BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội : Ba kiến nghị liên quan đến di tích lịch sử -văn hoá

20 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 1247)
Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội : Ba kiến nghị liên quan đến di tích lịch sử -văn hoá
514Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
514
Đảng Cộng Sản Việt Nam và Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam đang khẩn trương chuẩn bị Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010- 2010).



Tôi rất hoan nghênh. Tôi đề nghị Đảng và Nhà Nước hãy trả lại cảnh quan và di tích lịch sử một số địa danh cho đúng với những điều tổ tiên ta đã để lại, đúng với kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội

Trước hết hãy trả lại cảnh quan Chùa Một Cột. Chùa Một Cột được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tông, năm 1049, khi người nằm mơ được Đức Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát dắt lên tòa sen khi Phật Bà ngồi trên đó. Ngôi chùa đã trải qua bao thăng trầm nhưng vẫn tồn tại đến ngày nay là nhờ đó là biểu tượng của tâm hồn Việt Nam. Năm 1985 khi Đảng và nhà nước Cộng sản xây Bảo tàng Hồ Chí Minh đã quyết định phá chùa Một Cột. Nhưng khi đó có hòa thượng Thích Tâm Cẩn trụ trì kiên quyết không kí xác nhận việc phá chùa, đồng thời chúng tôi đã cùng bà con phật tử kiên quyết bảo vệ. Nhiều cuộc họp ở chùa, phật tử đến dự đông đúc kiên quyết phản đối nên mới giữ được chùa. Tuy nhiên Chùa cũng bị phá nhà thờ Tổ, nhà Tăng Ni, nhà bếp. Do đó, bây giờ Tam Bảo của chùa phải giành một góc thờ vong linh. Nhà thờ Mẫu cũng phải là nhà thờ Sư Tổ, nhà ở Tăng Ni và nhà bếp của chùa. Nói chung, các chùa đều có Tam Bảo, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Sư Tổ, nhà thờ vong linh riêng. Theo sử sách và tư liệu, tài liệu viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp cũ và thư viện Hà Nội thì chùa Một Cột xưa rộng rãi hơn bây giờ rất nhiều gồm 8 hạng mục: Tam Quan - Điện thờ Mẫu - Nhà thờ Tổ - Ngọai cung - Hậu cung thờ Phật - Nhà Hậu (Tăng) và bếp- Chùa Một Cột- Tháp Tổ.

Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng sản Việt Nam cũng nên biết Chùa Một Cột là biểu tượng tâm linh và lịch sử văn hóa đất nước ta. Tại đại lễ phật Đản VERSA 2008, 88 đại biểu quốc gia và vùng lãnh thổ đến tham dự đại lễ đã trân trọng cài lên ngực biểu tượng Chùa Một Cột . Và nay phiên bản chùa Một Cột được dựng lên ở Sài Gòn, Gia lâm, Hải Phòng, Thái Lan, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc. Thậm chí đồng 5000 đồng của Việt Nam cũng in hình Chùa Một Cột. Đảng Cộng Sản Việt Nam và Nhà Nước Việt Nam nên thật lòng tôn tạo lại ngôi cố tự danh thắng của Thủ đô Hà Nội, của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Đồng thời do Bảo tàng Hồ Chí Minh xây cao nên mỗi khi mưa, nước tràn ngập chùa. Do vậy, cần tôn tạo chống ngập lụt cho Chùa.

Thứ hai, trả lại ngôi đình Tử Dương Vọng Đình số 8 phố hàng Buồm, Hà Nội cho bà con làng Tử Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Ngôi đình này thờ Tuệ Trung Thượng Sĩ anh cả của Đức thánh Trần Đại Thiên Vương Trần Quốc Tuấn. Đình được xây dựng từ năm 1767 thời vua Lê Cảnh Hưng. Đình bị một cán bộ của Thông tấn xã Việt Nam chiếm từ 1955 làm cửa hàng bán bánh kẹo.

Dân làng Tử Dương đã đi đòi, nộp bao đơn thư lên cấp ủy Đảng Cộng Sản, chính quyền cộng sản Hà Nội; đã trình Bằng khoán Điền thổ số 505 của sở Bảo thư Điền thổ. Phủ Toàn quyền Đông Dương đã xác nhận “ Bất động sản nói trên thể hiện trên sổ cái địa chính đứng tên Đình Tử Dương sử dụng vào mục đích chung”. Đình Tử Dương Vọng Đình còn có 4 ngôi nhà với đầy đủ giấy tờ địa chính thời Pháp thuộc công nhận là hương hỏa của Đình ở số nhà 184B ngõ Tôn Thất Yên khu Đồng Xuân ; số nhà 17 khu Quán Thánh, phố Ngũ Xã ; số nhà 19 khu Quán Thánh, phố Ngũ Xã ; số nhà 14 khu Quán Thánh, phố Ngũ Xã. Nhưng lãnh đạo và chính quyền cộng sản Hà Nội đã lờ đi không giải quyết. Còn tên chiếm đình thì công khai nói đã nộp cho quận 35 cây vàng rồi.

Các nhà sử học và nhà văn hóa Hà Nội đã ủng hộ dân làng Tử Dương đòi Tử Dương Vọng Đình nhưng cũng bất lực. Ngày 4 tháng 4 năm 1994, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo về ngôi đình này. Tham dự có nhiều nhà sử học văn hóa cùng bà con làng Tử Dương; phát biểu có giáo sư Nguyễn Vinh Phúc - nhà Hà Nội học ; giáo sư Lê Văn Lan ; giáo sư Trần Lâm Biền ; giáo sư Cung Khắc Lược ; giáo sư Chu Quang Trứ ; tiến sĩ Đào Thái Tôn ; ông Nguyễn Chương - cán bộ nghiên cứu phố cổ Hà Nội. Giáo sư Trần Quốc Vượng bị mệt không đến dự được, đã gửi thư đến hội thảo. Tất cả đều công nhận nhà số 8 phố Hàng Buồm là ngôi đình Tử Dương Vọng Đình của bà con làng Tử Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có biên bản về cuộc hội thảo ghi số 114/HSH do tổng thư ký hội Dương Trung Quốc ký và đóng dấu. Ngày mùng 4 tháng 4 năm 1994 Hội đồng giám định di tích Hà Nội có văn bản di tích đình Tử Dương do bà Nguyễn Thị Minh ký. Ngày 24 tháng 12 năm 1984 văn bản của ban Tôn giáo UBND Thành phố Hà Nội xác định: “ngôi đình này là có thật trong danh mục di tích”, do ông Trần Văn Trọng ký tên và đóng dấu ngày 14 tháng 8 năm 1993.

Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng là rể làng (lấy con gái cụ Phạm Quang Hưng, chủ ngôi nhà 37 Cầu Gỗ, nơi hội tụ các lão thành cộng sản thời hoạt động bí mật, là Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngôi đình Tử Dương Vọng Đình) ủng hộ việc dân làng đòi Tử Dương Vọng Đình, song cũng bất lực.

Nhiều sách báo viết về Tử Dương Vọng Đình: sách “Đường phố Hà Nội” của Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá do nhà xuất bản Hà Nội năm xuất bản 1979 ; bài “Cần bảo tồn di tích ngôi đình số 8 Hàng Buồm-Hà nội” của Nguyễn Chương, Tạp chí Xưa và Nay tháng 9 năm 1994 ; bài “ Về đạo sắc ‘ Tử Dương Thần Tứ ’ sớm nhất hiện còn” của Cung Khắc Lược - Chu Quang Chứ, tạp chí Hán-Nôm tháng 1/1995 ; bài “Nghìn năm Thăng Long còn lại những gì?” của Vọng Ngàn, Chí Tín, báo Hà Nội Mới cuối tuần, 21/5/1996 ; bài “Xôn xao về một ngôi đình” của Đông Hà, Tạp chí Khoa học và Tổ Quốc 4/1995 ; bài “Tử Dương Vọng Đình đang bị lấn chiếm”, đài Vô tuyến truyền hình Việt nam phát 26/8/1996; bài “Làng Tía và Tử Dương Vọng Đình” của Văn Quân (Làng Tía là tên dân dã của làng Tử Dương, làng ở trên Quốc lộ 1 cách Hà nội 27 km có ga chợ Tía). Đài Tiếng nói Việt Nam phát ngày 28/8/1996 bài “Nỗi niềm trăn trở ở Tử Dương” của Hồ Ngọc, nhà xuất bản văn hóa thông tin, tháng chạp Bính Tý. Sách “Di tích lịch sử-văn hóa trong khu phố cổ và xung quanh Hồ Hoàn Kiếm” của ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm xuất bản 7/3/2002, trang 323, viết “Đình Tử Dương 8 Hàng Buồm thờ các phúc thần”.

