có hai phái đoàn không cộng sản là phái đoàn Ấn Độ và phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa. Ấn Độ được mời là do Anh Quốc giới thiệu; VNCH được mời là do Pháp giới thiệu.

“Bộ mặt nổi bật nhất trong hội nghị là nhà văn Mao Thuẫn, một trong tứ trụ triều đình về Văn hóa Văn học của Trung Cộng; trưởng phái đoàn CSVN là Nguyễn Công Hoan, rồi Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, và một nhà văn gốc miền Nam là Vũ Anh Khanh. Vũ Anh Khanh rất đẹp trai, nhưng lúc nào cũng buồn bã, nhìn xuống. Trưởng phái đoàn VNCH lẽ ra là nhà văn hóa Nguyễn Đăng Thục, nhưng vì ông Ngô Đình Nhu nhận định đây là một hội nghị chính trị mang danh các nhà văn, nên để Nhuệ Hồng Nguyễn Hữu Thống, một luật sư nhà văn làm trưởng phái đoàn, dù mới 24 tuổi, còn cụ Thục làm cố vấn.

“Phát biểu của các phái đoàn Cộng Sản là chuyện khôi hài. Bốn phái đoàn bốn nước cộng sản trong có Mông Cổ, Việt Nam, đọc một bản Anh văn dịch sẵn, giống nhau, tán đồng mọi điều Mao Thuẫn đề nghị, trong có sự thành lập một Văn phòng Thường trực Các nhà văn theo khối xã hội ở Bắc Kinh. Phái đoàn ta chống lại những đề nghị do Trung Cộng chủ trương. Mà nguyên tắc đưa ra là sự đồng thuận của hội nghị phải là đa số tuyệt đối, 16/16; chứ không phải đa số tương đối. Do đó Bắc Kinh thất bại trong Hội nghị này“

(Viên Linh, Con Sông Máu của Vũ Anh Khanh, Khởi Hành, số 116)

Tôi hỏi LS Thống nếu hội nghị qui tụ đại biểu các nước xã hội, thì nguyên do nào anh được cử vào phái đoàn Việt Nam, tác giả Thư Miền Nam (2) nói: “Tôi ở trong Đảng Xã Hội Việt Nam với Hoàng Văn Chí.” (3)

Luật Sư Nguyễn Hữu Thống kể hai chuyện bên lề trong thời gian hội nghị ở Tân Đề Li. Một là khi ta thấy nhóm Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ, Vũ Anh Khanh đi bộ, và đi xe buýt, ta dừng xe hơi lại mời họ lên cho quá giang, nhưng họ không lên. Hai là chuyện tính rủ Vũ Anh Khanh về Nam. Nếu Vũ Anh Khanh chịu, anh có thể lo được.

“Tôi đã bàn chuyện này với anh em, và giao việc cho L.C.Đ. [?]đi tiếp xúc với Vũ Anh Khanh. Lúc nào cũng thấy anh ta buồn bã, hai mắt nhìn xuống đất. Trong hội nghị khi tôi đứng lên phản đối đề nghị của Trung Cộng, tôi nói Anh ngữ, thì có hai người mà nhìn mặt, tôi thấy họ tán đồng ý kiến của mình, đó là trưởng phái đoàn nhà văn Nga, và Vũ Anh Khanh. Nhà văn Nga tới bắt tay tôi, còn Vũ Anh Khanh nhìn tôi với cặp mắt thân thiện. Từ đó mà tôi có ý nghĩ tiếp xúc, đưa Vũ Anh Khanh về Sài Gòn.

“Nhưng đến đêm, trong khi nằm suy nghĩ, tôi lại thay đổi ý kiến, lỡ chuyện không thành và vỡ ra, thì trên phương diện quốc gia, mình gây ra rắc rối, nên tôi bảo anh L.C.Đ hủy bỏ việc đã bàn. Sau này kể lại chuyện ấy với Xuân Vũ, Xuân Vũ tiếc, và nói rằng nếu chủ trương của tôi được xúc tiến, nhiều phần đã khác. Nghĩa là có khi Vũ Anh Khanh đã không chết vì mũi tên độc bắn theo...”

“Tôi không rõ Vũ Anh Khanh chết như thế nào?”

“Xuân Vũ có kể. Vũ Anh Khanh mà được cử đi dự Đại Hội Tân Đề Li là vì công an cộng sản không thấy tác giả bài thơ Hận Tha La trong cuộc tụ tập ở khu Trường Tiền Hà Nội để phản đối sự chỉ huy văn nghệ của Đảng nhân phong trào ‘trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng.’ Đó là cuộc mít-tinh của nhóm miền Nam tập kết ra Bắc phản đối những người cộng sản Hà Nội.

“Sau khi dự hội nghị về, Vũ Anh Khanh được giấy đi công tác ở Vĩnh Yên. Vĩnh Yên phía trên Hà Nội ấy. Anh ta liền sửa giấy công tác, từ Vĩnh Yên thành Vĩnh Linh, chỗ gần sông Bến Hải. Từ Hà Nội, Vũ Anh Khanh đi bộ vào Vĩnh Linh và rồi bơi qua sông Bến Hải.”

Chuyện ra sao, những người yêu bài thơ Hận Tha La có thể đã nghe biết. Là Vũ Anh Khanh bơi qua sông, khi tới giữa sông thì công an bộ đội cộng sản phát giác. Chắc rằng họ ra lệnh cho ông phải bơi trở lại, nhưng chuyện ấy không xảy ra. Họ bắn theo, không bằng súng, mà bằng cung tên, mũi tên có tẩm thuốc độc, nên tác giả Sông Máu không bao giờ còn được hít thở không khí tự do mà ông đã bỏ mất từ 1954, khi tập kết ra Bắc.

Đã biết bao người ở phút cuối đời mới biết rằng con sông Bến Hải là con sông máu. Nhưng tác giả Sông Máu có thể đã biết trước, và không thể nào làm khác. Ông trầm mình vào dòng sông, nếu không tới được bờ bên kia, miền Nam yêu dấu, thì cũng tới được bờ vĩnh cửu, tuy xa xăm vô định nhưng cũng còn hơn là địa ngục phía sau lưng.

Trong ghi chép hàng ngày của một học giả làm công việc của một sử gia biên niên, ông Đoàn Thêm có cơ hội thuận tiện là làm việc trong Văn phòng Tổng thống phủ VNCH, có một số việc được ghi lại như sau:

-30 tháng 4, 1956: Tổng số người di cư tị nạn (từ Bắc vô Nam, chấm dứt ngày 30 tháng 10, 1955, nhưng nay mới con con số công bố): 887,890 người.

-4 tháng 10, 1956: Ba người liều mạng bơi qua sông Bến Hải vào Nam.

-19 tháng 11, 1956: Mười chín người từ Nghệ An đi ghe vượt tuyến tới Đà Nẵng.

-8 tháng 4, 1957: Bốn mươi mốt người dùng thuyền vượt tuyến vô Nam.

-28 tháng 10, 1957: Hai sinh viên vượt tuyến vào Nam.

-11 tháng 2, 1958: Mười bốn người vượt tuyến vô Nam xuyên qua Lào.

-2 tháng 7, 1958: Hai mươi sáu người vượt tuyến qua Lào tới Sài Gòn. (4)

Ta nhận thấy từ cuối năm 1956, ba người bơi qua sông Bến Hải vào Nam. Đầu năm 1957, năm 1958, người ta vượt tuyến bằng đường bộ, xuyên qua Lào, không thấy ai bơi qua sông Bến Hải nữa. Nếu có, người ta đi đông, và dùng thuyền. Có thể đoán, người tìm tự do sau cùng bằng cách bơi qua sông là Vũ Anh Khanh. Cái chết của ông trên Sông Máu, bằng mũi tên tẩm thuốc độc bắn theo từ bờ phía Bắc, hẳn đã khiến vang dội cả hai bên bờ. Có thể định được khoảng thời gian ông lìa đời: từ đầu tháng 1, 1957 tới hết tháng 3, 1957. Vì từ mồng 8 tháng 4, hầu hết những người vượt Bến Hải thành công là dùng thuyền, và đi từng nhóm khá đông: mười bốn người hay bốn mươi mốt người.

Ba người đầu tiên bơi qua sông Bến Hải thành công là hôm 4 tháng 10 năm 1956, mà Noel năm 1956 Vũ Anh Khanh còn ở Tân Đề Li, nghĩa là ông chỉ có thời gian ba tháng để vượt sông, là từ tháng 1 tới tháng 3, 1957, vì sau đó, từ tháng 4, 1957, không còn ai bơi qua sông Bến Hải nữa. Có thể yên tâm viết: Vũ Anh Khanh (1926-1957).

Thơ Nam bộ thời Vũ Anh Khanh, có thể nói, mang rất nhiều ảnh hưởng truyện Tầu, và các gương anh hùng nghĩa sĩ trong huyền thoại Trung Hoa. Trai tứ chiếng, gái giang hồ, người đẹp phòng khuê cũng là những hình ảnh đậm nét trong cuộc sống Sài Gòn.

Về thơ thì ảnh hưởng Nguyễn Bính vô cùng đậm nét trên nhiều người, có thể ngay cả trong nếp sống. Trong cái lãng mạn thành phố - ở đây là kinh thành - có hình tượng của chợ đời, của khinh bạc, của chí trai phong trần hồ thỉ, của chàng tư mã áo xanh và của người con gái ở lầu son.

Về thể thơ, bài Phấn Son của Vũ Anh Khanh, hay nhiều bài thơ của Kiên Giang, có hơi hướng của thể hành, những bài “trăm câu một vần” mà Nguyễn Bính rất sở trường. Đương nhiên là Vũ Anh Khanh có nét riêng của một thi sĩ có bản sắc: ông hiền và chân phương trong thơ, chữ nghĩa có tâm tư và có lòng thương xót, do đó chữ nghĩa của ông, ở đây là ngữ-thi, đã đứng riêng ra trong số những nhà thơ đương thời.

Nhắc tới 20 tháng 7 chia cắt đất nước là nhắc tới Bến Hải. Mà nhắc tới Bến Hải thì không thể nào không nhắc tới người thi sĩ yêu nước đã chết vì sự lầm lẫn của mình, chỉ tiếc rằng khi anh vỡ mộng quay về với quê hương bản quán, cố vượt qua biên giới của quỉ, thì con sông hiền lành bên này, lại là con sông máu của anh ở bên kia.

Viên Linh

Chú thích:

1. Theo Nguyễn Văn Sâm, trong Văn chương Tranh đấu Miền Nam, Kỷ Nguyên, Sài Gòn, xuất bản 1969, VAK sinh năm 1923 tại Nha Trang. Theo Trần Tuấn Kiệt, trong Thi ca Việt Nam Hiện Đại (1880-1965), Khai Trí Sài Gòn xuất bản 1967, VAK sinh ở Tây Ninh, nhưng không ghi ngày tháng sinh. Trong Từ điển Tác gia Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng, Văn Hóa, 1999, Tp HCM, lại ghi (1926-1956), và viết: “Năm 1954 ông [VAK] tập kết ra Bắc và mất ngoài đó năm 1956.” là hoàn toàn sai. [Các sách in tại Tp HCM cần phải xét lại hết, bằng cách so sánh với các văn bản in trước đó hay sau đó ở Sài Gòn hay ở Hải ngoại, nếu có.] LS Nguyễn Hữu Thống nói với người viết bài này: VAK và ông chỉ cách nhau vài tuổi, nên ông nghĩ VAK sinh vào năm 1926 thì hợp lý hơn. Và từ trần đầu năm 1957 cũng có vẻ thuận lý.

2. “Thư Miền Nam” là loạt bài Nhuệ Hồng Nguyễn Hữu Thống viết trên Tạp chí Phổ Thông cơ quan văn hóa của Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Trường Luật Hà Nội, số chót là số 28, 15 tháng 8, 1954. Vào Sài Gòn nhóm này xuất bản Tuần báo Quan Điểm, và Nhật báo Tiếng Miền Nam. LS Nguyễn Hữu Thống hiện cư ngụ cùng gia đình tại San Jose.

3. Mạc Định Hoàng Văn Chí (1913-1988), tác giả The New Class in North Vietnam, The Nhan Van Affair, From Colonialism to Communism, Duy Văn Sử Quan.

4. Đoàn Thêm, Việc Từng Ngày, 1945-1964, bản in lại ở hải ngoại.

Bài này cũng kiểm lại tài liệu trong một số sách khác nhưng không trích dẫn văn bản những sách ấy nên không ghi ra đây.

 Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn