BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72813)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31056)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cơ hội ư? Không có cơ hội nào cả

18 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 979)
Cơ hội ư? Không có cơ hội nào cả
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tôi không định nhắc về điều này bởi nó có vẻ hơi hướng chính chị chính em, không hợp với thứ nguyên tắc mà chính tôi đặt ra "không bàn chuyện chính trị" (có ai đó nói chữ, gọi là câu slogan), dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để đánh, làm khó mình. Khổ nỗi tính xã hội của vấn đề cũng quá lớn quá rõ, thôi thì biên ra vài dòng coi như góp thêm một ý vào cái được gọi là dư luận.

Thật lòng, tôi chả mấy quan tâm đến hội nghị Trung ương 6 (trong khi rất nhiều người, cả những người dân bình thường ít để mắt đến những event tương tự xưa nay đặc biệt quan tâm) vì nhiều lẽ: đó là chuyện của đảng, không phải chuyện của dân đen mình; người ta kín đáo, dấm dúi, bí mật, cài then đóng cửa chặt thế, mình tò mò làm gì; lâu nay lòng tin suy giảm nhiều nên cũng không háo hức như trước nữa... Nó khai mạc, nó kết thúc, nó ra tuyên bố này nọ, cũng cứ coi như nhiều thứ khác diễn ra hằng ngày. Khi ông tổng bí thư đọc lời bế mạc trên tivi, tôi vẫn đang rửa bát, chả chịu gác việc chạy ra coi. Vậy nhưng hai ngày qua thấy thiên hạ ì xèo quá đành lật giở dăm ba tờ báo xem lại. Gớm, kín đặc những chữ. Sao mà họ uyên bác lắm chữ thế không biết. Lần mần mãi cũng tạm hiểu được đôi điều.

Chính vì có đọc báo cáo bế mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và bản nghị quyết của hội nghị Trung ương 6 nên thành thật mà nói tôi không đồng tình với nhận xét của một số quý vị, tuyền những người mà tôi rất, rất khâm phục về tài năng, đạo đức, tư duy sắc sảo, tấm lòng với dân với nước. Trong số đó có giáo sư Tương Lai, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhà báo Osin Huy Đức, hai nhà văn Nguyễn Quang Lập, Thùy Linh. Xin nói ngay, không đồng tình với 1 dạng ý kiến của quý vị chứ không phải tất cả các ý kiến. Có thể các vị ấy đúng, tôi sai, nhưng cứ bày tỏ ra cho dân chủ, công khai. Đó là các vị ấy nhận xét về cái cơ hội (khoảnh khắc đẹp, hiếm có cần phải tận dụng, chớp lấy để hành động), có người còn cho rằng là cơ hội vàng nghìn năm có một, vừa bị đảng bỏ qua. Chẳng hạn các anh chị Huy Đức, Thùy Linh, Nguyễn Quang Lập đã nhận định như vầy:

"Ngồi lướt qua FB và các trang mạng nói về Trung ương Sáu mới thấy Đảng cộng sản Việt Nam đã đánh mất một cơ hội rất lớn. Sự thất vọng tràn ngập chứng tỏ người dân đã từng vô cùng kỳ vọng. Thủ tướng đã được Trung ương tiếp tục trao cho quyền lực. Nhưng đó là thứ quyền lực có được bằng cách quay lưng lại với nhân dân. Không có nhà cầm quyền nào không thèm khát tính chính danh, nhưng Trung ương Sáu đã hy sinh nó chỉ vì Thủ tướng”. (trích từ FB Osin của nhà báo Huy Đức)
"Hội nghị TW6 vừa qua đã bỏ lỡ mất một vận hội thu phục nhân tâm của đông đảo người dân khi họ nhất loạt ngưỡng vọng về sự thay đổi tốt đẹp. Không một thế lực thù địch nào có thể xúi người dân thả thuốc độc xuống dòng sông mà họ đang dùng. Chính quyền mong muốn ổn định chính trị bao nhiêu thì người dân cũng mong muốn ổn định đời sống bấy nhiêu, nhưng không thể là cách ‘ổn định’ bằng bạo lực và áp chế”. (trích từ blog Hãy cùng tôi ghé thăm trái đất này của nhà văn nữ Thùy Linh)