Sự việc như vậy mà mấy chục năm nay dân làng đi đòi Đình không những không đòi được mà còn bị chính quyền cộng sản đàn áp.

Thứ ba, hãy trả lại Điện thờ danh tướng Phạm Nhữ Tăng cũng ở ngay giữa làng Tử Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ (nay đã là Hà Nội).

Danh tướng Phạm Nhữ Tăng được tạp chí Huế Xưa và Nay số 29 năm 1998 viết: “Danh tướng Phạm Nhữ Tăng thuộc dòng dõi của một tộc họ nổi tiếng có nhiều võ tướng kiệt xuất. Ông là hậu duệ của Đại danh tướng Phạm Ngũ Lão (1255-1320) đời Trần. Mùa xuân năm Tân Tỵ đời Hồng Đức năm thứ 12, tức 1471, vua Lê Thánh Tông hạ chiếu đính thần bàn bạc việc Nam tiến chinh phạt Chiêm Thành vì xâm phạm bờ cõi Đại Việt và đã sắc cho ông chức Trung Quân Đô Thống và trao ấn Tiên phong Thự Đổng Nhung, Chưởng Thập đạo Tinh binh Tiết chế chế Thủy Lục Quân. Đồng thời vua ban ngự tửu và trao hàm “Hàn Lâm Viện học sĩ”.

Dưới sự chỉ huy của danh tướng Phạm Nhữ Tăng, đại quân Đại Việt, đã bình định toàn bộ Chiêm Thành mở rộng bờ cõi phía Nam đất nước từ Quảng Nam đến Phan Rang, Phan Thiết. Báo Huế Xưa và Nay viết tiếp: “…Trước Cách mạng tháng Tám 1945, hậu duệ chi tộc Phạm ở thôn Tử Dương, làng Tía, tỉnh Hà Tây có xây điện thờ danh tướng Phạm Nhữ Tăng rất uy nghiêm có cả vườn cây và hồ sen”. Báo Quân đội Nhân dân cuối tuần, 18/4/1999, có bài “Trông lại ngàn xưa danh tướng Phạm Nhữ Tăng” của Nguyễn Phước Tường ; báo Nhân Dân cuối tuần, ngày 26/3/2000 cũng có bài “Đất nước con người danh tướng Phạm Nhữ Tăng” của Trần Hồng Đức. Quyển sách “Danh tướng Phạm Tu và danh nhân họ Phạm” và tạp chí Đất Quảng cũng viết về danh tướng Phạm Nhữ Tăng.

Thường năm, vào dịp lễ giỗ Danh tướng, 21-2 Âm lịch, chủ họ Phạm ở quê cùng bà con họ Phạm và nhiều nhà văn hóa, sử học hay về dự lễ giỗ Ngài. Và đây là văn bản của Trung tâm UNESCO Phát triển Nhân văn Việt Nam:

“Kính gửi : Ông Đặng văn Tu Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Tỉnh Hà Tây, số 30/PTNV, ngày 27/4/2002.

Thưa ông !

Âu cũng là Đạo trời khiến tôi lần đầu tiên cầm bút viết lá thư này (thay công văn) gửi đến ông, với tất cả tấm lòng tôn kính, tin cậy và đồng cảm tâm linh, tuy chưa gặp mặt mà “lòng đã chắc những ngày một hai”. Số là vừa qua Trung tâm chúng tôi có tổ chức một đoàn tới dâng hương nhân lễ kỷ niệm 525 năm ngày tạ thế của Danh tướng - Hàn lâm Viện học sĩ Phạm Nhữ Tăng theo lời mời của chi tộc họ Phạm tại làng Tía (Thường Tín) .

Sau khi dự lễ ra về, lòng tôi luôn trăn trở, tự vấn vì sao một danh tướng có công đầu phò Lê Thánh Tông về phía cực Nam Trung phần của Tổ quốc, đồng thời lại là một nhà lãnh đạo kiệt xuất trong việc chăn dân hưng thịnh, mà nay không có nổi một chỗ thờ phụng tôn nghiêm tại quê nhà ? Người họ Phạm nói, khi xưa, tại làng Tía có đền thờ ngài uy nghi, tọa lạc trên diện tích hàng ngàn m2 (hiện còn trích lục địa chính), có hồ bán nguyệt và khuôn viên khang trang, bề thế. Song, đền thờ bị phá hủy trong thời tiêu thổ kháng chiến chống Pháp. Rồi sau đó, một tư nhân (ông Thịnh) “nhảy dù” vào chiếm Đền một cách trái phép cho tới bây giờ.

Cho nên, lần đầu tiên về Tía, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ, nghĩ là đến đền thờ Ngài để dâng hương, lại hóa ra lại phải vào một gia đình tư nhân là nhà ông Phạm Quang Xuân (ông Xuân, với lòng hiếu nghĩa, tự nguyện giành một gian thờ gia tiên của gia đình mình để tạm làm nơi hương khói thờ Ngài Phạm Nhữ Tăng !).

Tuy vậy, hôm ấy tại nhà ông Xuân chúng tôi rất vui mừng được gặp gỡ nhiều vị Lão thành Cách mạng, nhà nghiên cứu, giáo sư ,nhân sĩ, trí thức của Thủ đô Hà Nội về dâng hương. Đặc biệt sự có mặt của đoàn đại biểu của quí Sở do một vị Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn về dâng lễ, đã gây một ấn tượng nhân văn rất tốt đẹp. Chẳng những đối với chi tộc họ Phạm mà còn đối với tất cả mọi người có mặt hôm ấy. Điều đó nói lên sự quan tâm của quí Sở đối với một di sản văn hóa chẳng những của địa phương Hà Tây, mà còn là của cả nước (Đền thờ Ngài không còn, song vong linh Ngài bất tử ; đó chính là văn hóa thờ vật thể mà chúng ta có trách nhiệm tôn vinh).

Chúng tôi nhận thức rằng đền thờ danh tướng Phạm Nhữ Tăng cần được sớm khôi phục, tái tạo và xây dựng lại một cách đàng hoàng, khang trang, để xứng đáng với tầm vóc một danh nhân đất nước.

Chúng tôi trộm nghĩ đến sự đồng thuận của quí Sở và với chức năng và trách nhiệm của mình, Trung tâm chúng tôi xin phép được đứng ra tài trợ kinh phí để tiến hành công việc trọng đại nói trên.

Chúng tôi rất mong một ngày gần đây, đại diện của Trung tâm chúng tôi sớm được hội kiến với quí Sở để trình bày rõ về sự đề xuất nói trên cua chúng tôi.

Rất mong được sự hồi âm của quí Sở .

Rất kính ông.

T/M Giám đốc Trung tâm UNESCO


Phát triển Nhân văn 


Giám đốc


Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Soạn


(Ký tên và đóng dấu)”


Ngôi đền thờ danh tướng Phạm Nhữ Tăng bị tên Định vốn là đảng viên Cộng sản xã chiếm từ năm 1955. Bà con chi họ Phạm ở làng Tử Dương và dòng họ Phạm cả nước đã tham gia đấu tranh đòi lại ngôi đền thờ danh tướng Phạm Nhữ Tăng này nhưng đều bị chính quyền địa phương từ tỉnh, huyện, đến xã, thôn bỏ lờ đi suốt mấy chục năm nay.

Nhân dịp Đảng và Nhà nước đang tích cực chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thêm một lần, tôi lại xin phản ánh ba việc trên.

Hy vọng quý vị hãy tỏ ra biết tôn kính tiên tổ mà thực sự lưu tâm đến những kiến nghị khẩn thiết này.

Hà Nội ngày 20 tháng 10 năm 2009

Phạm Quế Dương
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn