Voi trong phòng khách là cách nói của người Mỹ để chỉ một điều rõ ràng, ai cũng biết nhưng lại quá tế nhị để người ta nói ra.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ nói Bộ Chính trị đã đề nghị Ban chấp hành trung ương kỷ luật toàn thể 14 ủy viên nhiều quyền lực nhất của Đảng và kỷ luật riêng "một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị".
Nhưng ngay lập tức các hãng thông tấn nước ngoài đã ám chỉ con voi đó là ai ngay trong câu đầu tiên của bản tin thay vì ở phần cuối của diễn văn nhiều trang mà ông Tổng bí thư đọc trên truyền hình.
Hãng thông tấn Anh Reuters đưa tin: "Đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam đã hứa hẹn đổi mới kinh tế và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng sau cuộc gặp cao cấp vốn chỉ trích các thành viên hàng đầu, được cho là bao gồm cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng để họ tại vị."
Hãng thông tấn Pháp AFP đưa rõ ràng hơn: "Thủ tướng Việt Nam thoát bị kỷ luật của các lãnh đạo cộng sản hôm thứ Hai bất chấp sự giận dữ về một loạt các vụ scandal tài chính và sai phạm kinh tế đã làm phương hại sự lãnh đạo của ông.
"Ông Nguyễn Tấn Dũng, 62 tuổi, người không bị nêu trực tiếp, được xem là mục tiêu trong tuyên bố sau cuộc họp của Ban chấp hành trung ương gồm 175 thành viên, trong điều đã trở thành một trong những chỉ trích công khai gay gắt nhất mà quốc gia kín đáo này từng đưa ra trong thời gian gần đây."
'Sâu trong nồi canh'
Việc Đảng công khai chuyện kỷ luật một ủy viên Bộ Chính trị nhưng không nêu tên có lẽ là điều không có tiền lệ.
Nếu so với hai ủy viên Bộ Chính trị từng bị kỷ luật gần đây, ông Trần Xuân Bách và Nguyễn Hà Phan, 'voi trong phòng khách' cao cấp hơn và tiếp tục tại vị chứ không bị ra khỏi Bộ Chính trị và mất chức.
Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng, người cũng là Giáo sư và Tiến sỹ về xây dựng Đảng, có vẻ ám chỉ 'voi trong phòng khách' chỉ là một trường hợp cá biệt trong tập thể 14 lãnh đạo cao cấp của Đảng, một con sâu làm rầu nồi canh.
Giọng vị Tổng Bí thư nghẹn ngào, không rõ do tuổi tác, phát biểu quá lâu hay vì xúc động, khi nói về "những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên" và đưa ra đề nghị kỷ luật cá nhân một "đồng chí".
Nếu toàn thể Bộ Chính trị thực sự nghiêm túc khi đề nghị kỷ luật một thành viên của mình, kết quả hội nghị cho thấy tình trạng "trên bảo dưới không nghe" khi Ban chấp hành trung ương đi ngược lại đề nghị kỷ luật.
Có ít nhất ba cách để giải thích quyết định của 175 đảng viên trong phòng họp về vấn đề nhân sự mà Đảng bàn trong vòng năm ngày tại cuộc họp hơn hai tuần qua.
Thứ nhất, có thể hệ thống chân rết của 'đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị' lớn tới mức cán cân lực lượng không thuận cho những người chủ trương thiết lập lại sự kiểm soát của Đảng.
Thứ hai, các ủy viên trung ương không muốn có sự bất ổn và tạo tiền lệ cho tương lai.
Thứ ba, cuộc họp không nhìn thấy ứng viên sáng giá thay thế trong trường hợp 'voi trong phòng khách' ra đi, dù tự nguyện hay ép buộc.
Nhà quan sát Việt Nam Carl Thayer nói hôm 14/10 rằng chuyện không có ứng viên rõ ràng nào để thay thế thủ tướng là hiện thực và đây là điều chính ông Nguyễn Tấn Dũng muốn.
Nếu như trước đây ông Nguyễn Sinh Hùng luôn là người sẵn sàng thay thế ông Dũng, nay ứng viên như thế không còn nữa.
Có lẽ đây cũng là lý do Giáo sư Trọng nói về chuyện phải "chuẩn bị nguồn quy hoạch dồi dào, mỗi chức danh có thể quy hoạch vài ba người, một người có thể quy hoạch vào vài ba chức danh."
Hơn nữa cũng không có gì đảm bảo một ứng viên nghe lời Đảng hơn sẽ là một nhà lãnh đạo tốt hơn.
Thực tế 'phũ phàng'
Trong diễn văn bế mạc, Tổng bí thư có vẻ nói rằng hai người tiền nhiệm của ông, hai ông Nông Đức Mạnh và Lê Khả Phiêu, đã không chấn chỉnh tư cách của các đảng viên và để một quá trình "tham nhũng, tiêu cực" cũng như "chạy chức, chạy quyền, chạy tội" diễn ra.
Việc 'voi trong phòng khách' bị đề nghị kỷ luật cũng nằm trong quá trình giải quyết hậu quả mà ông Trọng có ý nói ông phải gánh chịu.
Với hai nghị quyết trung ương 4 và 6, ông Trọng đã chứng tỏ ông không né tránh các vấn đề cần giải quyết cho dù về mặt công khai ông không điểm mặt chỉ tên các nhân vật mà trong phòng họp kín đã được đưa ra.
Tiến sỹ David Koh từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói hôm 12/10, nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu được các bức xúc của người dân và ông Trọng tỏ ra là một trong số những người đó.
Nếu thực sự ông Trọng muốn kỷ luật 'voi trong phòng khách' và không được như ý, ông sẽ hiểu được sự bất lực của những người dân thấp cổ bé họng.
Trong ngày hội nghị trung ương kết thúc, bà Nguyễn Thị Thương, vợ nông dân bị chính quyền Hải Phòng chèn ép Đoàn Văn Vươn, nói bà đã mất hết niềm tin và chín tháng qua là thời gian "phũ phàng" đối với những người phụ nữ và những đứa trẻ mà chồng và cha đang bị tạm giam trong khi nhà đã bị phá.
Trước hội nghị này, cựu dân biểu Đặng Thị Hoàng Yến, cũng nói các doanh nghiệp lớn như bà "cũng chỉ như những cánh bèo mà thôi, bất cứ ai cũng có thể mang đi băm vụn ra vì hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện và con người thực hiện lại cố tình không coi luật pháp tồn tại!"
Vấn đề xây dựng Đảng, chuyên ngành chính của vị Tổng bí thư, để có những công bộc thực sự trong sạch và có năng lực là chuyện quan trọng.
Nhưng quan trọng hơn là tạo ra một nhà nước pháp quyền mà trong đó cả chính quyền và người dân đều tôn trọng pháp luật và cũng tạo ra một xã hội dân sự để người dân có sân chơi trí tuệ.
Một luật sư người Anh nói chỉ có hai bước để tiến tới bạo chúa, một là ngăn báo chí hỏi những câu hỏi khó và hai là ngăn luật sư bào chữa những vụ án khó.
Thực tế cho thấy cả hai điều này đều được cho là đang diễn ra ở Việt Nam và nó khiến người dân nói thực tế thật "phũ phàng".
Nguyễn Hùng
16-10-2012
Theo BBC
Gửi ý kiến của bạn