"Cơ hội ngàn vàng để lấy lại niềm tin của dân đã tuột khỏi tay cụ Tổng. Ngọn cờ chỉnh đốn cụ Tổng phất cao để bảo vệ chế độ xem chừng mất hết ý nghĩa lớn lao của nó". (trích từ blog Quechoa của nhà văn Nguyễn Quang Lập)

 

Thế đấy, các anh chị ấy đều giống nhau ở chỗ cho rằng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương, hay nói rộng ra là đảng, đã bỏ lỡ "cơ hội rất lớn", "vận hội thu phục nhân tâm", "cơ hội ngàn vàng". Tôi nghĩ rằng có thể nhiều người đồng tình với quan điểm đó, ý kiến đó. Và tiếc, tiếc đứt ruột là đằng khác, chả khác vàng tưởng đã cầm nắm chắc trong tay nhưng để lọt. Kể ra nếu có thứ cơ hội như vậy mà không biết tận dụng thì uổng biết bao. Lịch sử từng xuất hiện những thời cơ, cơ hội như thế, tháng 8.1945 là ví dụ tiêu biểu.
Riêng tôi, tôi cho rằng chả có cơ hội nào cả. Cả đời từ bé cho đến giờ, tôi sống trong chế độ này, luôn với những người cầm quyền như hiện nay, tôi hiểu dù họ tự nhận là lực lượng lãnh đạo đất nước nhưng rất nhiều vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước, vận mệnh dân tộc, đời sống nhân dân, họ vẫn xem là việc riêng của họ. Bằng chứng là họ họp suốt hơn 2 tuần nhưng dân băn khoăn ngơ ngác có biết tí ti gì đâu. Ngay cả họp xong rồi họ cũng chỉ ỡm ờ, nửa nạc nửa mỡ, thông tin rất chung chung, kiểu "Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương được cho nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị... Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ... quyết định không thi hành kỷ luật đối với Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị", ai quan tâm muốn hiểu thế nào thì hiểu. Điều ấy chứng minh đó không phải chuyện của dân, chỉ là chuyện riêng của đảng. Và tôi hiểu họ nhất ở chỗ họ không bao giờ cần đến cơ hội, cơ hội khách quan hay chủ quan cũng vậy. Họ luôn cho rằng mình đúng, chủ động trong mọi điều, sáng suốt trong mọi hoàn cảnh, sâu sắc trong mọi hành động. Không bao giờ sai, như lối tuyên truyền xưa nay "là người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng", luôn biết chuyển bại thành thắng (mà chả mấy khi bại), xấu thành tốt, dở thành hay. Biết tính toán, chủ động tất cả, thì làm gì có chuyện bỏ qua cơ hội. Chừng ấy bộ óc tự nhận rất thông minh, siêu việt, làm gì có chuyện bỏ qua cơ hội. Chính xác là họ chỉ muốn sự việc như thế, kết quả như thế, đã tính toán thật kỹ lưỡng, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rõ "cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay", dù phải chọn phương án xấu nhất trong những phương án xấu họ cũng vẫn chọn vẫn làm để đảm bảo không đổ vỡ, không mất uy tín. Sự tồn tại của đảng là trên hết.Phải thừa nhận rằng đảng là một tổ chức chính trị rất chặt chẽ, có nguyên tắc. Một trong những nguyên tắc của đảng là khi xây dựng, phát triển đội ngũ có thể bỏ sót người tài nhưng bất kỳ ai đứng trong tổ chức đều phải là người trung thành, tuyệt đối trung thành. Với đội ngũ đảng viên như thế, nhất nhất theo ý kiến cấp trên, sao dám khác biệt mà cơ hội với chả cơ hội. 

Các vị Huy Đức, Nguyễn Quang Lập, Thùy Linh thương đảng mà tỏ bày tiếc cho đảng, có nhẽ khi ấy cái tình của các vị cao hơn cái lý. Tôi đồ rằng ông Trọng và đảng của ông sẽ cười mỉm và bảo "xin cám ơn, nhưng các anh chị không hiểu chúng tôi, cơ hội ư, với chúng tôi chả có cơ hội nào sất".

Tôi tự cho mình đã hiểu khá rõ những người của đảng nên tôi không thất vọng về đảng. Điều tôi rút ra được, nhất là sau cái gọi là hội nghị 6 vừa rồi, rằng đừng nên đặt quá nhiều hy vọng vào họ để rồi nhận lại thất vọng quá lớn.

17.10.2012


Nguyễn Thông

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn